Điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần là phương pháp mới cho người bệnh suy giãn tĩnh mạch hiện nay, đem lại hiệu quả tích cực và nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp cũ. Vậy phương pháp này được thực hiện như thế nào? Cần lưu ý gì khi điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần là gì?
- 2. Đối tượng phù hợp để điều trị
- 3. Ưu, nhược điểm của phương pháp điều trị này
- 4. Chữa giãn tĩnh mạch bằng sóng cao tần có đau không?
- 5. Thời gian hồi phục sau điều trị là bao lâu?
- 6. Chi phí điều trị là bao nhiêu?
- 6. Nên điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần ở đâu?
- 7. Lưu ý khi chăm sóc vùng suy giãn tĩnh mạch điều trị bằng sóng cao tần
1. Điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần là gì?
Hiện nay, suy giãn tĩnh mạch có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như điều trị nội khoa (sử dụng thuốc), phẫu thuật loại bỏ tĩnh mạch bị suy, can thiệp nội mạch loại bỏ tĩnh mạch bị suy bằng tiêm chất tạo bọt, điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng laser,… Trong đó, phương pháp điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần là một phương pháp mới và hiện đang được ứng dụng khá nhiều tại các cơ sở y tế điều trị suy giãn tĩnh mạch.
Điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần (RFA) là phương pháp can thiệp nhiệt nội tĩnh mạch, sử dụng sóng cao tần phát nhiệt để phá hủy collagen thành tĩnh mạch, dẫn đến viêm thành tĩnh mạch, xơ hóa và tắc nghẽn hoàn toàn tĩnh mạch bị ảnh hưởng.
Kỹ thuật này sử dụng một sợi cáp có khả năng phát nhiệt từ sóng cao tần đưa vào trong lòng tĩnh mạch, sau đó dựa vào năng lượng nhiệt để gây xơ hóa thành mạch của người bệnh. Khi tĩnh mạch bị xơ hóa, lưu lượng máu sẽ được chuyển đến các tĩnh mạch khỏe mạnh hơn và cơ thể sẽ tái hấp thu tĩnh mạch đã xơ hóa này theo thời gian.
2. Đối tượng phù hợp để điều trị
2.1. Đối tượng nên điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần
Phương pháp sử dụng sóng cao tần điều trị suy tĩnh mạch thường được chỉ định trong các trường hợp:
- Người bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính có triệu chứng và có phân độ CEAP trên lâm sàng từ C2 đến C6.
- Đáp ứng tiêu chuẩn siêu âm Doppler mạch của suy tĩnh mạch: Thời gian dòng trào ngược lớn hơn 0.5 giây đối với tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé, các tĩnh mạch xuyên.
- Ít đáp ứng với điều trị nội khoa.
Tìm hiểu thêm: Các cấp độ của bệnh suy giãn tĩnh mạch
2.2. Đối tượng không nên điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần
Hầu hết những người bị suy tĩnh mạch đều đủ điều kiện để thực hiện phương pháp đốt sóng cao tần. Tuy nhiên, phương pháp này không phải là lựa chọn tốt nhất trong những trường hợp dưới đây:
- Nhiễm trùng vùng chân cần điều trị.
- Tĩnh mạch quanh co khiến việc đặt RFA gặp khó khăn.
- Không thể mang vớ giãn tĩnh mạch.
- Đang mắc các bệnh ác tính đã biết.
- Thể trạng suy kiệt.
- Bệnh nhân không thể đi lại được
- Suy động mạch ngoại biên dưới mọi hình thức
- Rối loạn đông máu hoặc chảy máu đã biết.
- Dị ứng với thuốc cản quang iod.
- Bệnh nhân suy thận nặng (độ IV).
- Phụ nữ mang thai (Xem thêm: Phương pháp điều trị phù hợp cho bà bầu bị giãn tĩnh mạch chân)
3. Ưu, nhược điểm của phương pháp điều trị này
3.1. Ưu điểm
Phương pháp điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần hiện đang là một trong những phương pháp được ưa chuộng và nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia, bác sĩ bởi nhiều ưu điểm vượt trội, khắc phục được những hạn chế của các phương pháp truyền thống. Những điểm mạnh của phương pháp này có thể được kể đến như:
- Đây là thủ thuật can thiệp ít xâm lấn, an toàn và ít gây biến chứng sau điều trị.
- Ít đau, ít gây bầm máu. Bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.
- Thời gian thực hiện thủ thuật nhanh, khoảng 60 – 90 phút.
- Thời gian hồi phục sau điều trị nhanh, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường sau 12 giờ làm thủ thuật.
- Chỉ cần gây tê cục bộ vùng da thực hiện.
- Tỷ lệ thành công cao. Phương pháp đốt sóng cao tần (RFA) có thể làm giảm chứng giãn tĩnh mạch ở khoảng 97 trên 100 người.
- Bệnh nhân nhanh chóng cải thiện chất lượng cuộc sống: Cải thiện về thẩm mỹ và cải thiện các triệu chứng bệnh như phù, nặng chân, đau nhức, chuột rút. Nhiều trường hợp bệnh ở giai đoạn muộn hơn, có các vết loét khó liền, vết bầm dưới da do biến chứng của bệnh cũng được cải thiện đáng kể sau điều trị.
3.2. Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội trên, phương pháp điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần vẫn còn tồn tại một số nhược điểm nhỏ:
- Chi phí thực hiện khá cao do đây là kỹ thuật mới và hiện đại.
- Không phải tất cả trường hợp suy tĩnh mạch đều phù hợp với phương pháp này.
- Có thể gây ra một số tác dụng phụ như: bỏng da, cảm giác nóng rát, đau đớn, châm chích sau khi hồi phục, cục máu đông nhỏ hoặc lớn trong tĩnh mạch hoặc tĩnh mạch sâu. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này rất hiếm gặp khi thủ thuật được thực hiện bởi bác sĩ có đủ kiến thức chuyên môn và có kinh nghiệm thực hiện phương pháp này.
Dù không phải phương pháp hoàn hảo tuyệt đối nhưng với nhiều ưu điểm vượt trội kể trên, điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần vẫn là phương pháp có hiệu quả và độ an toàn cao, đem lại hy vọng lớn cho các bệnh nhân suy tĩnh mạch.
4. Chữa giãn tĩnh mạch bằng sóng cao tần có đau không?
Trong quá trình cắt bỏ tĩnh mạch bằng sóng cao tần, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê cục bộ vùng cần điều trị. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không cảm thấy đau trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật và vẫn tỉnh táo.
Sau khi thực hiện thủ thuật, bạn có thể sẽ cảm thấy đau nhức, ngứa ran hoặc bầm tím gần vùng tĩnh mạch vừa điều trị. Những triệu chứng này thường biến mất theo thời gian. Nếu những cơn đau khiến bạn cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc giảm đau an toàn có thể sử dụng để giảm bớt triệu chứng đau.
5. Thời gian hồi phục sau điều trị là bao lâu?
Sau khi thực hiện điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng sóng cao tần RFA, ngay tại phòng mổ bệnh nhân phải mang vớ nén và phải đi bộ khoảng 40 phút.
RFA có ưu điểm là thời gian bắt buộc mang vớ y khoa ngắn hơn so với các phương pháp nội mạch khác, chỉ từ 1-2 tuần. Trong khi đó, các phương pháp khác yêu cầu mang vớ y khoa trong khoảng hai tháng.
Sau khi chữa bệnh, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ điều trị định kỳ. Ở lần khám đầu tiên được thực hiện vào ngày thứ 4-7, cần phải siêu âm mạch máu. Lần khám bác sĩ tiếp theo phụ thuộc vào thời gian phục hồi diễn ra như thế nào.
Mặc dù thực tế là các phương pháp công nghệ cao mới không ngừng được phát triển trong lĩnh vực điều trị chứng giãn tĩnh mạch, nhưng ngày nay không có kỹ thuật nào sử dụng sẽ giúp bệnh nhân khỏi bệnh này vĩnh viễn. Ngay cả sau RFA, bệnh vẫn có thể tái phát. Tài liệu mô tả ba lý do khiến chứng giãn tĩnh mạch tái phát:
1. Không thể tắc tĩnh mạch do mạch máu của bệnh nhân có cấu trúc đặc biệt hoặc do kỹ thuật của thủ thuật bị vi phạm.
2. Sự hiện diện của sự tái thông trong các tĩnh mạch mà sự tắc nghẽn hoàn toàn đã được thực hiện ban đầu.
3. Trào ngược vùng bẹn xảy ra sau khi tĩnh mạch chính đã được tắc hoàn toàn.
Khả năng bệnh tái phát trong thời gian dài sau RFA xấp xỉ như khi sử dụng các kỹ thuật triệt căn khác và không quá 10%.
6. Chi phí điều trị là bao nhiêu?
Chi phí điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần là một trong những vấn đề được người bệnh quan tâm, cân nhắc hàng đầu khi lựa chọn phương pháp này.
Điều trị bằng sóng cao tần là phương pháp mới hiện nay nên mức chi phí thực hiện thường khá cao, ước tính khoảng 13 – 18 triệu đồng.
Tuy nhiên, mức chi phí trên chỉ mang tính chất tham khảo. Chi phí điều trị thực tế của mỗi người bệnh sẽ không cố định mà có thể thay đổi phụ thuộc vào trình độ bác sĩ chuyên khoa thực hiện thủ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc tại cơ sở y tế điều trị. Ngoài ra, thể trạng và cấp độ bệnh của mỗi người cũng sẽ là yếu tố khiến mức chi phí điều trị có thể thay đổi.
6. Nên điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần ở đâu?
Phương pháp điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần là kỹ thuật hiện đại, do đó, nó đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cũng như có sự hỗ trợ từ hệ thống máy móc, thiết bị tiên tiến.
Chính vì vậy, để đạt hiệu quả điều trị tối ưu nhất cũng như đảm bảo an toàn, hạn chế biến chứng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện, bạn nên lựa chọn các cơ sở y tế lớn, uy tín và chất lượng chuyên môn cao về thăm khám, chẩn đoán và điều trị giãn tĩnh mạch chân để thực hiện phương pháp này.
Một số địa chỉ uy tín trong điều trị suy tĩnh mạch hiện đã áp dụng phương pháp sử dụng sóng cao tần bạn có thể cân nhắc lựa chọn như Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Tim Hà Nội,…
Có thể bạn muốn biết: Bị suy giãn tĩnh mạch khám khoa nào?
7. Lưu ý khi chăm sóc vùng suy giãn tĩnh mạch điều trị bằng sóng cao tần
Sau khi điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần, để hồi phục nhanh chóng tại nhà, bạn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:
- Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Chăm sóc vị trí tĩnh mạch đã điều trị bằng sóng cao tần theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng tại vị trí tĩnh mạch điều trị.
- Sử dụng vớ giãn tĩnh mạch theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nâng cao chân theo hướng dẫn.
- Đi bộ 60 phút mỗi ngày.
- Duy trì các hoạt động ban ngày bình thường, tránh đứng yên trong thời gian dài.
- Trong vài ngày sau RFA, bạn không nên tập thể dục dụng cụ, thể dục nhịp điệu hoặc tập luyện trên xe đạp tập thể dục.
- Tránh các chuyến bay đường dài (trên 4 giờ di chuyển liên tục) trong ít nhất 3 – 4 tuần sau khi điều trị. Nếu không thể tránh khỏi việc di chuyển, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn và thực hiện các phương pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Tránh tắm nước nóng, xông hơi trong vòng 2 tuần sau điều trị.
- Tái khám lại sau điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để đánh giá kết quả điều trị và kiểm tra, loại trừ khả năng thuyên tắc tĩnh mạch sâu.
Đặc biệt, trong quá trình phục hồi tại nhà, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào dưới đây, bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay để được xử lý phù hợp, tránh gây hậu quả xấu đến sức khỏe:
- Sốt từ 38 độ trở lên hoặc theo lời nhắc của bác sĩ.
- Đau ngực hoặc khó thở.
- Có những dấu hiệu nhiễm trùng tại vị trí điều trị: đỏ, sưng tấy, nóng, đau nhiều hơn, chảy máu, tiết dịch hoặc có mùi hôi.
- Tê hoặc ngứa ran nghiêm trọng ở chân được điều trị.
- Đau hoặc sưng nặng ở chân được điều trị.
Điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần là phương pháp mới, hiện đại, độ an toàn cao và đem lại hiệu quả tích cực cho người bệnh suy giãn tĩnh mạch. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đến bạn đọc nhiều thông tin bổ ích về phương pháp này, từ đó lựa chọn được phương pháp phù hợp cho tình trạng suy tĩnh mạch của mình để có thể cải thiện tốt các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.