Gừng từ lâu đã được biết đến là một loại thảo dược tự nhiên với nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt là trong việc cải thiện tuần hoàn máu. Nhiều người tin rằng gừng có thể hỗ trợ điều trị giãn tĩnh mạch hiệu quả nhờ vào đặc tính kháng viêm và giảm sưng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng gừng một cách an toàn. Trước khi áp dụng phương pháp này, hãy cẩn thận với 4 cảnh báo quan trọng mà chúng tôi chia sẻ sau đây.
Mục lục
Cách chữa giãn tĩnh mạch bằng gừng mọi người thường áp dụng
Trước khi đi vào chi tiết, Dulcit muốn nhấn mạnh rằng những cách dùng gừng để chữa giãn tĩnh mạch dưới đây mà nhiều người thường áp dụng là dựa trên kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, chúng tôi không khẳng định hiệu quả của các phương pháp này, và việc sử dụng nên được cân nhắc kỹ lưỡng:
Cách 1: Uống trà gừng mật ong
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 2 – 3 lát gừng tươi.
- 1 cốc nước sôi.
- 1 thìa cà phê mật ong.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Cho 2 – 3 lát gừng tươi đã cạo sạch vỏ vào cốc. Thêm nước vừa đun sôi.
- Bước 2: Chờ 4 – 5 phút để gừng ngấm nước.
- Bước 3: Thêm một chút mật ong, khuấy đều.
Cách 2: Chườm nóng bằng gừng và muối
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1 củ gừng tươi.
- 1 thìa cà phê muối.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Thái nhỏ, thêm nước rồi cho vào nồi đun sôi.
- Bước 2: Bỏ phần gừng đã đun sôi và muối vào một chiếc khăn mỏng.
- Bước 3: Chườm khăn lên vùng tĩnh mạch bị suy giãn.
Cách 3: Massage bằng tinh dầu gừng
Nguyên liệu:
- 5 – 10 giọt tinh dầu gừng (có thể dùng dầu dừa, dầu oliu hay dầu jojoba đều được)
- 30ml dầu dẫn
Cách thực hiện:
- Trộn 5-10 giọt tinh dầu gừng với 30ml dầu dẫn. Khuấy đều để hỗn hợp được đồng nhất.
- Cho hỗn hợp vào một bát nhỏ và ngâm vào nước ấm. Để hỗn hợp ấm lên giúp tăng cường hiệu quả của tinh dầu.
- Thoa một lượng nhỏ hỗn hợp tinh dầu bắp chân và bàn chân
- Dùng các đầu ngón tay massage nhẹ nhàng theo chuyển động tròn từ mắt cá chân lên đến đầu gối.
- Tập trung vào các vùng bị đau nhức hoặc sưng tấy.
- Massage trong khoảng 10-15 phút.
- Dùng khăn mềm lau sạch phần tinh dầu còn sót lại trên da.
Chữa giãn tĩnh mạch bằng gừng có thật sự hiệu quả?
Hiệu quả chưa được kiểm chứng
Gừng tính ấm, có khả năng cải thiện tuần hoàn máu, gây tê và kháng viêm, tuy nhiên không có bằng chứng cụ thể hay nghiên cứu nào chỉ rõ rằng ăn gừng hoặc bôi đắp gừng có hiệu quả trực tiếp trong việc chữa giãn tĩnh mạch. Các nghiên cứu khoa học chỉ dừng lại ở việc xác định rằng trong thành phần của gừng có những hoạt chất có lợi với bệnh lý mạch máu nói chung.
Một nghiên cứu đăng trên thư viện quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2021 cho thấy gừng chứa nhiều thành phần hóa học khác nhau bao gồm hợp chất phenolic, terpen, polysacarit, lipid, acid hữu cơ,...., trong đó hợp chất phenolic là thành phần chính tạo nên hoạt tính sinh học của vị thuốc này.
Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng được đăng tải trên Tạp chí Food & Function năm 2021 kết luận rằng hợp chất phenolic (điển hình là gingerol) có tác dụng:
- Tăng sinh tế bào cơ trơn thành mạch.
- Đáp ứng tốt với cytokin gây viêm.
- Giảm lượng cholesterol trong máu.
- Chống oxy hóa, trung hòa gốc tự do trong cơ thể.
Có thể thấy, gừng hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích trong điều trị bệnh lý huyết áp, tim mạch và bệnh lý mạch máu nói chung. Tuy vậy, nghiên cứu về lợi ích của gừng trong điều trị bệnh lý mạch máu vẫn còn lẻ tẻ, rời rạc và đối tượng nghiên cứu vẫn chỉ dừng lại ở tế bào, chưa được thử nghiệm trên con người.
Liệu có thể thử áp dụng tại nhà được không?
Bạn có thể thử áp dụng cách trị giãn tĩnh mạch bằng gừng tại nhà như một biện pháp hỗ trợ, nhưng không nên quá kỳ vọng vào hiệu quả của phương pháp này.
Trước khi thực hiện, bạn cần nắm được các lưu ý quan trọng sau:
1/ Đối với các hình thức chườm và massage gừng lên chân:
Thứ nhất: Không nên chườm nóng hoặc massage với tinh dầu nóng, vì nhiệt độ cao có thể làm tăng lưu lượng máu đến vùng bị giãn tĩnh mạch, gây thêm áp lực lên các tĩnh mạch vốn đã yếu. Điều này có thể làm tình trạng giãn tĩnh mạch trở nên tồi tệ hơn.
Thứ hai: Không nên dùng gừng thoa lên chân ở giai đoạn người bệnh suy giãn tĩnh mạch có biểu hiện bầm tím, lở loét. Các vết loét thường rất nhạy cảm và dễ bị nhiễm trùng. Việc thoa dầu hoặc bôi đắp gừng lên vết loét có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt nếu vết thương chưa được xử lý vệ sinh đúng cách.
Thứ ba: Nếu sử dụng gừng để massage thì không nên làm nóng tinh dầu. Thay vì vậy, bạn có thể dùng tinh dầu gừng pha với nước mát dùng để tắm, ngâm chân.
Thứ tư: Sử dụng dầu dẫn khi massage như dầu dừa hoặc dầu ô liu để tránh kích ứng da. Không được bôi trực tiếp tinh dầu nguyên chất lên da.
2/ Đối với việc uống trà gừng
Nếu muốn áp dụng phương pháp này, bạn có thể thêm gừng vào một số món ăn thích hợp hoặc sử dụng trà gừng 2 – 3 lần mỗi tuần.
Không nên lạm dụng vì có thể gây ra cảm giác nóng rát ở miệng, thực quản, kích ứng đường tiêu hóa, ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, tiêu chảy, lâu dần có thể dẫn đến bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản, rối loạn chức năng đại tràng,…
Lưu ý thêm một số đối tượng sau không nên ăn nhiều gừng:
- Phụ nữ mang thai: Gừng có thể gây co thắt tử cung, vì vậy phụ nữ mang thai nên thận trọng khi sử dụng.
- Người bị rối loạn đông máu: Gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Người bị trào ngược dạ dày thực quản: Gừng có thể làm tăng lượng axit dạ dày, gây khó chịu cho người bị trào ngược.
- Người bị loét dạ dày: Gừng có thể kích ứng niêm mạc dạ dày, làm tình trạng loét trở nên nghiêm trọng hơn.
- Người đang dùng thuốc làm loãng máu: Gừng có thể tương tác với các loại thuốc này, tăng nguy cơ chảy máu.