Vỡ mạch máu ở chân có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng hầu hết mọi người đều chưa biết cách xử lý tình trạng này. Một số người thậm chí không phát hiện mình bị vỡ mạch máu cho đến khi biến chứng xuất hiện và gây nguy hiểm. Vậy, vỡ mạch máu dưới chân là gì? Nguyên nhân do đâu và xử trí ra sao? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề này.
Mục lục
1. Vỡ mạch máu ở chân là gì?
Vỡ mạch máu ở chân là tình trạng thành mạch máu mất tính liền mạch, có những vết nứt, thủng hay thậm chí là giập thành mạch. Tại những vị trí tổn thương, máu từ lòng mạch thoát vào các vị trí lân cận gây ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác. Trường hợp mất máu quá nhiều, người bệnh có thể đối diện với nguy cơ tử vong.
Vỡ mạch máu chân có thể xảy ra ở cả 3 loại mạch máu gồm: động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Trong đó, vỡ mao mạch là tình trạng nhẹ nhất, có thể dễ dàng nhận biết thông qua những vết bầm tím, chấm màu đỏ trên da. Những triệu chứng vỡ mao mạch hầu hết sẽ tự biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu tâm về những bệnh lý tiềm ẩn phía sau triệu chứng này.
Đối với vỡ động mạch và tĩnh mạch chân, người bệnh có thể bị xuất huyết ồ ạt, mất máu nghiêm trọng. Người bị vỡ động – tĩnh mạch chân có thể bị choáng váng, tụt huyết áp, khó thở, da xanh lạnh. Các biểu hiện tại chân có thể gồm: đau chân, mất mạch, chân tím tái, tê và yếu, liệt chân. Nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời, người bệnh đối diện với nguy cơ tử vong cao.
2. Nguyên nhân vỡ mạch máu ở chân
Vỡ mạch máu ở chân có thể xảy ra do tác động vật lý từ bên ngoài hoặc xuất phát từ tổn thương từ bên trong mạch máu. Tuỳ vào từng loại mạch máu mà các yếu tố nguy cơ có sự khác biệt nhất định, cụ thể:
2.1 Nguyên nhân gây vỡ mao mạch
Mao mạch là những mạch máu nhỏ dưới da có vai trò kết nối giữa động mạch và tĩnh mạch. Do thành mạch mỏng, độ đàn hồi kém hơn những loại mạch máu khác nên mao mạch dễ bị tổn thương và nguy cơ vỡ cũng cao hơn. Một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này gồm:
Chấn thương: Hiện tượng vỡ mao mạch có thể xảy ra khi bạn ngã hay va đập trong cuộc sống hàng ngày. Biểu hiện rõ rệt nhất là các mảng bầm tím, tụ máu trên da.
Ban xuất huyết: Xảy ra khi mao mạch bị vỡ làm rò rỉ máu vào da gây nên những chấm màu đỏ có đường kính nhỏ hơn 2mm (ban xuất huyết không giảm tiểu cầu) hoặc mảng tím đỏ đường kính 4 – 10mm (ban xuất huyết giảm tiểu cầu.
Bệnh bạch cầu (hay ung thư máu): Xuất hiện khi tủy xương giảm sản xuất tế bào khỏe mạnh, bao gồm: bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Khi tiểu cầu giảm, quá trình đông máu chậm hơn khiến người bệnh dễ bị chảy máu dưới da được biểu hiện qua những đốm xuất huyết.
Nhiễm khuẩn máu: Khiến hệ miễn dịch hoạt động quá mức, gây tổn thương mao mạch và tạo nên những chấm đỏ xuất hiện trên da toàn thân. Cùng với đó, người bệnh có thể bị sốt cao, ớn lạnh, da nhợt nhạt, tụt huyết áp, tăng nhịp tim và nhịp thở. Đây là tình trạng nguy hiểm, người bệnh có thể tử vong ngay cả khi đã được xử trí cấp cứu.
Nguyên nhân khác: Vỡ mao mạch cũng có thể xảy ra khi người bệnh bị: dị ứng, nhiễm virus, lão hoá, sử dụng thuốc chống đông máu, thiếu vitamin K hoặc mắc các bệnh tự miễn.
2.2 Nguyên nhân vỡ tĩnh mạch
Vỡ tĩnh mạch là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất trong bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chân. Suy giãn tĩnh mạch là hiện tượng mạch máu bị giãn rộng dẫn đến giảm hoặc mất khả năng vận chuyển máu. Tình trạng này khiến máu ứ đọng trong lòng mạch, làm tăng áp lực lên thành mạch. Áp lực tăng cao quá mức vượt quá khả năng đàn hồi của thành mạch khiến mạch máu bị giãn vỡ.
Ngoài ra, giãn vỡ tĩnh mạch cũng có thể xảy ra khi trong các trường hợp tai nạn khiến mạch máu bị tổn thương, gây ra các vết nứt, rách trên thành mạch hay thậm chí là đứt mạch máu. Giãn vỡ tĩnh mạch có thể khiến người bệnh bị choáng, sốc thậm chí là tử vong do mất máu quá nhiều mà không được cấp cứu kịp thời.
Đọc thêm: Suy giãn tĩnh mạch chân có chữa khỏi hẳn được không?
2.3 Nguyên nhân vỡ động mạch
Động mạch chân (hay động mạch khoeo) nằm ở vị trí sau gối, sát ngay các xương và phía trước cân cơ của cơ cẳng chân. So với tĩnh mạch và mao mạch, thành động mạch dày hơn và độ đàn hồi tốt hơn. Do đó, tình trạng vỡ động mạch thường không phải do nguyên nhân bệnh lý từ bên trong gây ra.
Hầu hết trường hợp vỡ động mạch chân đều do nguyên nhân chấn thương. Những vết thương xuyên thấu hay va đập mạnh ở chân có thể gây rách, thủng hay thậm chí là đứt động mạch. Tình trạng này khiến người bệnh mất máu nghiêm trọng, tăng nguy cơ liệt chi và có thể dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
3. Cách xử lý khi bị vỡ mạch máu ở chân
Tuỳ vào loại mạch máu bị vỡ mà người bệnh cần có hướng xử lý khác nhau. Dưới đây là các trường hợp cụ thể:
3.1 Xử lý vỡ mao mạch
Đa số các trường hợp vỡ mao mạch chỉ gây ra các vết bầm, tím hay tụ máu dưới da. Bạn có thể xử lý tình trạng này bằng các cách sau:
- Chườm lạnh tại vị trí vỡ mạch máu dưới da khoảng 10 – 15 phút giúp làm co mạch, hạn chế chảy máu và giảm triệu chứng viêm: sưng, nóng, đỏ, đau.
- Tránh để vị trí vỡ mao mạch tiếp xúc với nhiệt độ cao trong khoảng 48 giờ.
- Kê cao chân giúp giảm áp lực, hạn chế chảy máu.
- Trường hợp đau nhiều, người bệnh có thể sử dụng thuốc chứa paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau.
Sau khi thực hiện những việc trên, người bệnh theo dõi vết thương tại nhà. Nếu các vết bầm tím, tụ máu không biến mất hoặc có dấu hiệu lan rộng kèm theo triệu chứng khó chịu, bạn nên đến gặp bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
3.2 Xử lý vỡ tĩnh mạch và động mạch
Vỡ tĩnh mạch và động mạch là tình trạng nguy hiểm. Do đó, việc đầu tiên cần làm khi gặp phải tình trạng này là gọi cấp cứu. Sau đó, người bệnh hoặc người xung quanh có thể thực hiện những việc sau trong thời gian chờ đợi:
- Dùng khăn mềm hoặc gạc ép ngay trên vị trí chảy máu giúp giảm lượng máu thoát ra ngoài và duy trì áp lực dòng chảy trong mạch.
- Người bệnh nằm ngay trên sàn, nâng chân cao hơn tim để giảm áp lực lên vùng chân.
- Kiểm tra vị trí chảy máu sau khoảng 30 phút. Chú ý, vẫn giữ khăn đè trên vị trí mạch máu vỡ cho dù máu đã ngưng chảy.
- Người bệnh cố gắng thư giãn và đợi nhân viên y tế đến xử trí các bước tiếp theo.
Vỡ mạch máu ở chân có thể nguy hiểm hoặc không, phụ thuộc vào loại mạch máu và mức độ vỡ. Hy vọng bài viết hôm nay đã mang lại những thông tin hữu ích, giúp bạn đọc nhận diện được tình trạng này và có cách xử trí phù hợp. Nếu có thắc mắc cần giải đáp, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp đến hotline 1900 545 518 để được chuyên gia hỗ trợ.