Tắc nghẽn mạch máu ở chân khá phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về tình trạng này. Sự thiếu hụt thông tin và kiến thức khiến không ít người cảm thấy “mù mờ” với chính sức khoẻ của mình, thậm chí phải đối diện với những biến chứng nghiêm trọng. Vậy, tắc nghẽn mạch máu ở chân là gì, nhận biết và xử lý ra sao? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.
Mục lục
1. Tắc mạch máu ở chân là gì?
Tắc mạch máu là hiện tượng lòng mạch bị thu hẹp và bít tắc bởi cục máu đông. Tình trạng này gây cản trở dòng chảy của máu, khiến máu tích tụ trong lòng mạch dẫn đến tăng áp lực lên thành mạch và tạo ra hàng loạt triệu chứng khó chịu. Tại chân, những trường hợp tắc mạch máu thường gặp gồm:
1.1 Tắc động mạch chân
Tắc động mạch chân là thường là tình trạng cấp tính, gây thiếu máu đột ngột, đe dọa đến khả năng bảo tồn chi. Tắc động mạch chân cấp tính được xếp vào nhóm nguy hiểm nhất trong số bệnh mạch máu ngoại biên. Nguyên nhân gây tắc động mạch chân có thể do:
- Cục máu đông được hình thành từ vị trí khác sau đó di chuyển đến động mạch chân và gây tắc nghẽn.
- Động mạch chân bị tổn thương (xơ vữa, bóc tách, phình) dẫn đến hình thành huyết khối trên thành mạch. Sau đó, huyết khối được tổ chức hoá và biểu mô hoá làm hẹp lòng mạch, dần dần gây tắc mạch.
- Chấn thương tại chân gây ra các vết thương cho mạch máu, làm hình thành huyết khối dẫn đến tắc mạch. Ngoài ra, các chấn thương cũng có thể làm phù nề tổ chức, gây chèn ép tắc mạch.
1.2 Tắc tĩnh mạch chân
Tắc tĩnh mạch chân (hay tắc tĩnh mạch chi dưới) xảy ra khi cục máu đông bít tắc lòng tĩnh mạch, ngăn dòng chảy của máu trở về tim. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu. Trong đó:
- Tắc tĩnh mạch nông: Chủ yếu do tác động từ bên ngoài như truyền dịch, truyền thuốc. Bệnh có thể thuyên giảm sau khi dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Tắc tĩnh mạch sâu: Thường xảy ra ở những người bất bất động lâu ngày, tổn thương thành mạch hoặc rối loạn đông máu. Vị trí tĩnh mạch bị tắc thường là ở vùng cẳng chân, đùi, khoeo hay tĩnh mạch chậu.
2. Dấu hiệu nhận biết tắc mạch máu ở chân
Tuỳ vào loại mạch máu bị tắc ở chân mà người bệnh sẽ có những triệu chứng lâm sàng khác nhau, cụ thể:
2.1 Tắc động mạch chân
Triệu chứng tắc động mạch chân khá điển hình. Người bệnh có thể dễ dàng nhận diện tình trạng này thông qua 5 dấu hiệu cơ bản sau:
- Đau cách hồi: Cảm giác đau tương tự chuột rút, thường xuất hiện ở một nhóm hoặc dải cơ đặc trưng. Đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Mức độ đau phụ thuộc vào vị trí và mức độ tắc nghẽn mạch máu.
- Mất mạch (pulselessness): Không phát hiện mạch đập ở mu chân. Đây là dấu hiệu điển hình, người bệnh nên đi siêu âm Doppler ngay nếu phát hiện tình trạng này.
- Xanh nhợt (pallor): Biểu hiện bằng tình trạng da chân lạnh và xanh nhợt so với chân còn lại.
- Rối loạn cảm giác (paresthesia): Thường gặp ở khoảng 50% người bệnh, biểu hiện bởi tình trạng mất cảm giác ở đầu chi (thường là ngón chân, cảm giác tê bì và châm chích.
- Liệt vận động (paralysis): Người bệnh bị liệt cơ và mất khả năng vận động. Tiên lượng cho những người có dấu hiệu này thường rất xấu.
2.2 Tắc tĩnh mạch
Tắc tĩnh mạch gây cản trở máu từ chân về tim, dẫn đến ứ trệ trong lòng mạch, tăng thoát dịch ngoài lòng mạch và giải phóng các yếu tố gây viêm. Tình trạng này được biểu hiện rõ ràng bởi các triệu chứng lâm sàng như:
- Dấu hiệu viêm đặc trưng bởi triệu chứng sưng, nóng, đỏ và đau.
- Khi sờ vào chân thấy cảm giác căng, trương lực cơ tăng so với chân lành.
- Cơn đau lan theo đường đi của mạch máu, đau tăng khi vận động hoặc khi thực hiện động tác gập mu chân.
- Da chân bị phồng, rộp nước hoặc các đốm nâu, tím, đỏ (hiện tượng loạn dưỡng da).
- Chân sưng phù to gây chèn ép động mạch.
- Triệu chứng đau ngực, khó thở, ho ra máu xuất hiện trong giai đoạn muộn, có biến chứng.
Nếu không có kiến thức chuyên môn, việc phân biệt tắc động mạch hay tĩnh mạch thông qua triệu chứng lâm sàng không phải điều dễ dàng. Do đó, người bệnh không nên tự phán đoán vấn đề của mình và chữa trị tại nhà. Thay vào đó, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám để tránh bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị bệnh.
3. Tắc mạch máu ở chân có nguy hiểm không?
Dù là tĩnh mạch hay động mạch ở chân bị tắc thì đều có thể dẫn đến nguy hiểm cho người bệnh. Trong đó, tắc động mạch khiến lòng mạch bị hẹp dẫn đến giảm nuôi dưỡng vùng cơ xung quanh. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến teo cơ và teo tổ chức mỡ dưới da. Lâu dần, người bệnh có thể bị lở loét không phục hồi ở vị trí ngọn chi (thường là ngón chân).
Tắc nghẽn động mạch làm giảm lưu lượng máu nuôi đến chân, từ đó dẫn đến teo cơ, liệt và hoại tử chi. Trường hợp xấu, người bệnh có thể phải cắt cụt chi, tỷ lệ này chiếm khoảng 30% người bệnh do phát hiện ở giai đoạn muộn. Ngoài ra, tắc động mạch chân có thể làm yếu thậm chí mất mạch đập dưới vùng tắc nghẽn, nguy cơ tử vong cao, có thể lên đến 25%.
Đối với tắc tĩnh mạch nông, các mạch máu có thể xơ cứng và mất chức năng vận chuyển máu. Trường hợp này thường không gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu được điều trị phù hợp. Ngược lại, cục máu đông trong tắc tĩnh mạch sâu có thể di chuyển đến động mạch phổi, làm tắc và gây nhồi máu phổi. Đây là biến chứng cấp tính và có thể khiến người bệnh tử vong ngay lập tức nếu nhồi máu phổi lớn.
Ngoài biến chứng cấp tính, tắc tĩnh mạch sâu lâu dài có thể phá huỷ van tĩnh mạch, dẫn đến giãn vỡ tĩnh mạch, loạn dưỡng da gây lở loét khó lành. Khoảng 60% người bệnh tắc tĩnh mạch nhân có thể gặp phải những vấn đề hậu huyết khối này nếu không được phát hiện, theo dõi và điều trị đúng cách.
4. Cần làm gì khi bị tắc mạch máu ở chân?
Hầu hết các trường hợp tắc mạch máu ở chân đều cần có sự can thiệp và điều trị của bác sĩ để loại bỏ tình trạng này. Tuỳ vào từng bệnh cảnh cụ thể mà người bệnh có thể phải kết hợp đồng thời biện pháp nội khoa và ngoại khoa để có được kết quả tốt nhất. Dưới đây là những việc bạn cần làm khi bị tắc mạch máu ở chân.
4.1 Điều trị tắc động mạch chân
Tắc động mạch chân đòi hỏi người bệnh phải được điều trị sớm và tích cực. Do đó, khi có dấu hiệu nhận diện tình trạng này, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Phác đồ điều trị cho người bệnh cần phối hợp đồng thời cả nội khoa và ngoại khoa, bao gồm:
- Dùng thuốc: Heparin được dùng như một giải pháp ngăn sự lan rộng của cục máu đông và ngăn thiếu máu cấp tính do tắc động mạch chân gây ra.
- Phẫu thuật: Loại bỏ cục máu đông bằng Fogarty. Có thể kết hợp với phương pháp cầu nối mạch máu hoặc kỹ thuật hút bỏ huyết khối nếu cần thiết.
- Mở cân: Được chỉ định trong trường hợp tắc động mạch chân có dấu hiệu chèn ép khoang.
- Cắt chi: Được chỉ định khi chân bị thiếu máu không hồi phục hoặc điều trị tái tưới máu thất bại, người bệnh bị rối loạn toàn thân do hội chứng tái tưới máu, rối loạn chuyển hóa gây nguy hiểm tính mạng.
4.2. Điều trị tắc tĩnh mạch chân
Phác đồ điều trị tắc tĩnh mạch chân được xây dựng dựa trên tĩnh mạch bị tắc nghẽn, triệu chứng và tình trạng hiện tại của người bệnh. Cụ thể:
- Tắc tĩnh mạch nông: Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm kết hợp loại bỏ nguyên nhân gây viêm mạch (tiêm truyền). Những trường hợp viêm tắc lan rộng có thể phối hợp thêm thuốc chống đông máu.
- Tắc tĩnh mạch sâu: Dùng thuốc chống đông máu, thuốc tiêu huyết khối và phẫu thuật loại bỏ cục máu đông. Một số trường hợp, người bệnh cần đặt ống lọc vào lòng mạch nếu không thể uống thuốc chống đông máu.
4.3 Phòng ngừa tắc mạch máu tái phát
Xây dựng lối sống khoa học giúp tăng cường độ bền thành mạch, cải thiện tuần hoàn, từ đó hạn chế ảnh hưởng của tắc mạch máu và ngăn tái phát. Những lưu ý cụ thể cho người bệnh gồm:
- Tránh lạm dụng các loại thuốc nội tiết, điển hình như thuốc tránh thai vì có thể ảnh hưởng đến chức năng mạch máu và tuần hoàn.
- Người bị tắc tĩnh mạch chân nên kê cao chân khi ngủ, mang vớ y khoa để giảm ứ trệ, hỗ trợ tuần hoàn máu từ chân về tim tốt hơn.
- Kiểm soát tốt cân nặng dựa trên chỉ số BMI. Nếu thừa cân, bạn cần áp dụng các biện pháp giảm cân khoa học theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tăng cường tập luyện các bài tập thể dục phù hợp giúp cải thiện tuần hoàn và rèn luyện sự đàn hồi của mạch máu.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hoá và vitamin giúp cải thiện độ bền thành mạch và hỗ trợ tuần hoàn tốt hơn.
- Hạn chế sử dụng những thực phẩm bất lợi cho mạch máu và tuần hoàn như: mỡ động vật, thực phẩm giàu cafein, rượu, bia, thuốc lá,…
- Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 35g/ kg/ ngày nhằm ổn định thể tích và lưu lượng máu trong cơ thể.
- Tích cực điều trị những bệnh lý có khả năng gây tắc mạch như: suy giãn tĩnh mạch, xơ vữa động mạch,…
- Tuân thủ lịch hẹn tái khám của bác sĩ hoặc chủ động khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là ở người có nguy cơ cao.
Tắc mạch máu ở chân là tình trạng phổ biến và nguy hiểm nhưng lại chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức của cộng đồng. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết hôm nay sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng này, qua đó có thể nhận diện những dấu hiệu bất thường, xử trí kịp thời và tránh được những hậu quả nghiêm trọng.
Tài liệu tham khảo:
- https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-som-tac-dong-mach-chi-duoi-tranh-tan-phe-169116745.htm
- http://www.benhvienbaichay.vn/news/chuyen-khoa-sau/benh-viem-tac-tinh-mach-chi-duoi-can-duoc-phat-hien-va-dieu-tri-som.html