Phù mắt cá chân là tình trạng thường gặp, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và đôi khi là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cùng xem nguyên nhân và cách khắc phục khi bạn gặp tình trạng này nhé.
Mục lục
Phù mắt cá chân là gì?
Trước hết cùng xem phù mắt cá chân là như thế nào? Liệu tình trạng bạn đang gặp có đúng là phù mắt cá chân hay không?
Phù mắt cá chân, hay bàn chân, cẳng chân còn được gọi là phù ngoại biên, đề cập đến sự tích tụ chất lỏng ở những bộ phận này của cơ thể. Sự tích tụ chất lỏng thường không gây đau đớn, trừ khi do chấn thương.
Để xác định liệu tình trạng bạn đang gặp phải có phải là phù mắt cá chân hay không, bạn có thể quan sát xem có sự sưng tấy rõ ràng ở mắt cá chân không. (So sánh với tình trạng trước đó, hoặc so sánh với bên chân còn lại.)
Sưng phù thường nặng hơn vào cuối ngày và có thể giảm đi sau khi nghỉ ngơi qua đêm. Trọng lực là lý do tại sao sưng phù thường rõ ràng hơn ở các bộ phận dưới cùng của cơ thể, như mắt cá chân và bàn chân.
Tình trạng này gặp phổ biến nhất ở người cao tuổi. Sưng phù có thể xảy ra ở cả hai bên cơ thể hoặc chỉ ở một bên. Một hoặc nhiều khu vực ở phần dưới cơ thể có thể bị ảnh hưởng.
Mặc dù phù mắt cá chân, thường không gây nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe nhưng điều quan trọng là bạn phải biết khi nào cần đi khám bác sĩ. Phù mắt cá chân đôi khi có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng hơn cần được điều trị ngay lập tức.
☛ Đọc đầy đủ: Tình trạng sưng phù chân
Nguyên nhân phù mắt cá chân
Như đã đề cập đến ở trên, sưng phù thường rõ ràng hơn ở những vùng dưới của cơ thể do trọng lực. Phù mắt cá chân còn được giải thích cụ thể qua các nguyên nhân sau đây:
Do lối sống
Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây sưng bàn chân, cẳng chân và mắt cá chân. Trong hầu hết các trường hợp, sưng tấy xảy ra do một số yếu tố lối sống, chẳng hạn như:
- Thừa cân: Khi cơ thể có khối lượng dư thừa, áp lực lên hệ thống tuần hoàn tăng lên, làm giảm khả năng lưu thông máu và gây tích tụ chất lỏng ở các vùng thấp hơn như bàn chân, cẳng chân và mắt cá chân.
- Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài: Khi các cơ không hoạt động, chúng không thể bơm dịch cơ thể ngược về tim. Dẫn đến ình trạng giữ nước và máu có thể gây sưng tấy ở chân bao gồm cả mắt cá chân.
Do tác dụng phục của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây phù ngoại biên trong đó bao gồm sưng phù mắt cá nhân như một tác dụng phụ, bao gồm các loại: thuốc huyết áp, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc steroid, và một số loại thuốc đường huyết.
Điều này cũng được cảnh báo có ghi trong hướng dẫn sử dụng loại thuốc này. Cần đọc kỹ tờ thông tin hướng dẫn sử dụng trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Do bệnh lý
Các nguyên nhân có thể khác gây sưng bàn chân, cẳng chân và mắt cá chân bao gồm một số tình trạng bệnh lý hoặc thay đổi cơ thể, chẳng hạn như:
- Thay đổi nội tiết tố tự nhiên: Các thay đổi hormon, như trong quá trình thai kỳ hoặc mãn kinh, có thể gây phù ngoại biên.
- Cục máu đông ở chân: Cục máu đông có thể cản trở lưu thông máu và gây sưng.
- Chấn thương hoặc nhiễm trùng: Các tình trạng này có thể gây viêm và sưng tại khu vực bị ảnh hưởng.
- Suy tĩnh mạch: Khi tĩnh mạch không hoạt động hiệu quả, máu có thể bị ứ đọng và gây phù.
- Viêm màng ngoài tim: Một tình trạng tim mạch nghiêm trọng có thể gây sưng ở các chi.
- Phù bạch huyết: Sự tắc nghẽn trong hệ thống bạch huyết có thể gây sưng.
- Tiền sản giật: Đây là một tình trạng nguy hiểm trong thai kỳ có thể gây sưng và tăng huyết áp.
- Xơ gan: Bệnh gan nghiêm trọng này có thể gây sưng do giữ nước và muối.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Người già hay bị phù chân – có thể do các bệnh mãn tính này
Khi nào cần đi bác sĩ
Phù mắt cá chân ở múc độ nhẹ không cần can thiệp y tế chỉ cần nghỉ ngơi và thực hiện các cách khắc phục như trên sẽ cải thiện dần. Tuy nhiên, có một số trường hợp cụ thể mà bạn nên đến gặp bác sĩ:
- Sưng đau ngày càng nặng: Nếu tình trạng sưng và đau ở mắt cá chân tăng lên theo thời gian.
- Tình trạng sưng phù kéo dài: vết sưng phù ko nặng thêm nhưng nếu sau 2-5 ngày điều trị tại nhà mà tình trạng sưng không giảm thì cũng cần phải đi thăm khám.
- Vết thương hở hoặc biến dạng nghiêm trọng: Khi có vết thương hở rõ ràng hoặc mắt cá chân có dấu hiệu của sự biến dạng.
- Các vùng sưng đỏ và có cảm giác ấm khi chạm vào.
- Nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường: sưng phù kèm sốt là dấu hiệu không thể bỏ qua.
- Nếu bạn không thể đi lại hoặc đứng vững do đau.
- Có tiền sử bệnh tim, gan, thận: nếu bạn có tiền sử những bệnh này và cảm thấy đau ở khớp mắt cá chân đột ngột có thể là dấu hiệu nghiêm trọng cần thăm khám sớm.
- Nếu bạn đang mang thai và bị sưng phù đột ngột hoặc nghiêm trọng.
Điều trị phù mắt cá chân như nào?
Về việc điều trị tận gốc cho tình trạng phù mắt cá chân sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng sưng phù. Theo phần nguyên nhân ở mục đã trình bày ở trên thì như sau:
- Nếu tình trạng sưng phù mắt cá chân là kết quả của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, trước tiên bác sĩ sẽ cố gắng điều trị tình trạng cụ thể đó.
- Nếu liên quan đến lối sống cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống: Cần tránh thực phẩm mặn, cay, chua, nhiều dầu mỡ, và giảm lượng nước tiêu thụ. Cà phê và rượu bị nghiêm cấm.
- Nếu do tác dụng phụ của một số thuốc, cần xác định rõ loại thuốc và bác sĩ sẽ yêu cầu ngưng dùng hoàn toàn hoặc có thể thay thế sang loại thuốc khác.
Bên cạnh đó cũng cần các biện pháp điều trị giảm triệu chứng sưng phù mắt cá chân. Cụ thể là biện pháp khắc phục tạm thời như:
- Massage: cách này giúp cải thiện lưu thông máu đến chi dưới.
- Chườm lạnh, dùng băng ép hay thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu nhằm mục đích giảm sưng, cải thiện khả năng di chuyển, giảm đau và viêm.
- Dùng thuốc giảm đau giảm sưng: thông thường là các thuốc giảm đau kê theo toa. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ và thường chỉ được sử dụng nếu biện pháp điều trị tại nhà không hiệu quả.
- Thuốc giảm bớt dịch lỏng tích tụ: trong một số trường hợp bác sĩ chỉ định alphachymotrypsin (Alpha Choay) giảm sưng, kháng viêm, hay thuốc lợi tiểu như Furosemide hoặc Lasix, cùng với rutin – một loại vitamin hỗ trợ củng cố độ bền của mạch máu.
- Nặng hơn có thể can thiệp phẫu thuật.
Tùy vào tình trạng sưng phù, tuy nhiên có đến 90% trường hợp phù mắt cá chân do bệnh lý có thể được điều trị không cần phẫu thuật.
Để có kết quả tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xác định phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể.
Phần này có đề cập đến một số loại thuốc kê theo toa, cần phải thăm khám và tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc cũng như liều lượng của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý mua các loại thuốc này.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Phù chân có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
Cách khắc phục và tránh tái phát phù mắt cá chân
Như đã nói ở phần điều trị ở trên, phù mắt cá chân trước mắt cần tìm cách khắc phục giảm những khó chịu sưng đau cũng như sớm vận động đi lại cho người bệnh. Bên cạnh đó bạn cũng cần tuân thủ thực hiện các khuyến cáo của bác sĩ trong việc tránh tái phát sau điều trị.
Cụ thể để khắc phục tình trạng phù chân, cũng như tránh tái phát sau điều trị bạn có thể áp dụng các biện pháp sau tại nhà.
Khắc phục tạm thời:
- Nâng cao chân: Nằm xuống và đặt nâng chân lên cao hơn so với tim. Bạn có thể sử dụng gối hỗ trợ và nên nằm ngủ với tư thế này để máu có thể lưu thông tới chân được tốt nhất giúp bạn giảm thiểu khó chịu.
- Massage chân: cách này giúp cải thiện lưu thông máu đến chân.
- Chườm lạnh vùng bị sưng phù: nhằm mục đích giảm sưng, cải thiện khả năng di chuyển.
Duy trì tránh tái phát:
- Tập thể dục thường xuyên để duy trì tuần hoàn tốt: bạn nên dành 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải hoặc 75 phút tập thể dục cường độ cao mỗi tuần.
- Giảm lượng muối tiêu thụ: Hạn chế muối trong chế độ ăn có thể giúp giảm bớt sự tích tụ chất lỏng. Nên tiêu thụ không quá 2.300 miligam muối mỗi ngày.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Trọng lượng cơ thể khỏe mạnh giúp giảm áp lực lên chân và cải thiện lưu thông máu.
- Sử dụng vớ nén: Vớ nén có thể hỗ trợ việc lưu thông máu và giảm sưng.
- Tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài: Đứng lên và di chuyển ít nhất mỗi giờ, đặc biệt khi bạn phải ngồi hoặc đứng lâu.
- Cần tránh đi giày chật và không thoải mái.
- Không làm việc quá sức với khớp mắt cá chân.
Những biện pháp trên có thể hỗ trợ giảm sưng, cải thiện tình trạng phù mắt cá chân mà bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện trong và sau điều trị.
Bài viết là những thông tin về tình trạng phù mắt cá chân từ nguyên nhân, cách điều trị cũng như cách khắc phục. Hi vong đem lại thông tin hữu ích và đúng lúc đến bạn. Chúc bạn sức khỏe!
Tài liệu tham khảo:
https://www.healthline.com/health/foot-leg-and-ankle-swelling