Hầu hết mọi người đều cho rằng giãn tĩnh mạch là bệnh lý của tuổi già, chỉ xuất hiện sau 50 tuổi và phổ biến ở phụ nữ thì thực tế không hẳn vậy. Rất nhiều người trẻ hiện nay phát hiện mình bị giãn tĩnh mạch ngay ở độ tuổi 20. Điều này khiến không ít người băn khoăn và đặt câu hỏi: Tại sao giãn tĩnh mạch có thể xuất hiện ở tuổi 20? Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất
Di truyền
Di truyền là yếu tố quan trọng trong khởi phát và tiến triển bệnh lý suy giãn tĩnh mạch. Nếu ông bà, bố mẹ của bạn từng bị suy giãn tĩnh mạch khi còn trẻ thì nguy cơ bạn gặp phải bệnh lý này ở tuổi 20 cũng lớn hơn người bình thường.
Mang thai
Suy giãn tĩnh mạch trong thai kỳ là tình trạng rất phổ biến. Nguyên nhân là do sự tăng cường của nhóm hormone estrogen và progesteron khiến tĩnh mạch giãn rộng hơn bình thường. Bên cạnh đó, để đáp ứng cho nhu cầu nuôi dưỡng thai nhi, lượng máu của phụ nữ mang thai có thể tăng thêm 50 – 60% so với trước đó. Cùng với đó, lưu lượng máu chậm lại khiến cho tĩnh mạch phải chịu áp lực lớn hơn hẳn.
Mặt khác, trọng lượng cơ thể người mẹ tăng thêm trung bình từ 7 – 12kg, thậm chí nhiều hơn. Điều này khiến làm tăng áp lực lên vùng chân, cản trở dòng máu từ chân về tim dẫn đến tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch. Trong khi đó, giai đoạn từ 20 – 30 tuổi là khoảng thời gian lý tưởng cho quá trình sinh sản của nữ giới, nguy cơ mắc chứng giãn tĩnh mạch tăng lên sau mỗi lần mang thai. Vì vậy, không quá khó hiểu khi phụ nữ bị giãn tĩnh mạch ở tuổi 20.
Giãn tĩnh mạch thai kỳ có thể tự biến mất sau khi sinh con. Tuy nhiên, nếu bệnh vẫn kéo dài và phát triển quá 12 tuần sau khi sinh, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa tĩnh mạch để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Béo phì
Lạm dụng các thực phẩm chế biến sẵn giàu đường, giàu béo cùng chế độ sinh hoạt ít vận động khiến tình trạng thừa cân, béo phì trở nên ngày càng phổ biến ở giới trẻ. Trọng lượng cơ thể tăng cao đồng nghĩa với chân phải chịu áp lực lớn hơn. Áp lực này góp phần cản trở dòng chảy của máu từ tĩnh mạch về hệ tuần hoàn chủ dẫn đến làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì ở lứa tuổi từ 5 – 19 tuổi đạt đến 19% vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ béo phì của thanh niên Mỹ trong độ tuổi từ 20 – 39 tuổi lên đến 35.7%. Những con số này góp phần lý giải tại sao suy giãn tĩnh mạch ở tuổi 20 ngày càng trở nên “quen thuộc” hơn với người trẻ.
Xem chi tiết hơn: Mối liên quan giữa béo phì và giãn tĩnh mạch
Ít vận động
Sự phát triển của nền kinh tế công nghiệp và công nghệ làm thay đổi xu hướng nghề nghiệp ở giới trẻ. Các ngành nghề như: công nhân, nhân viên văn phòng, tư vấn dịch vụ, lái xe,… đều yêu cầu người làm việc phải đứng hoặc ngồi liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ. Tư thế này làm tăng áp lực lên tĩnh mạch chi dưới, thúc đẩy suy giãn tĩnh mạch phát triển ở người trẻ.
Bên cạnh đó, thời gian làm việc chiếm phần lớn thời gian trong ngày cùng với áp lực công việc đè nặng khiến nhiều người lựa chọn “nằm ì” để nghỉ ngơi thay vì các hoạt động thể chất. Thói quen này làm suy giảm sức khỏe tổng thể, làm giảm sức chịu đựng của thành mạch, tạo điều kiện cho suy giãn tĩnh mạch xuất hiện ở độ tuổi 20.
Trang phục không phù hợp
Dù không được nhắc đến nhiều nhưng yếu tố trang phục thật sự có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tĩnh mạch. Việc lựa chọn những loại quần áo bó sát phần dưới cơ thể có thể gây cản trở dòng chảy của máu trở về tim. Nếu những trang phục này được mặc khi phải đứng hoặc ngồi làm việc liên tục nhiều giờ thì suy giãn tĩnh mạch hoàn toàn có xảy ra khi bạn 20 tuổi.
Bên cạnh đó, những người trẻ có thói quen đi giày cao gót suốt nhiều giờ trong ngày hay sử dụng những loại giày quá nhỏ so với kích thước chân cũng có thể gây tổn thương hệ tĩnh mạch. Hệ quả là suy giãn tĩnh mạch có thể khởi phát ngay khi bạn còn rất trẻ.
Đọc thêm: Những tác hại khi mặc quần chật
Chấn thương
Chấn thương được xếp vào nhóm nguyên nhân “ngoài dự kiến” có thể gây ra chứng giãn tĩnh mạch ở độ tuổi 20. Theo đó, một cú ngã, va chạm hay tai nạn trong lúc di chuyển, tập luyện hoặc làm việc gây tổn thương, khiến tĩnh mạch mất đi khả năng vận chuyển máu có thể là nguyên nhân khởi phát chứng giãn tĩnh mạch.
Để tránh gặp phải tình trạng này, bạn cần tránh tâm lý chủ quan khi chấn thương xảy ra. Thăm khám kỹ càng và nghiêm túc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ là biện pháp hiệu quả giúp bạn phòng ngừa giãn tĩnh mạch do chấn thương gây ra.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc nội tiết chứa progesterone và estrogen có dùng trong tránh thai có thể kích thích suy giãn tĩnh mạch tiến triển. Nguyên nhân là những nội tiết tố này có thể làm tĩnh mạch giãn rộng hơn và khiến lưu lượng máu chậm lại. Quá trình này làm tăng áp lực lên thành tĩnh mạch dẫn đến tĩnh mạch bị suy giảm chức năng vận chuyển máu.
Sử dụng thuốc ngừa thai là lựa chọn phổ biến ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh sản. Để tránh gặp phải tác dụng không mong muốn trên, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc. Ngoài ra, nếu có bất cứ bất thường nào trong thời gian dùng thuốc, bạn cần ngưng dùng và thông báo cho bác sĩ để được điều chỉnh kịp thời.