Thuốc nam là phương pháp một trong những lựa chọn giảm phù nề hiệu quả từ thiên nhiên. Cùng xem hiệu quả của phương pháp này như nào cũng như hướng dẫn cụ thể khi dùng những cây thuốc nam chữa bệnh phù chân thường dùng trong dân gian.
Mục lục
- Hiểu về phù chân theo y học cổ truyền
- Thuốc nam chữa phù chân có hiệu quả?
- Cây thuốc nam chữa bệnh phù chân thường gặp
- 1. Cây quýt – lấy vỏ quýt( Trần bì)
- 2. Cây cau- lấy vỏ quả cau( Đại phúc bì)
- 3. Cây ngũ gia bì lấy phần rễ
- 4. Cây mã đề dùng phần lá
- 5. Cây kim ngân dùng hoa và lá
- 6. Cây bạc hà dùng phần lá
- 7. Cây cỏ tranh dùng phần thân rễ
- 8. Cây ngô – dùng phần râu ngô
- 9. Cây bí đao dùng phần vỏ quả
- 10. Cây rau mùi lấy phần hạt
- 11. Cây gừng – dùng vỏ củ gừng
- Lưu ý khi sử dụng thuốc nam chữa phù chân
Hiểu về phù chân theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, bệnh phù chân không chỉ là sự tích tụ dịch lỏng ở các mô dưới da mà còn được coi là biểu hiện của sự mất cân bằng trong cơ thể. Đây được quy gọi là chứng phù thũng. Phù thũng tức là nước không thoát ra ngoài được mà đọng lại trong cơ thể. Theo Đông y, có nhiều nguyên nhân gây phù, đa phần là do tỳ và thận.
Điều này lý giải rằng phù chân là kết quả của “huyết không lưu thông”, “thấp khí” hoặc “đàm ướt” tích tụ.
Điều trị theo y học cổ truyền không chỉ nhằm giảm bớt triệu chứng mà còn phục hồi sự hài hòa cho khí huyết. Đây là nền tảng cho việc sử dụng các loại cây thuốc nam trong việc chữa trị, với niềm tin rằng chúng có thể giúp cải thiện sức khỏe từ gốc rễ.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Phù chân có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
Thuốc nam chữa phù chân có hiệu quả?
Ngoài việc sử dụng các loại thuốc tây y theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng có thể áp dụng các bài thuốc từ các cây thuốc nam để hỗ trợ điều trị phù chân.
Sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh phù chân có thể mang lại hiệu quả nhất định, đặc biệt là trong các trường hợp phù chân không liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng. Các loại cây thuốc nam thường có các dược tính như lợi tiểu, thanh nhiệt, hành khí, giải độc, kích thích tuần hoàn máu và giảm sưng phù, giúp giảm các triệu chứng của bệnh phù chân.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc sử dụng cây thuốc nam không thể thay thế hoàn toàn việc điều trị y khoa chính thống, đặc biệt khi bệnh phù chân là do các bệnh lý nghiêm trọng như suy tim, viêm tắc tĩnh mạch, xơ gan, suy thận, tai biến hay phù não. Trong những trường hợp này, việc điều trị y khoa chính thống là cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm.
☛ Tìm hiểu: Chữa phù chân bằng đông y
Cây thuốc nam chữa bệnh phù chân thường gặp
Dưới đây là 10 cây thuốc nam chữa bệnh phù chân và cách sử dụng cụ thể:
1. Cây quýt – lấy vỏ quýt( Trần bì)
Trần bì vốn dĩ là vỏ cam vỏ quýt một vị thuốc nam có nhiều công dụng trong việc điều trị các bệnh, trong đó có bệnh phù chân. Vị này có mùi thơm và vị đắng, tính ấm. Giúp khai khiếu, tiêu đờm, trị ho, đầy bụng, nôn mửa, tiêu chảy, trừ thấp và lợi tiểu.
Công dụng của Trần bì trong điều trị phù chân:
- Khai khiếu, tiêu đờm: Trần bì giúp thông các kinh lạc, giảm ho và tiêu đờm.
- Lợi tiểu: Tính ấm và vị đắng của Trần bì có tác dụng lợi tiểu, từ đó giúp giảm triệu chứng phù chân do thân hư.
- Trừ thấp: Trần bì còn được sử dụng để trừ thấp, giảm đau nhức do thấp nhiệt gây ra.
Cách dùng:
Bạn có thể dùng Trần bì dưới dạng đun sắc hay hãm trà uống giúp giảm tình trạng phù chân. Cụ thể như sau: Lấy vài miếng trần bì hãm với nước sôi từ 10 – 15 phút và uống khi còn nóng.
Trần bì cũng là 1 vị thuốc có trong bài thuốc chữa phù thũng do tỳ hư như sau:
Trư linh, xa tiền, tục đoạn, trần bì, quế chi, phá cố chỉ, thiên niên kiện mỗi vị 10g; ngải diệp khô, hoài sơn mỗi vị 16g; cẩu tích, biển đậu mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
2. Cây cau- lấy vỏ quả cau( Đại phúc bì)
Đại phúc bì, còn được gọi là vỏ quả cau, là một vị thuốc nam thường được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh phù chân.
Đại phúc bì có vị ngọt hơi the và tính ấm, tác động vào kinh tỳ vị, đại trường, tiểu trường. Vị này có thể khắc phục phù chân trong trường hợp tỳ hư.
Công dụng của Đại phúc bì trong điều trị phù chân:
- Hạ khí: Giúp giảm áp lực khí trong cơ thể, làm giảm cảm giác chướng bụng – một triệu chứng có thể đi kèm với tình trạng phù chân.
- Khoan trung: Làm dịu và giảm đau vùng bụng.
- Hành thủy, tiêu thũng: Thúc đẩy việc lưu thông dịch trong cơ thể và giảm sưng do tích nước.
Cách dùng:
Thông thường sử dụng từ 4,5 – 9g dưới dạng thuốc sắc. Có thể kết hợp với các vị thuốc khác để tăng cường hiệu quả điều trị phù chân.
3. Cây ngũ gia bì lấy phần rễ
Ngũ gia bì, còn được biết đến với tên khoa học là Schefflera heptaphylla (L.) Frodin, thuộc họ Araliaceae, là một loại cây thuốc nam có nhiều công dụng trong việc điều trị các bệnh, bao gồm cả bệnh phù chân.
Tên gọi khác: Nam sâm, cây Đáng, cây Lằng, cây Chân vịt
Công dụng của Ngũ gia bì:
- Thanh nhiệt, giải độc: Giúp thanh lọc cơ thể, giảm nhiệt và độc tố.
- Giảm sưng phù: Có tác dụng chống viêm, giảm sưng, đặc biệt hữu ích trong việc điều trị phù chân.
Cách dùng:
Ngũ gia bì lấy phần rễ củ, cắt đoạn ngắn, phơi khô, sao vàng. Dùng đun sắc lấy nước uống hàng ngày.
Ngũ gia bì cũng là một vị thuốc có trong bài thuốc chữa phù thũng do tỳ hư như sau:
Ngũ gia bì, bạch truật (sao hoàng thổ), thục địa sao khô mỗi vị 12g; khương bì, hoa hồi, mỗi vị 6g; đỗ trọng, quế chi mỗi vị 10g; hương nhu trắng, xa tiền thảo, lá tre mỗi vị 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần
4. Cây mã đề dùng phần lá
Mã đề, với tên khoa học là Plantago major L., thuộc họ Plantaginaceae, là một loại cây thuốc nam được sử dụng phổ biến trong Đông y để chữa trị bệnh phù chân nhờ vào các đặc tính thanh nhiệt, giải độc và giảm sưng phù
Công dụng của Mã đề:
- Thanh nhiệt, giải độc: Mã đề có tính hàn, vị ngọt, giúp giải độc và thanh nhiệt, rất tốt cho việc giảm nhiệt và độc tố trong cơ thể.
- Giảm sưng phù: Có khả năng lợi tiểu, tiêu phù, giúp giảm sưng và phù nề, đặc biệt là ở chân.
Cách dùng:
Cây Mã đề có thể thu hái lá quanh năm. Bạn có thể sử dụng lá này cả khi còn tươi hoặc phơi khô. Dùng như hãm trà uống hàng ngày.
Mã để thảo là một trong các vị trong bài thuốc chữa phù do viêm thận như sau:
Mã Đề Thảo, Hương Nhu, râu ngô, Đinh Lăng, Ngũ Gia Bì mỗi vị 16g. Khởi Tử và Khiếm Thực mỗi vị 12 g. Đun sắc uống.
5. Cây kim ngân dùng hoa và lá
Kim ngân, với tên khoa học là Lonicera japonica Thunb., là một loại cây thuốc nam được sử dụng rộng rãi trong Đông y, đặc biệt trong việc điều trị bệnh phù chân nhờ vào khả năng thanh nhiệt, giải độc và giảm sưng phù.
Cây có tính chất mát và lạnh.kim ngân hoa chủ trị nóng lạnh, phù thũng; uống lâu giúp nhẹ người, tăng thọ; giải nóng, trị tả lỵ nhiệt, lở ngứa, ban trái…
Không được dùng cho người đang cho con bú và thai phụ
Công dụng của Kim ngân:
- Thanh nhiệt, giải độc: Kim ngân có tác dụng làm mát cơ thể, giải độc, giúp giảm viêm nhiễm.
- Giảm sưng phù: Được sử dụng để giảm sưng và phù nề, đặc biệt là ở châ
Cách dùng:
Hoa và lá của cây Kim ngân sấy khô hoặc dùng tươi để pha trà hoặc nấu nước sắc.
6. Cây bạc hà dùng phần lá
Bạc hà, với tên khoa học là Mentha arvensis Lin., thuộc họ Hoa Môi (Lamiaceae), là một loại cây thuốc nam được sử dụng rộng rãi trong Đông y và cả y học hiện đại để chữa trị nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh phù chân.
Cách dùng lá bạc hà với chứng phù chân như sau:
Lá bạc hà có tính chất làm mát và giúp giảm sưng phù. Bạn có thể đập nhuyễn lá bạc hà và đắp lên khu vực chân sưng phù khoảng 10 đến 15 phút, và lặp lại 2 đến 3 lần mỗi ngày.
Hoặc bạn cũng có thể đun nước bạc hà dùng ngâm chân cũng có thể giảm tình trạng sưng phù.
7. Cây cỏ tranh dùng phần thân rễ
Rễ cỏ tranh là một trong những loại dược liệu có công dụng lợi tiểu và tiêu phù.
Theo Đông y, thân rễ cỏ tranh có vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, cầm máu, mát huyết. Nếu phối hợp với mía nấu thành nước lại có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, trừ thấp, giải độc. Nếu sao vàng thì thông tiểu, làm ra mồ hôi và giải độc.
Cách dùng rễ cỏ tranh chữa phù chân như sau:
Dùng rễ cỏ tranh dưới dạng khô, đun sắc uống thêm chút đường mía để uống hàng ngày.
Tuy nhiên theo đông y với chứng thủy thũng, rễ cỏ tranh nên dùng kết hợp trong bài thuốc như sau: rễ tranh 40g, ý dĩ nhân 30g, rau mã đề 20g. Sắc uống.
8. Cây ngô – dùng phần râu ngô
Râu ngô có tác dụng làm mát cơ thể, tiêu phù, lợi tiểu và giúp hạ huyết áp, điều trị bệnh phù thũng.
Vì râu ngô có tính lợi tiểu nên nó có khả năng giảm giữ nước và sưng phù chân hiệu quả.
Cách dùng râu ngô chữa phù chân như sau:
Râu ngô có thể dùng tươi hoặc khô đều được. Đun nước uống hàng ngày.
Râu ngô cũng là một trong các thành phần có trong bài thuốc chữa phù do tỳ hư. Cụ thể như sau:
Râu ngô, mã đề thảo, hương nhu mỗi vị 20g; quế, thiên niên kiện, quế chi, chích thảo, trần bì mỗi vị 10g; phá cố chỉ 6g; ngũ gia bì 16g; cẩu tích 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
9. Cây bí đao dùng phần vỏ quả
Bí đao còn có tên đông qua, bí đá, bí xanh, bí phấn. Bộ phận dùng làm thuốc là thịt quả – đông qua; vỏ ngoài – đông qua bì; hạt bí – đông qua tử.
Theo Đông y, đông qua vị ngọt, tính mát, vào phế, đại tràng, tiểu tràng và bàng quang; tác dụng lợi thủy tiêu thũng, thanh nhiệt giải độc; dùng cho các trường hợp cổ trướng phù nề, tiêu chảy mất nước, tiểu dắt buốt, mụn nhọt, trĩ, ngộ độc rượu, say nắng, say nóng, hen suyễn.
Vỏ bí đao chính là vị thuốc đông qua bì được biết đến trong bài thuốc trị phù thũng như sau: Đông qua bì (vỏ bí đao) 125g, đậu đỏ 125g, nhân ý dĩ 63g, râu ngô 63g. Sắc uống trị phù thũng.
10. Cây rau mùi lấy phần hạt
Hạt rau mùi có đặc tính chống viêm, giúp giảm sưng và đau chân cũng như thúc đẩy quá trình lưu thông máu.
Cách dùng như sau:
Bạn có thể đun sôi 3 muỗng cà phê hạt rau mùi với 1 cốc nước và để nhỏ lửa cho đến khi hỗn hợp còn một nửa. Sau đó, để nguội, lọc bỏ bã và uống nước này 2 lần/ngày.
11. Cây gừng – dùng vỏ củ gừng
Gừng có vị cay tính ấm quy vào 3 kinh phế, vị, tỳ. Đặc biệt phần vỏ củ gừng còn được gọi là khương bì trong đông y với công năng lợi tiểu tiêu phù thũng.
Cách dùng như sau:
Dùng vỏ gừng trong bài ngũ bì ẩm: khương bì (vỏ gừng), tang bạch bì (vỏ rễ cây dâu tằm), trần bì (vỏ quýt), phục linh bì (vỏ ngoài của nấm phục linh) và đại phúc bì (vỏ quả cau). Các vị trên mỗi vị 6-10 bằng nhau sắc uống.
Bài thuốc trên với phụ nữ mang thai bỏ Tang bì gia Bạch truật để kiện tỳ trừ thấp an thai tiêu phù.
Lưu ý rằng việc sử dụng các cây thuốc nam cần phải dựa trên sự tư vấn của các chuyên gia y tế hoặc những người có kiến thức chuyên môn về Đông y để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Không nên tự ý sử dụng các vị thuốc này mà không có sự hướng dẫn cụ thể.
Trước khi áp dụng bất kỳ cây thuốc nam nào nói trên bạn cần đọc tiếp các lưu ý cụ thể ở phần tiếp theo.
Lưu ý khi sử dụng thuốc nam chữa phù chân
Khi sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh phù chân, cần lưu ý:
- Không nên tự ý dùng thuốc nam mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Một số vị thuốc nam không dùng riêng rẽ mà cần có sự kết hợp với các vị thuốc khác nữa để làm giảm độc tính hay giảm tác dụng phụ của thuốc. Để rõ phần này cần tham khảo kỹ và tư vấn từ người có chuyên môn.
- Áp dụng thuốc nam để chữa phù chân thường đến từ cách truyền miệng. Có thể sẽ bị sai lệch cách thức. Nên bạn cần tham khảo lại người có chuyên môn.
- Chọn các cây thuốc nam có nguồn gốc rõ ràng, không bị ô nhiễm hoặc nhiễm hóa chất.
- Tuân theo liều lượng và cách dùng của từng loại cây thuốc nam.
- Không nên uống thuốc nam và thuốc Tây cùng lúc.
- Những người mang thai bị phù chân thì không cần lo lắng, nhưng nếu có các triệu chứng bất thường nên đi khám ngay không áp dụng các biện pháp trên mà không tham khảo ý kiến của bác sỹ vì số số cây không tốt cho sức khỏe mẹ bầu. (☛ Tìm hiểu: Bà bầu bị phù chân)
Tài liệu tham khảo: Bộ Y tế (2006) Dược học cổ truyền NXB Y học.