Suy giãn tĩnh mạch và viêm khớp là những bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Chúng có một số điểm tương đồng nhau khiến người bệnh đôi khi bị nhầm lẫn. Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc phân biệt hai bệnh lý trên và nhận biết đúng về tình trạng của mình, từ đó có hướng xử trí phù hợp nhất.
Mục lục
1. Phân biệt suy giãn tĩnh mạch và viêm khớp qua triệu chứng
Suy giãn tĩnh mạch và viêm khớp là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng lại có một số triệu chứng tương đồng nhau là đều gây đau và sưng vùng chân, gây cảm giác khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Tuy nhiên, chúng vẫn có những triệu chứng đặc trưng khác để phân biệt như:
1.1. Đối với suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch, khiến máu bị ứ đọng lại trong tĩnh mạch, gây biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh. Do đó, nó sẽ gây ra một số triệu chứng điển hình như:
Đau tức, nặng chân
Các tĩnh mạch bị căng giãn do máu tăng áp lực lên thành mạch là nguyên nhân gây ra cảm giác đau tức, nặng nề, mỏi và chậm chạp ở bắp chân người suy giãn tĩnh mạch. Cơn đau do suy giãn tĩnh mạch thường âm ỉ, trở nên tồi tệ hơn khi đứng hoặc ngồi lâu một chỗ và được cải thiện khi đi bộ hoặc nâng cao chân. Nguyên nhân là do khi đi lại, hoạt động cơ bắp sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, nhờ đó cơn đau tức chân giảm và cảm giác nhẹ chân hơn.
Đọc thêm: Cách nào đơn giản giúp hết đau mỏi chân?
Chuột rút về đêm
Sự ứ trệ máu trong lòng tĩnh mạch (đặc biệt là trong tĩnh mạch sâu) trong bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể làm tăng số lượng các chất chuyển hóa trong cơ bắp, thiếu oxy cung cấp cho cơ, khiến cơ dễ bị kích thích gây co cơ, dẫn đến triệu chứng chuột rút về đêm. Chuột rút thường xảy ra đột ngột và có thể kéo dài trong vài giây hoặc lâu hơn.
Nổi gân xanh hoặc tím
Một triệu chứng dễ nhận biết khác trong suy giãn tĩnh mạch và cũng giúp bạn phân biệt với viêm khớp là tình trạng tĩnh mạch bị giãn biểu hiện bằng các đường gân xanh và tím dưới da. Các tĩnh mạch này thường xoắn lại, sưng phồng lên, giống như dây thừng trên da hoặc có thể phát triển nặng hơn thành các đám rối, thường xuất hiện ngay dưới bề mặt da ở chân, bàn chân hoặc mắt cá chân.
Giãn tĩnh mạch hình mạng nhện
Tĩnh mạch hình mạng nhện là những đường màu đỏ hoặc màu xanh lam, thường mỏng và nhỏ hơn các tĩnh mạch giãn. Tĩnh mạch mạng nhện bao quanh tĩnh mạch giãn, có thể xuất hiện ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, nhưng thường sẽ dễ nhận thấy ở khu vực gần bề mặt da ở chân, trên bàn chân, sau đầu gối.
Phù
Khi máu bị ứ trệ trong tĩnh mạch, áp lực trong lòng mạch tăng lên, hậu quả là dịch từ máu bị đẩy ra khỏi tĩnh mạch vào mô xung quanh và tích tụ lại gây sưng phù ở chân. Người bệnh có thể bị phù nhẹ xung quanh mắt cá chân hoặc phù nề nghiêm trọng từ đầu gối đến mắt cá chân.
Da khô và ngứa
Trong suy giãn tĩnh mạch, các tĩnh mạch bị suy yếu gây cản trở việc bơm máu từ chân về tim, khiến máu ứ trệ dẫn đến tăng áp lực trong các mao mạch. Hậu quả là các tế bào máu và dịch bị đẩy ra vào da và các mô, làm cho da bị tổn thương và không nhận được đầy đủ oxy, khiến các vùng da xung quanh khu vực bị giãn tĩnh mạch trở nên khô, ngứa, phát ban, đổi màu.
Xem thêm: 7 cấp độ của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
1.2. Đối với viêm khớp
Viêm khớp là bệnh lý gây ảnh hưởng đến khớp của bạn (những khu vực mà xương tiếp xúc và di chuyển). Viêm khớp có thể xảy ra ở nhiều khớp khác nhau trên cơ thể như khớp chân, khớp tay, khớp vai, khớp gối…
Có rất nhiều loại viêm khớp khác nhau. Tuy nhiên, viêm khớp nói chung sẽ có một số đặc điểm khác biệt để phân biệt với suy giãn tĩnh mạch như:
Đau khớp
Đây là triệu chứng hay gặp nhất khi bị viêm khớp. Mức độ đau khớp sẽ khác nhau ở mỗi người, có người cơn đau ít, có người đau nhiều. Khác với suy giãn tĩnh mạch, triệu chứng đau của viêm khớp sẽ càng tăng lên khi đi lại nhiều và giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng tăng nhiều vào đêm và sáng sớm, khi có sự thay đổi thời tiết,…
Sưng, nóng, đỏ khớp
Phản ứng viêm tại khớp gây hiện tượng sưng tấy, nóng, đỏ tại vị trí khớp bị viêm hoặc mô xung quanh khớp viêm, chỉ cần chạm nhẹ vào vị trí khớp sẽ cảm nhận cơn đau rất rõ.
Cứng khớp
Đây là một triệu chứng phổ biến của viêm khớp mà bạn sẽ không gặp phải khi bị giãn tĩnh mạch.
Người bệnh sẽ cảm thấy khó cử động linh hoạt khớp, thường xảy ra vào sáng sớm sau khi ngủ dậy hoặc sau một thời gian dài không vận động. Cứng khớp có thể kèm theo tiếng kêu răng rắc, lạo xạo khi di chuyển.
Suy yếu cơ
Xương khớp không còn giữ được độ đàn hồi ban đầu làm cho hệ thống dây chằng và cơ quanh khớp cũng bị suy yếu, đặc biệt các cơ gần đầu gối. Người bệnh ngoài cảm giác đau đớn còn thường xuyên cảm thấy bị mệt mỏi. Cơ quanh khớp yếu dần theo thời gian và có thể bị tê liệt, teo cơ dẫn đến mất khả năng vận động.
Biến dạng khớp
Tình trạng viêm khớp khiến các tổ chức tại khớp bị viêm và mòn có thể dẫn đến biến dạng các khớp.
2. Phân biệt suy giãn tĩnh mạch và viêm khớp qua nguyên nhân
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch và viêm khớp là hoàn toàn khác nhau và sẽ được trình bày cụ thể ngay dưới dây:
2.1. Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch xảy ra khi hệ thống van một chiều của hệ tĩnh mạch bị suy yếu hoặc hư hỏng, dẫn đến máu có thể chảy ngược và ứ đọng trong lòng tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch bị căng giãn ra hoặc xoắn lại.
Nguy cơ tổn thương van tĩnh mạch có thể tăng lên khi có mặt các yếu tố sau:
- Tuổi cao.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch cao hơn nam giới, trung bình cứ 4 người bị bệnh thì có đến 3 người là phụ nữ
- Thời kỳ mang thai.
- Di truyền.
- Béo phì.
- Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài (nhân viên văn phòng, giáo viên, bán hàng, tài xế, công nhân…)
2.2. Nguyên nhân gây viêm khớp
Viêm khớp có rất nhiều loại, mỗi dạng bệnh sẽ có những nguyên nhân khác nhau. Chúng có thể được chia làm 2 nhóm chính là nguyên nhân tại khớp và nguyên nhân khác.
- Nguyên nhân tại khớp: Bao gồm tình trạng thoái hóa khớp, viêm sụn, bào mòn sụn khớp, các chấn thương tại khớp và các tình trạng nhiễm khuẩn gây ra viêm tại khớp.
- Nguyên nhân khác: Là những yếu tố gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể như: Rối loạn hệ thống miễn dịch gây tổn thương ở các khớp, lượng acid uric trong cơ thể tăng cao gây bệnh gout,…
Viêm khớp cũng có các yếu tố nguy cơ tương tự như bệnh suy giãn tĩnh mạch như tuổi tác cao, di truyền, béo phì, thói quen lười vận động hay vận động quá sức, thường xuyên đi giày cao gót.
Bên cạnh đó, viêm khớp có một số yếu tố nguy cơ khác so với suy giãn tĩnh mạch như:
- Giới tính: Phụ nữ có khả năng mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới, trong khi đó nam giới có nguy cơ mắc bệnh gout – một loại viêm khớp khác cao hơn so với nữ giới.
- Tổn thương khớp trước đó: Những người từng bị chấn thương khớp sẽ có nguy cơ viêm khớp tại vị trí khớp đó cao hơn.
- Nghề nghiệp: Những công việc mang vác nặng, ngồi lâu một chỗ và thường phải lặp lại các động tác trong thời gian dài như dân văn phòng, thợ may, tài xế, … thường có tỷ lệ mắc các bệnh viêm khớp cao hơn.
- Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn, virus gây viêm nhiễm tại một bộ phận nào đó trên cơ thể có thể theo máu xâm nhập vào các khớp gây viêm khớp và sưng tấy.
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống thiếu vitamin D có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển và hoàn thiện của hệ xương khớp. Trẻ nhỏ thiếu vitamin D có thể mắc bệnh còi xương, chậm phát triển, cong vẹo cột sống. Người cao tuổi thiếu vitamin D có thể gây loãng xương, thoái hóa khớp.
3. Biến chứng của suy giãn tĩnh mạch và viêm khớp
3.1. Suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch không phải bệnh lý cấp tính và sẽ không gây hại ngay lập tức trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chúng gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và nếu không được phát hiện điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển theo thời gian và gây ra nhiều hậu quả xấu như:
- Chảy máu: Các tĩnh mạch gần da bị căng giãn đôi khi có thể vỡ ra và gây chảy máu.
- Loét: Tại những vùng da bị suy giãn tĩnh mạch, chức năng dinh dưỡng của tĩnh mạch sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, những vùng da mỏng và tĩnh mạch giãn nhiều có thể xảy ra hiện tượng viêm loét khó điều trị, gây đau đớn và khó chăm sóc. Thậm chí, nó có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, lở loét diện rộng.
- Cục máu đông: Máu ứ trệ trong lòng mạch lâu ngày dễ hình thành nên các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Các cục máu đông này có thể theo dòng máu chảy ngược về tim, đến phổi gây thuyên tắc động mạch phổi và gây nguy cơ tử vong cho người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.
3.2. Viêm khớp
Tương tự như suy giãn tĩnh mạch, viêm khớp cũng không gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh, nhưng căn bệnh này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động, cản trở sinh hoạt và công việc thường ngày. Viêm khớp cũng có thể gây ra các biến chứng như:
- Giảm chức năng vận động thông thường: Nếu không được điều trị kịp thời, viêm khớp có thể khiến người bệnh bị giảm dần hoặc mất chức năng vận động thông thường như cầm, nắm,… thậm chí có thể mất khả năng lao động.
- Teo cơ, biến dạng khớp: Ở giai đoạn cuối, viêm khớp có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn cho người bệnh như teo cơ, biến dạng khớp, bại liệt, tàn phế.
- Các bệnh về tim mạch: Ngoài gây biến chứng tại khớp, một số dạng viêm khớp còn có thể gây biến chứng tại các cơ quan khác như thấp khớp cấp. Thấp khớp cấp gây tổn thương tại tim, đặc biệt là van tim. Đây là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch và có thể gây tử vong ở người lớn tuổi.
4. Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch và viêm khớp
4.1. Suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch có thể được chẩn đoán qua thăm khám các triệu chứng lâm sàng và khai thác các yếu tố nguy cơ của người bệnh.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng – Siêu âm Doppler mạch. Đây là một phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, an toàn, hiệu quả cao và quan trọng để chẩn đoán xác định bệnh. Siêu âm giúp quan sát thành mạch máu, hoạt động của van tĩnh mạch và tìm các cục máu đông nếu có.
Có thể bạn muốn biết: Địa chỉ nào khám suy giãn tĩnh mạch uy tín?
4.2. Viêm khớp
Để chẩn đoán viêm khớp, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để kiểm tra xem các khớp của bạn có bị sưng, nóng, đỏ không. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem phạm vi cử động các khớp của bạn như thế nào.
Tiếp theo, tùy vào từng trường hợp, bạn có thể sẽ được chỉ định thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng khác để xác định bệnh như:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm các yếu tố viêm (Tốc độ máu lắng, CRP, bạch cầu…), xét nghiệm miễn dịch (yếu tố thấp RF, anti CCP,…),…
- Chụp X-quang: X quang có thể cho thấy tình trạng mất sụn, tổn thương xương và gai xương. Chụp X-quang có thể không tiết lộ tổn thương khớp sớm thường được sử dụng để theo dõi sự tiến triển của bệnh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT có thể hình dung cả xương và mô mềm xung quanh.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết hơn của các mô mềm như sụn, dây chằng và gân, từ đó cho phép đánh giá các bệnh lý tại khớp như viêm khớp, phần mềm quanh khớp.
- Siêu âm: Siêu âm tạo hình ảnh mô mềm, sụn và các cấu trúc chứa dịch gần khớp, được sử dụng để phát hiện tình trạng có dịch khớp, tổn thương phần mềm quanh khớp và phát hiện những thay đổi sớm trong bệnh viêm khớp.
- Xạ hình xương: Đánh giá toàn bộ hệ thống xương.
Có thể thấy rằng, suy giãn tĩnh mạch và viêm khớp có nhiều đặc điểm khác nhau và có thể phân biệt dễ dàng với nhau trong đa số trường hợp. Tuy vậy, hai bệnh lý này có điểm chung là đều cần được thăm khám, điều trị sớm để cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, từ đó giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.