Chữa bệnh giãn tĩnh mạch bằng diện chẩn đang là phương pháp được nhiều người quan tâm. Cách điều trị này được thực hiện như thế nào và có thực sự mang lại hiệu quả hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
1. Diện chẩn là gì?
Diện chẩn (Face diagnosis – Cybernetic Therapy) là phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh tật kết hợp giữa tinh hoa của y học dân gian, y học cổ truyền và y học hiện đại, được công bố vào năm 1980. Người nghiên cứu và sáng lập là giáo sư, tiến sĩ khoa học, nhà nghiên cứu Y học dân tộc Bùi Quốc Châu. Ông quan điểm rằng khuôn mặt chính là đồ hình phản ánh tình trạng sức khỏe của toàn bộ cơ thể. Chuyên gia sẽ căn cứ vào những biểu hiện, sắc thái của gương mặt để đưa ra chẩn đoán các vấn đề mà bạn đang gặp phải. Mỗi cơ quan lại có sự liên kết với một điểm trên khuôn mặt. Khi tác động lên điểm ấy, các cơ quan sẽ có sự biến chuyển.
Ngày nay, phương pháp này không chỉ dừng ở việc tác động lên các điểm huyệt trên khuôn mặt, mà còn mở rộng việc chẩn đoán và điều trị bằng cách tác động lên toàn thân, điển hình là bàn tay, cánh tay, cổ tay, bàn chân… Diện chẩn thường được áp dụng cho người bị suy giãn tĩnh mạch, đau nhức xương khớp, rối loạn tiền đình…
2. Các bước chữa bệnh giãn tĩnh mạch bằng diện chẩn
Dưới đây là một số bước cơ bản được thực hiện khi chữa bệnh giãn tĩnh mạch bằng diện chẩn:
Bước 1: Xoay cổ tay mỗi ngày 2 – 3 lần trong khoảng 3 – 5 phút để lưu thông khí huyết toàn bộ cơ thể.
Bước 2: Gạch 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết khoảng 1 – 2 lần mỗi ngày giúp nâng cao sức đề kháng.
Bước 3: Ngồi ở tư thế thoải mái nhất, gác chân lên cao hơn hông. Sau đó, sử dụng lăn quẹt gai hoặc lăn cầu gai đôi lăn theo chiều từ cổ chân lên bắp chân, đầu gối và đùi khoảng 50 – 60 lần. Thực hiện đều đặn 3 lần mỗi ngày vào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối. Ngoài ra, bạn có thể vừa lăn vừa kết hợp dùng máy sấy tóc ở chế độ sấy ấm (không sấy nóng) để mang lại hiệu quả cao hơn.
Bước 4: Ấn bộ huyệt thông nghẽn nghẹt trên gương mặt bao gồm: 19, 14, 275, 61, 39, 26, 312, 184, 85, 87.
Bước 5: Ấn bộ huyệt tan máu bầm trên gương mặt bao gồm: 290+, 156+, 61+, 50, 38+, 26, 16+, 7+, 3+, 0. Trong đó, những huyệt có dấu + chỉ bấm bên phải.
Lưu ý:
- Kiên trì thực hiện các động tác trên mỗi ngày để cảm nhận rõ sự thoải mái, dễ chịu và cải thiện giấc ngủ.
- Nếu không bị dị ứng cao Salonpas, bạn có thể ấn huyệt kết hợp dán cao vào hai bộ huyệt nêu trên 2 lần mỗi ngày. Để nguyên cao như thế trong ít nhất 2 giờ, đồng thời kiêng nước và gió để đạt được hiệu quả tốt nhất.
3. Chữa bệnh giãn tĩnh mạch bằng diện chẩn có hiệu quả không?
Diện chẩn giúp lưu thông khí huyết và kinh mạch trong cơ thể, được nhiều người công nhận khả năng giảm các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch như: đau nhức, tê chân, chuột rút về đêm và cải thiện giấc ngủ.
Phương pháp này tương đối an toàn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh cơ sở lý luận chính thống, đánh giá hiệu quả một cách khoa học đối với việc chữa bệnh giãn tĩnh mạch bằng diện chẩn. Vì vậy, bạn không nên coi đây là phương pháp điều trị hoàn toàn các triệu chứng của bệnh và mong đợi quá nhiều vào những tác dụng mà nó có thể mang lại. Thay vào đó, bạn hãy nghĩ rằng diện chẩn giúp cơ thể thoải mái, thư giãn hơn.
Nếu thấy các dấu hiệu của suy giãn tĩnh mạch như: đau mỏi, tê chân xuất hiện nhiều vào cuối ngày, chuột rút khi ngủ, tĩnh mạch nổi lên bề mặt da ngoằn ngoèo như dây thừng hoặc tĩnh mạch mạng nhện, chảy máu, lở loét… bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.
Những phương pháp cải thiện triệu chứng bệnh đã được các nhà khoa học nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn bao gồm: dùng vớ nén, uống thuốc, điều trị bằng laser, phẫu thuật Stripping, tiêm xơ tĩnh mạch…