Bất cứ ai từng bị tê chân như kim châm đều hiểu được cảm giác khó chịu của triệu chứng này. Nhiều người tỏ ra lo ngại khi hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần và kéo dài hơn. Vậy, tê chân như kim châm có phải là dấu hiệu bệnh và có gây nguy hiểm hay không? Mời bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn trong nội dung dưới đây.
Mục lục
1. Tê chân như kim chân là gì?
Tê chân như kim châm thực chất là hiện tượng rối loạn cảm giác một phần hoặc hoàn toàn ở vùng chân. Người bệnh có thể cảm nhận được triệu chứng tê như kim chân ở chân thông qua cảm giác tê rần kèm theo cảm giác kiến bò, đau châm chích hoặc đau nhói ở vùng chân khi không có bất kỳ kích thích nào.
Sau đó, vùng da trên chân có thể thay đổi nhiệt độ, nóng ran lên hoặc xuất hiện cảm giác rung bất thường trên da. Cuối cùng, chân có thể mất cảm giác hoàn toàn, liệt ngọn chi tạm thời trước khi triệu chứng biến mất.
Tùy vào trường hợp cụ thể mà biểu hiện tê chân như kim châm ở mỗi người bệnh sẽ khác nhau, thường gặp như:
- Tê ở một phần chân: Thường do rối loạn hoặc tổn thương hệ thần kinh ngoại biên.
- Tê ở một bên của cả hai chân (có thể tê ở cơ thể): Thường do tổn thương não bộ.
- Tê ở vị trí đối xứng dưới da: Thường do tổn thương tủy sống.
- Tê ở hai bên không tương ứng kèm theo rối loạn cảm giác gia: Thường do bệnh đa dây thần kinh, đơn dây thần kinh đa ổ hoặc tổn thương cục bộ não hoặc tủy.
Có thể bạn quan tâm: Gác chân lên tường bị tê chân là vì sao?
2. Tê chân như kim châm có phải là bệnh lý?
Triệu chứng tê chân như kim châm có thể được khởi phát bởi nhiều yếu tố như: thiếu dinh dưỡng, thiếu máu cục bộ, rối loạn chức năng dẫn truyền thần kinh do mất myeline, chèn ép dây thần kinh, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng, nhiễm độc thần kinh hoặc rối loạn trung gian miễn dịch.
Như vậy, tê chân như kim châm có thể là dấu hiệu bệnh lý hoặc không. Cụ thể, tê chân như kim châm nếu chỉ xuất hiện trong vài phút rồi biến mất thường xuất phát từ nguyên nhân sinh lý như: ngồi hay nằm quá lâu ở một tư thế tạo ra chèn ép cơ học tạm thời vào mạch máu gây thiếu máu cục bộ hay các dây thần kinh.
Ngược lại, tê chân như kim châm xuất hiện thường xuyên và kéo dài kèm theo các dấu hiệu bất thường có thể do nguyên nhân bệnh lý. Một số bệnh lý phổ biến gây ra triệu chứng này gồm có:
Suy giãn tĩnh mạch chân: Là tình trạng hệ thống van một chiều và tĩnh mạch bị phình giãn dẫn đến suy giảm khả năng lưu thông máu. Hệ quả là máu ứ đọng tại lòng mạch, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây thiếu máu cục bộ và dẫn đến triệu chứng tê bì, châm chích ở chân.
Đọc thêm: Bị suy giãn tĩnh mạch chân uống viên thảo dược này của Pháp được gì?
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng:
Xảy ra khi các đĩa đệm ở giữa các đốt sống vùng thắt lưng bị thoái hóa khiến bao xơ nứt vỡ, nhân nhầy thoát ra khỏi vị trí sinh lý bình thường chèn ép vào các rễ thần kinh. Điều này làm gián đoạn khả năng dẫn truyền tín hiệu của hệ thống thần kinh và gây ra các triệu chứng ở chân như: đau căng cứng, tê như kim châm, kiến bò, châm chích,…
Thoái hóa đốt sống thắt lưng:
Là tình trạng các sụn ở đốt sống bị bào mòn khiến các đầu xương bị thoái hóa, hình thành các gai xương và chèn ép lên rễ thần kinh. Hệ quả là người bệnh xuất hiện cơn đau nhức chạy dọc từ thắt lưng xuống chân kèm theo triệu chứng tê bì ở chân.
Tiểu đường:
Nồng độ đường huyết tăng cao kèm theo tăng huyết áp khiến các hệ thống mạch máu ngoại vi dễ bị tổn thương, đặc biệt là mạch máu xa tim như ở chân. Đây là nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ và gây ra các dị cảm ở chân như: tê bì, châm chích, nóng ran bàn chân.
Đọc thêm: Lưu ý khi chăm sóc đôi chân cho người bị tiểu đường
Xơ vữa động mạch:
Xơ vữa động mạch khiến lòng mạch máu bị thu hẹp, giảm lưu lượng tuần hoàn máu đến các chi, giảm máu nuôi dưỡng hệ thống thần kinh dẫn đến rối loạn chức năng dẫn truyền của hệ thần kinh gây ra triệu chứng tê chân như kim châm.
Viêm đa rễ thần kinh:
Bệnh khiến hệ thống thần kinh ngoại biên bị tổn thương, giảm chức năng dẫn truyền, gây rối loạn cảm giác và chức năng vận động.
Hẹp ống sống:
Ở những người có cột sống bị biến dạng khiến các ống sống có kích thước hẹp hơn bình thường có thể gây chèn ép vào các rễ thần kinh, tắc nghẽn lưu thông máu dẫn đến triệu chứng tê chân như kim châm kéo dài.
Thiểu năng tuần hoàn não:
Gây rối loạn chức năng của não bộ do thiếu hụt oxy và dinh dưỡng. Hệ quả là não bộ đưa ra các phân tích sai lệch khi nhận được tín hiệu từ hệ thần kinh ngoại vi chuyển về dẫn đến các dị cảm ở chân như: tê bì, châm chích, kiến bò, mất cảm giác,…
3. Tê chân như kim châm có nguy hiểm không?
Tê chân như kim châm có gây nguy hiểm hay không phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân khởi phát triệu chứng này. Nếu xuất phát từ nguyên nhân sinh lý, triệu chứng tê chân như kim châm thường sẽ biến mất nhanh chóng sau khi người bệnh nghỉ ngơi, thay đổi tư thế. Tình trạng này hoàn toàn không gây nguy hiểm.
Ngược lại, nếu tê chân như kim châm là dấu hiệu của bệnh lý, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng. Vì lý do này, bạn cần chủ động thăm khám sớm khi triệu chứng này xuất hiện thường xuyên và kéo dài. Việc phát hiện sớm bệnh lý sẽ giúp bạn có phác đồ điều trị đúng đắn, giảm nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm.
Thực tế, dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì tê chân như kim châm vẫn gây ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực như:
- Cản trở vận động: Khi bị tê chân như kim châm, hầu hết mọi người phải tạm ngưng hoạt động cho đến khi triệu chứng này biến mất hoàn toàn. Việc cố di chuyển khi đang tê chân có thể khiến bạn dễ bị té ngã, tai nạn.
- Giảm hiệu quả công việc: Tê chân như kim châm xuất hiện liên tục và kéo dài có thể khiến bạn không thể tập trung làm việc, làm giảm hiệu quả công việc. Điều này đặc biệt rõ ràng ở những người lao động chân tay.
- Ảnh hưởng đến kinh tế: Không ít người lựa chọn cách điều trị triệu chứng mà không thăm khám điều trị chuyên khoa. Điều này khiến tê chân tái đi tái lại nhiều lần làm tiêu tốn về kinh tế.
- Gây tâm lý mệt mỏi: Tê chân như kim châm không gây đau đớn dữ dội nhưng lại mang đến cảm giác vô cùng khó chịu. Nếu xảy ra thường xuyên, người bệnh có thể xuất hiện tâm lý bức bối, mệt mỏi và căng thẳng.
4. Làm thế nào để khắc phục triệu chứng tê chân như kim châm?
Để khắc phục triệu chứng tê chân như kim châm, bạn có thể lựa chọn nhiều phương pháp khác nhau. Dưới đây là những biện pháp phổ biến nhất:
4.1 Tập kéo căng chân bị tê
Kéo căng chân bị tê là cách nhanh chóng để giãn cơ, tăng cường tuần hoàn máu, giảm tình trạng tê bì, châm chích ở chân. Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần:
- Đứng hoặc ngồi vững sau đó duỗi căng chân bị tê hết mức có thể.
- Trong lúc này, thực hiện xoay nhẹ khớp cổ chân, kết hợp gập duỗi các ngón chân.
- Thực hiện gập duỗi khớp gối để giảm tê mỏi chân nhanh hơn.
- Kéo căng chân trong liên tục 5 – 10 phút sẽ thấy triệu chứng được cải thiện.
4.2 Massage chân
Các động tác xoa bóp, massage chân giúp làm giãn cơ bắp, giảm căng thẳng cho hệ thần kinh – xương khớp đồng thời kích thích tuần hoàn máu qua chân. Điều này giúp giảm nhanh triệu chứng tê bì, căng cứng, đau mỏi ở chân.
Cách massage chân như sau:
- Bạn ngồi ở tư thế thoải mái hoặc nằm thả lỏng (nếu có người hỗ trợ massage).
- Xoa hai lòng bàn tay vào nhau đến khi lòng bàn tay ấm lên.
- Dùng hai tay xoa bóp với lực vừa phải từ vùng đùi đến bàn chân và các ngón chân.
- Tại vùng chân bị tê như kim châm, bạn có thể tăng lực và tần suất xoa bóp để cải thiện triệu chứng nhanh chóng hơn.
- Thực hiện massage liên tục trong khoảng 15 – 20 phút và nghỉ ngơi khoảng 10 – 15 phút trước khi quay trở lại hoạt động bình thường.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp chữa tê chân bằng châm cứu
4.3 Sử dụng thảo dược ngâm chân
Ngâm chân thảo dược có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, từ đó giảm nhanh triệu chứng tê chân như kim châm. Một số cách ngâm chân thảo dược hiệu quả gồm:
- Ngâm chân nước gừng: Đập dập 20 – 30g dừng tươi, đun sôi với nước, sau đó đợi nguội bớt đến khoảng 40 độ thì ngâm chân trong khoảng 10 – 15 phút.
- Ngâm chân ngải cứu: Lấy khoảng 20 – 30 g ngải cứu đun sôi với khoảng 1.5l nước sạch. Sau đó, đợi nước nguội bớt thì ngâm chân trong khoảng 15 phút.
- Ngâm chân hồng hoa: Dùng 10 – 15g hồng hoa đun sôi với khoảng 2 lít nước. Đổ nước ra, đợi nguội bớt đến khoảng 40 độ thì ngâm chân trong khoảng 10 – 15 phút.
Lưu ý: Không áp dụng những biện pháp này nếu có vết thương hở ở chân hoặc các triệu chứng viêm như: chân sưng tấy, đỏ đau, nóng ấm. Ngoài ra, những người có bệnh lý về tim mạch và huyết áp cũng không nên áp dụng biện pháp này.
Đọc thêm: Bị suy giãn tĩnh mạch nên ngâm chân thế nào mới đúng?
4.4 Dùng thuốc
Sử dụng thuốc là biện pháp giúp kiểm soát triệu chứng hiệu quả và nhanh chóng. Các thuốc được sử dụng để giảm tê chân như kim châm thường gồm:
- Thuốc giảm đau paracetamol: Giúp giảm triệu chứng đau ở mức độ nhẹ đến vừa. Thuốc giúp giải quyết hiệu quả cảm giác đau châm chích, nhói như kim châm ở chân do mọi nguyên nhân.
- Thuốc chống viêm NSAIDs: Giúp giảm đau, chống viêm ở mức độ vừa đến nhẹ xảy ra trong các bệnh lý viêm xương khớp. Một số hoạt chất được dùng phổ biến như: Aspirin, Meloxicam, Ibuprofen…
- Thuốc giãn cơ: Khắc phục tình trạng co thắt, co cứng cơ bắp từ đó tăng cường lưu thông máu, giải quyết tình trạng thiếu máu cục bộ. Các thuốc được dùng phổ biến như: Myonal, Mydocalm,…
- Thuốc chống đông máu: Giúp khắc phục triệu chứng tê chân như kim châm do cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Các thuốc được dùng phổ biến như: Aspirin, Clopidogrel, Dipyridamole, Prasugrel, Ticagrelor,…
- Vitamin và chất khoáng: Dùng cho các trường hợp tê chân do thiếu hụt vi chất dẫn đến rối loạn chức năng dẫn truyền hệ thần kinh. Các vi chất thường được bổ sung gồm: vitamin B12, vitamin B6, vitamin B1, Canxi,…
Mặc dù cho hiệu quả nhanh và tiện lợi nhưng sử dụng thuốc sai cách có thể khiến người bệnh gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng thuốc sau khi được bác sĩ thăm khám và chỉ định.
Ngoài tây y, đông y cũng có những bài thuốc giúp cải thiện tình trạng tê bì chân tay, bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết: Các bài thuốc chữa tê chân tay bằng đông y