Châm cứu là phương pháp điều trị tuân theo những nguyên lý của y học cổ truyền. Châm cứu đã được sử dụng rộng rãi với người mắc hội chứng chân không yên ở các nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… và nhận về nhiều đánh giá tích cực.
1. Châm cứu có thể chữa được hội chứng chân không yên?
Theo Đông y, các hoạt động của đôi chân được điều khiển bởi chức năng gan. Do đó, việc gan thiếu khí âm và huyết về đêm là nguyên nhân chính gây ra hội chứng chân không yên. Khi tác động vào đúng huyệt đạo, khí âm và máu sẽ tăng lên giúp cải thiện các triệu chứng như: chân bồn chồn, bứt rứt, khó chịu… Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 cho rằng châm cứu còn có mối liên hệ với hệ thống thần kinh tự chủ làm chấm dứt các cử động không tự chủ ở chân, tăng miễn dịch, kích hoạt các neuropeptide xoa dịu đau nhức và giúp bạn ngủ ngon hơn.
Ngoài ra, phương pháp này còn hạn chế các tác dụng phụ như: chóng mặt, buồn nôn, đau dữ dội hoặc phát ban. Đây là ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với việc dùng các loại thuốc Tây y phổ biến được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt cho người mắc hội chứng chân không yên như: pramipexole, ropinirole, rotigotine và gabapentin enacarbil.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc châm cứu có thực sự mang lại hiệu quả cho người mắc hội chứng chân không yên hay không. Các chuyên gia cần thêm thời gian và bằng chứng để giải đáp thắc mắc này. Vì vậy, bạn không nên coi châm cứu là phương án điều trị chính. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kết hợp châm cứu với các liệu pháp khác mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.
2. Các huyệt đạo dùng khi châm cứu trị hội chứng chân không yên
Huyệt Thừa sơn: Huyệt Thừa sơn là huyệt thứ 57 của kinh Túc Thái Dương Bàng Quang, nằm ở cuối bắp chân, tại chỗ lõm giữa hai khe cơ sinh đôi trong và ngoài. Tác động vào huyệt này giúp trị chuột rút, giảm đau nhức, bồn chồn ở hai chân.
Huyệt Dương lăng tuyền: Huyệt Dương lăng tuyền là huyệt thứ 34 của kinh Túc Thiếu Dương Đởm, nằm ở chỗ lõm phía ngoài ống chân, dưới đầu nhỏ xương mác, khe giữa cơ duỗi chung các ngón chân và cơ mác bên dài. Chức năng của huyệt này là trị đau nhức cơ bắp, yếu cơ, chuột rút.
Huyệt Lương khâu: Vị trí của huyệt là ở mặt trước – ngoài đùi, phía trên xương bánh chè, giữa bờ ngoài gân cơ thẳng đùi và cơ rộng ngoài. Đây là huyệt thứ 34 của kinh Túc Dương Minh Vị, chủ trị đau nhức, tê bì, yếu liệt chi dưới.
Huyệt Trung đô: Huyệt Trung đô nằm sát cạnh xương chày, trên mắt cá chân 7 thốn, là huyệt thứ 6 của kinh Túc Quyết Âm Can. Tác động vào huyệt này giúp đẩy lùi đau nhức, khó chịu, bứt rứt hai chân.
Huyệt Thương khâu: Huyệt Thương khâu là huyệt thứ 5 của kinh Túc Thái Âm Tỳ, nằm giữa đầu của mắt cá chân trong và phần lồi củ của xương thuyền. Tác động vào huyệt này giúp trị co thắt cơ chân, đau khớp cổ chân, đồng thời làm dịu tinh thần, xua tan căng thẳng, mệt mỏi.
Huyệt Kinh cốt: Huyệt nằm ở bờ ngoài bàn chân, thẳng với ngón út, nơi tiếp giáp làn da đổi màu. Đây là huyệt thứ 64 thuộc kinh Túc Thái Dương Bàng Quang, chủ trị đau phía ngoài bàn chân, đau khớp háng, thắt lưng…
Huyệt Thận du: Huyệt nằm phía dưới gai sống thắt lưng thứ hai, thuộc kinh Túc Thái Dương Bàng Quang. Tác động vào huyệt giúp cân cốt khỏe mạnh, đẩy lùi đau nhức vùng thắt lưng, giảm tê bì, khó chịu hai chân.
Huyệt Túc tam lý: Đây là huyệt thứ 36 của kinh Túc Thái Dương Minh Vị, nằm dưới mắt gối ngoài 3 thốn, khe giữa xương chày và xương mác. Huyệt chủ trị yếu liệt chi dưới, cải thiện triệu chứng rối loạn hưng phấn, căng thẳng.
3. Lưu ý khi châm cứu trị hội chứng chân không yên
Khi áp dụng phương pháp châm cứu chữa hội chứng chân không yên, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Người bệnh không tự ý thực hiện châm cứu tại nhà, mà cần gặp các bác sĩ y học cổ truyền giàu kiến thức và kinh nghiệm. Bởi nếu châm cứu không đúng huyệt đạo có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: đau nhức, chảy máu, nhiễm trùng, thủng nội tạng, tổn thương hệ thần kinh trung ương…
- Người bệnh lựa chọn bệnh viện, phòng khám y học cổ truyền uy tín sử dụng trang thiết bị đảm bảo chất lượng.
- Thực hiện đủ liệu trình châm cứu theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện nhanh hội chứng chân không yên và ngăn ngừa tái phát.
- Châm cứu không áp dụng trong các trường hợp cấp cứu, chỉ phù hợp khi sức khỏe người bệnh đã ổn định để hỗ trợ phục hồi nhanh hơn.
- Song song với việc châm cứu, thay đổi chế độ ăn uống khoa học, bổ sung các thực phẩm cải thiện triệu chứng chân không yên. Ngoài ra, bạn nên bỏ thuốc lá, giảm tiêu thụ thức uống chứa caffein, tập luyện thể thao điều độ, tránh căng thẳng kéo dài…