Cảm giác kiến bò ở chân có thể là dấu hiệu cảnh báo sự thay đổi bất thường của cơ thể hoặc những bệnh lý tiềm ẩn. Mời bạn cùng Dulcit tìm hiểu một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này trong bài viết dưới đây!
1. Cảm giác kiến bò ở chân do đâu?
1.1. Suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở chân do van một chiều bị tổn thương, cản trở quá trình lưu thông máu hồi lưu trở về tim. Tĩnh mạch bị xoắn, sưng hoặc phình to, nổi lên thành từng đám khu trú màu xanh hoặc tím sẫm trên cẳng chân gây mất thẩm mỹ. Ngoài ra, chân có thể bị sưng phù, kèm theo cảm giác kiến bò, đau nhức khó chịu, mỏi như đeo đá, nóng rát. Các triệu chứng thường trở nên tồi tệ hơn vào chiều tối. Người bệnh còn thường bị chuột rút bàn chân và cẳng chân chủ yếu vào ban đêm làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Nếu không có phương án điều trị kịp thời, suy giãn tĩnh mạch nghiêm trọng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc tĩnh mạch phổi dẫn đến tử vong.
1.2. Bệnh lý về cột sống
Các bệnh lý liên quan đến cột sống có thể bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau như: lão hóa tự nhiên, chấn thương, tư thế hoạt động không đúng, mang vác nặng thường xuyên… Một số bệnh lý phổ biến bao gồm:
- Thoái hóa cột sống: Tình trạng này xảy ra khi sụn khớp bị bào mòn, đĩa đệm giữa các đốt sống bị tổn thương kèm theo nhiều thay đổi khác ở vùng dưới sụn và màng hoạt dịch.
- Gai cột sống: Bệnh lý xuất hiện khi quá trình bù đắp tế bào xương diễn ra không đồng đều hoặc quá mức, hình thành nên xương thừa ở rìa các đốt sống.
- Thoát vị đĩa đệm: Lớp vỏ bao bọc bên ngoài đĩa đệm bị phồng, xẹp, nứt vỡ. Từ đó, nhân nhầy thoát ra, chèn ép mạnh vào rễ dây thần kinh và tủy sống.
Trong giai đoạn đầu, hầu hết các bệnh lý liên quan đến cột sống đều diễn biến âm thầm và không có dấu hiệu rõ ràng. Khi bệnh tiến triển trầm trọng hơn, dây chằng, dây thần kinh, các mô mềm xung quanh bị tác động và tổn thương dẫn đến nhiều triệu chứng như: cảm giác kiến bò ở chân, đau nhức âm ỉ, giảm khả năng vận động…
Có thể bạn quan tâm: Cách phân biệt bệnh suy giãn tĩnh mạch và viêm khớp
1.3. Đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa liên quan đến sự suy giảm bài tiết insulin và sự thay đổi nồng độ kháng insulin ngoại vi trong cơ thể. Từ đó, glucose trong máu tăng kèm theo các triệu chứng điển hình bao gồm: uống nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều và nhìn mờ. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, cáu gắt, thay đổi tâm trạng, các vết loét chậm lành, nhiễm trùng nướu, da…
Đái tháo đường được chia thành hai loại chính:
- Đái tháo đường tuýp 1: Bệnh phụ thuộc vào insulin, thường khởi phát ở tuổi vị thành niên.
- Đái tháo đường tuýp 2: Bệnh không phụ thuộc vào insulin, thường khởi phát ở người cao tuổi.
Ngoài ra, các tình trạng liên quan đến đái tháo đường có khả năng phục hồi bao gồm:
- Tiền đái tháo đường: Lượng đường trong máu vượt mức bình thường và có nguy cơ cao dẫn đến bệnh đái tháo đường nếu không có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
- Đái tháo đường thai kỳ: Tình trạng này xảy ra trong quá trình mang thai và thường biến mất hoàn toàn sau khi em bé chào đời.
Đái tháo đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Bệnh võng mạc: Mao mạch võng mạc bị phình, tăng sinh và phù hoàng điểm, làm mất thị lực một phần hoặc toàn bộ.
Bệnh thận: Bệnh được đặc trưng bởi sự dày lên của màng đáy cầu thận, xơ cứng cầu thận và suy giảm dần mức lọc cầu thận. Bệnh thường không có triệu chứng tới khi tiến triển thành hội chứng thận hư hoặc suy thận.
Bệnh thần kinh: Bệnh đa dây thần kinh đối xứng do đái tháo đường là phổ biến nhất, ảnh hưởng chủ yếu đến bàn chân và bàn tay. Triệu chứng thường gặp là cảm giác kiến bò ở chân, đau, tê nhức, dễ bị loét chân, nhiễm trùng, gãy xương, sai khớp…
Tham khảo: 5 cách chữa tê chân cho người bị đái tháo đường
1.5. Đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa là nguyên nhân phổ biến gây ra cảm giác kiến bò ở chân, đặc biệt vào ban đêm khiến bạn cảm thấy khó chịu, muốn di chuyển, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Một số triệu chứng thường xuất hiện kèm theo như: đau cơ, co cứng từ từ và lan rộng nhưng không có dấu hiệu tổn thương mô, kiệt sức, khó ngủ, suy giảm trí nhớ, thay đổi tâm trạng…
Bệnh nhân mắc bệnh đau cơ xơ hóa thường gặp khó khăn trong việc ngủ đủ giấc và có giấc ngủ không sâu. Điều này có thể gây ra tình trạng mệt mỏi và bồn chồn vào ban ngày, bao gồm ở chân.
Nguyên nhân chính dẫn đến đau cơ xơ hóa vẫn còn là một ẩn số. Nhiều chuyên gia tin rằng tình trạng này xảy ra do tín hiệu đau được khuếch đại trong não sau khi căng thẳng kéo dài hoặc nhiễm virus, nhiễm khuẩn hệ thống, gặp các chấn thương lớn liên quan đến cả thể chất và tinh thần.
1.6. Uống quá nhiều rượu
Uống quá nhiều rượu khiến cơ thể giảm hấp thu các chất dinh dưỡng như: thiamin, niacin, vitamin E, vitamin B1, vitamin B9, vitamin B12… Điều này có thể khiến dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương với các triệu chứng như: cảm giác kiến bò ở chân, tê nhức, ngứa ran, nóng rát, co thắt cơ, teo cơ, giảm khả năng vận động… Người bệnh có thể bị khó nuốt, nôn mửa, buồn nôn, chóng mặt, choáng váng…
Xem thêm: Tại sao uống rượu gây phù chân?
Giảm uống rượu sẽ giúp bạn cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa dây thần kinh bị tổn thương trầm trọng hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tổn thương thần kinh do rượu gây ra là vĩnh viễn.
Ngoài ra, rối loạn sử dụng rượu có thể liên quan đến ngộ độc rượu và hội chứng cai rượu:
Ngộ độc rượu: Ngộ độc rượu xảy ra khi lượng rượu trong máu tăng cao, gây rối loạn hành vi, tâm trạng không ổn định, khả năng phán đoán kém, khả năng phối hợp kém, nói ngọng, giảm sự chú ý và trí nhớ. Nồng độ cồn trong máu rất cao có thể dẫn đến hôn mê, tổn thương não vĩnh viễn hoặc thậm chí là tử vong.
Hội chứng cai rượu: Sau khi uống rượu với lượng lớn trong thời gian dài, bạn đột ngột dừng uống hoặc giảm tiêu thụ rượu một lượng đáng kể thì hội chứng cai rượu có thể xảy ra trong vòng vài giờ cho đến 4 – 5 ngày sau đó. Dấu hiệu thường gặp bao gồm: đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, run tay, khó ngủ, buồn nôn và nôn, ảo giác, bồn chồn và kích động, lo lắng và đôi khi co giật. Các triệu chứng có thể đủ nghiêm trọng để làm giảm khả năng hoạt động.
1.7. Tiếp xúc với hóa chất độc hại
Khi sinh hoạt hoặc làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong thời gian dài như: thuốc trừ sâu, chì, thủy ngân, thạch tín…, cơ thể bạn sẽ bị tổn thương. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: tê ngứa như kiến bò ở chân, tê liệt, yếu cơ, đau nhức, đi lại khó khăn, buồn nôn, nôn, giảm thị lực… Hệ hô hấp cũng có thể bị ảnh hưởng gây ho và khó thở.
1.8. Mang thai
Phụ nữ mang thai thường phải chịu cảm giác kiến bò ở chân do những thay đổi của cơ thể:
Thai nhi phát triển: Thai nhi phát triển khiến tử cung ngày càng lớn, chèn ép tĩnh mạch, dây thần kinh xung quanh vùng xương chậu và chi dưới. Điều này dẫn đến tình trạng tê bì, đau nhức, sưng phù chân và mắt cá, đặc biệt nghiêm trọng vào những tháng cuối thai kỳ.
Lười vận động: Mang thai khiến phụ nữ luôn cảm thấy mệt mỏi và gặp khó khăn khi di chuyển nên có xu hướng hạn chế vận động, nằm hoặc ngồi trong thời gian dài. Từ đó, quá trình lưu thông máu ở chi dưới bị cản trở, tắc nghẽn dẫn đến suy giãn tĩnh mạch với các triệu chứng thường gặp như: đau nhức, cảm giác kiến bò ở chân, sưng phù, chuột rút về đêm.
Nội tiết tố thay đổi: Hormone relaxin thường được tiết vào những tháng cuối thai kỳ giúp làm mềm khớp và khung xương chậu để việc sinh nở diễn ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này làm tăng nguy cơ chèn ép dây thần kinh dẫn đến đau nhức, tê bì, cảm giác kiến bò ở chân và các khu vực xung quanh.
Tăng cân: Sự phát triển của thai nhi kết hợp với chế độ ăn quá nhiều chất dinh dưỡng có thể khiến mẹ bầu bị tăng cân mất kiểm soát. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến cảm giác kiến bò ở chân.
Các tình trạng được đề cập ở trên sẽ suy giảm và biến mất hoàn toàn sau khi sinh em bé mà không cần can thiệp.
1.9. Thiếu vitamin B12
Thiếu hụt một số vitamin và chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B12 có thể làm hỏng vỏ myelin bảo vệ xung quanh dây thần kinh. Từ đó, các dây thần kinh không thể hoạt động bình thường dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên với các triệu chứng thường gặp như: đau nhức, ngứa ran, cảm giác kiến bò ở chân và tay, giảm khả năng phối hợp, mất cảm giác… Nếu không có phương pháp điều trị kịp thời, dây thần kinh có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Thiếu vitamin B12 thường xảy ra do chế độ ăn chay quá nghiêm ngặt vì vitamin B12 xuất hiện nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như: thịt đỏ, thịt gia cầm, trứng, cá, sản phẩm từ sữa… Ngoài ra, một số bệnh cũng làm giảm khả năng hấp thu vitamin B12 như: bệnh tự miễn, thiếu máu ác tính hoặc không rõ nguyên nhân, bệnh tuyến tụy, bệnh Crohn, viêm dạ dày hoặc ruột non, hội chứng kém hấp thu…
Có thể bạn muốn biết: Hay bị tê chân là do cơ thể thiếu chất gì?
1.10. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể dẫn đến cảm giác ngứa ngáy khó chịu như kiến bò ở chân, ví dụ: thuốc điều trị ung thư (hóa trị), thuốc điều trị HIV/AIDS… Ngoài ra, thuốc đối kháng thụ thể histamin-2, thuốc ức chế bơm proton… khiến cơ thể giảm hấp thu vitamin B12 gây bệnh thần kinh ngoại biên với cảm giác kiến bò ở chân.
2. Mẹo giảm cảm giác kiến bò ở chân tại nhà
1. Chườm nóng
Chườm nóng làm dịu những cơn đau nhức ở dây thần kinh, thúc đẩy quá trình lưu thông máu, giảm cảm giác mỏi nặng, tê ngứa như kiến bò ở chân. Bạn có thể sử dụng túi nhiệt hoặc khăn ấm để đắp lên chân khoảng 5 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ.
Lưu ý:
- Không chườm nóng ở vị trí mới bị chấn thương, còn viêm, sung huyết, lở loét…
- Tránh dùng nguồn nhiệt tác động trực tiếp lên da, không dán miếng nhiệt trong lúc ngủ vì điều này có thể làm da bị bỏng và tổn thương trầm trọng hơn.
2. Massage chân
Massage chân là phương pháp đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà. Tác dụng chính là cải thiện quá trình lưu thông máu, giảm căng thẳng ở thần kinh và cơ bắp, đẩy lùi đau nhức, cảm giác tê ngứa như kiến bò ở chân. Ngoài ra, phương pháp này còn khiến bạn thoải mái, thư giãn, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Mời bạn tham khảo các bước massage chân đơn giản dưới đây:
- Bước 1: Rửa sạch chân bằng nước ấm. Sau đó, lau khô chân bằng một chiếc khăn mềm, đặc biệt ở những kẽ ngón chân vì đây là nơi dễ tích tụ nhiều bụi bẩn, vi khuẩn gây ngứa ngáy, viêm nhiễm.
- Bước 2: Thả lỏng cơ thể, ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái nhất.
- Bước 3: Chà xát lòng bàn chân, mu bàn chân theo chiều dọc để chân nóng lên.
- Bước 4: Dùng hai lòng bàn tay ôm lấy chân, nhẹ nhàng nắn bóp dọc theo chân từ dưới lên trên. Mỗi chân nắn bóp trong khoảng 2 – 3 phút.
- Bước 5: Dùng ngón tay ấn với lực vừa phải theo chiều từ bàn chân, lên bắp chân, đầu gối và đùi.
3. Ngâm chân
Ngâm chân trong nước ấm (khoảng 38 độ C) với muối Epsom, thảo dược như: lá lốt, gừng tươi, vỏ cam quýt… hoặc tinh dầu oliu, hoa cúc, hoa hồng, khuynh diệp… giúp cải thiện tuần hoàn máu. Từ đó, các triệu chứng đau nhức, nóng rát, mỏi nặng, tê ngứa như cảm giác kiến bò ở chân… dần thuyên giảm. Ngâm chân còn là cách thư giãn, đẩy lùi căng thẳng sau một ngày làm việc và học tập vất vả.
4. Tập thể dục nhẹ nhàng
Luyện tập thể thao thường xuyên giúp quá trình lưu thông máu và trao đổi chất dinh dưỡng diễn ra thuận lợi hơn, khắc phục những tổn thương ở dây thần kinh, dây chằng… Từ đó, những triệu chứng như đau nhức, mỏi nặng, tê ngứa chân… được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, phương pháp này có tác dụng tăng cường sức mạnh cơ xương khớp, làm chậm quá trình lão hóa, đẩy lùi bệnh tật.
Tùy vào thể trạng của bản thân, người bệnh áp dụng chế độ luyện tập khác nhau, bắt đầu từ mức thấp nhất và tăng dần cường độ theo thời gian. Bạn có thể lựa chọn các bài tập tùy theo sở thích như: ngồi thiền, yoga, đi bộ, bơi lội…