Ngâm chân là phương pháp đã có từ lâu trong Y học cổ truyền, được dân gian áp dụng để chữa nhiều chứng bệnh, trong đó có tình trạng tê chân. Vậy tê chân ngâm gì để đem lại hiệu quả tốt nhất? Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc tìm hiểu rõ hơn về phương pháp này, từ đó lựa chọn được cho mình cách ngâm chân phù hợp nhất.
Mục lục
1. Nguyên ngân gây tình trạng tê chân
Tê chân là một vấn đề phổ biến, có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc trưng bởi sự giảm hoặc mất hoàn toàn cảm giác ở chân.
Tê chân thường đi kèm với các cảm giác khác, điển hình là đau, cảm giác nóng rát và/hoặc như bị kim châm (ngứa ran hoặc châm chích), gọi chung là dị cảm. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai chân tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó.
Nguyên nhân gây ra tê chân có thể được chia làm 2 loại: Nguyên nhân không phải bệnh lý và nguyên nhân bệnh lý.
1.1. Nguyên nhân không phải bệnh lý
- Chấn thương: Chấn thương ở vùng lưng, cột sống, hông, bàn chân, mắt cá chân, chân do tai nạn, ngã hay va chạm có thể làm dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương, khiến chân hay bị tê và khó hoạt động.
- Sinh hoạt sai tư thế: Đây là yếu tố hàng đầu gây tê chân tạm thời. Việc duy trì tư thế không đúng như đứng, ngồi hoặc quỳ trong thời gian dài, ngủ nghiêng người, đi giày cao gót liên tục, mặc quần, vớ, giày quá chật,… có thể gây sức ép lên rễ thần kinh và mao mạch ở chân, khiến dây thần kinh ở khu vực này bị tổn thương và lưu thông máu giảm dẫn đến tình trạng tê chân.
- Căng thẳng, mệt mỏi: Tình trạng này kéo dài có thể gây tê chân do tế bào thần kinh ở chân có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý, dễ bị tê liệt nếu tâm lý bất ổn thường xuyên.
- Thay đổi thời tiết: Sự thay đổi của môi trường sống như thời tiết chuyển lạnh đột ngột có thể khiến máu lưu thông kém và gây ra tình trạng tê bì tay chân ở một số người nhạy cảm, đặc biệt là những người lớn tuổi.
Hỏi đáp: Tê chân khi sau khi đẻ con có sao không?
1.2. Nguyên nhân bệnh lý
Một số bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tê chân như:
- Thoát vị đĩa đệm.
- Thoái hóa cột sống, thoái hoá khớp.
- Xơ vữa động mạch.
- Viêm đa khớp dạng thấp.
- Đa xơ cứng.
- Viêm đa rễ thần kinh.
- Hẹp ống sống.
- Đái tháo đường.
- Hội chứng ống cổ tay.
Đặc biệt, một bệnh lý gây ra triệu chứng tê mỏi chân rất thường gặp nhưng lại hay bị nhiều người bỏ qua là suy giãn tĩnh mạch. Trong bệnh suy giãn tĩnh mạch, thành mạch bị suy yếu hoặc van tĩnh mạch bị tổn thương khiến dòng máu thay vì chảy theo một hưởng về tim thì bị chảy ngược và ứ đọng lại trong lòng tĩnh mạch.
Máu ứ đọng, kém lưu thông khiến các dây thần kinh và mô ở chân và bàn chân không nhận được đủ lượng oxy cần thiết và có thể dẫn đến cảm giác tê và ngứa ran. Ngoài việc giảm lượng oxy, khi các tĩnh mạch chân bị sưng và to ra bởi chứng giãn tĩnh mạch, chúng cũng có thể chèn ép hoặc đè lên dây thần kinh cảm giác ở chân, dẫn đến mất cảm giác hoặc ngứa ran, tê mỏi.
Tê chân trong đa số trường hợp thường không nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt thường ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người gặp phải tình trạng này. Đặc biệt, trong một số trường hợp, tê chân có thể là dấu hiệu ban đầu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng hơn, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề khác.
Chính vì vậy, nếu bạn nhận thấy tình trạng tê chân của mình kéo dài hoặc đi kèm với các triệu chứng bất thường khác, bạn cần thăm khám bác sĩ sớm để xác định chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Tìm hiểu thêm: Cách chữa tên chân cho người bị tiểu đường
2. Bị tê chân ngâm chân có tốt không?
Ngâm chân là phương pháp thư giãn và chữa bệnh đã được dân gian áp dụng từ lâu đời cho đến nay.
Ngâm chân có thể giúp tăng cường tuần hoàn, cải thiện đáng kể lưu thông máu ở bàn chân và chi dưới. Điều này giúp tăng lưu lượng máu qua chân, thúc đẩy cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết cho các dây thần kinh và mô ở chân và bàn chân. Nhờ đó, ngâm chân có thể giúp ích trong việc giảm các triệu chứng gây ra bởi lưu lượng máu kém như tê chân.
Không chỉ vậy, ngâm chân còn mang lại cảm giác sảng khoái, thư giãn, cải thiện tâm trạng cho người thực hiện. Bạn có thể dễ dàng tự thực hiện phương pháp này tại nhà mà không cần sự trợ giúp từ người khác. Nguyên liệu sử dụng để ngâm chân cũng thường có nguồn gốc từ tự nhiên, lành tính cho cơ thể và có thể dễ dàng tìm kiếm, mua được.
Do đó, ngâm châm là biện pháp hiệu quả được nhiều người ưa chuông áp dụng để giảm nhanh sự khó chịu do tê chân gây ra.
Tuy nhiên, không phải trường hợp tê chân nào cũng có thể áp dụng cách ngâm giống nhau. Tùy vào triệu chứng tê chân và nguyên nhân gây ra nó, bạn cần phải áp dụng cách ngâm phù hợp mới có thể đem lại hiệu quả tốt nhất.
Ngâm chân với nước nóng
Nước nóng giúp làm nóng vùng chân, khiến các mạch máu ở đây giãn ra, nhờ đó cải thiện quá trình lưu thông máu, tăng cường cung cấp máu giàu oxy tới nuôi dưỡng và loại bỏ chất thải. Điều này giúp giảm tê, đau chân và thúc đẩy quá trình chữa lành.
Vì vậy, ngâm chân bằng nước nóng sẽ phù hợp với trường hợp tê chân không kèm theo viêm như tê chân do sinh hoạt sai tư thế hoặc do các bệnh xương khớp mạn tính gây ra.
Cách ngâm chân này cũng không nên áp dụng trong trường hợp tê chân do các bệnh lý như suy giãn tĩnh mạch, đái tháo đường, xơ cứng hay tắc nghẽn động mạch.
Ngâm chân với nước mát
Nước mát có khả năng làm co các tĩnh mạch ở chân, kích thích lưu thông máu ở chân và cải thiện lưu thông máu khắp cơ thể, nhờ đó làm giảm tình trạng tê chân do máu ứ đọng, luần hoàn kém, đồng thời giúp giảm đau, giảm viêm. Nước mát cũng hỗ trợ giảm sưng tấy do viêm hiệu quả.
Do đo, phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp người bệnh bị tê chân kèm theo các phản ứng viêm như sưng đau, nóng đỏ, phù nề ở vùng chân.
Đọc thêm: Bị suy giãn tĩnh mạch cần lưu ý gì khi ngâm chân
3. Những phương pháp ngâm chân giúp giảm tê bì hiệu quả
Dưới đây là một số cách ngâm chân giúp giảm bớt cảm giác khó chịu do tê chân gây ra mà bạn có thể tham khảo và thực hiện tại nhà:
3.1. Ngâm chân với muối
Ngâm nước muối ấm giúp máu lưu thông tốt hơn, tăng cường bơm máu tới vùng chân bị tê bì, giúp giãn gân cơ, đồng thời giữ ấm cơ thể để duy trì chức năng hoạt động của dây thần kinh, nhờ đó giảm tê chân hiệu quả.
Cách ngâm chân giảm tê bì với muối thực hiện như sau:
- Chuẩn bị 1 chậu nước ấm khoảng 45 độ.
- Thêm ½ cốc muối vào chậu, khuấy đều để muối tan hoàn toàn.
- Đặt cả hai bàn chân vào chậu nước muối ấm đã chuẩn bị. Thả lỏng và thư giãn trong 10 – 15 phút.
Bạn nên thực hiện phương pháp trên trước khi đi ngủ trong vòng 1 tuần.
3.2. Ngâm chân với nước gừng và muối
Gừng là gia vị quen thuộc trong căn bếp của người Việt. Không chỉ vậy, gừng còn là vị thuốc nam quý chuyên trị các chứng bệnh về xương khớp và cả chứng tê bì tay chân.
Trong gừng có các hoạt chất như shogaol, zingiberene hay gingerol có khả năng làm giãn mạch máu. Nhờ vậy, ngâm chân bằng nước ấm và gừng giúp tăng cường lưu thông máu ở chân, làm ấm cơ thể, nhờ đó làm dịu triệu chứng tê chân. Bên cạnh đó, mùi thơm từ tinh dầu gừng cũng giúp giảm bớt mệt mỏi, căng thẳng, khiến tinh thần thoải mái, thư giãn hơn.
Hỏi đáp: Gừng có tác dụng chữa bệnh giãn tĩnh mạch chân không?
Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị 1 nhánh gừng tươi đem rửa sạch, để cả vỏ giã nát.
- Cho gừng đã chuẩn bị vào nấu cùng 1 lít nước, thêm vào 2 thìa muối hạt.
- Gạn nước gừng ra chậu, để nước nguôi bớt còn khoảng 50 – 60 độ.
- Ngâm chân bằng nước gừng ấm trong khoảng 15 phút.
3.3. Ngâm chân với nước lá lốt
Lá lốt được biết đến với tác dụng tăng cường lưu thông máu, giảm đau, kháng viêm. Nhờ đó, loại thảo dược này cũng được sử dụng nhiều trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý xương khớp như tê bì tay chân, thoái hóa khớp, viêm khớp,…
Nếu bạn đang bị tê chân, bạn có thể thực hiện cách ngâm chân với lá lốt 1 lần vào buổi tối trước khi ngủ mỗi ngày để giúp giảm nhức mỏi, tê bì tay chân và ngủ ngon hơn.
Cách làm như sau:
- Chuẩn bị 200g lá lốt, rửa sạch, vò nát.
- Cho lá lốt vào nồi nấu với khoảng 2 lít nước.
- Để nước sôi khoảng 10 phút, thêm 1 ít muối ăn vào khuấy cho muối tan hoàn toàn.
- Gạn nước ra chậu nhỏ, để nước nguội bớt còn khoảng 50 – 60 độ thì đặt hai chân vào ngâm trong khoảng 15 phút.
3.4. Ngâm chân bằng nước mát
Ngâm chân bằng nước mát sẽ hiệu quả với các trường hợp tê chân kèm theo viêm, đặc biệt là tê mỏi chân gây ra do suy giãn tĩnh mạch.
Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị 1 cái thau/ chậu sạch có kích cỡ vừa đủ để đặt hai bàn chân vào một cách thoải mái.
- Đổ một ít nước vào chậu.
- Thêm một ít đá lạnh vào nước sao cho nhiệt độ nước ngâm chân khoảng 10 – 15 độ C là tốt nhất. Mực nước ngâm cao trên mắt cá chân khoảng 2 cm.
- Đặt 2 chân vào chậu nước mát, thả lỏng cơ thể và ngâm chân trong khoảng 10 – 15 phút. Bạn có thể kết hợp massage chân hoặc giậm chân tại chỗ trong quá trình ngâm.
4. Lưu ý khi ngâm chân để đạt hiệu quả cao
Để ngâm chân đạt hiệu quả giảm tê chân tối ưu, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề dưới đây trong quá trình thực hiện phương pháp này:
Không lạm dụng ngâm chân: Ngâm chân sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như cải thiện tình trạng tê chân hiệu quả. Tuy nhiên, ngâm chân quá lâu có thể ngăn cản máu lưu thông, dễ khiến người bệnh bị cảm, đặc biệt là cách ngâm chân với nước lạnh. Vì vậy, bạn cần chú ý ngâm chân với thời gian và tần suất phù hợp để đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Ngâm từ phần dưới mắt cá chân trở xuống: Điều này sẽ giúp kinh mạch lưu thông hiệu quả hơn.
Không ngâm chân khi có vết thương hở: Ngâm chân trong trường hợp chân bị thương hay có vết loét sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, khiến vết thương trầm trọng, lâu lành hơn. Do đó, bạn cần tránh ngâm chân trong trường hợp này.
Kết hợp với phương pháp điều trị khác: Ngâm chân chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị giảm triệu chứng tê chân, không thể chữa khỏi được bệnh, đặc biệt là đối với các trường hợp tê chân bệnh lý. Do đó, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để tìm hiểu rõ về nguyên nhân gây tê chân của mình, từ đó kết hợp ngâm chân với các phương pháp điều trị cần thiết khác như dùng thuốc, thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện tê chân hiệu quả nhất.
Trên đây là các cách ngâm chân giúp cải thiện tình trạng tê chân mà bạn có thể tham khảo. Ngâm chân có thể giúp làm dịu cảm giác khó chịu do tê chân gây ra. Tuy nhiên, để điều trị dứt điểm tình trạng này, bạn cần thăm khám sớm nhằm xác định chính xác nguyên nhân cụ thể gây tê chân và có biện pháp điều trị phù hợp để kiểm soát các bệnh lý nếu có một cách tốt nhất, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và nâng cao chất lượng cuộc sống.