Ngày nay, vớ giãn tĩnh mạch được sử dụng phổ biến ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch, đái tháo đường, phụ nữ mang thai, vận động viên… Nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ vớ giãn tĩnh mạch có tác dụng gì? Để giải đáp thắc mắc trên, mời bạn tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Ai cần dùng vớ giãn tĩnh mạch?
Vớ giãn tĩnh mạch được khuyến khích sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như:
- Người đang ngồi xe lăn, không thể ra khỏi giường hoặc khó cử động chân.
- Người đang hoặc có nguy cơ mắc các vấn đề về tuần hoàn, như huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), giãn tĩnh mạch hoặc đái tháo đường…
- Vận động viên: không chỉ đi vớ giãn tĩnh mạch ở chân mà đôi khi còn ở cánh tay hoặc bàn tay giúp tăng tốc độ hồi phục sau khi luyện tập hoặc thi đấu.
- Phụ nữ mang thai.
- Người vừa mới phẫu thuật.
- Người phải đứng hoặc ngồi trong thời gian dài như: giáo viên, phi công, tài xế, nhân viên văn phòng…
Xem thêm: Các dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở giáo viên
2. Vớ giãn tĩnh mạch có tác dụng gì?
2.1. Cải thiện lưu thông máu
Vớ giãn tĩnh mạch được đan dệt bằng kỹ thuật đặc biệt với chất liệu co giãn tạo ra áp lực phù hợp giúp thu hẹp tĩnh mạch bị giãn. Vớ giãn tĩnh mạch được thiết kế tạo ra áp lực chặt hơn ở cổ chân và lỏng dần khi lên cao, luôn ôm lấy chân và đẩy máu theo các tĩnh mạch chân đi lên tim.
Cơ chế tác dụng của vớ áp lực rất đơn giản: khi mang vớ với áp lực phù hợp, các van tĩnh mạch vốn bị hư hại (bị hở) sẽ khép kín trở lại, nhờ đó phục hồi lại được chức năng, hạn chế máu ứ trệ chảy ngược (xuống chân hoặc sang các tĩnh mạch nông) và cải thiện dòng hồi lưu tĩnh mạch, giảm nhẹ các triệu chứng của suy tĩnh mạch mạn tính như phù, nhức, đau và đề phòng được hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.
2.2. Giảm đau nhức
Khi dùng vớ nén, lượng máu di chuyển trong tĩnh mạch chi dưới tăng lên, đồng thời lượng oxy cung cấp cho cơ bắp cũng tăng. Nhờ vậy, các bó cơ ở chân khỏe mạnh hơn, giảm căng thẳng, tăng tốc độ hồi phục cũng như hạn chế chấn thương, đau nhức, tê bì.
2.3. Giảm sưng phù chân
Vớ giãn tĩnh mạch tạo lực nén lên chân giúp các van hoạt động tốt hơn, hạn chế máu tụ lại. Ngoài ra, dùng vớ đúng cách còn làm giảm hoặc ngăn ngừa sự tích tụ các chất lỏng dư thừa bị mắc kẹt trong mô của cơ thể. Do đó, tình trạng sưng phù chân dần thuyên giảm.
2.4. Ngăn ngừa hình thành cục máu đông
Vớ giãn tĩnh mạch giúp máu chảy với vận tốc ổn định và đúng chiều, ngăn chặn máu tụ lại, hạn chế tiểu cầu dính vào nhau. Điều này làm giảm khả năng hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như huyết khối tĩnh mạch sâu dẫn đến tắc mạch phổi đe dọa tính mạng người bệnh.
3. Những lưu ý khi dùng vớ giãn tĩnh mạch
Trong giai đoạn khởi đầu điều trị suy tĩnh mạch, dùng vớ áp lực nên được phối hợp với điều trị bằng thuốc hoặc chích xơ hay phẫu thuật. Trong những giai đoạn về sau, hoặc khi dùng trong dự phòng hoặc khi có tái phát, bệnh nhân nhiều khi chỉ cần mang vớ áp lực là đủ.
Khi dùng vớ giãn tĩnh mạch, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
3.1. Lựa chọn vớ đúng loại, đúng kích cỡ
Vớ giãn tĩnh mạch tạo ra áp lực quá lớn hoặc phân bố áp lực không đồng đều nếu bạn lựa chọn sai loại vớ hoặc sai kích cỡ. Chúng có thể gây ra tác dụng ngược, ảnh hưởng xấu đến quá trình lưu thông máu ở chi dưới và toàn bộ cơ thể.
Dùng vớ quá chật còn gây ra những tác động tiêu cực cho da như: gây trầy xước, để lại vết bầm tím, vết lõm tạm thời, gây ngứa, mẩn đỏ, kích ứng da hoặc rách da dẫn đến nhiễm trùng, viêm loét. Tình trạng này thường xuất hiện ở người lớn tuổi, người có làn da khô hoặc quá mỏng manh, dễ bị kích ứng.
Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để lựa chọn cho mình loại vớ và kích thước phù hợp với tình trạng của bản thân, vừa khắc phục các triệu chứng bệnh vừa mang lại cảm giác thoải mái khi di chuyển và vận động.
Xem chi tiết: Cách chọn size vớ y khoa
3.2. Mang vớ giãn tĩnh mạch vào buổi sáng
Khi thực hiện các hoạt động hàng ngày ở tư thế ngồi hoặc đứng, trọng lực tác động kết hợp với các van tĩnh mạch tổn thương khiến dòng máu gặp khó khăn trong quá trình di chuyển. Đó là lý do vì sao bạn thường cảm thấy hai chân dễ chịu vào buổi sáng, nhưng chúng lại sưng lên và đau nhức, nặng nề hơn trong ngày.
Do đó, bạn nên dùng vớ giãn tĩnh mạch ngay sau khi ngủ dậy, trước khi ra khỏi giường để giữ cho các van ở đúng vị trí, giúp lưu thông máu diễn ra thuận lợi suốt ngày dài.
3.3. Đi vớ giãn tĩnh mạch trong khoảng thời gian phù hợp
Thời gian đi vớ giãn tĩnh mạch phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Thông thường, bạn không nên đi vớ giãn tĩnh mạch cả ngày mà cần tháo ra trước khi đi ngủ để quá trình lưu thông không khí ở chân diễn ra tốt hơn và làn da khỏe mạnh hơn.
3.4. Kiểm tra chân hàng ngày
Sau khi cởi vớ, bạn nên dành thời gian quan sát để phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể xảy ra ở chân như: da nổi mẩn đỏ, chân bị tím, xước, nứt, rách… Khi gặp phải tình trạng như trên, bạn cần đến gặp chuyên gia để có hướng xử lý phù hợp nhất, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng xấu đến chân và làm bệnh thêm nặng.
3.5. Giặt vớ thường xuyên
Vớ có thể giãn ra và giảm tác dụng sau 3-6 tháng, nên phải thay vớ khác. Chú ý cách giặt vớ tốt nhất là giặt tay.
Bạn nên giặt vớ giãn tĩnh mạch hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ, sau đó xả sạch và phơi khô trong bóng râm, khô thoáng để ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị nhiều hơn một đôi vớ để đề phòng trường hợp vớ rách, bẩn hoặc chờ vớ khô.
Tham khảo: Bị giãn tĩnh mạch dùng loại vớ y khoa nào tốt?