Rất nhiều người cho rằng, chân hay bị tê chỉ là một triệu chứng nhỏ, không quá đáng ngại. Vậy nên, dù tê chân gây cảm giác khó chịu và tạo thành bất tiện trong đời sống nhưng không ít người vẫn chủ quan, bỏ qua tình trạng này. Chính điều này đã tạo cơ hội cho các bệnh lý gây tê chân tiến triển nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Mục lục
1. Hiểu rõ hơn về triệu chứng tê chân mất cảm giác
Một số mô tả cụ thể về cảm giác tê ở chân có thể là:
- Chân như bị tê liệt, không thể di chuyển: Mất khả năng kiểm soát cơ bắp và di chuyển.
- Ngứa ran hoặc châm chích”: Cảm giác kim châm hoặc như những đợt sóng điện nhẹ lan ra trên da.
- Cảm giác bồng bềnh, như đang bước trên mây: Một cảm giác như không có cảm giác hoàn toàn, đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy mất thăng bằng.
- Chân hoặc tay bị nặng, không thể cử động như bình thường: Cảm giác bị trói buộc và không thể hoạt động như bình thường.
2. Các nguyên nhân gây tê chân do lối sống không nguy hiểm
Các nguyên nhân gây tê chân tay do lối sống thường không nguy hiểm và thường là tình trạng tạm thời. Hiện tượng này có thể được cải thiện dễ dàng thông qua việc điều chỉnh tư thế, thói quen sinh hoạt phù hợp.
Dưới đây là liệt kê chi tiết các nguyên nhân gây tê chân từ lối sống thường gặp:
Tư thế ngồi, đứng không đúng:
- Ngồi lâu một chỗ, đặc biệt là ngồi bắt chéo chân, ngồi xổm quá lâu.
- Đứng quá lâu một tư thế, không đổi tư thế.
- Ngồi làm việc với máy tính mà không điều chỉnh độ cao của ghế và bàn cho phù hợp.
Vận động ít:
- Ít vận động, lười tập thể dục khiến tuần hoàn máu kém, gây tê bì chân.
- Ngồi hoặc nằm quá nhiều, đặc biệt là người làm công việc văn phòng.
Mặc quần áo quá chật:
- Quần áo quá chật, đặc biệt là ở vùng đùi, bắp chân gây chèn ép mạch máu và dây thần kinh.
- Vớ quá chật, giày chật cũng có thể gây ra tình trạng này.
Stress, căng thẳng:
- Căng thẳng kéo dài làm co mạch máu, giảm lưu thông máu đến chân.
- Mất ngủ cũng là một yếu tố góp phần gây tê chân.
Thay đổi thời tiết:
- Thời tiết lạnh, ẩm ướt có thể làm co mạch máu, gây tê chân.
Chế độ ăn uống không hợp lý:
- Lạm dụng rượu bia, các chất kích thích.
Đọc thêm: Bị tê chân do thiếu chất, bổ sung thế nào?
3. Hay bị tê chân là dấu hiệu bệnh gì?
Tê chân thường xuyên xuất hiện khi có tổn thương hoặc rối loạn chức năng ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường dẫn truyền từ các thụ thể cảm giác đến não bộ. Nguyên nhân của tình trạng này thường do các vấn đề như: thiếu máu cục bộ, chèn ép dây thần kinh, rối loạn chuyển hóa hay các rối loạn trung gian miễn dịch,…
Dưới đây là một số bệnh lý điển hình gây ra chứng tê bì chân thường xuyên:
3.1. Suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch chân xảy ra khi hệ thống van và tĩnh mạch bị suy giảm chức năng và giãn rộng ra. Tình trạng này cản trở máu từ tĩnh mạch chân trở về động mạch, gây ứ đọng máu trong lòng mạch và tăng chèn ép lên hệ thống thần kinh chi dưới khiến chân.
Mặt khác, sự ứ đọng máu trong lòng tĩnh mạch cũng cản trở máu nuôi giàu oxy từ động mạch đến chân. Tình trạng này gây ra hiện tượng loạn dưỡng, khiến hệ thần kinh và các tế bào cảm thụ trên da bị tổn thương. Những nguyên nhân này khiến vùng chân người bệnh thường xuyên xuất hiện cảm giác tê rần, nóng ran, châm chích hoặc kiến bò.
Bên cạnh triệu chứng tê bì chân, suy giãn tĩnh mạch chi dưới cũng gây ra các triệu chứng khác như:
- Thường xuyên chuột rút vào ban đêm, đau bắp chân.
- Chân có cảm giác tức nặng, nhức mỏi, phù nề vào cuối ngày,
- Tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo, xanh tím dưới da.
- Chân lở loét
Suy giãn tĩnh mạch được xếp vào nhóm bệnh lý mạch máu ngoại vi nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: hoại tử chân, giãn vỡ tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu dẫn đến thuyên tắc phổi hay rối loạn nhịp tim nhanh trên thất.
Suy giãn tĩnh mạch chân có thể điều trị bằng các phương pháp như:
- Điều trị bằng thuốc (các loại thuốc hay viên uống bổ sung tăng trương lực tĩnh mạch, thuốc điều trị biến chứng)
- Điều trị bằng laser
- Điều trị bằng chích xơ tĩnh mạch
- Điều trị phẫu thuật
- Điều trị bổ trợ tại nhà (đeo vớ y khoa, vật lý trị liệu, sử dụng thực phẩm bổ sung, thay đổi chế độ ăn uống…)
3.2. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm gây tê chân mất cảm giác là do phần đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu và chèn ép lên các dây thần kinh xung quanh. Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, đóng vai trò như một bộ giảm chấn, giúp xương cột sống vận động linh hoạt và giảm tác động từ trọng lực. Khi đĩa đệm thoát vị, nó có thể chèn ép vào các rễ thần kinh ở cột sống – đặc biệt là ở khu vực thắt lưng, nơi có nhiều dây thần kinh kết nối với chi dưới.
Các dây thần kinh cột sống chịu trách nhiệm truyền tín hiệu cảm giác và vận động từ cột sống đến các chi. Khi chúng bị chèn ép, tín hiệu này bị gián đoạn, gây ra các triệu chứng tê bì, mất cảm giác hoặc thậm chí là yếu cơ ở chân. Tình trạng tê chân mất cảm giác do thoát vị đĩa đệm thường đi kèm với đau nhức lan từ vùng thắt lưng xuống hông, đùi và chân, vì dây thần kinh tọa cũng bị ảnh hưởng trong nhiều trường hợp.
Ngoài tê chân, bạn có thể nhận diện thoát vị đĩa đệm thông qua một số triệu chứng dưới đây:
- Cơn đau dữ dội xuất hiện đột ngột hoặc đam âm ỉ, đau buốt lan tỏa ở thắt lưng.
- Đau tăng lên khi người bệnh ưỡn bụng, cúi người, ho, hắt hơi hoặc đại tiện.
- Đau lan theo hình vòng cung ra phía trước ngược, dọc theo khoang liên sườn.
- Yếu chân, khó gấp – duỗi ngón cái.
Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm như: rối loạn bài tiết, teo cơ chi, hội chứng khập khễnh cách hồi, yếu cơ, thậm chí là bại liệt hoặc tàn phế.
3.3. Đau dây thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa hay dây thần kinh hông là hệ thống dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể, được tạo thành từ 5 rễ thần kinh phân bổ từ các đốt sống thắt lưng đến xương cùng. Các dây thần kinh này chạy qua hông, mông và kéo dài xuống hết chân. Vì vậy, các chấn thương, kích thích hoặc chèn ép ở dây thần kinh tọa có thể gây ra triệu chứng tê bì, ngứa ran, nóng rát ở chân.
Bạn có thể nhận diện đau dây thần kinh tọa thông qua một số triệu chứng như:
- Đau nhói xuất hiện đột ngột ở vùng hông, lưng dưới.
- Đau buốt ở chân, khiến người bệnh khó đứng dậy.
- Đau nặng hơn khi người bệnh ngồi, đứng trong thời gian dài, ho, hắt hơi hay khi có chuyển động đột ngột của cơ thể.
- Chân hoặc bàn chân bị yếu, khó di chuyển.
Đau dây thần kinh tọa nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng tiềm tàng hoặc khối u cột sống, rối loạn bài tiết, tổn thương thần kinh, hội chứng chùm đuôi ngựa hay teo cơ vận động.
3.4. Thoái hóa đốt sống thắt lưng
Thoái hóa đốt sống thắt lưng xảy ra do quá trình lão hóa khiến đĩa đệm và sụn khớp bị mài mòn, hình thành các gai xương xung quanh đốt sống. Tình trạng này khiến đốt sống bị biến dạng, chèn ép vào các rễ thần kinh gây tê bì chân mất cảm giác.
Một số triệu chứng điển hình của thoái hóa đốt sống thắt lưng gồm:
- Cứng khớp lưng, đau khi người bệnh cử động hoặc ít vận động trong thời gian dài.
- Giảm khả năng phối hợp hoạt động giữa tay và chân.
- Đau co thắt ở cơ bắp, cơn đau dữ dội có thể xuất hiện ở vùng thắt lưng lan dọc xuống bàn chân.
- Khiến người bệnh bị mất thăng bằng, đi lại khó khăn.
- Rối loạn hoạt động đại – tiểu tiện.
Người bị thoái hóa cột sống thắt lưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến dạng, gù vẹo cột sống. Những trường hợp nặng có thể bị teo cơ, bại liệt và mất khả năng vận động tự chủ.
3.5. Tiểu đường
Tiểu đường hau đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa do cơ thể mất khả năng sử dụng hoặc sản xuất insulin khiến nồng độ đường huyết tăng cao hơn bình thường. Đường huyết trong máu liên tục tăng cao không kiểm soát gây tăng huyết áp, làm tổn thương các vi mạch dẫn đến thiếu dinh dưỡng và oxy nuôi dưỡng hệ thống thần kinh. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh tiểu đường hay bị tê bì tay chân mất cảm giác, đặc biệt ở ở các vị trí xa tim như đầu ngón chân.
Một số triệu chứng giúp bạn nhận diện bệnh tiểu đường gồm:
- Cơ thể thường xuyên bị đói và mệt mặc dù vừa mới ăn xong.
- Người bệnh thường xuyên khát nước, uốn nhiều nước và đi tiểu liên tục.
- Khô miệng, ngứa da và sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm nấm men.
- Vết thương lâu lành hơn bình thường.
Đái tháo đường là bệnh lý phổ biến và có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Một số biến chứng thường gặp phải kể đến như: tổn thương mạch máu, suy thận, giảm thị lực, dị cảm hai chân, rối loạn chức năng gan, nhiễm khuẩn hô hấp, tổn thương trên da, Alzheimer,…
3.6. Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là bệnh lý xảy ra do lòng động mạch bị tắc nghẽn bởi các mảng bám được hình thành từ: chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác. Mảng bám này tích tụ trong lòng mạch gây hẹp lòng mạch làm cản trở máu nuôi từ động mạch đến hệ thống thần kinh, các mô và gây ra triệu chứng tê bì chân.
Triệu chứng xơ vữa động mạch khác nhau ở từng người tùy thuộc vào vị trí động mạch bị tổn thương, cụ thể:
- Xơ vữa động mạch tim: Gây ra các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim.
- Xơ vữa động mạch cảnh: Gây tê bì tay chân, hoa mắt chóng mặt, nói lắp, khó nói, mất thị lực tạm thời.
- Xơ vữa động mạch ngoại vi: Gây tê đau chân tay, chuột rút và đau tăng khi vận động.
- Xơ vữa động mạch thận: Gây cao huyết áp, chán ăn, tay chân phù, tiểu ít.
Xơ vữa động mạch ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tim mạch và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy tim, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hoại tử chia, suy thận,…
3.7. Thiếu chất và thiếu máu
Thiếu chất dinh dưỡng
Các vitamin nhóm B đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng của hệ thần kinh. Khi cơ thể thiếu những vitamin này, có thể gây ra hiện tượng viêm dây thần kinh ngoại biên (peripheral neuropathy), dẫn đến tê bì, châm chích, hoặc mất cảm giác ở các chi, đặc biệt là ở chân.
Ngoài ra, thiếu hụt các khoáng chất như magiê, kali hoặc canxi cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh, làm suy giảm sự dẫn truyền tín hiệu và gây ra các triệu chứng tê chân. Thiếu dinh dưỡng có thể do chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém.
Thiếu máu
Thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu do thiếu sắt hoặc vitamin B12, có thể gây tê chân mất cảm giác vì khi thiếu máu, cơ thể không nhận đủ lượng oxy và dưỡng chất cần thiết cho các mô, bao gồm các tế bào thần kinh. Khi các tế bào thần kinh không được cung cấp đủ oxy, chúng có thể hoạt động kém, dẫn đến hiện tượng tê bì hoặc mất cảm giác.
Một trong những nguyên nhân thiếu máu thường gặp là thiếu sắt, vì sắt là yếu tố thiết yếu để sản xuất hemoglobin, một protein trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy. Nếu thiếu sắt, cơ thể không thể cung cấp đủ oxy cho các mô và cơ quan, gây mệt mỏi, chóng mặt, và tê bì ở chân.
4. Thường xuyên bị tê chân nguy hiểm thế nào?
Triệu chứng tê chân không trực tiếp gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu tê chân xuất hiện thường xuyên và kéo dài có thể tạo thành những ảnh hưởng tiêu cực như:
Ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể: Chân bị tê bì liên tục gây khó chịu, khiến người bệnh mệt mỏi, ăn ngủ kém, thậm chí hình thành tâm lý ức chế, dễ nổi nóng, lâu ngày dẫn đến suy nhược cơ thể.
Giảm khả năng vận động: Triệu chứng tê khiến chân bị mất lực, giảm hoặc mất cảm giác tiếp xúc, gây khó chịu và khó khăn khi vận động. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và hiệu quả công việc.
Dễ bị tai nạn: Do người bệnh bị giảm hoặc mất cảm giác ở chân dẫn đến giảm khả năng phán đoán về địa hình cũng như điều chỉnh sử dụng lực phù hợp. Điều này khiến người bệnh dễ bị ngã hay khó làm chủ các hoạt động như: lái xe, đạp xe, tập luyện các bài tập dùng chân nhiều, mang vác vật,…
Yếu cơ: Hệ thống thần kinh chịu trách nhiệm chi phối hoạt động của cơ. Vì vậy, ở những người hay bị tê chân lâu ngày dễ gặp phải tình trạng yếu cơ, giảm sức mạnh của các cơ bắp chân, trường hợp nghiêm trọng có thể bị liệt hoặc teo cơ.
Tăng nguy cơ biến chứng bệnh lý: Tê chân thường xuyên khiến người bệnh bị mất hoặc cảm giác đau trên da. Điều này khiến người bệnh chậm phát hiện các tổn thương nhiễm trùng, hoại tử trên chân do biến chứng của các bệnh lý như đái tháo đường, khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
Tê chân có khi chỉ là biểu hiện sinh lý khi ngồi sai tư thế hoặc đứng lâu làm cản trở tuần hoàn máu và chèn ép vào hệ thống thần kinh. Tuy nhiên, nếu tê chân đi kèm cảm giác đau nhức, tê buốt và lan dọc chi, gây khó khăn khi cử động thì rất có thể là dấu hiệu phản ánh cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡnghoặc mắc các bệnh lý như: suy giãn tĩnh mạch, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, tiểu đường,…
Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và gây khó chịu, việc áp dụng các mẹo đơn giản tại nhà cũng có thể giúp giảm bớt cảm giác tê bì và cải thiện tuần hoàn máu. Để tìm hiểu thêm về các phương pháp hữu ích này, bạn có thể tham khảo bài viết “8 mẹo chữa tê chân nhanh chóng mà hiệu quả tại nhà”. Các mẹo này không chỉ hiệu quả mà còn dễ thực hiện, giúp bạn cảm thấy thoải mái và cải thiện sức khỏe đôi chân đáng kể.
Như vậy, chân hay bị tê không chỉ là phản xạ sinh lý mà có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiềm ẩn. Vì vậy, bạn tuyệt đối không được chủ quan khi triệu chứng này xuất hiện thường xuyên và kéo dài. Ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám làm rõ nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.
5. Tê chân mất cảm giác do bệnh lý điều trị thế nào?
Bị tê chân mất cảm giác do vấn đề bệnh lý thì việc điều trị có thể chia thành hai nhánh chính như sau:
5.1. Điều trị triệu chứng tê chân
Điều trị triệu chứng tê chân chủ yếu nhằm giảm bớt cảm giác khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh trong thời gian ngắn. Các phương pháp này giúp làm dịu nhanh chóng tình trạng tê bì mà không can thiệp trực tiếp vào nguyên nhân gây bệnh:
- Sử dụng thuốc giảm đau thần kinh: Các loại thuốc như gabapentin hoặc pregabalin có tác dụng làm dịu các cơn đau do tổn thương thần kinh, giúp giảm tê bì và cải thiện cảm giác.
- Thuốc giảm viêm và giảm đau: Đối với những người bị tê chân do viêm hoặc chèn ép thần kinh (chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm), thuốc giảm viêm không steroid (NSAID) có thể được sử dụng để giảm viêm, đau và tê.
- Bấm huyệt và châm cứu: Các liệu pháp bấm huyệt và châm cứu giúp kích thích tuần hoàn máu, giảm căng cơ, đồng thời cải thiện cảm giác ở chân, mang lại hiệu quả giảm tê bì cho người bệnh.
5.2. Điều trị toàn diện để giải quyết căn nguyên bệnh
Chỉ tập trung vào việc làm dịu cảm giác tê bì bằng các biện pháp tạm thời không thể giải quyết triệt để nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Tê chân có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, từ các bệnh lý về cột sống, mạch máu, thần kinh cho đến những bệnh mãn tính như tiểu đường. Mỗi nguyên nhân bệnh lý có đặc thù riêng và yêu cầu phương pháp điều trị thích hợp.
Chẳng hạn, đối với tê chân do thoát vị đĩa đệm, việc giảm chèn ép lên dây thần kinh và điều trị vấn đề cột sống sẽ mang lại hiệu quả lâu dài hơn là chỉ sử dụng thuốc giảm đau. Trong trường hợp tê chân do tiểu đường, việc kiểm soát mức đường huyết và chăm sóc thần kinh là yếu tố quyết định để ngừng tiến triển của bệnh.
Để điều trị dứt điểm tình trạng tê chân và cải thiện chất lượng sống, việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị đúng đắn là rất quan trọng. Khi căn nguyên bệnh được giải quyết, cảm giác ở chân sẽ phục hồi và các triệu chứng khác cũng sẽ được cải thiện.