Chuột rút liên tục có thể biến một thai kỳ đầy hạnh phúc của mẹ trở nên mệt mỏi và ám ảnh. Nhiều bà mẹ trở nên lo lắng khi những cơn chuột rút xuất hiện thường xuyên, kéo dài và cản trở giấc ngủ mỗi ngày. Vậy, vì sao mẹ lại bị chuột rút khi mang thai và tình trạng này có ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn trong nội dung dưới đây.
Mục lục
1. Vì sao mang thai dễ bị chuột rút?
Chuột rút (hay vọp bẻ) là phản xạ co rút một hoặc một nhóm cơ một cách đột ngột và tự động gây đau nhức dữ dội. Thông thường, một cơn chuột rút sẽ kéo dài khoảng 30 – 60 giây, sau đó, các cơ sẽ giãn dần ra và trở về trạng thái bình thường.
Chuột rút khi mang thai là tình trạng thường gặp, xảy ra ở hơn một nửa mẹ bầu. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ nhưng phổ biến hơn khi mẹ bước vào tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Chuột rút khi mang thai có một vài đặc điểm như:
- Có thể xảy ra ở cả ban ngày nhưng có xu hướng trầm trọng hơn vào ban đêm.
- Phổ biến ở các nhóm cơ chân, ngoài ra mẹ bầu cũng có thể bị chuột rút ở mông, đùi, lưng và bụng.
- Không để lại hậu quả nghiêm trọng và thường biến mất sau khi thai kỳ kết thúc.
Nguyên nhân trực tiếp gây nên chứng chuột rút khi mang thai được cho rằng liên quan đến sự biến đổi tuần hoàn trong cơ thể mẹ bầu trong thai kỳ. Điều này gây thiếu máu cục bộ, khiến các cơ bị thiếu oxy dẫn đến tăng tích tụ acid lactic, gây đau nhức và co rút cơ. Một số yếu tố được cho rằng có khả năng thúc đẩy quá trình này bao gồm:
1.1. Tăng cân quá nhanh
Do tâm lý bồi bổ nhiều hơn khi mang thai, một số mẹ bầu tăng cân quá nhanh và quá nhiều trong thai kỳ. Điều này làm tăng áp lực lên các cơ bắp của chân, cản trở tuần hoàn máu từ chân về tim, khiến các cơ bắp bị co thắt và gây ra hiện tượng chuột rút.
1.2. Tử cung tăng kích thước
Tử cung và em bé phát triển nhanh chóng từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Điều này gây chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch ở vùng chậu, cản trở dòng chảy của máu từ chân lên tim đồng thời tăng áp lực lên hệ thống thần kinh từ tủy sống đến chân. Điều này gây thiếu oxy cho cơ bắp, tăng tích tụ acid lactic khiến mẹ bầu bị chuột rút nhiều hơn.
Mất nước điện giải: Chế độ ăn mất cân đối, lao động nặng hoặc tập luyện quá mức có thể khiến cơ thể mẹ bầu mất nước, điện giải. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh – cơ, làm tăng nguy cơ bị chuột rút trong thai kỳ.
1.3. Thiếu Canxi
Canxi là chất khoáng tham gia vào quá trình kích hoạt và duy trì hoạt động co cơ khi cơ thể vận động. Trong thai kỳ, nhu cầu của mẹ có thể tăng gần gấp 2 lần bình thường. Nếu chế độ ăn không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết, mẹ bầu có thể bị thiếu canxi, gây rối loạn chức năng co – giãn cơ, tăng tần suất bị chuột rút.
Xem thêm: Hay bị chuột rút là do cơ thể thiếu những chất này
1.4. Thay đổi tuần hoàn
Sự biến đổi hormone trong thai kỳ khiến tĩnh mạch giãn rộng và thành tĩnh mạch mềm hơn. Kết hợp với thể tích máu có thể tăng lên 50% so với bình thường khiến tuần hoàn máu giảm ở những tĩnh mạch xa tim như ở chân. Điều này khiến mẹ bầu dễ gặp phải hiện tượng phù chân, chuột rút khi mang thai.
1.5. Sai tư thế
Mẹ bầu nằm, ngồi hoặc vận động sai tư thế gây chèn ép lên hệ thần kinh – mạch máu cũng là nguyên nhân gây ra chuột rút. Ngoài ra, các tư thế kéo giãn cơ quá mức hay thay đổi tư thế đột ngột, quá mạnh cũng là nguyên nhân khiến cơ bị co thắt, cứng cơ và dễ bị chuột rút hơn.
1.6. Bệnh lý
Bên cạnh những yếu tố trên, tình trạng chuột rút khi mang thai cũng phổ biến hơn nếu mẹ bầu mắc phải một số bệnh lý như: suy giãn tĩnh mạch, bệnh lý ở thận, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, rối loạn thần kinh,…
Xem chi tiết: Tìm hiểu về các bệnh gây ra triệu chứng chuột rút
Để biết chính xác nguyên nhân gây ra chứng chuột rút trong thai kỳ, mẹ bầu cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Đây cũng là cơ sở để các chuyên gia xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho mẹ bầu.
2. Các loại chuột rút khi mang thai
3. Chuột rút có ảnh hưởng đến thai kỳ không?
Chuột rút là hiện tượng khá phổ biến trong thai kỳ, hiểu rõ các tác hại tiềm ẩn sẽ giúp các bà bầu có biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời.
3.1. Ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu
- Mệt mỏi và căng thẳng: Đau đớn từ chuột rút, đặc biệt vào ban đêm, làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi và giảm khả năng tập trung.
- Khó khăn vận động: Chuột rút ở bắp chân có thể hạn chế khả năng di chuyển và thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Tăng nguy cơ tai nạn: Cơn chuột rút có thể làm mất thăng bằng, dễ dẫn đến té ngã hoặc va đập, đặc biệt vào ban đêm.
- Ảnh hưởng tinh thần: Cảm giác lo âu, căng thẳng do chuột rút kéo dài có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc của bà bầu.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu canxi, kali hoặc magie có thể gây chuột rút và dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác nếu không bổ sung kịp thời.
3.2. Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
- Gián đoạn sự phát triển: Mặc dù chuột rút không trực tiếp tác động đến thai nhi, nhưng cơn đau liên tục có thể khiến bà bầu mệt mỏi, thiếu ngủ và giảm hoạt động thể chất, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của mẹ và thai.
- Ảnh hưởng đến tuần hoàn máu: Chuột rút có thể do vấn đề tuần hoàn, khi tử cung lớn chèn ép tĩnh mạch, làm giảm oxy cung cấp cho thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
- Tăng nguy cơ sinh non: Nếu chuột rút kết hợp với cơn co thắt tử cung mạnh (Braxton Hicks), có thể là dấu hiệu cơ thể chuẩn bị sinh, và nếu kéo dài hoặc quá mạnh, có thể tăng nguy cơ sinh non.
Một số ít trường hợp, mẹ bầu có thể gặp nguy hiểm nếu triệu chứng chuột rút đi kèm với những dấu hiệu bất thường dưới đây:
- Tần suất chuột rút dày đặc, trên 6 lần/ giờ.
- Cơn đau do chuột rút không có dấu hiệu giảm dần theo thời gian.
- Mẹ bầu bị đau mạnh ở bụng hay trên đỉnh vai, thân nhiệt tăng.
- Xuất hiện tình trạng chóng mặt, choáng váng kèm theo chảy máu âm đạo.
- Chuột rút ở vùng bụng, lưng, mông thường xuyên ở những người có tiền sử sinh non, thai ngoài tử cung hay tử cung ngắn.
- Mẹ bầu bị nôn, đau bụng dữ dội.
Khi gặp phải những biểu hiện trên, mẹ bầu cần ngay lập tức đến khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa để làm rõ nguyên nhân và được xử trí cấp cứu kịp thời.
4. Hướng dẫn mẹ bầu cách xử lý khi bị chuột rút
Chuột rút làm các cơ bắp bị căng cứng, khiến mẹ bầu bị đau buốt dữ dội và không thể cử động được. Để nhanh chóng thoát khỏi trạng thái này, mẹ bầu có thể thực hiện như sau:
- Mở rộng chân hết mức có thể nhằm giải phóng sự chèn ép dây thần kinh và hệ thống mạch máu ở vùng chậu, cải thiện tuần hoàn máu.
- Nếu chuột rút ở bắp chân, mẹ bầu cần gập bàn chân và cổ chân về phía gối hết mức có thể nhằm kéo giãn cơ bắp chân.
- Nếu chuột rút ở bắp đùi, mẹ bầu cần kéo thẳng chân hết mức kết hợp nâng cao gót chân, ấn đầu gối xuống để kéo căng cơ đùi.
- Nếu chuột rút ở vùng sườn, mẹ bầu cần hít thở sâu kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng các bắp thịt quanh lồng ngực.
- Nếu chuột rút ở cẳng thân, mẹ cần duỗi cơ theo chiều ngược lại và kéo ngón chân, bàn chân lên cao, hướng về phía đầu gối.
- Thực hiện xoa bóp nhẹ nhàng ở cơ bị chuột rút để giảm tình trạng căng cứng cơ, kích thích máu lưu thông đến cơ bắp.
- Chườm ấm các vùng cơ bị đau cũng giúp giảm nhanh triệu chứng đau nhức do chuột rút gây ra.
Những trường hợp bị chuột rút nghiêm trọng ban đêm, cơ bắp của mẹ bầu có thể bị mềm vào sáng hôm sau kèm theo đau nhức kéo dài trong nhiều giờ. Lúc này, mẹ nên chườm ấm và tập luyện nhẹ nhàng để làm dịu dần cơn đau.
5. Làm thế nào để phòng ngừa chuột rút trong thai kỳ?
Duy trì ổn định tuần hoàn máu và chức năng của hệ thần kinh là phương pháp hiệu quả để phòng ngừa chứng chuột rút trong thai kỳ. Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể giúp mẹ bầu phòng ngừa tình trạng này:
- Loại bỏ thói quen đứng hoặc ngồi quá lâu trong một tư thế, mẹ bầu nên chủ động co duỗi bắp chân hoặc hoạt động hai chân sau mỗi 1 giờ.
- Tránh làm những công việc nặng nhọc, làm việc trong môi trường nóng bức.
- Xây dựng và duy trì thói quen tập thể dục đều đặn mỗi ngày với các bài thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, yoga, bơi lội,…
- Thực hiện massage cơ thể thường xuyên, tập trung nhiều hơn vào các vị trí dễ bị chuột rút như: bắp đùi, bắp chân, bàn chân và ngón chân.
- Điều chỉnh tư thế khi ngủ, nên nằm nghiêng trái, gác cao chân và kê gối mỏng giữa hai đầu gối và đỡ ở lưng.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt chú ý đến một số nhóm chất như: canxi, acid folic, magie, kali, natri, vitamin B,… Tham khảo chi tiết trong bài viết: Cách uống sắt canxi và vitamin tổng hợp cho bà bầu.
- Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày.
- Dành thời gian nghỉ ngơi điều độ, tránh để cơ thể bị mệt mỏi, căng thẳng kéo dài.
- Duy trì tâm lý tích cực, tránh để cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
Chuột rút khi mang thai mặc dù không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của mẹ bầu. Hi vọng những thông tin trong bài viết hôm nay sẽ phần nào giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về tình trạng này, từ đó lựa chọn được giải pháp xử lý và phòng ngừa phù hợp. Chúc các mẹ có một thai kỳ trọn vẹn niềm vui!