Nhiều người tin rằng làm việc ở tư thế đứng liên tục trong thời gian dài khiến bắp chân của họ to và thô kệch hơn. Vây, đứng nhiều có thật sự làm chân to hơn không? Hãy cùng chúng tôi giải đáp thắc mắc này trong bài viết hôm nay.
Mục lục
1. Đứng nhiều chân có to không?
Đứng nhiều không khiến chân bị to. Nhưng nếu đứng nhiều và sai cách thì đôi chân của bạn có thể to hơn bình thường. Như vậy, thời gian đứng không phải là yếu tố chính mà cách đứng mới là nguyên nhân thay đổi kích thước chân.
Tìm hiểu thêm: Bắp chân bên to bên nhỏ là bị làm sao?
Theo đó, những người có thói quen nhấc các ngón chân khỏi mặt sàn khi đứng thường có bắp đùi to hơn bình thường. Cách đứng này tương tự tư thế Calf raise – Gánh tạ nhón gót tập bắp chân, giúp rèn luyện cơ đùi ở nam giới. Vậy nên, bạn nên đứng trên toàn bộ bàn chân nếu không muốn có tăng size cho cơ đùi.
Ngoài ra, thói quen dồn trọng tâm cơ thể lên gót chân khi đứng cũng có thể khiến chân của bạn to hơn. Tư thế này khiến bắp chân liên tục chịu áp lực lớn, có xu hướng tăng tích tụ mỡ thừa và to hơn bình thường. Vì vậy, bạn cần tránh cách đứng này.
Vậy, tại sao có những người đứng đúng cách nhưng vẫn cảm thấy chân to hơn? Nguyên nhân là khi đứng quá lâu, không có cử động chân khiến áp suất thuỷ tĩnh trong lòng tĩnh mạch không thay đổi. Mặt khác, trọng lượng cơ thể được dồn toàn bộ lên chân trong thời gian dài.
Những yếu tố này làm cản trở dòng chảy của máu từ tĩnh mạch về tim. Hệ quả là tăng ứ máu trong lòng tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch căng phồng nên nhìn chân có vẻ to hơn. Ở người bình thường, kích thước chân sẽ tự động trở về bình thường sau khi bạn di chuyển và nghỉ ngơi.
Ngoài cách đứng sai, một số yếu tố khác cũng khiến chân bị to hơn như:
- Thói quen ngồi vắt chéo chân hoặc khoanh chân lên ghế gây cản trở tuần hoàn và tăng tích tụ mỡ thừa.
- Tập các bài tập tăng cơ quá mức hoặc tập sai cách, bỏ dở quá trình tập cũng có thể khiến bắp chân và bắp đùi to ra.
- Ăn uống không kiểm soát, lười vận động gây tình thừa cân, béo phì dẫn đến chân to lên nhanh chóng.
Đọc thêm: Những tác hại khi đứng làm việc quá lâu có thể bạn chưa biết
2. Cách đứng đúng tránh để bắp chân bị to
Tư thế đứng đúng không chỉ giúp bạn tránh được tình trạng bắp chân to mà còn góp phần bảo vệ cột sống, hạn chế nguy cơ thoái hoá khớp, giảm căng thẳng cho hệ thống dây chằng và sử dụng các cơ bắp một cách hiệu quả. Theo đó, những điểm bạn cần chú ý khi đứng gồm:
- Giữ đầu – cổ ở vị trí cân bằng với vai và cơ thể, tránh nghiêng lệch sang một bên trong thời gian dài.
- Phần vai mở rộng, thả lỏng tự nhiên.
- Điều hoà hơi thở sâu ở phần bụng thay vì thở nông ở lồng ngực.
- Giữ thẳng lưng theo đường cong tự nhiên của cột sống, tránh nghiêng ngả về hai bên hoặc phía trước, sau.
- Giữ hông thư giãn, tự nhiên, tránh đẩy về phía trước.
- Hai chân đứng thẳng tự nhiên, không chụm đầu gối lại với nhau.
- Để hai bàn chân với các ngón chân tiếp xúc hoàn toàn trên mặt đất, không nhón bất cứ phần nào lên trên.
Với những người phải đứng trong thời gian dài, bạn có thể đứng với tư thế một chân đứng – một chân nghỉ. Thực hiện thay đổi luân phiên để giảm cảm giác đau, mỏi dẫn đến sai tư thế đứng.
3. Một số lưu ý khi phải đứng nhiều
Chân to không phải mối lo duy nhất của những người thường xuyên đứng nhiều. Hầu hết mọi người đều gặp phải tình trạng đau, nhức mỏi hay sưng tấy chân. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần đứng đúng cách và lưu ý một số vấn đề sau:
- Chọn giày dép phù hợp: Bạn nên tránh những đôi giày, dép cao gót. Thay vào đó, hãy chọn loại đế bằng, có chất liệu êm, thoáng khí và nhẹ nhàng để cân đối trọng lực và giảm áp lực lên chân.
- Co duỗi chân: Cứ cách khoảng 15 – 30 phút đứng bạn nên chủ động thực hiện các động tác co duỗi chân tại chỗ hoặc đi lại. Hoạt động này giúp thúc đẩy tuần hoàn, hạn chế ứ đọng máu và tăng bôi trơn khớp.
- Vị trí đứng: Nếu có thể, bạn nên chọn đứng ở những nơi bằng phẳng, có trải thảm. Điều này giúp cân bằng trọng lượng cơ thể và giảm phản lực lên chân, từ đó hạn chế triệu chứng tê bì, đau mỏi chân.
- Massage chân: Nhằm thúc đẩy máu lưu thông và giảm căng thẳng cơ bắp. Bạn có thể dùng tay xoa bóp toàn bộ chân, dùng con lăn hoặc bóng tròn lăn qua lại dưới lòng bàn chân trong khoảng 15 – 20 phút.
4. Đứng nhiều làm tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch chân
Đứng liên tục trong thời gian dài là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh giãn tĩnh mạch. Nguyên nhân là do tư thế đứng cố định làm giảm hoạt động của các bơm cơ khiến các van một chiều không đóng kịp hoặc đóng không kín. Điều này gây ra các dòng trào ngược trong lòng tĩnh mạch, cản trở máu chảy về tim.
Lâu dần, chức năng của các van một chiều suy yếu làm tăng lượng máu ứ đọng trong tĩnh mạch, dẫn đến tăng áp lực lên thành mạch. Tình trạng này kéo dài khiến tĩnh mạch giãn rộng, mất khả năng đàn hồi và suy giảm chức năng vận chuyển máu.
Khi suy giãn tĩnh mạch xảy ra, người bệnh phải đối diện với hàng loạt vấn đề như:
Triệu chứng khó chịu: Chân sưng tấy, đau nhức, phù nề, nặng mỏi và hàng loạt triệu chứng dị cảm như: tê bì, châm chích, nóng ran và chuột rút vào ban đêm.
=> Xem chi tiết: Triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch chân
Vấn đề thẩm mỹ: Tĩnh mạch xanh, tím lồi lên khỏi bề mặt da cùng tình trạng rối loạn sắc tố da với các mảng da nâu, tím, đỏ gây mất thẩm mỹ và khiến nhiều người bệnh tự ti.
=> Xem chi tiết: Tình trạng tràm ứ đọng da chân ở bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch
Biến chứng: Suy giãn tĩnh mạch không được điều trị phù hợp có thể tiến triển thành biến chứng nguy hiểm như: giãn vỡ tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu dẫn đến thuyên tắc phổi, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Nếu công việc đòi hỏi phải đứng liên tục trong thời gian dài, bạn nên tăng cường tập các bài tập nâng cao chân, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng tốt cho tĩnh mạch và thăm khám sớm khi có dấu hiệu bất thường nhằm xử lý kịp thời.
Như vậy, đứng nhiều có gây to chân hay không còn phụ thuộc vào cách đứng của mỗi người. Hy vọng, thông tin trong bài viết hôm nay giúp bạn có những điều chỉnh phù hợp để sở hữu đôi chân đẹp và phòng tránh nguy cơ về sức khỏe. Chúc bạn nhiều sức khoẻ!