Nhức mỏi bắp chân về đêm không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ. Tình trạng này kéo dài khiến không ít người rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí là suy nhược cơ thể. Vậy, nguyên nhân nào gây ra tình trạng đau nhức bắp chân và làm thế nào để giảm ảnh hưởng của triệu chứng này? Mời bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết hôm nay.
Mục lục
Nguyên nhân gây nhức mỏi bắp chân về đêm
Triệu chứng nhức mỏi bắp chân về đêm có thể được khởi phát bởi nhiều yếu tố khác nhau, được chia thành 2 nhóm nguyên nhân chính gồm: nguyên nhân cơ học và nguyên nhân bệnh lý.
Nguyên nhân cơ học
Nguyên nhân cơ học bao gồm những biến đổi sinh lý và tác động từ bên ngoài cơ thể khiến hệ thống thần kinh – cơ bị tổn thương tạm thời. Tình trạng này có thể được điều trị hoặc cải thiện sau khi người bệnh loại bỏ tác nhân và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Dưới đây là một số yếu tố thường gặp trong nhóm nguyên nhân này:
Thay đổi thời tiết
Khác với chứng đau nhức xương khớp ở người già, đau mỏi bắp chân về đêm thường xuất hiện nhiều hơn vào mùa hè, khi thời tiết nóng bức. Nguyên nhân có thể do quá trình tổng hợp vitamin D diễn ra mạnh mẽ hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nồng độ vitamin D tăng cao khiến hệ thống thần kinh tăng hoạt động dẫn đến các rối loạn trong hoạt cơ bắp, gây đau cơ.
Bên cạnh đó, thân nhiệt liên tục biến đổi ở môi trường trong nhà và ngoài trời khiến hệ thống cơ, mạch máu, mô mềm và dây chằng co – giãn liên tục. Quá trình này ảnh hưởng đến tuần hoàn máu qua cơ, tăng rối loạn hoạt động co – duỗi cơ khiến nhiều người gặp phải hiện tượng chuột rút, đau buốt cơ bắp.
Sai tư thế
Sai tư thế thường xảy ra ở những người thường xuyên mang vác vật nặng, phải đứng hay ngồi quá lâu ở một tư thế trong thời gian dài. Những tư thế này gây cản trở tuần hoàn máu từ chân về tim khiến máu ứ đọng ở tĩnh mạch chân, gây tăng áp lực ở vùng chân dẫn đến cảm giác đau mỏi. Ảnh hưởng này cũng xảy ra tương tự ở những người nằm sai tư thế, gây chèn ép lên chân hoặc nằm nghiêng người một bên trong thời gian dài.
Cơ bắp hoạt động quá mức
Đau nhức bắp chân về đêm cũng có thể xảy ra vào những ngày bạn tăng cường độ tập luyện lên một cách đột ngột. Nguyên nhân là do các nhóm cơ hoạt động quá mức dẫn đến hiện tượng co cơ, tăng tích tụ acid lactic do thiếu hụt oxy gây ra triệu chứng đau mỏi.
Ngoài ra, tập luyện quá mức cũng khiến cơ thể tăng mất nước dẫn đến rối loạn điện giải. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền tín hiệu của hệ thống thần kinh – cơ làm tăng nguy cơ chuột rút, dẫn đến những cơn đau buốt bắp chân về đêm.
Tìm hiểu thêm: Bắp chân bên to bên nhỏ là bị gì?
Mang thai
Đau nhức bắp chân về đêm là triệu chứng khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Điều này là do sự tăng nhanh trọng lượng cơ thể trong thời kỳ mang thai khiến các cơ bắp ở vùng chân phải chịu áp lực lớn hơn.
Mặt khác, những biến đổi sinh lý của cơ thể trong thai kỳ như: giãn mạch máu, tăng lượng chất lỏng trong cơ thể, sự phát triển của thai nhi và tử cung làm cản trở tuần hoàn máu từ tĩnh mạch chân về hệ tuần hoàn chủ. Hệ quả là máu tăng ứ đọng ở tĩnh mạch chân, gây tăng áp lực lên thành mạch, khiến mẹ bầu đối diện với những cơn đau nhức kéo dài.
Một nguyên nhân khác cũng gây nhức mỏi chân ở phụ nữ mang thai là sự tăng tiết hormone relaxin trong 3 tháng cuối. Cơ chế này nhằm mục đích làm giãn khớp xương, dây chằng để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Thế nhưng, điều này cũng khiến phần thắt lưng, hông và chân của mẹ thường xuyên có cảm giác nhức mỏi, khó chịu.
Xem thêm: Đau mỏi chân khi mang thai nên làm gì?
Thiếu dinh dưỡng
Hoạt động của hệ thống thần kinh – cơ, xương khớp được duy trì bởi chế độ dinh dưỡng cân đối và đầy đủ và bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các dưỡng chất như: canxi, magie, kali, vitamin B6, vitamin B12,… Nếu chế độ ăn hàng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái thiếu năng lượng, rối loạn điện giải.
Tình trạng làm rối loạn hoạt động dẫn truyền thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng co – duỗi cơ bắp, từ đó gây ra các triệu chứng như: mệt mỏi, uể oải, đau nhức tay chân,…
Có thể bạn quan tâm: Hay bị chuột rút chân là thiếu chất gì?
Nguyên nhân bệnh lý
Bên cạnh nhóm nguyên nhân sinh lý, các bệnh lý gây rối loạn chức năng tuần hoàn, dẫn truyền thần kinh hay xương khớp cũng có thể là nguyên nhân gây ra triệu chứng nhức mỏi bắp chân về đêm. Một vài bệnh lý thường gặp bao gồm:
Suy giãn tĩnh mạch chân
Được xếp vào nhóm bệnh lý mạch máu ngoại vi gây rối loạn chức năng tuần hoàn, tăng ứ đọng máu trong tĩnh mạch, dẫn đến tăng áp lực trong lòng mạch.
Các triệu chứng bệnh được thể hiện rõ rệt trên chân như: đau nhức, phù nề, nặng mỏi, tê bì, chuột rút về đêm, buồn bực, bứt rứt tay chân và nổi phồng tĩnh mạch dưới da. Biến chứng của giãn tĩnh mạch chân là gây huyết khối tĩnh mạch sâu dẫn đến thuyên tắc phổi, đe dọa đến tính mạng.
Xem thêm: Phương pháp chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chân
Viêm xương khớp
Là tình trạng viêm xuất hiện ở các đầu khớp xương, thường là khớp gối, khớp mắt cá hay các khớp ngón chân.
Viêm xương khớp khiến người bệnh bị đau nhức, sưng tấy, nóng đỏ ở các khớp xương. Trường hợp nặng, các khớp có thể bị biến dạng.
Hội chứng chân không yên
Là một chứng rối loạn thần kinh điển hình xảy ra do sự thiếu hụt dopaminergic dưới vỏ não. Tình trạng này khiến người bệnh có cảm giác đau buốt, nhức mỏi, chân bồn chồn, bứt rứt không yên về đêm.
Hội chứng chân không yên (hội chứng chân bồn chồn) không gây nguy hiểm nhưng lại chưa có phác đồ điều trị dứt điểm. Vì vậy, các triệu chứng bệnh có kéo dài dai dẳng cả đời.
Xem thêm: Các loại thuốc được chỉ định cho hội chứng chân không yên
Đau thần kinh tọa
Thường xảy ra do các bệnh lý ở vùng cột sống như: thoái hóa cột sống hay thoát vị đĩa đệm. Những bệnh lý này gây chèn ép và khiến dây thần kinh tọa bị tổn thương. Hệ quả là người bệnh thường xuyên xuất hiện những cơn đau thắt lưng dữ dội, âm ỉ kéo dài lan dọc xuống hai chân.
Bệnh có thể tiến triển thành teo cơ, liệt chi, rối loạn chức năng đại – tiểu tiện và hội chứng khập khiễng cách hồi nếu không được điều trị kịp thời.
Dựa vào triệu chứng lâm sàng không đủ để xác định nguyên nhân gây ra chứng đau nhức bắp chân về đêm. Vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Việc chẩn đoán sớm và đúng nguyên nhân giúp điều trị hiệu quả hơn, tránh biến chứng nguy hiểm.
Làm thế nào để giảm cảm giác nhức mỏi ở bắp chân?
Để kiểm soát tốt triệu chứng nhức mỏi bắp chân về đêm, người bệnh có thể tham khảo một số lời khuyên dưới đây:
Thăm khám và điều trị đúng lúc
Thực tế, không phải ai cũng có đủ điều kiện để thăm khám y tế chỉ vì lý do đau mỏi bắp chân. Hầu hết mọi người có xu hướng theo dõi, chờ đợi xem triệu chứng này có được cải thiện sau một thời gian hay không. Tuy nhiên, những trường hợp đau do bệnh lý nếu kéo dài quá lâu có thể tạo điều kiện khiến bệnh triến triển nghiêm trọng hơn, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Vì vậy, việc xác định thời điểm thăm khám là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy triệu chứng đau nhức bắp chân cần được thăm khám ngay:
- Đau nhức bắp chân kéo dài liên tục trên 5 ngày và không có dấu hiệu cải thiện.
- Đau nhức xuất hiện kèm với triệu chứng toàn thân như: sốt trên 38 độ, cơ thể mệt mỏi, uể oải, ăn uống kém, sút cân nhanh.
- Triệu chứng đau không giảm bớt khi bạn đã thực hiện nghỉ ngơi tại chỗ hoàn toàn.
- Cơn đau xuất hiện đột ngột mà trước đó không chịu bất kỳ tác động cơ năng nào.
- Đau nhức bắp chân xuất hiện ở những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp,….
Sau khi thăm khám xác định nguyên nhân, tùy vào từng trường hợp mà người bệnh cần áp dụng một hoặc nhiều biện pháp điều trị song song. Điều người bệnh cần làm là nghiêm túc tuân thủ các chỉ định được bác sĩ đưa ra.
Dùng thuốc giảm đau
Sử dụng một số loại thuốc có thể giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng đau nhức bắp chân nhanh chóng như:
- Paracetamol: Có tác dụng giảm đau do mọi nguyên nhân ở mức độ nhẹ đến trung bình. Thuốc thường phát huy tác dụng sau khoảng 30 phút và duy trì hiệu quả trong suốt 4 – 6 tiếng.
- Thuốc giãn cơ: Có tác dụng làm giãn cơ, tăng cường tuần hoàn đến cơ bắp từ đó giảm triệu chứng đau do co thắt cơ bắp gây ra. Các thuốc được sử dụng phổ biến như: myonal, mydocalm, buscopan,…
- Thuốc Nsaids: Giảm đau chống viêm ở mức độ vừa đến nặng, phù hợp với những trường hợp đau nhức bắp chân kèm theo triệu chứng nóng đỏ, sưng tấy. Thuốc được dùng phổ biến như: ibuprofen, diclofenac,…
Lưu ý: Người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý mua thuốc về sử dụng có thể làm giảm hiệu quả và tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Điều chỉnh chế độ ăn
Khi bị nhức mỏi bắp chân về đêm, bạn có thể thử thay đổi chế độ ăn và quan sát xem triệu chứng này có được cải thiện hay không. Ngoài việc cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, hãy chú ý tăng cường các nhóm thực phẩm như:
- Thực phẩm giàu canxi: Giúp trì ổn định chức năng của thần kinh – cơ, đảm bảo hoạt động co duỗi cơ diễn ra bình thường. Những thực phẩm nhóm này gồm: sữa và chế phẩm từ sữa, rau dền, vừng, măng tây,…
- Thực phẩm giàu kali: Giúp cân bằng điện giải trong cơ thể, đảm bảo hoạt động bình thường của các tế bào cơ. Thực phẩm giàu kali như: chuối chín, nấm, cà chua, đậu phụ,…
- Thực phẩm giàu magie: Đảm bảo các hoạt động chuyển hóa, cung cấp đầy đủ năng lượng cho tế bào thần kinh và tế bào cơ. Các thực phẩm giàu magie như: chuối, các loại cá béo, các loại đậu phộng,…
- Thực phẩm giàu vitamin B12: Giúp hình thành tế bào hồng cầu khỏe mạnh và ổn định hoạt động của hệ thần kinh. Thực phẩm thuộc nhóm này gồm: các loại gan động vật, thị gia cầm, sữa và chế phẩm từ sữa,…
Tập thể dục mỗi ngày
Luyện tập thể dục mỗi ngày là biện pháp giúp tăng cường sức mạnh của hệ cơ – xương – khớp, giảm căng thẳng cơ bắp, tăng cường khả năng chịu đựng của chân đồng thời thúc đẩy tuần hoàn máu trong hệ thống tĩnh mạch chân. Điều này giúp khắc phục nhanh chóng tình trạng đau nhức bắp chân về đêm cho nguyên nhân sinh lý và cải thiện đáng kể trong các trường hợp bệnh lý.
Để việc tập luyện phát huy hiệu quả tốt nhất, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Thực hiện tập luyện từ 15 – 30 phút/ ngày hoặc tùy theo tình trạng sức khỏe.
- Duy trì thói quen tập luyện tối thiểu 4 – 5 buổi/ tuần.
- Lựa chọn bài tập phù hợp với thể trạng, tránh những bài tập nặng khi chân đang có tổn thương.
- Lựa chọn trang phục thoải mái, giày chất lượng tốt để việc tập luyện thuận lợi nhất.
- Chú ý bổ sung nước trước, trong và sau quá trình tập luyện, tránh để cơ thể bị mất nước hoặc rối loạn điện giải.
- Dành thời gian để khởi động trước khi tập và giãn cơ sau sau khi tập xong.
Massage chân
Massage chân là cách giảm đau bắp chân trực tiếp và nhanh chóng. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi tại chỗ, sau đó dùng tay tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng dọc theo chân. Tại vị trí bắp chân bị đau nhức, bạn nên tăng cường tần suất và lực bóp để giúp thúc đẩy tuần hoàn máu tốt hơn.
Thời gian massage nên kéo dài khoảng 15 – 20 phút để phát huy hiệu quả tốt nhất. Bạn có thể tự massage tại nhà, nhờ người thân hỗ trợ hoặc đến các cơ sở massage trị liệu chuyên biệt để thực hiện.
Nhức mỏi bắp chân về đêm có thể gây nguy hiểm hoặc không, tùy thuộc vào nguyên nhân khởi phát triệu chứng này. Những trường hợp nhẹ, triệu chứng chỉ thoáng qua và biến mất sau một vài ngày. Ngược lại, trường hợp nặng có thể tiến triển nghiêm trọng hơn. Vì vậy, điều bạn cần làm là xác định rõ nguyên nhân và lựa chọn đúng phương pháp điều trị càng sớm càng tốt.