Phù chân ở người già có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như: chế độ ăn uống, vận động gây ra chấn thương. Tuy nhiên, ít ai biết rằng hiện tượng này cũng được xem là dấu hiệu của một số bệnh mạn tính khác như: bệnh về thận, tim, gan, mạch máu… Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải thích nguyên nhân bệnh lý gây phù chân ở người già và cách cải thiện để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mục lục
1. Tìm hiểu nhanh triệu chứng phù chân ở người già
Phù chân là hiện tượng chân tăng kích thước, phồng lên do sự tích tụ chất lỏng trong các mô của cơ thể, đa phần do các mạch máu nhỏ hay mao mạch ở chân bị rò rỉ dịch, dẫn đến phản ứng giữ nhiều natri và nước của thận, để bù lại phần chất lỏng thoát ra ngoài. Phần nước rò rỉ, dư thừa làm tăng kích thước ở các mô, tích tụ nhiều ở chân, cẳng chân hay toàn bộ chân. Triệu chứng này thường gặp ở người già do cơ thể thoái hóa, nhiều chức năng bị suy giảm gây mệt mỏi, đau nhức, khó di chuyển. Tình trạng này thường dễ tái phát trở thành mãn tính.
Hiện tượng phù chân ở người già thường có một số biểu hiện sau:
- Chân sưng, phù, dùng tay ấn vào vị trí phù thấy lún xuống.
- Da chân căng hoặc đổi màu.
- Da chân dày lên, cứng, có thể xuất hiện ngứa.
- Khớp chân cứng hơn bình thường, khó khăn trong việc di chuyển.
- Cơ thể tăng cân, tăng kích thước vùng bụng.
2. Nguyên nhân bệnh lý gây phù chân ở người già?
Phù chân ở người già có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó không thể không kể đến một số bệnh lý sau đây:
2.1. Bệnh xơ gan
Bệnh xơ gan hay còn được gọi là chai gan. Đây là giai đoạn sau của viêm gan mạn tính, là hậu quả của các tác nhân gây hại tấn công gan trong thời gian dài khiến các tế bào gan bị hư hại và thay thế bằng mô xơ, sẹo. Các tổn thương gan này không được phục hồi, chai cứng dần và chức năng gan không còn hoạt động được bình thường nữa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới xơ gan, một số nguyên nhân phổ biến là: lạm dụng bia, rượu, dùng thuốc trong thời gian dài gây tổn thương gan, tắc mật, viêm gan nhiễm mỡ, virus viêm gan mạn, virus viêm gan B và C, bệnh Willson…
Khi bị xơ gan, việc tuần hoàn máu trục trặc, làm thay đổi sản sinh nhiều hormone có chức năng điều tiết dịch bị ứ đọng, làm tăng áp lực mạch máu ở chân và bụng, cũng gây phù chân. Ngoài ra, bệnh còn có một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Ăn không ngon, đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu.
- Mệt mỏi, sụt cân.
- Vàng da, vàng mắt.
- Xuất hiện nhiều nốt giãn mạch màu đỏ trên da ngực, trên lưng, bụng, tay.
- Nước tiểu sậm màu
- Chảy máu mũi, chảy máu răng, chảy máu đường tiêu hóa.
Bệnh xơ gan nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời có thể tiến triển nhanh dẫn tới các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: Xuất huyết tiêu hóa cao trong giãn tĩnh mạch thực quản, hội chứng gan thận, sốc nhiễm khuẩn,…
Xơ gan là bệnh có thể gây ra các tổn thương gan không thể phục hồi, làm tăng nguy cơ ung thư gan và đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, tình trạng xơ gan có thể phục hồi nếu được điều trị đúng cách.
Bệnh xơ xan khó chữa khỏi hoàn toàn nhưng rất dễ phòng tránh bằng các biện pháp đơn giản như: xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, có thói quen tốt trong sinh hoạt cũng như chủ động phòng tránh các nguyên nhân có thể gây xơ gan: tránh ăn thức ăn sống, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, khám sức khỏe định kì…
2.2. Tiểu đường
Bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường. Đây là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường. Nguyên nhân bởi cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Ở những người bị tiểu đường, các tĩnh mạch ở van chân bị suy yếu, máu khó lưu thông từ chân đến tim gây tình trạng dịch và máu ứ đọng tại chân dẫn tới sưng phù chân, đau chân, tê mỏi chân.
Đọc thêm:TOP 5 cách chữa tê chân cho người tiểu đường
Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường còn có một số triệu chứng như:
- Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều.
- Cảm thấy dễ đói, mệt hơn so với bình thường.
- Nhanh sụt cân.
- Mắt sưng, thị lực giảm.
- Tê và ngứa ran bàn tay và bàn chân.
- Vết thương lâu lành.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh tiểu đường. Tùy theo từng giai đoạn của bệnh, bác sĩ có thể có phác đồ điều trị khác nhau như: dùng insulin, sử dụng thuốc điều trị dạng uống hay tiêm… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày cùng với thiết lập chế độ thể dục thể thao hợp lý và theo dõi tình trạng bệnh lý thường xuyên là những việc làm quan trọng nhất để phòng ngừa bệnh và ngăn ngừa biến chứng của tiểu đường.
2.3. Suy thận
Suy thận là giai đoạn cuối của bệnh thận mãn tính. Đây là tình trạng thận bị suy giảm chức năng, không còn khả năng lọc các chất thải từ máu dẫn tới chất thải từ máu không được thải ra ngoài và tích tụ lại trong cơ thể.
Chức năng thận bị suy giảm thường xảy ra ở người già, tái tạo hấp thụ nước, axit amin… dẫn tới triệu chứng phù chân, phù tay, phù mặt hoặc cổ. Bên cạnh triệu chứng phù chân, bệnh còn gây ra một số triệu chứng như:
- Thay đổi thói quen đi tiểu tiện, tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn,
- Nước tiểu có bọt, nước tiểu màu nhạt hoặc đậm hơn, có thể lẫn máu.
- Hoa mắt chóng mặt, khó thở.
- Buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, người ớn lạnh.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Đau ngực, đau lưng liên tục và lan dần ra phía trước vùng hông hoặc chậu.
- Tăng huyết áp.
- Hơi thở có mùi hôi.
Thông thường, bệnh thận không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị chủ yếu là kiểm soát dấu hiệu và giảm các biến chứng và làm bệnh tiến triển chậm lại.
Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu và được kiểm soát tốt sẽ giúp quá trình điều trị thuận lợi và hạn chế biến chứng. Do đó, khi xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào bất thường của cơ thể, bạn cũng không nên chủ quan, nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2.4. Suy tim
Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo đáp ứng nhu cầu cung cấp máu và oxy cho cơ thể. Khi đó, máu trong cơ thể không được lưu thông gây tăng áp lực máu trong mao mạch và tĩnh mạch gây ra triệu chứng chứng phù mắt cá chân, bàn chân, bụng và tăng cân. Ngoài ra, suy tim còn gây ra một số triệu chứng:
- Khó thở, phải lấy hơi để thở.
- Mệt mỏi, chân yếu khi hoạt động, di chuyển.
- Đi tiểu nhiều vào ban đêm.
- Hoa mắt, chóng mặt, khó tập trung.
- Tim đập nhanh, dễ hồi hộp.
- Đầy bụng, chán ăn…
Để điều trị suy tim, bác sĩ cần tìm nguyên nhân gây bệnh. Tùy theo mức độ suy tim, bác sĩ sẽ lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp như: sử dụng thuốc, phẫu thuật, thay đổi lối sống, sinh hoạt… Khi thấy cả các biện pháp không hiệu quả, giải pháp ghép tim là biện pháp cuối cùng được nhắc tới.
2.5. Suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng hệ thống tĩnh mạch bị suy giảm, các tĩnh mạch bị giãn ra, phồng lên, có thể nằm nông và nổi ngoằn ngoèo dưới da, có màu tím hoặc xanh. Chúng thường xuất hiện ở chân, một số trường hợp thấy cả ở âm hộ hay trực tràng (bệnh trĩ).
Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở những người hay phải đứng nhiều, ít di chuyển. Những người tuổi càng cao thì nguy cơ bị giãn tĩnh mạch càng tăng. Những trường hợp béo phì, tiền sử gia đình có người mắc bệnh giãn tĩnh mạch sẽ có nguy cơ mắc cao hơn những người khác.
Phù chân ở người già là một trong những triệu chứng dễ nhận biết của bệnh suy giãn tĩnh mạch. Ngoài triệu chứng này ra, người bệnh suy giãn tĩnh mạch còn có một số dấu hiệu:
- Chân nặng nề, mỏi, không yên, hay tê chân nhất là khi đứng, ngồi quá lâu ở một tư thế.
- Chân tay buồn bực, đặc biệt hay xảy ra vào ban đêm, khi ngủ hoặc khi chân tay không hoạt động.
- Các tĩnh mạch xanh nổi lên, phình ra dọc chân, đùi, mu bàn chân, đầu gối, mắt cá chân.
- Có thể xuất hiện các cơn chuột rút ở bắp chân vào ban đêm.
- Da chân khô, ngứa, mỏng, đổi màu, dễ kích ứng hoặc thậm chí là loét da.
Tùy vào triệu chứng và tiến triển của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định một biện pháp riêng lẻ hay kết hợp các phương pháp kết hợp như: dùng thuốc, chích xơ, phẫu thuật, laser, can thiệp nội mạch… để giảm triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển của bệnh.
Xem thêm: Các biện pháp điều trị tại nhà cho bệnh suy giãn tĩnh mạch