Hội chứng chân không yên là một vấn đề sức khỏe phổ biến nhưng nhiều người không biết rằng nó cũng được coi là một bệnh lý. Hội chứng chân không yên còn được gọi là chứng bồn chồn, bứt rứt tay chân. Vậy, hội chứng chân không yên là gì và làm sao để phát hiện bệnh? Mời bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết hôm nay.
Mục lục
1. Tổng quan về hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên (RLS) là một bệnh thần kinh biểu hiện bằng dị cảm ở chân (cảm giác tê nóng) và hoạt động vận động quá mức của đôi chân khi nghỉ ngơi hoặc ngủ.
Hội chứng chân không yên được Thomas Willis mô tả lần đầu tiên vào năm 1672: “Ở một số người, khi họ đi ngủ, hai chân luôn có cảm giác bứt rứt, muốn vận động, khiến họ không thể ngủ yên được, mặc dù không đau đớn nhưng cảm giác đó khó chịu giống như đang bị tra tấn vậy.”
Định nghĩa hiện đại của hội chứng này được đề xuất bởi nhà khoa học Thụy Điển K. Ekbom vào năm 1945. Chính vì vậy hội chứng chân không yên còn được gọi là bệnh bệnh Willis – Ekbom.
Nguyên nhân của hội chứng chân không yên có thể là nguyên phát (vô căn) và thứ phát.
Nguyên nhân vô căn: Một trong những nguyên nhân rất có thể dẫn đến sự phát triển của hội chứng chân không yên nguyên phát là sự thiếu hụt hệ thống dopaminergic trong các cấu trúc dưới vỏ não liên quan đến các quá trình ức chế.
Nguyên nhân thứ phát: Hội chứng chân không yên thứ phát có thể xuất hiện ở phụ nữ mang thai và các điều kiện khác như thiếu sắt, thiếu máu, tác dụng phụ của thuốc (thuốc trầm cảm, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc chẹn kênh canxi…)…
Xem chi tiết: Nguyên nhân và triệu chứng của hội chứng chân không yên
Một vài thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy, có khoảng 7- 10% dân số mắc phải Hội chứng chân không yên. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới. Những ảnh hưởng nghiêm trọng thường xảy ra ở người bệnh có độ tuổi trung niên trở lên do triệu chứng xuất hiện thường xuyên và kéo dài hơn.
Mức độ nghiêm trọng của Hội chứng chân không yên có thể thay đổi theo từng ngày và có sự khác biệt giữa từng người bệnh. Tuy nhiên, một trong những ảnh hưởng phổ biến nhất do hội chứng này gây ra là tình trạng rối loạn giấc ngủ. Tình trạng này khiến hầu hết người bệnh khó bắt đầu giấc ngủ hoặc chuyển giấc giữa đêm.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp phải các vấn đề tâm lý khác như: tâm trạng thất thường, dễ trầm cảm và lo âu, khó tập trung, suy giảm trí nhớ, giảm năng suất lao động,….
Điều đáng nói là, Hội chứng chân không yên là bệnh lý mãn tính, có thể kéo dài suốt đời. Các biện pháp điều trị hiện nay vẫn dừng ở mức can thiệp nhằm cải thiện triệu chứng. Việc thăm khám sớm và điều trị đúng phương pháp có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, qua đó nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần.
2. Phương pháp chẩn đoán chứng chân không yên
Theo các nghiên cứu dịch tễ học, hội chứng chân không yên có thể gặp ở 1-15% dân số. Hầu hết bệnh nhân đến khám bệnh đều ở độ tuổi trung niên trở lên. Tuy nhiên, trong 35-45% trường hợp bắt đầu trước 20 tuổi. Ở trẻ em và thanh thiếu niên, tỷ lệ hiện mắc là khoảng 2%. Mặc dù các triệu chứng thường nhẹ trong thời kỳ đầu, nhưng chúng trở nên trầm trọng hơn theo tuổi tác và nhu cầu điều trị xảy ra ở độ tuổi 50-60, nhưng nó được báo cáo là phổ biến hơn khoảng 2 lần ở phụ nữ. Tỷ lệ mắc RLS tăng lên ở những người có thu nhập thấp hút thuốc và tập thể dục ít hơn 3 giờ mỗi tháng.
Không có xét nghiệm đặc hiệu nào được dùng để chẩn đoán Hội chứng chân không yên. Phương pháp chẩn đoán chính của tình trạng này dựa trên đánh giá của bác sĩ kết hợp với sự hỗ trợ của các kết quả xét nghiệm giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự.
2.1 Thăm khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán Hội chứng chân không yên. Ở bước này, bác sĩ sẽ nghe bệnh nhân mô tả về các triệu chứng hiện tại, tiến hành khai thác tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình cũng như tiền sử dùng thuốc của người bệnh.
Bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ người bệnh mắc phải Hội chứng chân không yên dựa trên 5 tiêu chí, cụ thể:
- Cảm giác thôi thúc chuyển động chân thường xuyên, không thể cưỡng lại với tần suất liên tục khiến người bệnh cảm thấy bứt rứt, không thoải mái.
- Triệu chứng bứt rứt, bồn chồn không yên xuất hiện hoặc trầm trọng hơn khi người bệnh ở trạng thái nghỉ ngơi, không hoạt động.
- Triệu chứng bồn chồn, bứt rứt ở chân biến mất, giảm hẳn hoặc giảm tạm thời sau khi người bệnh thực hiện các hoạt động ở chân.
- Các triệu chứng khó chịu ở chân có xu hướng xuất hiện hoặc trầm trọng hơn vào buổi tối hoặc ban đêm.
- Những dấu hiệu trên không được xác định rằng xuất phát từ hành vi, bệnh lý hay các nguyên nhân nào khác.
Để quá trình khám lâm sàng đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh cần chia sẻ chính xác về các triệu chứng cũng như tần suất và mức độ của tình trạng này. Nếu có thể, bạn hãy nói rõ hơn về mức độ ảnh hưởng đến giấc ngủ, các cơn đau kèm theo hay các phương pháp giúp bạn cải thiện những vấn đề này.
2.2 Xét nghiệm cận lâm sàng
Xét nghiệm máu được chỉ định cho người nghi ngờ mắc Hội chứng chân không yên với mục đích loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng tương tự, thường gặp như: chứng chuột rút, chấn thương cục bộ, viêm khớp, suy giãn tĩnh mạch, hội chứng ngón chân cử động đau, đau dây thần kinh dị cảm, bệnh đa dây thần kinh, đau cơ xơ hóa,….
Bên cạnh đó, người bệnh cũng được chỉ định kiểm tra thần kinh và soma nhằm loại trừ tình trạng Hội chứng chân không yên chỉ là triệu chứng thứ phát do các vấn đề như: thiếu máu, nhiễm độc niệu, đái tháo đường, viêm phổi mãn tính, thiếu sắt, magie và vitamin.
2.3 Kiểm tra giấc ngủ
Kiểm tra giấc ngủ được chỉ định cho những người bệnh Hội chứng chân không yên có giấc ngủ bị gián đoạn nghiêm trọng. Trong kiểm tra này, người bệnh sẽ được đo nhịp thở, sóng não và nhịp tim trong suốt một đêm. Kết quả thu được có thể giúp bác sĩ đánh giá xem bạn có gặp phải tình trạng chuyển động chi định kỳ (PLMS) trong giấc ngủ hay không.
3. Phương pháp điều trị chứng chân không yên
Để đánh giá mức độ nặng của bệnh, các bác sĩ thường dựa trên thang đánh giá The International Restless Legs Syndrome Study Group rating scale for the severity of restless legs syndrome. Những bệnh nhân có điểm đánh giá từ 11 điểm trở lên sẽ được chỉ định biện pháp điều trị sau khi cân nhắc về yếu tố khởi phát hoặc khiến bệnh trầm trọng hơn.
Sử dụng thuốc không giúp điều trị dứt điểm Hội chứng chân không yên nhưng có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm:
- Thuốc chống động kinh: Được chỉ định cho hầu hết người bệnh, thuốc giúp giảm rối loạn cảm giác, giảm cảm giác đau dây thần kinh. Những thuốc thường dùng gồm: gabapentin enacarbil và pregabalin.
- Thuốc dopaminergic: Chỉ định cho bệnh nhân mức độ vừa đến nặng, có tác dụng tăng dopamine trong não, giảm các triệu chứng vào ban đêm. Những thuốc thường gặp như: ropinirole, pramipexole, rotigotine,…
- Thuốc Opioids: Dùng cho bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng nhưng không đáp ứng với các thuốc điều trị khác. Một số hoạt chất được dùng phổ biến gồm: methadone, codeine, hydrocodone hoặc oxycodone.
- Thuốc Benzodiazepines: Giúp cải thiện tình trạng lo âu, co thắt cơ và mất ngủ ở bệnh nhân. Thuốc thường được dùng như: clonazepam và lorazepam
Hỏi đáp: Châm cứu có chữa được hội chứng chân không yên không?
4. Làm thế nào để giảm nhẹ ảnh hưởng của chứng chân không yên?
Thay đổi thói quen sống và áp dụng các biện pháp hỗ trợ được cho là giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, giảm nhẹ ảnh hưởng của Hội chứng chân không yên đến chất đời sống của người bệnh. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể:
- Xây dựng và duy trì thói quen tập luyện thể dục mỗi ngày.
- Tránh sử dụng các sản phẩm có khả năng gây kích thích lên hệ thần kinh như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…
- Áp dụng các biện pháp kích thích tuần hoàn máu tại chỗ như: massage, ngâm chân, châm cứu, bấm huyệt…
- Tránh sử dụng các nhóm thuốc làm tăng nặng triệu chứng như: thuốc chống trầm cảm, thuốc chống nôn, thuốc kháng histamin,….
- Sử dụng băng quấn chân được thiết kế đặc biệt cho người bị Hội chứng chân không yên hoặc đệm rung ở phía sau chân
- Tránh để cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực kéo dài.
- Bổ sung đầy đủ sắt theo nhu cầu của cơ thể.
- Thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và kịp thời điều trị các vấn đề bất thường.
Hội chứng chân không yên được cho là một bệnh “khó nói” vì các triệu chứng không rõ ràng nhưng lại khiến người bệnh cực kỳ mệt mỏi. Hi vọng rằng, những chia sẻ trong bài viết hôm nay sẽ giúp bạn đọc nhận thức rõ ràng hơn về tình trạng này, qua đó tìm được biện pháp để đối phó và điều trị kịp thời.