Viêm tắc tĩnh mạch hay còn gọi là huyết khối tĩnh mạch xảy ra do dòng máu lưu thông qua tĩnh mạch bị tắc nghẽn, gây ứ đọng và hình thành cục máu đông. Viêm tắc tĩnh mạch thường gặp ở tĩnh mạch chi dưới, tĩnh mạch sâu vùng cẳng chân, vùng đùi, khoeo, tĩnh mạch chậu,… Để tìm hiểu thêm về bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây!
Mục lục
1. Viêm tắc tĩnh mạch là gì?
Viêm tắc tĩnh mạch là tình trạng tĩnh mạch bị tắc nghẽn do quá trình lưu thông máu bị ứ trệ và hình thành cục máu đông. Viêm tắc tĩnh mạch thường bị bỏ sót do các triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh lý xương khớp, thần kinh. Do đó, rất nhiều trường hợp đến viện thăm khám khi đã có biến chứng nặng nề như viêm loét cẳng chân, bàn chân; chân sưng to, phù nề; nguy hiểm hơn là tình trạng cấp cứu do cục máu đông di chuyển về tim.
Viêm tắc tĩnh mạch chi dưới được chia thành 2 loại:
Viêm tắc tĩnh mạch nông
Tình trạng này thường không nghiêm trọng, hình thành chủ yếu do tác động từ bên ngoài như đặt ống thông để truyền thuốc, truyền dịch,… Viêm tắc tĩnh mạch nông có thể suy giảm sau điều trị bằng thuốc giảm đau, chống viêm mà không cần sử dụng tới thuốc chống đông. Song, một số ít trường hợp viêm tắc tĩnh mạch lan tỏa rộng vẫn cần sử dụng thuốc chống đông.
Viêm tắc tĩnh mạch sâu
Tĩnh mạch sâu làm nhiệm vụ vận chuyển máu về tim phải và lên động mạch phổi. Vì vậy, khi có cục máu đông hình thành và di chuyển lên phổi dẫn đến thuyên tắc động mạch phổi, gây ra các biến chứng nặng nề.
2. Nguyên nhân bị viêm tắc tĩnh mạch chân
Viêm tắc tĩnh mạch chân xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu do một số nguyên nhân sau:
Bệnh lý tăng đông máu
Người bị thiếu hụt bẩm sinh các yếu tố làm tăng đông máu như protein C, protein S, yếu tố V Leyden, antithrombin III hoặc mắc bệnh lý xơ gan, hội chứng thận hư, hội chứng kháng phospholipid,… có tỷ lệ mắc viêm tắc tĩnh mạch chân cao hơn người bình thường.
Tuổi tác
Tuổi tác tăng cao làm tăng tốc quá trình lão hóa của cơ thể và hệ thống tĩnh mạch cũng không phải là ngoại lệ. Hệ thống tĩnh mạch bị lão hóa cùng với sự xơ cứng của van tĩnh mạch là nguyên nhân dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch.
Nghề nghiệp
Những người làm công việc đòi hỏi phải đứng nhiều, ngồi nhiều, ít vận động như bán hàng, công việc văn phòng,… khiến máu bị dồn xuống chân, làm tăng áp lực tĩnh mạch và gây tổn thương van tĩnh mạch. Lâu dần, dẫn đến ứ đọng máu, hình thành huyết khối gây viêm tắc tĩnh mạch.
Mang thai
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Hệ thống dữ liệu thư viện Cochrane, Hoa Kỳ năm 2015, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ cao bị viêm tắc tĩnh mạch. Người ta cho rằng sự thay đổi nồng độ hormon vài thai to chèn ép tĩnh mạch là hai nguyên nhân chính dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch.
Ngoài ra, sau khi nạo, phá thai, sảy thai, sau sinh người bệnh thường hạn chế quá mức việc đi lại, vận động, nằm bất động trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.
Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch chân bao gồm:
- Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình vùng chi dưới như thay khớp gối, khớp háng.
- Phẫu thuật vùng ổ bụng.
- Nằm bất động trong thời gian dài: sau phẫu thuật, tai biến mạch máu não, ung thư, suy tim,…
3. Viêm tắc tĩnh mạch chân có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, viêm tắc tĩnh mạch nông không gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có chăng chỉ là tình trạng xơ cứng, giảm chức năng vận động ở vùng tĩnh mạch bị viêm. Ngược lại, viêm tắc tĩnh sâu để lại nhiều hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Điển hình là tình trạng phù nề, viêm loét vùng cẳng chân do quá trình lưu thông máu bị ứ trệ, không cung cấp đủ dinh dưỡng.
Trong trường hợp người bệnh có huyết khối tĩnh mạch, cục máu đông di chuyển lên động mạch phổi gây thuyên tắc phổi với các biểu hiện như khó thở, đau ngực, nhồi máu phổi và có thể gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Thống kê cho thấy có tới 60% bệnh nhân bị viêm tắc tĩnh mạch gặp tình trạng hậu huyết khối như chân tê nhức, sưng nề, lở loét khó hồi phục, thuyên tắc phổi,… Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, khi có các biểu hiện của bệnh viêm tắc tĩnh mạch, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ mắc biến chứng.
4. Triệu chứng thường gặp khi bị viêm tắc tĩnh mạch
Trong giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh viêm tắc tĩnh mạch không quá rầm rộ và diễn ra trong một thời gian ngắn nên nhiều người lầm tưởng đây là triệu chứng của bệnh lý xương khớp. Người bệnh thường cảm thấy chân bị sưng đỏ, căng tức, đau lan theo đường mạch máu, tình trạng đau tăng lên khi vận động hoặc khi gấp cẳng chân, mu bàn chân. Các biểu hiện này ban đầu xuất hiện ở vùng tĩnh mạch bị viêm một bên chân sau đó lan dần sang phía chân còn lại.
Trong giai đoạn sau, người bệnh có thể gặp phải tình trạng chân sưng, phù nề, đau tức, xuất hiện vùng da bị tím đen do máu bị ứ trệ, lâu dần dẫn đến lở loét, chảy dịch mủ,… Không những thế, triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, khó thở, tức ngực cũng có thể gặp khi bệnh tiến triển nặng nề hơn.
5. Điều trị viêm tắc tĩnh mạch chân có khó không?
Tùy vào tình trạng và mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp nội khoa, ngoại khoa hoặc phối hợp. Cụ thể:
5.1. Điều trị nội khoa
Thuốc chống đông
Sử dụng thuốc chống đông trong điều trị và dự phòng huyết khối tĩnh mạch giúp giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hiện nay, thuốc chống đông gồm 3 nhóm chính, bao gồm:
Heparin
Heparin được chia thành hai loại là heparin không phân đoạn và heparin trọng lượng phân tử thấp. Heparin trọng lượng phân tử thấp ngày càng được ưa chuộng hơn bởi có thời gian tác dụng dài hơn, tác dụng ổn định, ít tác dụng phụ và liều dùng được tính dựa trên cân nặng. Trong khi đó, heparin không phân đoạn có thời gian tác dụng ngắn, phải dùng nhiều lần trong ngày, liều dùng dựa trên khả năng chống đông, gây bất tiện trong quá trình sử dụng.
Heparin trọng lượng phân tử thấp dùng qua đường tiêm dưới da còn heparin không phân đoạn dùng đường tiêm tĩnh mạch. Cả hai loại này đều hấp thu qua đường uống kém và dễ bị phân hủy bởi đường tiêu hóa.
Thuốc kháng vitamin K
Thuốc có cấu trúc tương tự vitamin K nên ức chế quá trình khử vitamin K epoxide thành vitamin K – một chất cần thiết cho quá trình đông máu. Thuốc hấp thu tốt qua đường uống và thời gian bắt đầu tác dụng chậm, thông thường là từ 48 – 72 giờ sau khi uống. Thuốc kháng vitamin K sử dụng nối tiếp heparin trong trường hợp cần chống đông trong thời gian dài.
Thuốc chống kết tập tiểu cầu
Thuốc hoạt động theo cơ chế ức chế hình thành nút chặn tiểu cầu, từ đó có tác dụng chống đông máu ngay từ giai đoạn đầu. Một số thuốc chống kết tập tiểu cầu thường được sử dụng là aspirin, clopidogrel, ticlopidin,… Các thuốc này được dùng chủ yếu qua đường uống trong trường hợp cần phòng ngừa dài hạn các biến cố do huyết khối gây ra.
Tác dụng phụ chủ yếu của nhóm thuốc chống đông máu là chảy máu kéo dài. Vì vậy, người bệnh cần thận trọng khi đi lại hoặc sử dụng dụng cụ sắc nhọn nhằm ngăn ngừa nguy cơ chảy máu.
Thuốc giảm đau, chống viêm
Thuốc giảm đau, chống viêm được sử dụng nhằm làm giảm cảm giác sưng nề, đau nhức do viêm tắc tĩnh mạch gây ra. Thuốc được dùng trong cả viêm tắc tĩnh mạch nông và sâu. 2 nhóm thuốc chống viêm được sử dụng chủ yếu là giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID) và chống viêm corticoid.
Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn thường gặp khi sử 2 nhóm thuốc này là loét dạ dày – tá tràng, loãng xương, ức chế sự phát triển của xương, tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch,…
Thuốc tăng sức bền thành mạch
Thuốc được sử dụng nhằm giảm áp lực lên tĩnh mạch và tăng sức bền thành mạch giúp quá trình lưu thông máu được cải thiện. Một số thuốc thường được sử dụng, bao gồm:
- Hesperidin: Có tác dụng tăng sức bền thành mạch, tăng trương lực tĩnh mạch, tăng khả năng kết dính tiểu cầu, từ đó giảm nguy cơ hình thành huyết khối.
- Rutosides: Chống oxy hóa, tăng trương lực tĩnh mạch và giảm tình trạng phù do suy giãn tĩnh mạch sâu.
- Troxerutin: Có tác dụng tăng sức bền thành mạch, cải thiện sự tưới máu vi mạch hệ vi tuần hoàn, giảm kết tập hồng cầu, giảm tính thấm quá mức của mao mạch, từ đó giảm tình trạng tích nước gây phù.
- Heptaminol: Cải thiện quá trình lưu thông máu, ngăn ngừa tình trạng máu bị ứ đọng, hình thành huyết khối.
Đọc thêm: CẬP NHẬT KHUYẾN CÁO 2014 VỀ THUỐC TRỢ TĨNH MẠCH (VADs)
Đeo vớ y khoa
Đeo vớ y khoa đã được nhiều nghiên cứu khẳng định về hiệu quả trong phòng và điều trị viêm tắc tĩnh mạch. Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí phẫu thuật mạch máu và nội mạch Châu Âu năm 2018 cho thấy tình trạng sưng đau, nhức mỏi ở người bị viêm tắc tĩnh mạch được cải thiện rõ rệt sau khi sử dụng vớ y khoa 1 tuần.
Vớ y khoa hoạt động theo cơ chế tạo ra áp lực giảm dần đều từ phía cổ chân lên đến đùi. Nếu áp lực giảm không đều hoặc áp lực ở phía trên cao hơn phía dưới sẽ khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở, gây phù chân, đau nhức. Do đó, trong quá trình sử dụng, bạn cần thường xuyên theo dõi biểu hiện của cơ thể để kịp thời chuyển sang loại tất khác cho phù hợp.
Hỏi đáp: Cần mang vớ y khoa trong bao lâu?
5.2. Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc khi xuất hiện cục máu đông trong lòng mạch, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật nhằm loại bỏ cục máu đông, ngăn ngừa biến chứng. Mặt khác, bác sĩ có thể thực hiện đồng thời các thủ thuật nhằm dự phòng huyết khối tĩnh mạch chi dưới tái phát như đặt stent, ghép chuyển đoạn van tĩnh mạch, tạo hình van tĩnh mạch mới,…
Có thể bạn muốn biết: Bị suy giãn tĩnh mạch khám khoa nào?
6. Biện pháp phòng ngừa viêm tắc tĩnh mạch
Có thể thấy, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý nguy hiểm gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Để giảm nguy cơ mắc bệnh lý trên, người bệnh tham khảo và áp dụng một số biện pháp sau:
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh tình trạng thừa cân béo phì.
- Đeo vớ y khoa thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tập thể dục, thể thao đều đặn nhằm cải thiện quá trình lưu thông máu.
- Uống nhiều nước, thay đổi tư thế thường xuyên đi ô tô, máy bay hoặc phương tiện giao thông đường dài.
- Vận động, đi lại nhẹ nhàng sau phẫu thuật hay chấn thương vùng chân.
Thanh hoan đã bình luận
Tôi muốn dc tư vấn về chua viem tĩnh mạch
Chuyên gia suy giãn tĩnh mạch đã bình luận
Chào bạn
Chuyên gia tư vấn của Dulcit sẽ sớm liên hệ với bạn.