Nếu đã từng bị tê chân, hẳn bạn sẽ không quên được cảm giác châm chích, râm ran, sau đó là vô lực đến khó chịu ở chân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do mạch máu bị chèn ép, dẫn đến thiếu máu cục bộ và gián đoạn đường truyền tín hiệu của hệ thần kinh. Để khắc phục nhanh tình trạng này, bạn có thể áp dụng các phương pháp giãn cơ, tăng cường lưu thông máu.
Có thể bạn quan tâm: Chân hay bị tê mất cảm giác là dấu hiệu bệnh gì?
Mục lục
1. Massage chân
Massage chân là phương pháp kinh điển trong khắc phục tình trạng tê bì chân tay. Trong Đông y, xoa bóp, massage chân có khả năng kích thích tới kinh mạch từ đó giảm nhanh các triệu chứng do ứ tắc khí huyết gây ra, bao gồm tình trạng tê bì tay chân.
Trong Y học hiện đại, phương pháp massage chân được cho là có khả năng kích thích tuần hoàn máu, giãn cơ, giảm căng thẳng thần kinh và tăng lưu thông máu. Tác động này giúp điều trị nhanh các tổn thương vi mô ở cấp độ tế bào, từ đó giảm nhanh triệu chứng đau nhức, tê bì chân tay.
Cách massage giảm tê chân rất đơn giản, bạn chỉ cần:
- Duỗi căng chân đang bị tê bì.
- Chà xát hai lòng bàn tay vào nhau đến cho ấm lên rồi dùng tay nắn bóp dọc từ đùi xuống bàn chân.
- Chú ý tăng lực và tần suất xoa bóp ở những điểm đau hoặc tê bì nhiều.
- Thực hiện liên tục khoảng 5 – 10 phút sẽ thấy triệu chứng tê chân được cải thiện nhanh chóng.
Với những người bị tê chân mạn tính, massage chân được cho là phương pháp an toàn và hiệu quả cao, nên được thực hiện đều đặn mỗi ngày. Bạn có thể massage nhiều lần trong ngày, vào các thời điểm tê bì xuất hiện hoặc vào các buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.
Tham khảo thêm: Bấm huyệt vị nào chữa nhức mỏi chân?
2. Ngâm chân
Hầu hết mọi người đều biết ngâm chân giúp giảm đau nhưng không phải ai cũng biết ngâm chân còn giúp giảm tê bì hiệu quả. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp tê chân đều có cách ngâm giống nhau. Để có lựa chọn phù hợp, bạn cần hiểu rõ về phương pháp vấn đề của mình.
Ngâm chân nước ấm
Cơ chế trị liệu của ngâm chân nước ấm là sử dụng nhiệt nóng làm giãn mạch, giảm căng cứng cơ và tăng cường lưu thông máu qua các vị trí bị tê bì. Như vậy, phương pháp này sẽ phù hợp với các trường hợp tê chân do sai tư thế hoặc tê chân do các bệnh lý xương khớp mạn tinh, không có triệu chứng viêm.
- Cách ngâm chân rất đơn giản, bạn chỉ cần:
- Chuẩn bị một chậu nước ấm khoảng 40 – 45 độ.
- Thêm một chút muối hoặc tinh dầu, khuấy tan rồi ngâm chân trong khoảng 10 – 15 phút.
- Nếu có thời gian, bạn có thể đun nước cùng lá lốt, ngải cứu hoặc các loại thảo dược khác để tăng hiệu quả trị liệu.
Chú ý:
Không ngâm chân nước nóng khi có các dấu hiệu: chân sưng phù, nóng đỏ, phù nề vì nhiệt độ cao sẽ kích thích phản ứng viêm mạnh mẽ hơn, làm tăng nặng các triệu chứng khó chịu.
Ngâm chân nước nóng không phù hợp với những bệnh lý như: suy giãn tĩnh mạch, tiểu đường, xơ cứng động mạch, tắc nghẽn động mạch,….
Ngâm chân nước lạnh
Ngâm chân nước lạnh là phương pháp được ít người biết đến hơn về khả năng khắc phục chứng tê bì, ê mỏi. Tuy nhiên, phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp người bệnh bị tê chân kèm theo các phản ứng viêm như: sưng đau, nóng đỏ, phù nề ở vùng chân.
Cách ngâm chân nước lạnh như sau:
- Bạn chuẩn bị một chậu nước sạch.
- Thêm một lượng đá vừa phải, đợi đá tan và kiểm tra độ lạnh của nước khoảng 30 độ.
- Ngâm chân trong khoảng 10 – 15 phút, sau đó thấm khô chân.
Chú ý: Ngâm chân nước lạnh không phù hợp với người đang bị co thắt cơ bắp chân hay cứng khớp.
Xem chi tiết: Lưu ý khi ngâm chân cho người bị suy giãn tĩnh mạch
3. Chườm ấm
Cơ chế của biện pháp chườm ấm giảm tê chân tương tự như phương pháp ngâm chân nước ấm. Tuy nhiên, thao tác chườm ấm có thể đưa nhiệt đến các vị trí chân cao hơn nên cho hiệu quả nhanh hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình chườm cũng tạo ra lực giúp làm thư giãn các cơ bắp và giảm căng thẳng cho hệ thống khớp, thần kinh nhanh chóng.
Cách chườm ấm cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần:
- Sử dụng một khăn sạch, nhúng vào nước ấm, sau đó vắt khô khoảng 70%.
- Từ từ di chuyển khăn ấm dọc trên chân khoảng 10 – 15 phút hoặc đến khi triệu chứng tê bì giảm bớt.
- Bạn cũng có thể thay thế khăn ấm bằng chai nước ấm hoặc túi chườm chuyên dụng.
4. Chườm lá ngải cứu
Nếu như chườm ấm là phương pháp sử dụng nhiệt đơn thuần thì việc chườm lá ngải cứu có thể tận dụng được hiệu quả của các loại thảo dược. Trong lá ngải cứu chứa tinh dầu và hoạt chất α-thuyon có tác dụng làm hưng phấn thần kinh, giảm nhanh triệu chứng tê bì, đau nhức. Mặt khác, lá ngải cứu ấm kích thích mạch máu giãn nở, tăng lưu thông máu, từ đó giảm nhanh triệu chứng tê bì, nhức mỏi chân.
Để chườm lá ngải cứu, bạn cần thực hiện như sau:
- Chuẩn bị một chậu nước nóng, hòa tan thêm chút muối.
- Bỏ lá ngải cứu đã được rửa sạch để lá ngải cứu mềm ra.
- Dùng vải sạch bọc lá ngải cứu lại sau đó chườm lên vùng chân bị tê bì, nhức mỏi.
- Thực hiện chườm lá ngải liên tục trong khoảng 10 – 15 phút hoặc đến khi giảm cảm giác tê bì.
5. Sử dụng lá lốt
Trong Đông y, lá lốt có tác dụng tán hàn, chỉ thống, trị yêu cước thống nên được ứng dụng rộng rãi trong điều trị các triệu chứng do bệnh xương khớp gây ra, bao gồm tình trạng tê bì, nhức mỏi chân.
Cách sử dụng lá lốt giảm tê chân được thực hiện như sau:
- Lá lốt sau khi rửa sạch thì cho vào chậu nước muối, ngâm khoảng 10 – 15 phút.
- Vớt lá lốt ra rồi đun sôi với nước trong khoảng 5 – 10 phút.
- Lấy lá lốt ra, để nguội sau đó xếp thành từng cặp, đặt lên chân bị tê.
- Dùng gạc hoặc băng keo cố định lá lốt ở đúng vị trí trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng.
- Thực hiện đều đặn mỗi ngày để kiểm soát tình trạng tê chân mạn tính tốt hơn.
Lưu ý: Không thực hiện cách này nếu bạn từng dị ứng với lá lốt hoặc có tổn thương hở trên vùng da cần trị liệu.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp chữa tê chân bằng châm cứu
6. Dùng bột quế
Theo quan điểm của Đông y, quế là vị dược liệu có vị ngọt, tính ấm giúp hoạt huyết, tán hàn, chỉ thống thông kinh, có tác dụng giảm đau, sát khuẩn, chống viêm hiệu quả. Ngoài ra, trong quê cũng chứa nhiều vitamin B, kali, mangan giúp củng cố hoạt động dẫn truyền của hệ thống thần kinh. Vì lý do này, quê được sử dụng phổ biến để khắc phục triệu chứng tê bì, đau mỏi chân.
Cách dùng bột quế trị tê chân như sau:
- Pha 2 – 4g bột quế với khoảng 100 – 200ml nước ấm
- Dùng thìa khuấy đều rồi uống trực tiếp vào mỗi buổi sáng khi còn ấm.
- Hoặc, bạn cũng có thể trộn 1 thìa bột quế cùng 1 thìa mật ong rồi ăn trực tiếp 1 lần/ ngày vào buổi sáng.
- Thực hiện đều đặn mỗi ngày sẽ thấy chứng tê bì chân mạn tính được cải thiện đáng kể.
7. Tập các bài tập cho chân
Các bài tập cho chân là phương pháp hiệu quả để kiểm soát chứng tê bì chân mức độ nhẹ. Việc tập luyện các bài tập phù hợp với cường độ hợp lý giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn hệ cơ – xương – khớp và giảm căng thẳng thần kinh.
Một số bài tập đơn giản giúp giảm tê chân gồm:
Bài tập thăng bằng:
- Bạn chỉ cần đứng phía sau ghế rồi đặt tay lên ghế làm điểm tựa.
- Sau đó, đá chân phải và chân trái sang ngang sao có đưa chân lên cao nhất có thể.
- Giữ chân trên cao trong khoảng 5 giây rồi trở lại tư thế ban đầu.
- Thực hiện tương tự với chân còn lại và lặp lại động tác khoảng 10 lần.
Tư thế xếp cánh bướm:
- Bạn ngồi trên mặt phẳng sau đó từ từ chụm hai lòng bàn chân vào nhau, điều chỉnh để gót chân sát vào phần dưới cơ thể.
- Dùng hai tay ôm chặt các ngón chân và mở gối sáng hai bên.
- Nhịp đầu gối lên xuống tương tự như hiệu ứng đập cánh bướm.
- Cố gắng mở rộng xương chậu hết cỡ và giữ thẳng lưng, thả lỏng vai khi tập.
Bài tập giãn cơ gân khoeo:
- Bạn ngồi trên sàn, duỗi chân trái và khoanh chân phải sao cho lòng bàn chân chạm vào đùi chân trái.
- Từ từ ngả người về phía trước, giữ thẳng lưng, sau đó đưa ngón tay trái chạm vào mũi chân trái.
- Duy trì tư thế khoảng 30 giây rồi tập tương tự với chân còn lại.
- Lặp lại động tác 2 – 3 lần.
8. Bổ sung dinh dưỡng
Bị tê chân có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu hụt một số vitamin và chất khoáng. Vậy nên, việc điều chỉnh chế độ ăn, tăng cường dinh dưỡng có thể cải thiện triệu chứng này. Một số dưỡng chất cần chú ý bổ sung khi bị tê chân gồm:
- Canxi: Thiếu canxi là một trong những nguyên nhân gây loãng xương, thoái hóa và tê bì tay chân. Bạn có thể bổ sung canxi qua các thực phẩm như: sữa, sữa chua, phô mai, hạnh nhân, súp lơ xanh,…
- Kali: Thiếu kali có thể làm giảm hàm lượng oxy trong máu, giảm lưu lượng máu đến não và hệ thống thần kinh, gây ra chứng tê bì tay chân. Bạn có thể tăng bổ sung kali qua đậu nành, củ dền, đậu đen, chuối,…
- Magie: Đảm bảo độ chắc khỏe của xương và hoạt động dẫn truyền của hệ thần kinh. Vì vậy, thiếu canxi có thể gây ra tê bì, nhức mỏi chân. Những thực phẩm nhiều magie như: hạnh nhân, óc chó, đậu, bơ,…
- Vitamin B12: Tham gia điều phối hoạt động dẫn truyền của hệ thần kinh. Vậy nên, thiếu hụt vitamin B12 có thể gây tê bì chân. Bạn có thể bổ sung vitamin B12 thông qua các thực phẩm như: thịt bò, trứng, sữa, cá hồi,…
Huyền đã bình luận
Tê chân nhiều bên trái, tê dọc đến cả sống lưng là bị sao?
Chuyên gia suy giãn tĩnh mạch đã bình luận
Chào bạn
Triệu chứng bạn mô tả có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cần xem xét các biểu hiện khác để đánh giá. Bạn cũng nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán rõ nguyên nhân để có phương pháp điều trị hiệu quả.
Kim Dung đã bình luận
Em bị tê chân, chân nổi đường xanh nhưng không lồi lên thì có phải bị bệnh suy giãn tĩnh mạch không ạ?
Chuyên gia suy giãn tĩnh mạch đã bình luận
Chào bạn
Hiện tượng tê chân xảy ra khi bị chèn ép thần kinh và mạch máu. Tê chân hay gặp ở người ngồi lâu, đứng nhiều, người có thói quen vắt chéo chân hoặc một số trường hợp bị thiếu chất như thiếu canxi, thiếu máu thiếu sắt, hoặc đơn giản do quá ít vận động. Triệu chứng chân nổi đường gân xanh là 1 dấu hiệu cho thấy tĩnh mạch nông, 1 phần bị giãn, nhưng có thể bạn bị giãn tĩnh mạch chưa nhiều nên chưa bị nổi lên. Với hai triệu chứng tê chân, nổi gân bạn vừa kể trê, rất có thể bạn đang bị suy giãn tĩnh mạch chân, để chính xác hơn bạn có thể đến bệnh viện/ phòng khám.đế siêu âm và kiểm tra .