Những cơn đau buốt, cứng cơ gây ra bởi chuột rút có thể khiến một người phải tạm ngừng mọi hoạt động. Những ảnh hưởng này trở nên nghiêm trọng hơn khi xuất hiện ở người già với nhiều bệnh lý nền đi kèm. Vậy, làm thế nào để khắc phục tình trạng người già bị chuột rút? Mời bạn đọc cùng theo dõi trong bài viết hôm nay.
Mục lục
1. Nguyên nhân gây chuột rút ở người già
Chuột rút (hay vọp bẻ) là hiện tượng cơ bắp bị co rút đột ngột và tự động kéo dài trong khoảng 30 – 60 giây. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 1/3 người trên 60 tuổi và 1/2 người từ 80 tuổi trở lên. Chuột rút ở người già thường xuất hiện vào ban đêm, thường gặp ở các vị trí như: bắp chân, bàn chân, ngón tay, ngón chân,….
Sự co thắt đột ngột cơ bắp trong chuột rút có thể xảy ra do các rối loạn dẫn truyền thần kinh, cơ bắp thiếu oxy dẫn đến tăng tích tụ acid lactic gây đau buốt, khó chịu. Nguyên nhân khởi phát tình trạng này có thể xuất phát từ:
Sai tư thế
Do ảnh hưởng của quá trình lão hóa, đa số người cao tuổi đều mắc các bệnh lý về xương khớp, gây khó khăn cho quá trình vận động, di chuyển. Vì lý do này, nhiều người có xu hướng ngồi, đứng hoặc nằm liên tục ở một tư thế trong thời gian dài.
Ở những tư thế này, hệ thống thần kinh – mạch máu có thể bị chèn ép dẫn đến thiếu máu cục bộ, giảm cung cấp máu giàu oxy cho các tế bào cơ bắp và tế bào thần kinh. Hệ quả là chức năng co – giãn cơ bắp bị rối loạn, cơ bắp bị co thắt đột ngột gây ra chứng chuột rút.
Vận động quá sức
Tập thể dục mỗi ngày là thói quen tốt cho sức khỏe của người cao tuổi. Tuy nhiên, một số người cao tuổi lựa chọn những bộ môn thể thao quá sức, tập luyện liên tục với cường độ mạnh khiến tim không kịp bơm máu cung cấp oxy và dưỡng chất cho cơ bắp. Quá trình này làm tăng tích tụ acid lactic, gây nhức mỏi cơ và tăng nguy cơ bị chuột rút.
Mặt khác, chế độ vận động liên tục trong thời gian dài cũng khiến người cao tuổi bị mất nước nhanh, cơ thể bị rối loạn điện giải làm ảnh hưởng đến khả năng co – duỗi cơ. Điều này lý giải vì sao mọi người hay bị chuột rút sau khi tập luyện ở cường độ cao.
Thiếu hụt dưỡng chất
Thiếu hụt dưỡng chất là tình trạng phổ biến ở người cao tuổi. Nguyên nhân là do cơ thể giảm khả năng chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu đa dạng và lượng ăn ít hơn nhu cầu cần thiết.
Thiếu hụt dưỡng chất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tuần hoàn máu, chức năng hệ thần kinh, từ đó khiến người già bị chuột rút nhiều hơn.
Một số dưỡng chất được cần được lưu ý gồm: Canxi, magie, Kali, vitamin B12, vitamin B6…
Xem chi tiết: Hay bị chuột rút là thiếu chất gì?
Bệnh lý mãn tính
Hầu hết người cao tuổi đều mắc phải một số bệnh lý chuyển hóa làm ảnh hưởng đến chức năng thần kinh hay khả năng hấp thu dinh dưỡng. Đây có thể là nguyên nhân kích thích phản xạ chuột rút xuất hiện nhiều hơn. Một số bệnh lý điển hình như:
- Đái tháo đường: Làm tổn thương thần kinh và các mạch máu nhỏ, gây thiếu máu cục bộ dẫn đến tăng phản xạ co rút cơ bắp.
- Loãng xương: Xảy ra khi cơ thể bị thiếu canxi. Điều này đồng nghĩa với việc các chức năng của cơ thể cần sự góp mặt của canxi đều có thể bị rối loạn.
- Rối loạn tiêu hóa: Làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của thần kinh – cơ.
- Rối loạn thần kinh thực vật: Khiến cơ thể tăng tiết mồ hôi trong mọi thời điểm dẫn đến mất nước, điện giải.
- Suy giãn tĩnh mạch chi dưới: Giảm tuần hoàn máu giàu oxy đến chi dưới, gây ra tình trạng loạn dưỡng do thiếu oxy và dưỡng chất, đồng thời tăng chèn ép lên hệ thống thần kinh khiến cơ bắp bị co thắt.
Để biết chắc chắn chuột rút có nguyên nhân do đâu, người cao tuổi cần chủ động đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết. Đây cũng là cơ sở để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp.
2. Người già hay bị chuột rút có nguy hiểm không?
Bản thân triệu chứng chuột rút không gây nguy hiểm cho người cao tuổi. Tuy nhiên, nếu đây là dấu hiệu của bệnh lý mà không được kiểm soát, bệnh có thể tiến triển thành biến chứng nghiêm trọng. Ví dụ như chứng chuột rút trong bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Nếu người bệnh không điều trị kiểm soát bệnh, giãn tĩnh mạch có thể trở nên nghiêm trọng dẫn đến lở loét chân, huyết khối tĩnh mạch sâu gây thuyên tắc phổi, đe dọa đến tính mạng.
Mặt khác, triệu chứng chuột rút xuất hiện liên tục và kéo dài hơn bình thường cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực với người cao tuổi như:
- Cản trở vận động: Cơn đau buốt do chuột rút gây ra khiến người cao tuổi gần như không thể tiếp tục hoạt động. Điều này làm gián đoạn công việc cũng như hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
- Ảnh hưởng giấc ngủ: Những cơn buốt do chuột rút đột ngột vào ban đêm có thể kích thích thần kinh khiến người cao tuổi khó vào giấc hoặc tỉnh giấc giữa đêm và khó trở lại giấc ngủ bình thường.
- Ảnh hưởng sức khỏe: Những người bị chuột rút trầm trọng có thể gây mỏi cơ, yếu cơ ngay cả khi cảm giác đau buốt đã kết thúc.
- Tâm lý tiêu cực: Cơ thể mệt mỏi kết hợp với giấc ngủ không ngon khiến hầu hết người cao tuổi rơi vào trạng thái mệt mỏi, từ đó sinh ra tâm lý bực bội, căng thẳng.
Vì những lý do trên, người cao tuổi không nên có tâm lý chủ quan khi thường xuyên gặp phải soát triệu chứng chuột rút. Thay vào đó, người cao tuổi nên chủ động thăm khám sớm và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
3. Làm thế nào để khắc phục chuột rút ở người già?
Để giảm ảnh hưởng của chứng chuột rút đến đời sống của người cao tuổi, dưới đây là một số giải pháp khắc phục được đưa ra:
3.1 Cách khắc phục nhanh triệu chứng chuột rút
Bản chất của chuột rút là sự co rút cơ bắp. Vì vậy, muốn khắc phục nhanh tình trạng này thì việc đầu tiên cần thực hiện là làm giãn cơ nhanh, thúc đẩy tuần hoàn máu từ đó khôi phục hoạt động bình thường của cơ bắp và hệ thần kinh.
Những việc bạn cần thực hiện để xử lý nhanh triệu chứng chuột rút gồm:
- Kéo giãn cơ bắp bị chuột rút bằng cách tự duỗi căng chi bị chuột rút hoặc nhờ người khác hỗ trợ kéo căng các cơ.
- Dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng ở các vùng cơ bị co cứng, tăng lực và tần suất xoa bóp ở những vị trí bị đau nhức.
- Nếu có thể, bạn hãy chườm ấm vị trí bị chuột rút để làm giãn cơ, kích thích tuần hoàn máu lưu thông tốt hơn.
- Chủ động di chuyển, vận động nhẹ nhàng cơ bắp bị chuột rút để khôi phục tuần hoàn máu và cảm giác nhanh hơn.
- Sau khi hết cứng cơ mà vẫn bị đau nhức nhiều, bạn có thể chườm mát để giảm cảm giác đau.
3.2 Cách phòng ngừa chuột rút ở người cao tuổi
Muốn kiểm soát hoàn toàn triệu chứng chuột rút trong thời gian dài, bạn cần biết được chính xác nguyên nhân khởi phát triệu chứng này là gì, từ đó lựa chọn được cách điều trị phù hợp. Song song với đó, người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học để hạn chế tối đa số lần chuột rút xuất hiện.
Một số gợi ý cụ thể gồm:
- Tránh đứng, ngồi hoặc nằm quá lâu trong một tư thế.
- Tránh tập luyện ngay sau khi ăn xong.
- Tránh dùng các sản phẩm chứa chất kích thích như: caffeine, nicotine, ephedrine, pseudoephedrine,…
- Lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, điều chỉnh cường độ phù hợp với sức khỏe để tập luyện mỗi ngày.
- Xây dựng chế độ đầy đủ và cân đối các nhóm dưỡng chất, đặc biệt chú ý vào những nhóm chất có thể tăng nguy cơ chuột rút nếu thiếu hụt. (Xem thêm: Hay bị chuột rút nên ăn gì?)
- Sử dụng các sản phẩm bổ sung dưỡng chất theo chỉ định của bác sĩ.
- Có thể sử dụng các thuốc như: paracetamol, naproxen, ibuprofen để kiểm soát triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Xem thêm: Các loại thuốc cải thiện triệu chứng chuột rút
Trên đây là nội dung xoay quanh vấn đề người già bị chuột rút. Hi vọng những thông tin trong bài viết có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này, từ đó lựa chọn được biện pháp kiểm soát và phòng ngừa phù hợp. Nếu có thắc mắc cần tư vấn thêm, vui lòng liên hệ trực tiếp đến hotline 1900 545 518 để được chuyên gia giải đáp.