Đi bộ là bài tập vận động đơn giản để khởi động cho một chế độ sinh hoạt lành mạnh. Thế nhưng, không phải tất cả mọi người đều suôn sẻ với lựa chọn này. Một số người cho biết họ bị nóng rát và ngứa ran chân khi đi bộ. Vậy, tình trạng này có nguy hiểm không và làm thế nào để cải thiện? Nếu bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Chân bị nóng rát, ngứa ran khi đi bộ có nguy hiểm không?
Nóng rát và ngứa ran chân khi đi bộ là tình trạng có thể gặp cả ở người bình thường và người mang bệnh lý. Theo đó, khi cơ thể bước vào trạng thái tăng vận động hơn bình thường, nhịp tim gia tăng nhằm đưa máu cung cấp oxy và dinh dưỡng đến các tế bào cơ. Quá trình này khiến hệ thống động mạch, tĩnh mạch và mao mạch ở các bộ phận như tay, chân giãn rộng hơn.
Ở người tập luyện thường xuyên, mạch máu đàn hồi tốt hơn nên dễ dàng giãn nở để tăng lưu thông máu. Tuy nhiên, những người ít vận động, mạch máu ít có sự co hồi nên khi giãn nở dễ gây kích thích đến hệ thống thần kinh dưới da và tạo thành triệu chứng nóng rát, ngứa ran.
Mặt khác, sự cọ xát giữa quần áo và da trong khi đi bộ cũng thúc đẩy cơ thể giải phóng histamin – một chất trung gian hoá học thường xuất hiện trong các phản ứng dị ứng. Vì vậy, bạn có thể cảm thấy râm ran hoặc ngứa rần rần ở hai bên bắp đùi.
Một nguyên nhân khác cũng gây nóng và ngứa chân khi đi bộ là da bị dị ứng với chất liệu hoặc các sản phẩm giặt tẩy quần áo. Nếu bạn có làn da khô hoặc đổ nhiều mồ hôi, cảm giác ngứa và nóng da có thể nghiêm trọng hơn do da bị kích ứng.
Những nguyên nhân gây nóng và ngứa chân trên là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể. Bạn chỉ cần duy trì thói quen tập luyện đều đặn, vệ sinh cơ thể sạch sẽ và lựa chọn trang phục phù hợp là có thể cải thiện tình trạng này.
Đọc thêm: Bàn chân nóng về đêm là bị gì?
2. Chân bị nóng rát, ngứa ran khi đi bộ là biểu hiện của bệnh gì?
Triệu chứng chân bị nóng rát, ngứa ran khi đi bộ thường do các bệnh da liễu hoặc mạch máu gây nên. Dưới đây là một số bệnh thường gặp nhất:
2.1 Suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch chân là hiện tượng tĩnh mạch bị giãn rộng và giảm hoặc mất chức năng vận chuyển máu như bình thường. Tình trạng này khiến máu ứ lại trong lòng mạch, tăng áp lực thành mạch và giảm tuần hoàn máu giàu oxy và dưỡng chất đến chân. Hệ quả là dây thần kinh bị tổn thương do giảm nuôi dưỡng và tăng chèn ép khiến người bệnh xuất hiện các dị cảm như: nóng ran, ngứa ngáy, tê bì, châm chích và hay bị chuột rút ban đêm.
Bạn có thể nhận biết suy giãn tĩnh mạch qua một số dấu hiệu như:
- Bắp chân căng tức, chân nặng nề, nhức mỏi.
- Sưng phù, tấy đỏ ở vị trí bàn chân, mắt cá chân.
- Xuất hiện các đường tĩnh mạch xanh tím lồi lên bề mặt da vị trí đùi, mắt cá chân và đầu gối.
- Thay đổi sắc tố da, da đậm màu hơn, xuất hiện các đốm đỏ, tím, nâu ở vị trí cổ chân, mắt cá chân.
- Xuất hiện các vết loét, nhiễm trùng da ở vị trí cẳng chân.
Đi bộ là bài tập được khuyến khích áp dụng cho người suy giãn tĩnh mạch bởi khả năng thúc đẩy tuần hoàn máu. Tuy nhiên, thời gian mới khởi động tập, người bệnh có thể cảm thấy nóng ran, ngứa rát hoặc nhức mỏi chân khi tập. Để giảm tình trạng này, người bệnh nên:
- Tăng dần thời gian tập khi mới bắt đầu: Những ngày đầu nên tập khoảng 10 phút, sau đó tăng dần lên đến 30 phút để cơ thể có thời gian thích nghi.
- Điều chỉnh cường độ tập: Người bệnh nên đi với tốc độ vừa phải, tránh đi quá nhanh làm tăng áp lực lên chân khiến triệu chứng bệnh trở nặng.
- Đeo tất nén: Giúp cố định vị trí van tĩnh mạch, tăng cường sức mạnh cơ bắp và thúc đẩy tuần hoàn, hạn chế triệu chứng khó chịu.
- Lựa chọn trang phục phù hợp: Người bệnh nên chuẩn bị giày chuyên dụng, mặc quần áo vừa vặn, thoải mái trong khi tập luyện.
Xem thêm: Các bệnh lý khác gây đau nhức bắp chân
2.2 Viêm cân gan bàn chân
Cân gan bàn chân là dải gân cơ bám từ chỏm xương bàn chân tới xương gót. Dải gân cơ này có tác dụng duy trì độ nhún và vòm cong sinh lý của bàn chân. Khi bị viêm cân gan bàn chân, người bệnh có cảm giác đau từ gót chân đến lòng bàn chân mỗi khi đi bộ. Tổn thương này cũng có thể tác động đến các dây thần kinh ở chân và gây ra triệu chứng nóng rát, ngứa ran khi người bệnh vận động.
Người bị viêm cân gan bàn chân thường có một số dấu hiệu như:
- Đau buốt hoặc âm ỉ ở gót chân, vòm bàn chân hoặc cả lòng bàn chân, có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên chân.
- Cơn đau nhẹ khi khởi phát và có xu hướng tăng dần theo thời gian hoặc sau khi người bệnh tập luyện.
- Đau nặng hơn vào buổi sáng hoặc khi người bệnh chuyển từ thế từ ngồi sang đứng.
- Bàn chân tê rần, ngứa ran, sưng tấy.
2.4 Nấm kẽ chân
Nấm kẽ chân được xếp vào nhóm bệnh da liễu xảy ra do sự tấn công của một số loại nấm như: epidermophyton floccosum, trichophyton mentagrophytes và trichophyton rubrum. Bệnh thường xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với nguồn nước thiếu vệ sinh và không vệ sinh chân sạch sẽ. Những loại nấm này ký sinh và phát triển nhờ chất keratin trên da, phá huỷ cấu trúc tế bào da, gây tổn thần kinh dưới da.
Nấm kẽ chân thường xảy ra từ kẽ ngón từ 3 và thứ 4 sau đó lan ra toàn bộ chân. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Cảm giác ngứa ngáy, bỏng rát bàn chân, kẽ chân, đặc biệt là khi vận động khiến chân đổ mồ hôi.
- Da bàn chân và kẽ chân đóng vảy và bong tróc.
- Các kẽ ngón chân có màu trắng bợt, da bị mủn hoặc có vết loét chảy nước.
- Đau, xót và chảy máu ở các kẽ chân.
Có thể bạn quan tâm: Nhức ngón chân cái do đâu?
4. Các triệu chứng bất thường khi đi bộ – cần lưu ý
Ngoài triệu chứng nóng rát, ngứa ran bàn chân, bạn cũng cần lưu ý một số triệu chứng dưới đây nếu chúng xuất hiện trong khi đi bộ:
- Đau nhức cơ thể: Bạn có thể đau các cơ bắp khi mới tập luyện. Thế nhưng, nếu cảm giác đau nhức kéo dài, không giảm sau khi tập luyện hoặc đau tăng lên thì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý cơ – xương – khớp.
- Chóng mặt: Là dấu hiệu thường gặp khi thiếu máu lên não trong quá trình tập luyện. Tình trạng này kéo dài hay xuất hiện thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh lý tim mạch hoặc thiếu máu.
- Nhịp tim bất thường: Nhịp tim tăng lên khi tập luyện để bơm máu đến các cơ quan. Tuy nhiên, nếu bạn thấy trống ngực thình thịch, khó thở, đau tức ngực kèm theo thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch.
- Khó thở: Khi tập luyện, nhịp thở sẽ nhanh hơn nhằm đảm bảo oxy cung cấp cho cơ bắp. Nếu bạn gặp khó khăn khi hít thở, hãy thăm khám sớm vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh hô hấp, tim mạch.
- Dáng đi bất thường: Người bình thường có dáng đi thẳng, linh hoạt. Nếu bạn gặp khó khăn khi phối hợp cử động tay chân, dáng đi loạng choạng, hãy thăm khám vì đây có thể là rối loạn liên quan đến thần kinh.
Chân bị nóng rát, ngứa ran khi đi bộ có thể là hiện tượng sinh lý nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu bệnh lý. Vậy nên, khi gặp phải tình trạng này, bạn cần nghiêm túc theo dõi và thăm khám ngay nếu phát hiện dấu hiệu bất thường. Tuyệt đối không giữ tâm lý chủ quan khiến bệnh tiến triển nặng, gây nguy hiểm đến sức khoẻ. Bạn có thể tham khảo tiếp bài viết: Nóng rát bắp chân phải làm sao khắc phục?