Suy giãn tĩnh mạch được chia làm 7 mức độ. Để giúp người bệnh tự đánh giá tình trạng và mức độ bệnh, các bác sĩ đã hướng dẫn trực tiếp bằng cách mô tả các triệu chứng lâm sàng của suy giãn tĩnh mạch ở từng độ kèm hình ảnh, hãy xem bạn đang ở mức độ nào nhé.
1. Các cấp độ của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý xảy ra do thành và van tĩnh mạch bị suy yếu hoặc hư hỏng. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do sự chênh lệch áp lực cao giữa hệ thống tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu. Áp lực cao khiến các van tĩnh mạch nông bị giãn lớn, không thể đóng kín và gây ra hiện tượng suy van.
Tình trạng này khiến máu ứ đọng trong lòng tĩnh mạch hoặc chảy ngược dòng, lâu ngày khiến tĩnh mạch méo mó, giãn rộng và hình thành biến chứng nguy hiểm.
Theo thang phân loại CEAP, suy giãn tĩnh mạch có thể được chia thành 7 cấp độ khác nhau, ở mỗi cấp độ người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu riêng, cụ thể:
1.1 Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch cấp độ 0
Đây là thời điểm các tĩnh mạch bắt đầu suy yếu nhẹ. Thông thường, người bệnh sẽ không thể quan sát hay cảm nhận được bất kỳ triệu chứng khác thường nào trong thời gian này. Việc phát hiện suy giãn tĩnh mạch ở giai đoạn này chủ yếu dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng hay các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
1.2 Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch cấp độ 1
Ở giai đoạn này, các tĩnh mạch nông bắt đầu suy giãn với đường kính dưới 3mm, phổ biến là 1mm. Hiện tượng này thường xảy ra ở những vị trí: mắt cá trong, bắp đùi, bắp chân,…. Lúc này, người bệnh có thể nhận thấy một số dấu hiệu bất thường như:
- Cảm giác căng ngứa, tê ran trên da
- Chân bồn chồn, ê ẩm hoặc đau mỏi, đặc biệt là khi người bệnh ngồi hay đứng lâu ở một tư thế.
Giãn các tĩnh mạch mạng nhện ở dưới mắt cá trong. Các tĩnh mạch giãn nhỏ hơn 1 mm.
Giãn tĩnh mạch mạng nhện ở vùng đùi, đường kính của tĩnh mạch giãn này nhỏ hơn 1 mm. Giãn tĩnh mạch mạng nhện nhỏ hơn 1 mm và giãn tĩnh mạch lưới nhỏ hơn 3 mm ở mặt sau vùng đùi.
1.3 Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch cấp độ 2
Các tĩnh mạch bị giãn rộng hơn với đường kính vượt quá 3mm. Từ thời điểm này, các triệu chứng của bệnh xuất hiện với tần suất dày và rõ ràng hơn. Người bệnh có thể phát giác một số dấu hiệu bất thường như:
- Chân đau nhức, tê bì, châm kim và nặng nề hơn khi đi lại.
- Cảm thấy mang giày bị chật hơn bình thường.
- Tình trạng phù nề, nhức mỏi nặng hơn khi người bệnh đứng hoặc ngồi lâu một tư thế.
- Xuất hiện tình trạng chuột rút vào ban đêm
- Xuất hiện các mạch máu xanh, tím li ti trên da.
Tĩnh mạch nông chân trái giãn ở mặt trong cẳng chân.
Tĩnh mạch nông dưới da giãn to, ngoằn ngoèo, đường kính các tĩnh mạch giãn trên 3 mm.
Với những triệu chứng rõ ràng nhưng chưa nặng nề, đây được coi là giai đoạn lý tưởng để phát hiện và thực hiện điều trị. Theo các chuyên gia, các biện pháp hỗ trợ và can thiệp y tế ở giai đoạn này thường cho đáp ứng tốt, giúp người bệnh kiểm soát bệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn.
1.4 Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch cấp độ 3
Ở cấp độ 3, suy giãn tĩnh mạch bắt đầu tiến triển nhanh hơn. Hệ thống tĩnh mạch dễ bị tổn thương có thể gây ra hàng loạt triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống hàng ngày của người bệnh. Các triệu chứng thường gặp trong giai đoạn này thường gồm:
- Bàn chân hoặc bắp chân sưng to, có hiện tượng phù vào chiều hoặc tối, nặng hơn khi người bệnh đứng nhiều.
- Chân đau nhức, tê mỏi và thường xuyên bị chuột rút vào ban đêm.
- Trong những ngày trở nặng, người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi phải di chuyển.
Đọc thêm: Chuột rút bàn chân còn là biểu hiện bệnh gì?
Hiện tượng phù ở bàn chân và cổ chân. Phù có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh suy tim, suy thận, xơ gan, suy dinh dưỡng… Phù trong tĩnh mạch thường xuất hiện khi đứng nhiều, sáng sớm thường không thể hiện, buổi chiều phù nhiều hơn và chỉ phù ở chân mà không có phù ở những vùng khác của cơ thể
Hiện tượng phù ở hai chân của bệnh nhân có những đường lõm ngang vòng quanh cổ chân do mang vớ. Ở cẳng chân hai bên có các tĩnh mạch giãn to.
1.5 Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch cấp độ 4
Tĩnh mạch giãn rộng tạo không gian cho máu ứ đọng trong lòng mạch, giảm khả năng di chuyển của máu về hệ tuần hoàn của cơ thể. Lúc này, các triệu chứng của bệnh được thể hiện rõ ràng qua những biến đổi trên da như:
- Hiện tượng rối loạn sắc tố da với các mảng da sậm màu, thường nằm dọc theo mắt cá chân hoặc giữa cẳng thân.
- Phù chân, xơ bì mỡ da và sừng hóa da.
- Dùng ngón tay ấn vào vùng da suy giãn tĩnh mạch sẽ tạo thành những vết lõm trên bề mặt.
- Tĩnh mạch nổi phồng trên da, có thể xuất hiện thành các búi tĩnh mạch gây đau nhức, khó chịu.
Da vùng cẳng chân sậm màu kèm theo phù. Chú ý vết lõm sau khi ấn ngón tay ở mặt lưng bàn chân phải là biểu hiện của tình trạng phù chân. Mặc dù ở cẳng chân bệnh nhân này không có những tĩnh mạch giãn, song trên siêu âm Doppler mạch máu có hiện tượng trào ngược ở cả tĩnh mạch nông và sâu hai chân, chân phải nhiều hơn.
Da vùng 1/3 dưới cẳng chân và cổ chân biến đổi, xơ bì, sừng hoá, xen kẽ vùng da sậm màu là vùng da mất sắc tố. Bệnh nhân này có giãn to các tĩnh mạch nông ở ngang gối.
1.6 Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch cấp độ 5
Đây là giai đoạn tĩnh mạch bị suy giãn nặng, người bệnh bắt đầu đối diện với những biến chứng đầu tiên như: giãn vỡ tĩnh mạch,chảy máu ngoài tĩnh mạch, lở loét và hoại tử. Các triệu chứng thường thấy trong giai đoạn này gồm:
- Các khối tĩnh mạch nổi chằng chịt trên da kèm theo sự biến đổi sắc tố da.
- Xuất hiện các vết loét ở chân, vết loét này có thể lành và hình thành sẹo.
- Xuất hiện các vết bầm tím dưới da.
- Người bệnh mệt mỏi, xanh xao do thiếu máu.
Vết loét phía trên mắt cá ngoài đang tiến triển.
1.7Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch cấp độ 6
Tình trạng suy giãn tĩnh mạch trở nên nghiêm trọng, máu ứ đọng trong các mảng tĩnh mạch lớn khiến người bệnh đối diện với những biến chứng nguy hiểm. Ngoài những triệu chứng phía trên, người bệnh có thể gặp phải một số vấn đề khác như:
- Giãn vỡ tĩnh mạch gây xuất huyết nặng.
- Huyết khối tĩnh mạch chân gây thuyên tắc phổi.
- Xuất hiện tình trạng nhịp tim nhanh trên thất.
- Nhiễm trùng vết loét trên da, gây sẹo sâu và tổn thương khó lành.
Hai vết loét to ở mặt trong cẳng chân trái kèm với những vết loét nhỏ khác, da sạm màu và phù. Vết loét sâu và bẩn.
Vết loét của bệnh nhân ở hình bên trái sau 2 tuần điều trị phẫu thuật. Vết loét đang tiến triển tốt, đã đầy lên, thu nhỏ lại, sạch, và tình trạng phù đã hết.
2. Dấu hiệu cần đi khám bệnh
Theo hướng dẫn của TS. BS. Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Khi bệnh nhân có dấu hiệu căng tức, nặng ở chân thì cần lưu ý. Các triệu chứng này xét theo mùa thì mùa hè bị nhiều hơn mùa đông, theo một thời gian buổi sáng ngủ dậy chân nhẹ nhõm nhưng càng về chiều càng nặng hơn. Bệnh nhân có thể ngứa ở chân kèm theo các tổn thương chàm ứ đọng… khiến nhiều bệnh nhân lại đi khám chàm ở chuyên khoa da liễu, bôi thuốc chữa ngứa, chống chàm nhưng không khỏi. Khi các bác sĩ tim mạch, hoặc bác sĩ lão khoa phát hiện ra và điều trị bệnh đó thì sẽ hết triệu chứng.”
Bệnh nhân có thể có cảm giác bồn chồn ở chân, hội chứng “chân không yên”, bệnh nhân thường rung rung chân; hoặc có các triệu chứng chuột rút vào ban đêm, đôi khi xảy ra ở 1 chân thì bệnh nhân mắc SGTM 1 chân.
Ngoài ra có thể quan sát trên chân có tĩnh mạch giãn ở mức độ nhẹ, các tĩnh mạch mạng nhện có màu xanh hoặc đỏ; lớn hơn là giãn to ngoằn ngoèo, sạm da, chàm hóa…
Bệnh tĩnh mạch cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để tránh bị các mức nặng hơn, dựa vào phân loại sau thì các bệnh nhân suy giãn ở mức độ 4, 5,6 đã là các biến chứng của suy giãn tĩnh mạch, điều trị khó khăn và rất nguy hại cho sức khỏe người bệnh.
Đọc tiếp: Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân có chữa khỏi được không?
Nam đã bình luận
Cho hỏi nếu bị suy tĩnh mạch sâu thì là cấp độ mấy (chưa có dấu hiệu giãn tĩnh mạch)
Và liệu có chữa khỏi hoàn toàn không?
Chuyên gia suy giãn tĩnh mạch đã bình luận
Chào bạn:
Suy giãn tĩnh mạch sâu là 1 phân loại suy giãn tĩnh mạch theo loại tĩnh mạch bị suy giãn. Trên cơ thể có ba loại tĩnh mạch là tĩnh mạch nông, tĩnh mạch xuyên, tĩnh mạch sâu. Giãn tĩnh mạch sâu có nghĩa bạn đang bị tình trạng suy giãn ở hê thống tĩnh mạch sâu, loại tĩnh mạch này nằm ở bên dưới lớp cơ dưới da nên chúng ta không nhìn thấy được. Dựa vào siêu âm, các bác sĩ có thể xác định mức độ suy giãn tính theo độ giãn rộng của thành mạch. Suy giãn tĩnh mạch sâu hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu phát hiện sớm bạn vẫn có thể điều trị và kiểm soát 1 cách hiệu quả, an toàn.