Khi đứng lâu, 2 chân của tôi chuyển sang màu tím tái, liệu đây có phải là triệu chứng hay giai đoạn đầu của bệnh giãn tĩnh mạch chân không?
Trả lời
Chào bạn,
Với câu hỏi này, chúng tôi xin trả lời như sau:
Chân chuyển sang màu tím xảy ra do quá trình máu từ tĩnh mạch chân về tim bị cản trở. Sự tích tụ của máu khiến tĩnh mạch tăng thể tích, căng phồng và trở nên nổi bật dưới da. Mặt khác, do máu trong tĩnh mạch là máu "nghèo" oxy nên thẫm màu hơn. Đây là lý do mọi người thường thấy chân đậm màu hơn hoặc có vẻ hơi tím tái khi đứng lâu.
Chân chuyển màu tím tái nhợt nhạt khi đứng lâu có thể hiện tượng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu của chứng giãn tĩnh mạch. Bạn có thể không cần lo lắng nếu chân chỉ tím khi đứng, màu tím phân bổ tương đối đồng đều toàn bộ chân và trở về bình thường khi bạn đi lại, thay đổi tư thế. Ngoài ra, dấu hiệu này cũng không đáng ngại nếu bạn không gặp phải bất kỳ triệu chứng khó chịu hay biến đổi bất thường nào khác trên da.
Xem thêm: Các tác hại khi thường xuyên đứng lâu
Ngược lại, chân chuyển tím khi đứng có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng giãn tĩnh mạch nếu:
Triệu chứng bất thường: Bao gồm cảm giác khó chịu, sưng tấy, đỏ, khô, nứt và ngứa. Những triệu chứng này xảy ra do máu ứ đọng làm tăng áp lực tĩnh mạch gây rò rỉ dịch vào các mô xung quanh gây viêm. Các đốm tím sẫm, đỏ và nâu tập trung ở vị trí cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân.
Đổi màu chân kéo dài: Xảy ra do sự lắng đọng hemosiderin - một chất được tạo ra khi sắt trong hồng cầu bị phá vỡ. Khi máu ứ đọng ở chân, sắt trong hồng cầu bị phá vỡ sẽ tích tụ trong da làm ố da chân, khiến da đổi màu thành màu nâu, đen hay những vết bầm tím loang lổ.
Giãn tĩnh mạch: Tĩnh mạch phồng, xoắn và nổi lên khỏi bề mặt da khi có máu ứ đọng. Hoặc, người bệnh có thể quan sát thấy các đường li ti màu đỏ, tím hoặc xanh phân nhánh như tia sét trên bề mặt da (giãn tĩnh mạch mạng nhện).
Loét da: Xảy ra trong những trường hợp suy giảm tuần hoàn nghiêm trọng, các mô bị thiếu dưỡng chất và oxy dẫn đến viêm, loét hoại tử. Những vết loạt thường tập trung ở vùng mắt cá chân, lâu lành và khó điều trị.
Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu của suy giãn tĩnh mạch khá mờ nhạt. Đa phần người bệnh chỉ có cảm giác hơi căng tức, ngứa hoặc đỏ nhẹ trên da. Một số người bệnh gần như không cảm nhận được gì cho đến khi da đổi màu rõ rệt, tĩnh mạch phình giãn trên da. Vì vậy, nếu bạn đang nghi ngờ mình bị giãn tĩnh mạch, hãy chủ động đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn xử trí kịp thời.