Hội chứng chân không yên được mô tả là cảm giác chân bứt rứt, bồn chồn không yên thường xảy ra vào ban đêm dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Sử dụng thuốc điều trị hội chứng chân không yên được cho là giải pháp hiệu quả cao, phù hợp với nhiều người. Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu đến bạn 7 loại thuốc thông dụng nhất.
Mục lục
Các phác đồ điều trị Hội chứng chân không yên được xây dựng dựa trên nguyên tắc điều chỉnh bệnh nguyên phát hoặc bổ sung dưỡng chất bị thiếu hụt. Trong điều trị Hội chứng chân không yên nguyên phát, ưu tiên các liệu pháp điều trị triệu chứng và biện pháp hỗ trợ điều trị nhằm mang lại cho người bệnh chất lượng sống tốt nhất.
Xem trước: Các phương pháp chẩn đoán hội chứng chân không yên
Dưới đây là một số thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị Hội chứng chân không yên:
1. Thuốc Dopaminergic
Thuốc Dopaminergic gồm levodopa và chất chủ vận thụ thể dopamine là phương pháp điều trị chính cho Hội chứng chân không yên. Cơ thế của nhóm thuốc này hiện vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng dopaminergic có khả năng làm tăng mức độ dopamine trong não, từ đó thay đổi hoạt động của mạch thần kinh. Chi tiết về từng loại thuốc trong nhóm này như sau:
1.2 Thuốc Levodopa
Được sử dụng để điều trị Hội chứng chân không yên từ năm 1985. Hiện tại, levodopa được kết hợp cùng các chất ức chế DOPA – decarboxylase benserazide hoặc carbidopa.
Thuốc được sử dụng với liều khởi đầu là 50mg, uống 1 – 2 tiếng trước khi đi ngủ. Sau 1 tuần, nếu triệu chứng không được kiểm soát, người bệnh có thể cần tăng lên liều 100 – 200mg. Liều dùng này đã được chứng minh cho hiệu quả ở 85% bệnh nhân.
Tuy nhiên, khi sử dụng levodopa liên tục trong thời gian dài, hiệu quả của thuốc sẽ giảm xuống khiến các triệu chứng xuất hiện trở lại sau 2 – 3 tiếng dùng thuốc. Trường hợp này, người bệnh nên có thể cần tăng liều hoặc sử dụng liều thứ hai khi thức dậy vào ban đêm. Hoặc, người bệnh cũng có thể chuyển sang sử dụng levodopa dạng phóng thích kéo dài, cho tác dụng liên tục trong khoảng 4 – 6 tiếng.
Levodopa có thể gây tác dụng phụ như: buồn nôn, chuột rút, nhức đầu, căng thẳng, chóng mặt, khô miệng. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải hiện tượng rebound – các triệu chứng nặng hơn sau khi ngưng dùng thuốc, tăng cảm giác buồn nôn, tụt huyết áp tư thế đứng và mất ngủ.
1.2 Chất chủ vận Dopamine (DRAs)
Các chất chủ vận Dopamine bao gồm: pramipexole, ropinirole, cabergoline và rotigotine được sử dụng từ năm 1988, sau khi levodopa được chứng minh là có hiệu quả. Các kết quả điều trị cho thấy, hiệu quả điều trị Hội chứng chân không yên của chất chủ vận Dopamine tương đương với levodopa. Vì vậy, người bệnh có thể được sử dụng trong điều trị hàng ngày.
Pramipexole: Sử dụng với liều khởi đầu là 0.125 mg, sau đó tăng dần đến 1mg cho đến khi đạt hiệu quả. Thuốc được uống 2 giờ trước khi khởi phát triệu chứng ở những bệnh nhân mức độ vừa đến nặng. Pramipexole có thể gây ra các tác dụng phụ như: chóng mặt, buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa và tăng cường triệu chứng khi ngưng dùng thuốc sau một thời gian dài.
Cabergoline: Liều khởi đầu là 0.5mg, sau đó tăng dần lên tối đa 2mg cho đến khi đạt được hiệu quả. Thuốc được uống trước giờ đi ngủ khoảng 1 – 2 tiếng. Trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần uống thêm 1 liều vào đầu giờ tối. Tác dụng phụ thường gặp của cabergoline gồm: buồn nôn, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt và buồn ngủ vào ban ngày.
Ropinirole: Liều khởi đầu là 0.25mg, sau đó có thể tăng lên tối đa 4mg cho đến khi đạt được hiệu quả. Thuốc được uống trước giờ đi ngủ khoảng 1 – 3 tiếng. Ropinirole có thể gây ra một số tác dụng phụ như: buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ vào ban ngày và tăng cường triệu chứng sau khi ngưng thuốc. Ngoài dạng uống, ropinirole có thể được bào chế dưới dạng dùng tại chỗ.
Rotigotine: Thường được bào chế dưới dạng miếng dán với liều dùng là 1mg/ ngày, có thể dùng ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Liều tối đa có thể dùng là 3mg/ ngày. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như: tụt huyết áp, buồn nôn, nôn, lú lẫn, ảo giác, cử động không tự chủ, co giật,..
2. Thuốc phối tử alpha – 2 – delta
Nhóm thuốc phối tử alpha – 2 – delta bao gồm: gabapentin, gabapentin enacarbil và pregabalin. Các thuốc này hoạt động bằng cách tạo liên kết ái lực cao với kênh canxi, điều chỉnh điện dòng ion canxi tại các đầu dây thần kinh nhằm đáp ứng quá trình khử cực. Kết quả là ức chế giải phóng chất dẫn truyền thần kinh kích thích glutamatergic, kiểm soát triệu chứng khó chịu và đau trong Hội chứng chân không yên.
Gabapentin: Liều khởi đầu là 300mg sau đó tăng dần lên 800mg cho đến khi đạt được hiệu quả. Một nghiên cứu so sánh tác dụng điều trị của gabapentin (300 mg) với ropinirole (0,5 mg) trên 80 bệnh nhân Hội chứng chân không yên cho thấy, gabapentin vượt trội hơn so với ropinirole trong việc cải thiện thời gian và chất lượng giấc ngủ. Các tác dụng phụ của gabapentin gồm: chóng mặt, buồn nôn và phù ngoại biên.
Gabapentin enacarbil: Là thuốc duy nhất được FDA chấp thuận sử dụng trong điều trị Hội chứng chân không yên. Thuốc được hấp thu tại ruột và chuyển hóa thành gabapentin. Liều dùng khởi đầu của gabapentin enacarbil là 300mg, sau đó tăng dần lên 1.200mg cho đến khi đạt được hiệu quả tốt nhất. Tác dụng phụ thường gặp của gabapentin enacarbil là gây buồn ngủ, chóng mặt.
Gabapentin enacarbil là một tiền chất của Gabapentin, có nghĩa là nó được chuyển hóa thành Gabapentin trong cơ thể sau khi uống. Gabapentin enacarbil có cấu trúc phức tạp hơn Gabapentin, với một nhóm isobutyryloxyethoxy carbonyl được gắn vào nhân cyclohexane của Gabapentin.
Nghiên cứu muốn đánh giá xem GEn (gabapentin enacarbil ) có tốt hơn giả dược (một viên thuốc giả) trong việc giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng giấc ngủ của người bệnh RLS hay không.
Thực hiện nghiên cứu:
Nghiên cứu có 325 người bệnh RLS trung bình đến nặng được chia thành 3 nhóm: Một nhóm uống GEn 1200 mg, một nhóm uống GEn 600 mg, và nhóm thứ ba uống giả dược.
Họ uống thuốc một lần mỗi ngày trong 12 tuần. Nghiên cứu đo lường mức độ cải thiện các triệu chứng bằng hai thang đo: Thang Đo Quốc Tế về Hội Chứng Chân Không Yên (IRLS) và Thang Đo Cải Thiện Toàn Diện do Người Nghiên Cứu Đánh Giá (CGI-I). Nghiên cứu cũng đo lường mức độ cải thiện giấc ngủ bằng một số bảng câu hỏi và nhật ký. Nghiên cứu cũng ghi nhận bất kỳ tác dụng phụ hoặc vấn đề nào mà người bệnh có trong khi uống thuốc.
Kết quả:
Nghiên cứu tìm thấy cả hai liều GEn đều tốt hơn giả dược trong việc giảm các triệu chứng và cải thiện giấc ngủ của người bệnh RLS. Những người uống GEn 1200 mg hoặc 600 mg có điểm số thấp hơn trên thang đo IRLS và đánh giá cao hơn trên thang đo CGI-I so với những người uống giả dược. Những người uống GEn cũng cải thiện đáng kể các kết quả về giấc ngủ (Bảng Câu Hỏi Sau Khi Ngủ, Nhật Ký Giấc Ngủ Pittsburgh và Thang Đo Giấc Ngủ của Kết Quả Y Tế) so với giả dược. Các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất là buồn ngủ (GEn 1200 mg = 18,0%; 600 mg = 21,7%; giả dược = 2,1%) và chóng mặt (GEn 1200 mg = 24,3%; 600 mg = 10,4%; giả dược = 5,2%). Chóng mặt tăng theo liều và dẫn đến ngừng điều trị ở 2 bệnh nhân (GEn 1200 mg, n = 1; GEn 600 mg, n = 1). Buồn ngủ dẫn đến ngừng điều trị ở 3 bệnh nhân (GEn 600 mg).
Kết luận:
GEn 1200 mg và 600 mg cải thiện đáng kể các triệu chứng RLS và rối loạn giấc ngủ so với giả dược và được dung nạp tốt nói chung.
Xem chi tiết nguồn: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3113968/
Thực hiện nghiên cứu:
Nghiên cứu này được thực hiện trong hai tuần, theo thiết kế ngẫu nhiên, mù đôi, chéo và có đối chứng giả.
Nghiên cứu bao gồm hai nhóm bệnh nhân RLS (hội chứng chân không yên): nhóm chưa từng dùng DAs (dopaminergic) và nhóm dùng DAs liên tục trong 5 năm liền. Sau khi ngừng sử dụng các thuốc có tác động lên hệ thần kinh trung ương, các bệnh nhân được phân vào một trong hai nhóm để dùng GBPen (gabapentin enacarbil) hoặc đối chứng giả trong 2 tuần liên tiếp.
Thuốc được uống vào lúc 7 giờ tối với liều cố định là 600 mg/ngày. Mức độ nặng của RLS được đánh giá hàng tuần bằng thang IRLS và CGI. Một bài kiểm tra M-SIT cũng được thực hiện giữa 6 giờ chiều và nửa đêm vào cuối mỗi điều kiện điều trị.
Kết quả:
Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm về tuổi, giới tính, thời gian mắc bệnh, mức ferritin, mức độ nặng của RLS tại thời điểm ban đầu hoặc các bệnh kèm theo. Cả hai nhóm đều cải thiện hơn khi dùng GBPen so với đối chứng giả trên thang IRLS, CGI và M-SIT. Tuy nhiên, sự cải thiện lớn hơn ở nhóm chưa dùng DAs so với nhóm dùng DAs trong thời gian dài trên thang IRLS (p < 0.05), CGI (p < 0.01) và M-SIT (p < 0.01).
Kết luận:
Kết luận nghiên cứu là việc dùng DAs trong thời gian dài trước đó làm giảm hiệu quả của GBPen đối với bệnh nhân RLS trong tương lai. Các giải thích về cơ chế bệnh lý có thể xảy ra được thảo luận. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng cho việc lựa chọn phương pháp điều trị ban đầu cho RLS và ủng hộ quan điểm rằng điều trị ban đầu không nên bắt đầu bằng DAs.
Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cấp II hỗ trợ cho hiệu quả giảm của GBPen đối với bệnh nhân RLS đã tiếp xúc với điều trị bằng DAs trong thời gian dài trước đó.
Xem chi tiết nguồn: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1389945718305094
Pregabalin: Liều khởi đầu của pregabaline là 50mg, sau đó tăng dần lên tối đa 450mg cho đến khi đạt được hiệu quả. Thuốc được chỉ định cho những trường hợp Hội chứng chân không yên vô căn mức độ vừa đến nặng. Thuốc ít gây tăng triệu chứng sau khi ngừng sử dụng nhưng có thể gây chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi và đau nhức đầu.
3. Thuốc Benzodiazepine
Benzodiazepine là một nhóm các chất an thần có cấu trúc tương tự một chất ức chế dẫn truyền hệ thần kinh trung ương – GABA (Acid gamma – aminobutyric). Thuốc được sử dụng trong điều trị Hội chứng chân không yên với mục đích đẩy nhanh thời gian bắt đầu giấc ngủ và giảm tình trạng cử động chân định kỳ trong giấc ngủ. Các hoạt chất được sử dụng phổ biến gồm: Clonazepam với liều 0.5 – 2mg và Alprazolam với liều 0.25 – 0.5 mg
Benzodiazepine không phải là nhóm thuốc điều trị ưu tiên trong Hội chứng chân không yên bởi có nguy cơ dung nạp thuốc và gây phụ thuốc thuốc sau khi dùng. Ngoài ra, thuốc cũng làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ, gây lú lẫn và làm trầm trọng hơn tình trạng suy giảm nhận thức. Theo các chuyên gia, việc sử dụng benzodiazepine nên dừng ở liệu pháp hỗ trợ trong điều trị Hội chứng chân không yên.
4. Thuốc Opioid
Opioid là nhóm thuốc giảm đau trung ương, bao gồm một số hoạt chất thường gặp như: oxycodone, naloxone, tramadol, codeine, oxycodone, methadone,.. Thuốc được chỉ định cho những người mắc Hội chứng chân không yên nghiêm trọng kèm theo đau.
Một nghiên cứu trên 113 bệnh nhân Hội chứng chân không yên cho thấy, Opioid giúp cải thiện triệu chứng ở những bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc dopaminergic. Những bệnh nhân kháng dopaminergic được chỉ định dùng methadone với liều trung bình 15mg/ ngày và cho đáp ứng tích cực.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác kéo dài trong 40 tuần trên 276 bệnh nhân Hội chứng chân không yên đã kháng các biện pháp điều trị khác. Kết quả cho thấy việc sử dụng kết hợp oxycodone 5mg và naloxone 2.5mg, 2 lần/ ngày cho thấy tác dụng kiểm soát các triệu chứng vượt trội, duy trì liên tục trong thời gian trung bình là 281 ngày ở mức liều trung bình là oxycodone 18,1 mg và 9,1 mg naloxone.
Tuy nhiên, vì nhóm opioid có khả gây nghiện và làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ nên liệu pháp này chỉ được áp dụng cuối cùng khi người bệnh không đáp ứng với tất cả những loại thuốc điều trị khác.
5. Sắt
Truyền sắt tĩnh mạch carboxymaltose sắt – 1000mg là liệu pháp điều trị đầu tay cho những bệnh nhân mắc Hội chứng chân không yên bị thiếu sắt hoặc giảm ferritin huyết thanh (dưới 100mcg/ lít). Theo các chuyên gia, nồng độ sắt trong não có thể bị giảm ngay cả khi nồng độ sắt huyết thanh bình thường. Vì lý do này, bổ sung sắt là liệu pháp có lợi trong kiểm soát các triệu chứng Hội chứng chân không yên.
6. Perampanel
Perampanel hoạt động như một chất đối kháng chọn lọc không cạnh tranh của ion sau synap α-amino-3-hydroxy-5-methyl-4-isoxazole-propionic acid (AMPA) và thụ thể glutamate (AMPA-R). Qua đó, hoạt chất này làm giảm kích thích glutamate quá mức.
Một nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của perampanel ở liều 3.8mg/ ngày trên 20 bệnh nhân Hội chứng chân không yên. Kết quả cho thấy, sau 8 tuần sử dụng, các triệu chứng của Hội chứng chân không yên được cải thiện đáng kể.
Trong thời gian sử dụng perampanel người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ bao gồm: kích động tinh thần, dễ cáu bẳn, giận dữ và có khuynh hướng tăng cường bạo lực.
Hội chứng chân không yên là một trong những chứng rối loạn thần kinh phổ biến và khó điều trị hoàn toàn. Điều quan trọng đầu tiên trong điều trị là phải xác định được nguyên nhân khởi phát tình trạng này, từ đó lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp. Vì lý do này, người bệnh cần chủ động thăm khám sớm và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ đưa ra.
Đôi khi, tình trạng buồn bực, bứt rứt chân tay có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý khác, xem chi tiết: Buồn bực tay chân có thể là triệu chứng của những bệnh này.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8033969/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3899490/