Đối diện với hàng loạt triệu chứng khó chịu và nguy cơ biến chứng, nhiều người bệnh tỏ ra băn khoăn không biết liệu giãn tĩnh mạch chân có chữa được không? Nếu đây cũng là điều bạn quan tâm, vậy đừng bỏ qua bài viết hôm nay.
Mục lục
1. Giãn tĩnh mạch chân có chữa được không?
Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng suy giảm chức năng các van tĩnh mạch một chiều do hệ thống tĩnh mạch chi dưới bị tăng áp lực. Hệ quả là máu từ tĩnh mạch không thể trở về hệ thống tuần hoàn của cơ thể như bình thường mà ứ đọng trong lòng tĩnh mạch hoặc chảy ngược, gây ra hàng loạt vấn đề như: sưng tấy, phù nề, đau nhức chân và tiến triển thành biến chứng nguy hiểm.
Đọc thêm: 4 biến chứng điển hình của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở hệ thống tĩnh mạch nông (hệ tĩnh mạch gần da), tĩnh mạch sâu (nằm giữa các nhóm cơ) và tĩnh mạch xuyên là đoạn kết nối hai hệ tĩnh mạch nông và sâu.

Quay trở lại câu hỏi: Giãn tĩnh mạch chân có chữa được không? – Đáp án là: Suy giãn tĩnh mạch chân không thể điều trị khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, người bệnh suy giãn tĩnh mạch chân hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp điều trị nhằm cải thiện triệu chứng, duy trì bệnh ổn định, ngăn cản quá trình tiến triển và kéo dài bệnh tái phát.
Theo đó, suy giãn tĩnh mạch chân xảy ra sau thời gian dài tĩnh mạch và hệ thống van chịu áp lực, dẫn đến tổn thương gây suy giảm chức năng và biến dạng tĩnh mạch. Điều này xảy ra khi độ đàn hồi của thành tĩnh mạch vượt quá giới hạn, đồng nghĩa với việc chúng không có khả năng co hồi lại như bình thường.
Lúc này, các biện pháp điều trị được chỉ định cho người bệnh chỉ dựa trên mục tiêu:
- Bảo vệ thành mạch: Giúp “gia cố” để tăng sức bền thành tĩnh mạch, ức chế các tác nhân gây tổn hại mạch máu và sửa chữa các tổn thương trên tĩnh mạch.
- Kiểm soát áp lực máu: Nhằm hạn chế tốc độ tĩnh mạch bị giãn rộng, biến dạng từ đó giảm thiểu lượng máu ứ đọng trong lòng tĩnh mạch gây ra tình trạng phù nề, đau nhức và thiếu máu trong cơ thể.
- Hỗ trợ dòng chảy của máu về tim: Nhằm giảm áp lực lên thành tĩnh mạch và giảm lượng máu ứ đọng trong tĩnh mạch, qua đó cải thiện các triệu chứng và ngăn biến chứng.
Nguyên tắc: Tránh thói quen xấu gây bệnh, hỗ trợ tĩnh mạch lưu thông máu (bằng thuốc, vớ áp lực hoặc phẫu thuật), tăng tập luyện động đưa máu về tim, thăm khám định kì theo dõi bệnh và phát hiện huyết khối tĩnh mạch.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch cần dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Những biện pháp điều trị kiểm soát và phòng ngừa cho hiệu quả tốt nhất ở giai đoạn khởi phát của bệnh. Càng về giai đoạn sau, người bệnh càng phải phối hợp nhiều biện pháp và hiệu quả thu được là rất có hạn.
2. Các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch chân
Dựa trên mức độ suy giãn tĩnh mạch và tình trạng sức khỏe của từng người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng phổ biến nhất.
2.1 Điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn được thực hiện nhằm cải thiện các triệu chứng và đem lại tinh thần thoải mái cho người bệnh. Có 3 phương pháp điều trị bảo tồn chính gồm: sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và sử dụng vớ y khoa.
Sử dụng thuốc
Bác sĩ sẽ tiến hành kê thuốc điều trị dựa trên mức độ suy giãn tĩnh mạch của từng người bệnh cụ thể. Một số hoạt chất thường được sử dụng gồm:
- Diosmin: Tăng trương lực cơ và sức đề kháng của tĩnh mạch, đồng thời giảm phù thông qua việc thúc đẩy co bóp và thoát dịch bạch huyết. Diosmin cũng chống oxy hóa và kháng viêm trong tăng huyết áp tĩnh mạch.
- Hesperidin: Hoạt động như một chất chống kết dính tiểu cầu và tăng tính thấm mao mạch qua đó tăng độ bền thành mạch và ức chế hình thành cục máu đông. Hoạt chất này cũng chống viêm tĩnh mạch chân hiệu quả.
- Pentoxifylline: Được sử dụng để cải thiện tuần hoàn máu trong tĩnh mạch chân. Pentoxifylline còn giúp giảm triệu chứng đau nhức cơ, chuột rút và phù nề trong suy giãn tĩnh mạch chân.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc khác như: thuốc kháng sinh, kháng viêm hay thuốc giảm đau tùy theo các vấn đề mà người bệnh gặp phải. Cần lưu ý, việc sử dụng thuốc điều trị cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.
Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường khả năng bơm máu của hệ thống tĩnh chân. Bạn có thể tập các bài tập vận cơ bàn chân, cẳng chân khi đứng, nằm hoặc ngồi. Một số bài tập đơn giản có thể tự thực hiện tại nhà như:
- Tập gấp duỗi cổ chân: Người bệnh nằm ngửa, sau đó đặt chân trái lên ghế cao 20 – 30cm. Tiếp đó, thực hiện gấp – duỗi cổ chân 10 lần. Đổi chân và tập động tác tương tự với chân còn lại. Thực hiện trong 5 phút.
- Bài tập nâng chân: Người bệnh ngồi thẳng lưng trên ghế, từ từ nâng chân phải lên, đá thẳng ra trước rồi hạ xuống. Tiếp đó, nâng chân trái rồi hạ xuống. Thực hiện luân phiên khoảng 15 lần.
- Bài tập bước cao: Người bệnh đứng thẳng lưng, sau đó thực hiện bước cao chân tại chỗ, chú ý khi nâng chân điều chỉnh để đầu gối tạo thành góc vuông. Thực hiện liên tục trong 5 phút.

Tham khảo thêm: Các bài tập tại nhà cho người suy giãn tĩnh mạch
Vớ y khoa
Sử dụng vớ y khoa là biện pháp phổ biến được chỉ định trong các trường hợp: dự phòng suy giãn tĩnh mạch mạn tính tiến triển, dự phòng suy giãn tĩnh mạch khi thai nghén, giảm nhẹ triệu chứng cơ năng của bệnh, có hiện tượng loạn dưỡng do tĩnh mạch, phù bạch mạch hoặc chống chỉ định với liệu pháp tiêm xơ hay phẫu thuật tĩnh mạch.

Trong mỗi trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn để người bệnh lựa chọn được loại tất có áp lực phù hợp. Thông thường, mức độ áp lực của tất sẽ tăng dần ở người bệnh điều trị dự phòng đến người bệnh chưa có loét và có loét. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cần dựa vào vị trí van tĩnh mạch suy để lựa chọn loại tất đến gối hay đến đùi.
Nếu suy giãn tĩnh mạch hiển nhỏ, tĩnh mạch hiển lớn ở cẳng chân thì cần đeo tất đến gối. Trường hợp suy van tĩnh mạch hiển lớn thì phải đeo tất tới đùi. Có 3 loại vớ nén y khoa chính gồm:
- Tất độ 1: Áp lực 10 – 15mmHg dùng cho người suy giãn tĩnh mạch nhẹ hoặc người cần điều trị dự phòng.
- Tất độ 2: Áp lực 15 – 20mmHg dùng cho người suy giãn tĩnh mạch trung bình, có huyết khối tĩnh mạch nông và sâu.
- Tất độ 3: Áp lực 20 – 36mmHg dùng cho người suy giãn tĩnh mạch nặng, có loạn dưỡng và huyết khối tĩnh mạch.
- Tất độ 4: Áp lực lớn hơn 36mmHg dùng cho người có loạn dưỡng trầm trọng kèm theo vết loét trên da.
2.2 Can thiệp ngoại khoa
Chỉ định can thiệp ngoại khoa được thực hiện khi tình trạng suy giãn tĩnh mạch không đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn. Phương pháp ngoại khoa trong điều trị suy giãn tĩnh mạch gồm:
Phẫu thuật cắt tĩnh mạch
Trường hợp tĩnh mạch bị giãn có đường kính lớn hoặc xuất hiện biến chứng, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành lột toàn bộ thân tĩnh mạch và nhánh bên. Trong đó, kỹ thuật stripping được thực hiện để loại bỏ tĩnh mạch nông bị giãn và kỹ thuật Chivas để lấy tĩnh mạch xuyên bị suy giãn.
Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật là hiệu quả cao và tỷ lệ tái phát thấp. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp được ưu tiên bởi người bệnh phải gây mê, chịu đau kéo dài, thời gian hồi phục lâu và đối diện với nhiều biến chứng như: tụ máu, dị cảm chi dưới, huyết khối tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch bên, tĩnh mạch bàng hệ.
Liệu pháp xơ hóa nội tĩnh mạch
Liệu pháp xơ hóa được thực hiện bằng cách tiêm chất gây xơ vào lòng tĩnh mạch nông. Chất này làm tổn thương nội mạc tĩnh mạch và phần lân cận của lớp trung mạc, qua đó làm hình thành các huyết khối gây tắc lòng tĩnh mạch bị suy. Đây là cách ngăn tình trạng máu ứ đọng tại tĩnh mạch suy giãn.

Tiêm xơ thường được chỉ định cho các trường hợp giãn tĩnh mạch mạng nhện hay thân tĩnh mạch hiển không quá 1cm, hiệu quả nhất khi giãn dưới 3mm. Ưu điểm của phương pháp này là chi phí rẻ, thời gian điều trị nhanh, người bệnh có thể về nhà ngay sau khi thực hiện.
Tuy nhiên, biện pháp này cũng tồn tại nhược điểm như: hay tái phát và dễ gây biến chứng như: tắc động mạch cấp, viêm tĩnh mạch, rối loạn sắc tố da, viêm mô dưới da, hoại tử da,…
Sử dụng tia laser hay sóng cao tần
Sử dụng sóng cao tần hoặc tia laser để phá hủy tĩnh mạch, gây tắc tĩnh mạch và loại bỏ dòng chảy ngược, ngăn máu ứ đọng tại tĩnh mạch bị suy thường được chỉ định cho người bệnh giãn tĩnh mạch chân độ 2 trở lên. Đây là phương pháp được ưu tiên hiện nay bởi nhiều ưu điểm như:
- Ít xâm lấn, không cần gây tê hoặc gây mê trong quá trình thực hiện.
- Người bệnh ít bị đau nên có thể đi lại ngay sau khi thực hiện và xuất viện trong ngày.
- Thời gian hồi phục sau điều trị nhanh và không để lại sẹo.
3. Suy tĩnh mạch chân làm gì để hạn chế tái phát
Suy giãn tĩnh mạch chân có thể tái phát nếu không có chế độ sinh hoạt, chăm sóc phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý chi tiết cho người bệnh suy giãn tĩnh mạch sau điều trị:
- Kê cao chân khi ngủ: Tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy của máu từ chân về tim, từ đó hạn chế được tình trạng ứ đọng máu trong tĩnh mạch và giảm áp lực cho thành tĩnh mạch. (Tham khảo: Các loại gối kê chân chất lượng cho người bị giãn tĩnh mạch chân)
- Chọn giày dép phù hợp: Người bệnh cần tránh đeo các loại giày dép cao gót hay quá chật gây chèn ép lên mạch máu và cản trở dòng chảy của máu từ tĩnh mạch về tim.
- Không đứng hoặc ngồi quá lâu: Ngồi hoặc đứng lâu quá 1 tiếng trong một tư thế tạo áp lực cản trở máu từ tĩnh mạch trở về hệ tuần hoàn đồng thời gây chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch chân.
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì làm tăng trọng lượng của cơ thể, khiến các mạch máu bị chèn ép và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy ngược của máu và tăng ứ đọng máu trong tĩnh mạch.
- Thường xuyên tập thể dục: Tập các bài thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe, bơi lội,… đều đặn mỗi ngày giúp tăng cường tuần hoàn máu, tăng sức mạnh cơ bắp và tăng sức khỏe tĩnh mạch hiệu quả.
- Ăn uống khoa học: Tăng cường các nhóm thực phẩm giàu chất xơ, giàu vitamin A/ E, giàu rutin, đồng thời hạn chế đồ ăn nhiều đường, nhiều muối, nhiều dầu mỡ và đồ uống có cồn trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Khám sức khỏe định kỳ: Người bệnh nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm khi bệnh tái phát hoặc tiến triển, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm: Người bệnh suy giãn tĩnh mạch chân cần lưu ý gì khi trời trở lạnh?

Suy giãn tĩnh mạch chân có chữa được không phụ thuộc phần lớn vào người bệnh. Nếu được phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời, bệnh có thể được kiểm soát nhanh chóng và dễ dàng. Ngược lại, khi đã tiến triển nặng, hiệu quả điều trị suy giãn tĩnh mạch giảm đi rất nhiều.