Hội chứng chân không yên (RLS) là một rối loạn thần kinh gây ra cảm giác khó chịu ở chân và thúc đẩy người bệnh phải di chuyển liên tục. RLS thường xảy ra vào buổi tối hoặc đêm, làm gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. RLS có thể khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả ở trẻ em. Tuy nhiên, RLS ở trẻ em thường bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các tình trạng khác, như tăng động, chậm phát triển. Bài viết này sẽ giới thiệu về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa RLS ở trẻ em.
Nguyên nhân mắc hội chứng chân không yên ở trẻ em
Hội chứng chân không yên có thể xảy ra ở bất kỳ ai, kể cả trẻ nhỏ và người trưởng thành, nam giới và nữ giới. Khoảng 2% trẻ em mắc hội chứng này, có thể bắt đầu sớm nhất trong độ tuổi từ 5 đến 6. Tình trạng này chủ yếu bắt nguồn từ hai nguyên nhân sau:
Do di truyền: Cha mẹ hoặc người thân trong gia đình có tiền sử mắc hội chứng chân không yên, thì em bé có nguy cơ cao sớm phải trải qua các triệu chứng của bệnh này. Xem thêm: Hội chứng chân không yên do di truyền.
Thiếu sắt: Sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hồng cầu với chức năng chính là vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan khác, hỗ trợ trao đổi chất của cơ và mô liên kết. Ngoài ra, sắt cũng cần thiết cho sự tăng trưởng thể chất, phát triển thần kinh, hoạt động của các tế bào và tổng hợp một số hormon. Vì vậy, chế độ ăn uống thiếu sắt ảnh hưởng trầm trọng đến sự phát triển thần kinh, cơ bắp của bé và là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên hội chứng chân không yên.
Đọc thêm: Bồn chồn chân tay có thể là dấu hiệu của bệnh gì?
Triệu chứng RLS ở trẻ em
Các triệu chứng xảy ra ở trẻ em cũng tương tự người lớn. Đặc trưng nhất là cảm giác khó chịu và muốn cử động chân, thường mô tả như có kiến bò, kim châm kèm theo nóng rát ở đùi, bắp chân hoặc bàn chân.
Tình trạng này thường thuyên giảm khi bé duỗi, kéo căng chân, đứng dậy và di chuyển xung quanh. Chúng có thể làm phiền bé cả ngày, nhưng thường trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm, khi ngồi hoặc nằm yên một chỗ.
Những trẻ lớn hơn có thể mô tả cảm giác khó chịu ở chân rõ ràng hơn nhưng trẻ còn nhỏ thì khó mô tả chính xác vấn đề đang xảy ra do ngôn ngữ chưa phát triển đầy đủ. Do đó, cha mẹ nên chú ý nhiều hơn vào biểu hiện khi ngủ vào ban đêm củ con.
Bản thân giấc ngủ ở những đứa trẻ như vậy là vô cùng bồn chồn, cha mẹ khi quan sát trẻ đang ngủ có thể nhận thấy con liên tục cử động trong giấc ngủ, xoay người, trở mình. Những tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ mà còn khiến trẻ bị mệt mỏi vào buổi sáng và khó thức dậy – trẻ khó tập trung, trí nhớ và khả năng chú ý giảm, hoạt động nhận thức giảm sút. Nếu như giáo viên phản ánh rằng con bạn hay ngủ gật trên lớp thì bạn cũng cần đặt nghi vấn về việc bé có thể bị hội chứng chân không yên nếu như kèm theo các biểu hiện bồn chồn chân tay rõ ràng vào ban đêm.
Bên cạnh đó, chứng bồn chồn chân tay vào ban đêm khiến cho hệ thần kinh và cơ thể luôn trong trạng thái căng thẳng, bé sẽ tăng hưng phấn và các cảm xúc khó chịu, cáu kỉnh. Chức năng của hệ thống nội tiết cũng bị gián đoạn, điều này chỉ làm trầm trọng thêm các biểu hiện hiện có. Những đứa trẻ như vậy có thể có những hành vi quá khích, thành tích học tập kém. Những biểu hiện này khá giống với AHDH – rối loạn tăng động giảm chú ý nên dễ bị chẩn đoán lầm nêu như không xem xét thật kỹ lưỡng.
RLS ở trẻ em điều trị như thế nào?
Khác với người lớn có thể sử dụng các thuốc tác động vào chất dẫn truyền thần kinh dopamine, không có loại thuốc nào được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt cho trẻ mắc hội chứng chân không yên. Các phương án điều trị tập trung chủ yếu vào việc cải thiện chất lượng giấc ngủ và một số biện pháp làm giảm các triệu chứng như:
- Buổi tối không nên để bé hoạt động tinh thần căng thẳng, tốt nhất là nên thực hiện một số động tác xoa bóp, kéo giãn cơ trước khi đi ngủ, khuyến khích các bé tập thể dục thường xuyên ở mức độ vừa phải.
- Tắm nước ấm, chườm túi ấm để làm dịu thần kinh.
- Bạn không nên ép trẻ đi ngủ cho đến khi trẻ thực sự muốn ngủ: khi nằm trên giường không ngủ, các biểu hiện của bệnh sẽ chỉ trầm trọng hơn.
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng ở ngưỡng thoải mái giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ, ngăn chặn những tiếng ồn gây phiền nhiễu giấc ngủ.
- Chế độ ăn uống khoa học đảm bảo cung cấp đủ các chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt nhất là sắt từ các thực phẩm như: thịt đỏ, cá, ngũ cốc nguyên hạt, rau có màu xanh đậm, dâu tằm, các loại đậu… Tùy vào tình trạng của mỗi bé, các chuyên gia có thể đề xuất những thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ sung đủ lượng sắt để giảm thiểu các triệu chứng. Tham khảo thêm: List thực phẩm giúp cải thiện triệu chứng RLS.