Tĩnh mạch là một phần quan trọng trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể. Bất kỳ sự bất thường nào liên quan đến cấu trúc của tĩnh mạch đều có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe. Vậy, tĩnh mạch là gì, cấu tạo và chức năng của tĩnh mạch ra sao? Mời bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn trong nội dung bài viết hôm nay!
Mục lục
1. Tĩnh mạch là gì?
Tĩnh mạch (hay ven) là một loại mạch máu trong hệ tuần hoàn của cơ thể, chịu trách nhiệm dẫn máu từ mao mạch trở về tim. Khi quan sát trên da, bạn có thể nhìn thấy những đường tĩnh mạch có màu xanh, xanh dương, xanh tím hoặc đỏ. Sự khác biệt màu sắc này là do:
- Sự tương tác giữa ánh sáng và da: Lớp mỡ dưới da chỉ hấp thụ ánh sáng tần số thấp và cho phép bước sóng màu xanh lam xuyên đến tĩnh mạch và phản xạ lại mắt.
- Lượng oxy trong máu: Máu trong tĩnh mạch nghèo oxy nên có màu sậm hơn, khi nhìn qua da sẽ chuyển sang màu xanh đặc trưng.
- Vị trí tĩnh mạch: Tĩnh mạch nông có sắc đỏ nhiều hơn trong khi đó những tĩnh mạch nằm sâu lại có màu xanh.
2. Vị trí, cấu tạo của tĩnh mạch
Hệ thống tĩnh mạch phân bố khắp cơ thể, đóng vai trò như những ống dẫn máu trở về tim và được chia làm 4 loại chính, gồm: tĩnh mạch phổi, tĩnh mạch hệ thống, tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu. Tuỳ vào loại tĩnh mạch mà các chúng sẽ có vị trí khác nhau, cụ thể:
- Tĩnh mạch phổi: Được tạo ra từ tổ chức trung mô trong phổi, nhận máu từ mạng lưới mạch máu phát triển từ cây phế quản. Khi ra ngoại vi, tĩnh mạch phổi tạo thành tĩnh mạch gian thuỳ trong tổ chức liên kết thuỳ phổi.
- Tĩnh mạch hệ thống: Gồm hệ thống tĩnh mạch chủ trên nằm gần tim toả dần ra cánh tay và đầu. Tĩnh mạch chủ dưới nằm sau phúc mạc, chạy về bên phải, gần song song với động mạch chủ bụng, dọc theo cột sống.
- Tĩnh mạch nông: Nằm sát dưới bề mặt da và không nằm gần động mạch tương ứng.
- Tĩnh mạch sâu: Nằm sâu trong mô cơ và thường nằm sát động mạch có tên tương ứng.
Về cấu tạo, mỗi tĩnh mạch có đường kính dao động từ 1mm – 1.5cm. Các tĩnh mạch phân thành nhiều nhánh nhỏ len lỏi vào các mô cơ trong cơ thể. So với động mạch, thành tĩnh mạch mỏng và có độ đàn hồi tốt hơn. Giải phẫu cho thấy, thành tĩnh mạch được tạo thành từ 3 lớp gồm:
- Lớp ngoài cùng: Là lớp dày nhất, có cấu tạo chủ yếu từ collagen và sợi elastin bao bọc các lớp cơ trơn, chứa các mạch máu nhỏ cung cấp dinh dưỡng và oxy cho thành mạch.
- Lớp giữa: Được tạo thành từ tế bào cơ trơn và sợi elastin.
- Lớp trong cùng: Là lớp tế bào nội mô đơn lẻ và một số mô liên kết.
Ngoài ra, đa số tĩnh mạch đều có van một chiều ở lớp trong cùng, đặc biệt là các tĩnh mạch ở cánh tay và chân. Những van này có dạng chữ V, được gắn dọc theo đường cong của tĩnh mạch và khép sát vào nhau ở giữa lòng tĩnh mạch. Các van tĩnh mạch mở ra khi máu chảy về tim nhờ sức ép của cơ và đóng lại, ngăn máu chảy ngược trở lại.
3. Chức năng của tĩnh mạch
Chức năng chính của tĩnh mạch là nhận máu nghèo oxy từ các mao mạch và đưa trở về tim. Hoạt động của tĩnh mạch được phân biệt trong hệ tuần hoàn toàn thân và hệ tuần hoàn phổi, cụ thể:
- Hệ tuần hoàn toàn thân: Tiểu tĩnh mạch nhận máu gắn chất thải tế bào và CO2 từ mao mạch, sau đó đưa về tĩnh mạch lớn hơn và dẫn về tâm nhĩ phải của tim. Sau đó máu được đưa đến tâm thất phải rồi bơm qua động mạch phổi để trao đổi khí.
- Hệ tuần hoàn phổi: Tĩnh mạch phổi đưa máu giàu oxy trở lại tâm nhĩ trái, qua tâm thất trái và hoàn thành chu kỳ tuần hoàn máu tĩnh mạch.
Hoạt động đưa máu về tim của tĩnh mạch được hỗ trợ bởi các bơm của cơ và cử động hô hấp của lồng ngực. Điều này lý giải vì sao những người đứng hoặc ngồi liên tục trong thời gian dài dễ gặp phải tình trạng ứ máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tĩnh mạch.
4. Các bệnh phổ biến về tĩnh mạch
Bệnh lý tĩnh mạch xảy ra khi xảy ra các bất thường trong cấu tạo hoặc suy giảm chức năng của tĩnh mạch. Dưới đây là một số bệnh thường gặp:
4.1 Giãn tĩnh mạch chân
Giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý phổ biến ở người trên 30 tuổi, xảy ra khi các van một chiều bị giảm chức năng dẫn đến đóng quá chậm hoặc khép không kín trong quá trình bơm máu. Hệ quả là xuất hiện những dòng trào ngược khiến máu ứ đọng trong lòng mạch, tăng áp lực lên thành mạch gây suy giảm chức năng và khiến tĩnh mạch giãn rộng.
Đọc thêm: Tại sao mới 20 tuổi tôi đã bị giãn tĩnh mạch?
Suy giãn tĩnh mạch chân khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái bởi những triệu chứng ở chân như:
- Đau nhức, nặng mỏi chân.
- Sưng tấy, phù nề nhiều ở vùng cổ chân, mắt cá chân.
- Phát sinh cảm giác dị cảm trên da như: tê bì, châm chích, bỏng rát, bồn chồn và chuột rút ban đêm.
- Ảnh hưởng thẩm mỹ bởi do tĩnh mạch xanh tím nổi lên bề mặt da, thay đổi sắc tố da hoặc lở loét.
Nghiêm trọng hơn, suy giãn tĩnh mạch có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm như: giãn vỡ tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch sâu. Cục huyết khối có thể di chuyển lên tĩnh mạch phổi gây thuyên tắc phổi, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị dứt điểm giãn tĩnh mạch chân. Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp như: phẫu thuật, laser nội tĩnh mạch hoặc xơ hóa tĩnh mạch để loại bỏ tĩnh mạch suy giãn. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn tồn tại nguy cơ tái phát.
Có thể bạn muốn biết: Bị suy giãn tĩnh mạch khám khoa nào?
4.2 Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra khi máu ứ đọng lâu trong tĩnh mạch và hình thành cục máu đông. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở chân, đôi khi là ở tĩnh mạch cánh tay. Những yếu tố thúc đẩy hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu thường gồm: ít vận động, ung thư, béo phì, tổn thương mạch máu và các rối loạn tuần hoàn.
Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể được nhận diện qua một số dấu hiệu như:
- Cảm giác đau mơ hồ dọc theo đường tĩnh mạch.
- Ấn đau, sưng phù nề toàn bộ chân, nổi ban đỏ trên da.
- Chênh lệch chu vi giữa các bắp chân lớn hơn 3cm.
- Bắp chân khó chịu khi thực hiện gấp mặt mu bàn chân vào cẳng chân.
Điểm nguy hiểm của huyết khối tĩnh mạch sâu là các cục máu đông có thể bị vỡ ra, di chuyển theo dòng máu đi vào phổi và gây thuyên tắc phổi, đe dọa tử vong cho người bệnh.
Phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu phụ thuộc vào kích thước của cục máu đông, triệu chứng và mức độ đe dọa với người bệnh. Người bệnh có thẻ dùng thuốc chống đông máu để ngăn hình thành hoặc giảm kích thước của huyết khối. Trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông.
4.3 Viêm tĩnh mạch
Viêm tĩnh mạch là bệnh lý xảy ra khi mạch máu bị viêm dẫn đến bị sưng hoặc biến dạng. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu, làm cản trở lưu thông máu và tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tĩnh mạch thường gồm: mạch máu bị tổn thương, giảm tuần hoàn do ít vận động, rối loạn đông máu và nhiễm trùng. Khi bị viêm tĩnh mạch, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Sưng tấy, phù nề vị trí viêm tĩnh mạch.
- Da ấm hơn bình thường.
- Xuất hiện các vệt máu đỏ trên da.
- Người bệnh nhạy cảm với cơn đau.
- Có thể xuất hiện nhiễm trùng da, lở loét trong trường hợp viêm tĩnh mạch sâu.
Viêm tĩnh mạch thúc đẩy hình thành cục máu đông dẫn đến các biến chứng tắc mạch, gây nguy hiểm cho người bệnh. Việc điều trị viêm tĩnh mạch được thực hiện với mục tiêu khắc phục triệu chứng và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như: dùng kháng sinh nếu có nhiễm trùng, dùng thuốc chống đông máu hay phẫu thuật loại bỏ cục máu đông.
4.4 Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng đám rối tĩnh mạch thừng tinh và sinh tinh bị giãn dẫn đến suy giảm chức năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn. Bệnh làm giảm chất lượng tinh trùng dẫn đến giảm suy giảm khả năng sinh sản, thậm chí gây vô sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra khi máu trào ngược vào tĩnh mạch tinh, gây giãn tĩnh mạch ở bìu và tạo thành những búi tĩnh mạch ở bìu, nổi ngoằn ngoèo dưới da giống túi giun. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu như:
- Xuất hiện búi tĩnh mạch ở da bìu.
- Tinh hoàn thường sưng, phù nề.
- Cảm giác đau mơ hồ đến rõ ràng ở bìu, đa tăng hơn khi người bệnh đứng, gắng sức và giảm đi khi nằm ngửa.
Biến chứng nghiêm trọng nhất mà giãn tĩnh mạch thừng tinh gây ra là tình trạng vô sinh. Hiện nay, điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh được thực hiện chủ yếu bằng các biện pháp can thiệp ngoại khoa, thường là cắt bỏ tĩnh mạch thừng tinh qua phẫu thuật nội soi ổ bụng.
4.5 Tăng áp tĩnh mạch cửa
Tĩnh mạch cửa là hệ tĩnh mạch chịu trách nhiệm vận chuyển máu từ các cơ quan nội tạng như: dạ dày, ruột non, lá lách, ruột già, tuyến tụy trở về gan. Tăng áp tĩnh mạch cửa là tình trạng huyết áp tĩnh mạch cửa vượt ngưỡng 10mmHg (chỉ số bình thường là 3 – 6mmHg). Bệnh thường liên quan đến những bệnh lý về gan (điển hình là xơ gan), cục máu đông, các khối u chèn ép hoặc tổn thương do lao.
Tăng áp tĩnh mạch cửa không gây triệu chứng trên lâm sàng. Thông thường, người bệnh chỉ phát hiện bệnh cho đến khi có biến chứng với các dấu hiệu như:
- Bụng căng cứng, báng bụng.
- Lá lách to.
- Giãn tĩnh mạch thành bụng.
Khi huyết áp trong tĩnh mạch cửa tăng cao, một hệ tuần hoàn mới được phát triển nhằm đảm bảo đường dẫn máu về gan (tuần hoàn bàng hệ). Quá trình này có thể dẫn đến giãn vỡ tĩnh mạch thực quản kéo theo xuất huyết tiêu hoá. Ngoài ra, người bệnh có thể phải đối diện với tình trạng rối loạn đông máu do gan không tổng hợp được yếu tố đông máu, cường aldosteron, giảm chức năng gan thận và bệnh lý về não.
Tăng áp tĩnh mạch cửa được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, dẫn lưu máu hệ cửa – chủ, phẫu thuật tạo dính cơ quan hệ cửa – chủ hoặc phẫu thuật giảm lưu lượng máu đến tĩnh mạch cửa. Tùy vào tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp trị liệu phù hợp.
Trên đây là nội dung tổng quát về tĩnh mạch và các bệnh lý tĩnh mạch thường gặp. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Nếu cần được tư vấn thêm, bạn có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ trực tiếp với chuyên gia qua hotline: 1900 545 518.