Giãn tĩnh mạch và giãn mao mạch là hai tình trạng liên quan đến hệ thống mạch máu, thường khiến nhiều người nhầm lẫn. Vậy làm thế nào để phân biệt chính xác hai tình trạng này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ sự khác biệt giữa giãn tĩnh mạch và giãn mao mạch.
Mục lục
Cơ chế bệnh sinh và yếu tố nguy cơ
Giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch xảy ra do sự suy yếu của van trong các tĩnh mạch nông, dẫn đến dòng máu lưu thông chậm, gây ra tăng áp lực tĩnh mạch. Tình trạng này làm cho các tĩnh mạch giãn nở và trở thành giãn tĩnh mạch.
Các yếu tố nguy cơ chính của giãn tĩnh mạch đó là thói quen đứng hoặc ngồi quá lâu. Những người phải đứng hoặc ngồi trong thời gian dài do công việc, như nhân viên bán hàng hoặc nhân viên văn phòng, có nguy cơ cao hơn bị giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ cao bị suy giãn tĩnh mạch chân. Một số yếu tố nguy cơ khác của tình trạng giãn tĩnh mạch là béo phì, di truyền và tuổi tác.
Giãn mao mạch
Giãn mao mạch xảy ra khi thành mạch máu bị suy yếu, mất tính đàn hồi, dễ bị giãn nở khi áp lực máu tăng cao. Các yếu tố nguy cơ làm tăng áp lưc trong mao mạch, khiến chúng bị vỡ. Khi đó, quá trình lưu thông máu ở các mạch máu nhỏ bị rối loạn, gây ứ trệ máu và giãn nở mao mạch.
Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến ngây gian mao mạch. Tia cực tím trong ánh nắng mặt trời làm tổn thương các collagen và elastin trong da, khiến các mạch máu dễ bị giãn nở.
Hormone cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt ở phụ nữ, khi sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn mang thai, sử dụng thuốc tránh thai, hoặc liệu pháp hormone có thể kích thích sự hình thành của giãn mao mạch. Bên cạnh đó, yếu tố di truyền và các tình trạng da như bệnh rosacea cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển giãn mao mạch, khiến da trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương hơn.
Hình dạng
Giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch là những tĩnh mạch lớn, phồng lên, thường có đường kính từ 3mm trở lên. Chúng thường xuất hiện dưới dạng các cấu trúc xoắn, giống như dây thừng dưới da, thường thấy ở chân.
Xem thêm: Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch với 7 cấp độ từ nhẹ tới nặng
Giãn mao mạch
Trong khi đó, giãn mao mạch biểu hiện trên bề mặt da là những mạch máu nhỏ giống như mạng lưới với các đường đỏ, xanh hoặc tím, thường có đường kính dưới 1mm, không nổi trên bề mặt da.
Vị trí và
Giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở chân, đặc biệt là bắp chân và đùi.
Giãn mao mạch
Giãn mao mạch thường xuất hiện ở những vùng da mỏng như mặt, cổ, ngực. Giãn mao mạch cũng có thể xuất hiện ở chân và được gọi là giãn tĩnh mạch mạng nhện.
Triệu chứng
Giãn tĩnh mạch
Các triệu chứng của giãn tĩnh mạch như sau:
- Đau và khó chịu: Bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thường cảm thấy đau nhức, râm ran, hoặc có cảm giác bỏng rát ở vùng bị ảnh hưởng. Cơn đau thường tồi tệ hơn sau khi đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.
- Sưng phù chân: Có thể xảy ra hiện tượng sưng ở chân, đặc biệt là xung quanh mắt cá chân, do tích tụ dịch (phù nề).
- Chân nặng nề, nhanh mỏi: Chân có thể cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, hoặc bồn chồn, đặc biệt vào cuối ngày.
- Thay đổi sắc tố da: Theo thời gian, da xung quanh giãn tĩnh mạch có thể trở nên khô, ngứa, và mỏng. Trong những trường hợp nặng, da có thể bị đổi màu (tăng sắc tố), và trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể phát triển thành loét.
- Chuột rút: Chuột rút chân vào ban đêm là một triệu chứng phổ biến, cùng với cảm giác ngứa hoặc râm ran.
Giãn mao mạch
Giãn tĩnh mạch thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào ngoài vấn đề thẩm mỹ. Trong một số hiếm trường hợp, giãn mao mạch có thể gây ra cảm giác râm ran, ngứa nhẹ ở vùng bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng
Giãn tinh mạch
Giãn tĩnh mạch là dấu hiệu của sự suy giảm chức năng tĩnh mạch, và mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể thay đổi tùy thuộc vào loại tĩnh mạch bị ảnh hưởng.
Giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở tĩnh mạch nông, tĩnh mạch xuyên, và tĩnh mạch sâu. Tĩnh mạch nông, như các tĩnh mạch ở chân, thường gặp và có thể gây ra triệu chứng như đau, sưng, và cảm giác nặng chân. Tuy nhiên, khi bệnh ảnh hưởng đến tĩnh mạch sâu, tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn và có nguy cơ cao hơn với các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và viêm tĩnh mạch. Huyết khối có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, gây đau đớn nghiêm trọng và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu cục máu di chuyển đến phổi, gây tắc mạch phổi.
Đọc thêm: Vỡ tĩnh mạch có thể chết người hay không?
Giãn mao mạch
Trong khi đó, giãn mao mạch chỉ biểu hiện ở bề mặt da và hiếm khi gây biến chứng. Mối quan tâm chính của những bệnh nhân bị giãn mao mạch là về mặt thẩm mỹ, nhất là vùng má, đặc biệt khi lan rộng. Do đó, bệnh nhân chú trọng vào việc điều trị để cải thiện diện mạo da hơn là điều trị các triệu chứng liên quan đến sức khỏe nghiêm trọng.
Chẩn đoán
Giãn tĩnh mạch
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khám trực tiếp, quan sát các tĩnh mạch bị giãn, ấn vào các tĩnh mạch để đánh giá sự căng đầy và độ đàn hồi.
- Siêu âm Doppler: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất để đánh giá tình trạng giãn tĩnh mạch. Siêu âm Doppler giúp hình ảnh hóa các tĩnh mạch bị giãn, các van hỏng và đánh giá dòng chảy máu.
- Venography: Đây là một xét nghiệm xâm lấn ít được sử dụng hiện nay, chỉ dùng trong những trường hợp cần đánh giá chi tiết hơn.
- MRI: Dùng để đánh giá các biến chứng của giãn tĩnh mạch như huyết khối tĩnh mạch sâu.
Giãn mao mạch
- Khám lâm sàng: Đây là phương pháp chẩn đoán chính. Bác sĩ sẽ quan sát trực tiếp các mạch máu giãn nở trên da, xác định vị trí, màu sắc và kích thước của các mạch máu này.
- Đèn soi Wood: Dùng đèn soi Wood để quan sát rõ hơn các mạch máu giãn nở dưới da.
- Siêu âm Doppler: Trong một số trường hợp, có thể sử dụng siêu âm Doppler để đánh giá sâu hơn về tình trạng của các mạch máu. Tuy nhiên, phương pháp này thường ít được sử dụng cho giãn mao mạch.
Điều trị
Khi điều trị bệnh giãn tĩnh mạch và giãn mao mạch, cần lưu ý đến sự khác biệt quan trọng giữa hai tình trạng này. Giãn tĩnh mạch cần điều trị chuyên sâu hơn nhằm cải thiện triệu chứng đau nhức, sưng tấy và ngăn ngừa biến chứng. Ngược lại, giãn mao mạch thường được coi là vấn đề thẩm mỹ và có thể được điều trị hiệu quả bằng các phương pháp nhẹ nhàng hơn. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và mong muốn thẩm mỹ của bệnh nhân.
Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về các phương pháp điều trị với từng bệnh.
Điều trị giãn tĩnh mạch
Thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống
Ở giai đoạn đầu của bệnh giãn tĩnh mạch, khi triệu chứng còn nhẹ như cảm giác nặng chân, mệt mỏi, hoặc xuất hiện một vài tĩnh mạch nhỏ giãn ra, việc thay đổi lối sống có thể đủ để kiểm soát bệnh. Các biện pháp như tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng hợp lý, tránh đứng hoặc ngồi lâu, và sử dụng vớ y khoa có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
1/ Tập luyện thường xuyên, đặc biệt là các bài tập tăng cường cơ bắp chân như đi bộ hoặc đạp xe, có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm nguy cơ hình thành giãn tĩnh mạch mới. Nên tránh các môn thể thao gây áp lực quá lớn cho đôi chân ví dụ như chạy bộ cường độ cao, nâng tạ chân, nhảy dây hay aerobic cường độ cao…
2/ Duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm áp lực lên các tĩnh mạch ở chân. Trong chế độ ăn uống hằng ngày nên chú ý giảm lượng muối để ngăn ngừa tình trạng giữ nước, làm giảm sưng và áp lực lên tĩnh mạch. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, và ngũ cốc nguyên hạt để tránh táo bón, một yếu tố có thể làm tăng áp lực trong tĩnh mạch.
3/ Thay đổi tư thế thường xuyên và cố gắng nâng cao chân khi nghỉ ngơi để giảm áp lực lên tĩnh mạch. Nếu công việc yêu cầu phải đứng hoặc ngồi lâu, hãy cố gắng thay đổi tư thế thường xuyên. Đứng lâu nên thực hiện động tác nhón chân để kích thích tuần hoàn, còn khi ngồi, hãy duỗi chân hoặc đứng dậy đi lại mỗi 30 phút. Khi nghỉ ngơi, hãy nâng cao chân bằng cách đặt chúng trên gối hoặc một chiếc ghế nhỏ để giúp máu lưu thông trở lại tim một cách dễ dàng.
Đọc thêm: Đứng hay ngồi làm việc sẽ tốt hơn?
4/ Sử dụng vớ y khoa giúp nén các tĩnh mạch, cải thiện tuần hoàn và giảm triệu chứng. Vớ y khoa có các mức độ nén khác nhau, từ nhẹ đến mạnh. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn loại vớ phù hợp với mức độ giãn tĩnh mạch của mình. Mang vớ vào buổi sáng khi chân còn ít sưng, và đảm bảo vớ vừa vặn, không quá chật gây khó chịu, nhưng đủ chặt để nén các tĩnh mạch và cải thiện tuần hoàn.
Tham khảo: 10 loại vớ y khoa chất lượng cho người bị giãn tĩnh mạch chân
Điều trị y khoa
Khi bệnh tiến triển đến các cấp độ cao hơn, với sự xuất hiện của các tĩnh mạch lớn, sưng tấy, đau đớn và biến chứng như loét da, các biện pháp thay đổi lối sống vẫn cần thiết nhưng không còn đủ. Ở giai đoạn này, các phương pháp can thiệp y khoa hoặc phẫu thuật thường là bắt buộc để điều trị hiệu quả. Mặc dù vậy, ngay cả sau khi can thiệp, việc tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tái phát và hỗ trợ quá trình hồi phục.
Điều trị bằng thuốc: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp giảm sưng và cải thiện tuần hoàn máu, chẳng hạn như thuốc venotonic hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).
Ngoại khoa:
- Chích xơ tĩnh mạch: Đây là phương pháp tiêm một dung dịch đặc biệt vào tĩnh mạch bị giãn, làm cho tĩnh mạch co lại và biến mất theo thời gian. Phương pháp này hiệu quả cho các tĩnh mạch nhỏ và vừa.
- Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này được sử dụng cho các tĩnh mạch lớn và sâu hơn, trong đó một ống nội soi nhỏ được đưa vào tĩnh mạch và sử dụng năng lượng để làm co tĩnh mạch.
- Đốt nhiệt bằng sóng Radio: Sử dụng sóng radio năng lượng cao để làm nóng và co lại tĩnh mạch.
- Điều trị laser nội mạch: Một sợi laser nhỏ được đưa vào tĩnh mạch qua một ống catheter và phát năng lượng laser để co và làm mất tĩnh mạch.
- Phẫu thuật truyền thống (Stripping and Ligation): Phương pháp này bao gồm cắt bỏ các đoạn tĩnh mạch bị giãn thông qua phẫu thuật. Thường áp dụng cho các trường hợp nặng.
2. Điều trị giãn mao mạch
Thay đổi lối sống
Việc thay đổi lối sống vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và giảm nhẹ tình trạng giãn mao mạch. Tuy nhiên, các biện pháp thay đổi lối sống cho giãn mao mạch khác với giãn tĩnh mạch. Trong khi giãn tĩnh mạch sự tập trung vào cải thiện tuần hoàn máu và giảm áp lực lên tĩnh mạch, giãn mao mạch lại đòi hỏi chú trọng vào việc bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời.
Đối với phụ nữ, việc thay đổi thuốc tránh thai hoặc điều chỉnh liệu pháp hormone có thể giúp ngăn ngừa sự xuất hiện thêm của các mao mạch giãn, duy trì làn da khỏe mạnh và thẩm mỹ.
Can thiệp y khoa
- Sclerotherapy (Xơ Hóa Tĩnh Mạch): Đây cũng là phương pháp phổ biến để điều trị giãn mao mạch, tương tự như điều trị giãn tĩnh mạch. Một dung dịch được tiêm vào mao mạch giãn, làm cho chúng biến mất theo thời gian.
- Laser và Điều Trị Ánh Sáng: Laser hoặc ánh sáng cường độ cao có thể được sử dụng để làm co và loại bỏ mao mạch giãn. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả trên các vùng da mỏng như mặt và ngực.
- Điều Trị IPL (Intense Pulsed Light): IPL là một phương pháp sử dụng ánh sáng xung cường độ cao để điều trị các vấn đề về sắc tố và mao mạch giãn. Nó có thể thâm nhập sâu vào da để điều trị mao mạch giãn mà không làm tổn thương vùng da xung quanh.
- Electrocautery: Sử dụng dòng điện để đốt cháy và phá hủy các mao mạch giãn. Tuy nhiên, phương pháp này có thể để lại sẹo nhỏ và thường không phổ biến bằng các phương pháp khác.
- Vi phẫu: Đối với những trường hợp mao mạch giãn lớn và phức tạp, phẫu thuật vi phẫu có thể được sử dụng để loại bỏ các mao mạch này. Phương pháp này ít được sử dụng hơn và thường chỉ áp dụng trong các trường hợp đặc biệt.