Ngoài những biểu hiện thường thấy sau khi uống rượu bia như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, một số người còn cảm thấy mỏi chân, đau nhức chân tay. Uống bia rượu xong bị mỏi chân nguyên nhân do đâu? Cùng Dulcit tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Mục lục
1. Bia rượu ảnh hưởng tới chi dưới như thế nào và tại sao nó gây mỏi chân?
Uống rượu, bia với với liều lượng phù hợp có tác dụng kích thích tiêu hóa và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, các bệnh lý mạch máu ngoại vi. Tuy nhiên, uống với liều lượng bao nhiêu để có tác dụng này thì vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa có con số chính xác.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng, uống với liều lượng lớn trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ tim mạch, hệ tiêu hóa (gan, tụy, dạ dày), hệ thần kinh trung ương, hệ sinh dục,… Trong đó, thường gặp nhất là gây suy giảm chức năng chi dưới với các biểu hiện như đau nhức, tê mỏi chân, phù chân.
Sở dĩ, uống nhiều rượu bia gây ra ảnh hưởng trên bởi những lý do sau:
Ảnh hưởng đến chất tính chất lý hóa của máu
Ethanol (thành phần có trong rượu, bia) và chất chuyển hóa của nó là (acetaldehyde) làm thay đổi tính chất hóa lý của máu, giảm tốc độ lưu thông máu (đặc biệt là mao mạch). Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức mô và các cơ quan trong cơ thể nhận được ít oxy, protein, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất, từ đó gây ra các biểu hỏi tê mỏi chân.
Giảm độ bền thành mạch
Rượu, bia làm tăng nồng độ hormon renin trong máu dẫn đến mạch máu co lại và đường kính lòng mạch bị thu hẹp. Ngoài ra, ethanol và chất chuyển hóa của nó còn làm giảm độ bền thành mạch. Điều này khiến máu trong lòng mạch bị ứ đọng và dễ hình thành cục máu đông, gây ra các biểu hiện sưng, phù.
Giảm hấp thu khoáng chất
Rượu, bia cũng gây rối loạn quá trình hấp thu khoáng chất, tăng thải kali và calci qua nước tiểu và mồ hôi.
Như đã biết, thiếu kali làm giảm dẫn truyền thần kinh khiến quá trình truyền tín hiệu từ thần kinh trung đến vùng cơ xương khớp gặp nhiều khó khăn. Kết quả là người bệnh cảm thây tê bì chân tay, chi dưới khó cử động.
Song song với đó, quá trình hấp thu calci cũng diễn ra không mấy hiệu quả, dẫn đến hàm lượng calci trong máu và xương bị sụt giảm, gây ra các biển hiện chuột rút, tiếng lục khục trong các khớp, đau đầu, chóng mặt,…
Mắc một số bệnh lý
Người bị bệnh gout, viêm khớp, suy giãn tĩnh mạch cũng có thể bị tê mỏi chân tay sau khi uống rượu, bia.
2. Uống bia rượu xong bị mỏi chân là biểu hiện của một số bệnh nguy hiểm
Uống bia rượu xong bị mỏi chân đôi khi là hệ quả của quá trình đào thảo chất độc ra khỏi cơ thể nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý dưới đây:
2.1. Bệnh gout
Gout là bệnh lý liên quan tới rối loạn chuyển hóa nhân purin làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Bệnh gặp chủ yếu ở nam giới (với tỷ lệ trên 95%).
Bệnh gây ra bởi một số nguyên nhân như rối loạn chuyển hóa, thừa cân, béo phì, sử dụng thuốc lợi tiểu, di truyền, thói quen uống rượu bia,…
Triệu chứng của bệnh chủ yếu xuất hiện trong các đợt cấp với biểu hiện sưng đỏ, nóng rát, đau nhức và thường khởi phát sau bữa ăn giàu đạm, căng thẳng, nhiễm lạnh, chấn thương. Ban đầu, cảm giác đau nhức chỉ bắt đầu ở 1 khớp, thường gặp ở ngón chân cái sau đó lan dần ra các khớp khác như mắt cá nhân, bàn chân, cổ chân, cổ tay,…
Mỗi đợt gout cấp kéo dài từ 3 – 10 ngày, mức độ đau tăng cao sau 24 – 48 giờ khởi phát. Các cơn đau có thể giảm dần mà không cần dùng thuốc. Song, nếu không được điều trị kịp thời, các cơn đau có thể kéo dài và xuất hiện thường xuyên hơn.
Một số biến chứng thường gặp bao gồm:
- Biến dạng khớp, giảm khả năng vận động, nghiêm trọng hơn là tàn phế.
- Suy giảm cơ quan chuyển hóa gây sỏi thận, suy thận và các cơ quan khác.
- Loét, xuất huyết tiêu hóa, giảm mật độ xương, loãng xương do sử dụng thuốc giảm đau không steroid, chống viêm corticoid kéo dài.
2.2. Suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch là sự suy giảm chức năng van tĩnh mạch, khiến quá trình lưu thông máu trở về tim bị cản trở, dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng và gây biến dạng tổ chức mô xung quanh.
Một số biểu hiện điển hình của bệnh bao gồm:
- Bệnh nhân có cảm giác bó chặt, nặng chân, mỏi chân, đau tức chân. Cảm giác buồn chân, nóng rát vùng bàn chân, bắp chân.
- Chuột rút về ban đêm hoặc khi phải đứng nhiều, ngồi nhiều.
- Sưng phù bàn chân, mắt cá chân.
- Giãn mao mạch, tĩnh mạch nông ở chân có hình dạng mạng nhện màu đỏ nổi vùng đùi, bắp chân, cẳng chân.
Theo thời gian, vùng bàn chân, cẳng chân không được tưới máu thường xuyên, thiếu hụt dinh dưỡng gây viêm loét, bội nhiễm. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh còn gây rối loạn tuần hoàn máu, máu bị ứ đọng trong lòng mạch, hình thành huyết khối, sau đó huyết khối được tách ra khỏi lòng mạch đi về tim gây thuyên tắc động mạch và gây tử vong.
2.3. Bệnh viêm khớp
Tê mỏi chân sau khi uống rượu bia cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý viêm khớp. Bệnh lý xảy ra do viêm màng hoạt dịch, thường gặp ở độ tuổi trung niên với tỷ lệ nữ nhiều hơn nam.
Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm khớp có thể kể đến là di truyền, hút thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất độc hại, thừa cân, béo phì,…
Bệnh tiến triển theo từng giai đoạn với các biểu hiện điển hình như sau:
Giai đoạn 1: Ở giai đoạn này, người bệnh cảm thấy đau mỏi, tê bì, cứng khớp. Tình trạng viêm màng hoạt dịch gây ra phản ứng viêm với các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau.
Giai đoạn 2: Lúc này màng hoạt dịch bị viêm nặng hơn, ảnh hưởng đến sụn khớp. Do đó, người bệnh trải qua các cơn đau nặng nề hơn và khả năng vận động cũng bị ảnh hưởng.
Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này mức độ tổn thương không chỉ dừng lại ở sụn khớp mà đã ảnh hưởng đến xương. Lớp sụn giữa các xương bị mòn làm tăng độ ma sát giữa 2 đầu xương khiến người bệnh cảm thấy sưng đau nhiều hơn. Một số trường hợp xương bị biến dạng và làm mất khả năng vận động.
3. Điều trị nguyên nhân quan trọng hơn thay vì tập trung vào triệu chứng
Thông thường, cảm giác đau mỏi chân sau khi uống rượu bia chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và chấm dứt hoàn toàn sau 1 – 2 ngày. Vì vậy, nhiều người thường xem nhẹ dấu hiệu cảnh báo của cơ thể và tiếp tục lao vào những cuộc vui. Chỉ khi tình trạng đau mỏi trở nên nặng nề và kéo dài hơn thì người bệnh mới tìm đến thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, xoa bóp, bấm huyệt… Tuy nhiên, điều này chỉ giúp làm giảm triệu chứng, tức là giải quyết vấn đề ở ngọn mà không giải quyết nguyên nhân sâu xa do các bệnh lý khác gây ra.
Cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này là người bệnh cần hạn chế uống rượu, bia, đồ uống có cồn và kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Cụ thế:
➤ Bệnh gout
Mặc dù gây ra nhiều đau đớn và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày nhưng bệnh gout hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa đợt cấp tái phát bằng cách dùng thuốc đều đặn hàng ngày và thay đổi chế độ ăn uống.
Người bệnh được khuyến nghị hạn chế đồ ăn nhiều hải sản, thịt đỏ, rượu bia, thuốc lá, thường xuyên tập thể dục, thể thao, giữ cân nặng ở mức hợp lý.
Dưới đây là một số thuốc giảm nồng độ acid uric thường được sử dụng:
- Thuốc ức chế tổng hợp acid uric: Allopurinol, Febuxostat, Topiroxostat
- Thuốc tăng thải trừ acid uric: Probenencid, Benzbromarone, Lesinurad (RDEA594)
- Thuốc tiêu hủy acid uric: Pegloticase và Rasburicase
Trường hợp nặng, hạt tophi lắng cặn tại các mô khớp gây biến dạng khớp, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ. Ngoài ra, một số ít trường hợp hạt tophi bị vỡ gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn mô khớp, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh, chống viêm để kiểm soát và ngăn chặn nhiễm khuẩn toàn thân.
➤ Bệnh viêm khớp
Để kiểm soát tình trạng bệnh và phòng ngừa biến chứng xảy ra, người bệnh cần phối hợp tốt các biện pháp dùng thuốc, vật lý trị liệu, một số ít trường hợp có thể phải phẫu thuật thay khớp.
Một số nhóm thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID): Meloxicam, celecoxib, etoricoxib, diclofenac, ketoprofen, naproxen, piroxicam,…
- Thuốc chống viêm corticoid: Prednisolon, methylprednisolon, betamethason, dexamethason.
- Thuốc chống thấp tác dụng chậm (DMARD):
- Theo Hướng dẫn điều trị của Bộ y tế về bệnh lý cơ xương khớp năm 2010 methotrexat thường được chỉ định trong viêm khớp dạng thấp nhằm ngăn chặn quá trình phá hủy khớp, ổn định bệnh lý viêm khớp.
➤Bệnh suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch rất khó điều trị dứt điểm và có tỷ lệ tái phát cao. Vì vậy, mục tiêu điều trị bệnh là cải thiện triệu chứng, ngăn cản quá trình tiến triển bệnh và dự phòng biến chứng.
Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định đơn độc hoặc phối hợp các biện pháp điều trị bao gồm biện pháp không dùng thuốc (đeo vớ y khoa, thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, vật lý trị liệu), nội khoa (sử dụng thuốc), ngoại khoa (tiêm xơ, phẫu thuật, can thiệp nội mạch bằng laser, sóng cao tần).
Đeo vớ y khoa
Vớ y khoa được sử dụng trong cả điều trị và phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch. Đeo vớ y khoa giúp giảm dần áp lực tĩnh mạch từ vùng cổ chân, lên đùi. Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí CMAJ (Hiệp hội Y khoa Canada) năm 2014 cho thấy có nhiều bằng chứng quan trọng khẳng định vai trò của vớ y khoa trong việc cải thiện tình trạng bệnh, đặc biệt là đối với bệnh nhân đã có vết loét.
Bạn có thể đeo vớ khi đi đứng, làm việc, ngồi,… nhưng khi nằm bạn nên tháo ra bởi khi nằm áp lực cao hơn so với lúc đứng sẽ gây cảm giác khó chịu.
Sử dụng thuốc
Thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch còn hạn chế, chủ yếu là thuốc làm giảm áp lực tĩnh mạch, tăng sức bền thành mạch và tăng cường quá trình lưu thông máu, tránh ứ đọng máu trong lòng mạch. Cụ thể:
- Diosmin: Là một flavonoid có tác dụng làm chậm quá trình giãn tĩnh mạch, tăng sức bền tĩnh mạch và phòng ngừa sự ứ trệ tuần hoàn, từ đó giảm cảm giác nặng chân, đau chân vào buổi sáng.
- Hesperidin: Tăng sức bền thành mạch, tăng trương lực tĩnh mạch, tăng khả năng kết dính tiểu cầu, từ đó giảm nguy cơ hình thành huyết khối.
- Rutosides: Chống oxy hóa, tăng trương lực tĩnh mạch và giảm tình trạng phù do suy giãn tĩnh mạch sâu.
- Troxerutin: Cải thiện sự tưới máu vi mạch hệ vi tuần hoàn, giảm kết tập hồng cầu, giảm tính thấm quá mức của mao mạch, từ đó giảm tình trạng tích nước gây phù.
Biện pháp ngoại khoa
Đối với trường hợp không đáp ứng với biện pháp điều trị nội khoa hoặc đường kính tĩnh mạch bị giãn lớn, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để lột bỏ vùng giãn tĩnh mạch bị giãn.
Bệnh cạnh đó, một phương pháp an toàn và được sử dụng phổ biến hiện nay cũng được chỉ định đó là can thiệp nội mạch bằng laser hoặc sóng cao tần. Phương pháp này sử dụng nhiệt để phá hủy tĩnh mạch, từ đó loại bỏ dòng trào ngược tại tĩnh mạch bị suy và hạn chế tình trạng ứ trệ máu tại tĩnh mạch này.