Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý phổ biến với nhiều triệu chứng phức tạp ở mỗi giai đoạn. Chính vì vậy, có không ít đồn đoán khác nhau về căn bệnh này. Việc tin tưởng vào những lời đồn không đúng sự thật có thể khiến người bệnh cảm thấy hoang mang hoặc gặp sai lầm trong chăm sóc, điều trị bệnh. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp 8 lầm tưởng thường gặp về bệnh suy giãn tĩnh mạch chân.
Mục lục
- 1. Suy giãn tĩnh mạch chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ
- 2. Chỉ phụ nữ mới bị suy giãn tĩnh mạch
- 3. Tất cả người cao tuổi đều sẽ bị suy giãn tĩnh mạch
- 4. Tập thể dục khiến suy giãn tĩnh mạch nặng hơn
- 5. Ngâm chân nước nóng giúp triệu chứng được cải thiện
- 6. Phẫu thuật là cách duy nhất điều trị suy giãn tĩnh mạch
- 7. Không cần điều trị vì suy giãn tĩnh mạch sẽ tái phát
- 8. Giãn tĩnh mạch chân chỉ cần điều trị khi có biến chứng
1. Suy giãn tĩnh mạch chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ
Suy giãn tĩnh mạch chân xảy ra khi hệ thống van một chiều và tĩnh mạch vùng chân bị suy giãn và giảm chức năng tuần hoàn máu từ chân về tim. Quá trình này kéo dài khiến lượng máu tăng tích tụ ở tĩnh mạch chân khiến tĩnh mạch giãn rộng và nổi lên trên bề mặt da.
Bạn có thể dễ dàng phát hiện một người bị suy giãn tĩnh mạch chân thông qua những mạch máu xanh tím xuất hiện li ti hoặc ngoằn ngoèo trên bề mặt da.
Trong giai đoạn đầu, người bệnh suy giãn tĩnh mạch chân thường không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt. Hầu hết mọi người chỉ nhận thấy cảm giác căng tức, tê ngứa râm ran trên bề mặt da. Vậy nên, nếu tiếp xúc với người bệnh trong giai đoạn này, nhiều người thường lầm tưởng rằng suy giãn tĩnh mạch chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà không quá nghiêm trọng.
Trên thực tế, phần lớn người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng đau nhức, sưng phù, chuột rút và nặng mỏi chân khi bước vào giai đoạn cấp độ 2. Nghiêm trọng hơn, suy giãn tĩnh mạch nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: lở loét da, huyết khối tĩnh mạch sâu, tăng nhịp thất,… Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan khi mắc phải bệnh lý này.
2. Chỉ phụ nữ mới bị suy giãn tĩnh mạch
Sự thật là, suy giãn tĩnh mạch chân xuất hiện phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Nguyên nhân là phụ nữ có nhiều giai đoạn bị rối loạn nội tiết trong đời như: mang thai, cho con bú, dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt và tiền mãn kinh. Sự rối loạn nội tiết có thể khiến khiến tĩnh mạch bị phình giãn khiến phụ nữ dễ bị suy giãn tĩnh mạch hơn.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ giãn tĩnh mạch ở nữ giới thường cao gấp 2 – 3 lần nam giới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng chỉ phụ nữ mới mắc phải bệnh lý này. Suy giãn tĩnh mạch vẫn có thể xảy ra ở nam giới, gây ra các triệu chứng cũng như biến chứng tương tự như ở nữ giới.
3. Tất cả người cao tuổi đều sẽ bị suy giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch có thể là hậu quả của quá trình lão hoá do sự biến mất và đứt gãy các sợi collagen, elastin trong thành mạch máu. Ngoài ra, những bệnh lý tim mạch thường gặp người cao tuổi như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch,… cũng là yếu tố nguy cơ khiến tĩnh mạch bị suy yếu và dễ phình giãn. Đây là lý do khiến suy giãn tĩnh mạch phổ biến ở người cao tuổi.
Tuy nhiên, không phải tất cả người cao tuổi đều bị suy giãn tĩnh mạch. Suy giãn tĩnh mạch chân có thể bắt đầu từ 30 tuổi trở đi. Thống kê cho thấy, có khoảng 40% người trên 50 tuổi bị suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, những người có chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện khoa học hoàn toàn có thể tránh khỏi bệnh lý này.
Tìm hiểu thêm: Suy giãn tĩnh mạch ở độ tuổi 20
4. Tập thể dục khiến suy giãn tĩnh mạch nặng hơn
Nhiều người bệnh suy giãn tĩnh mạch phàn nàn rằng họ cảm thấy vùng chân bị đau nhức, sưng tấy và nặng mỏi hơn sau khi tập thể dục. Và đó là lý do họ quyết định không tập thể dục để “tránh suy giãn tĩnh mạch tiến triển nặng hơn”. Tuy nhiên, đây là quan điểm chưa hoàn toàn đúng.
Suy giãn tĩnh mạch xảy ra do hệ thống tĩnh mạch giảm hoặc mất khả năng vận chuyển máu từ chân về tim khiến máu tăng tích tụ trong lòng tĩnh mạch. Do đó, những bài tập vận động nặng gây áp lực mạnh và đột ngột lên vùng chân có thể khiến tình trạng này nghiêm trọng hơn, làm nặng hơn các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch. Thế nhưng, nếu lựa chọn được bài tập phù hợp, người bệnh có thể nhận được nhiều lợi ích về sức khỏe và cải thiện tuần hoàn máu.
Theo đó, người bệnh nên chọn những bài tập phối hợp toàn thân và tránh tạo áp lực lớn lên vùng chân như: đi bộ, đạp xe, bơi lội,….
Gợi ý: Các bài tập chân cho người bị giãn tĩnh mạch
Ngoài ra, người bệnh cần điều chỉnh cường độ và thời gian tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Việc lựa chọn các biện pháp hỗ trợ như: đeo vớ y khoa, đeo giày tập chuyên dụng,… cũng giúp bảo vệ và tăng lợi ích cho người bệnh.
5. Ngâm chân nước nóng giúp triệu chứng được cải thiện
Ngâm chân nước nóng là một trong những biện pháp được áp dụng nhiều nhất khi ai đó bị đau, nhức mỏi chân. Tuy nhiên, phương pháp này lại không phù hợp với những bệnh nhân giãn tĩnh mạch. Nguyên nhân là nhiệt độ cao của nước khiến tĩnh mạch giãn rộng làm tăng lượng máu ứ đọng trong lòng tĩnh mạch. Hệ quả các triệu chứng: sưng tấy, nặng mỏi, đau nhức chân trở nên nghiêm trọng hơn.
Thay vì ngâm chân nước nóng, bệnh nhân giãn tĩnh mạch nên tưới chân với nước mát hoặc lựa chọn các biện pháp khác như: massage chân, kê cao chân, tập các bài tập nâng cao chân, đeo vớ y khoa,…. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn được sản phẩm phù hợp với mình.
6. Phẫu thuật là cách duy nhất điều trị suy giãn tĩnh mạch
Phẫu thuật suy giãn tĩnh mạch là biện pháp can thiệp ngoại khoa giúp loại bỏ những tĩnh mạch bị mất chức năng, giảm nguy cơ giãn vỡ hay hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu. Phẫu thuật được biết đến như biện pháp can thiệp cuối cùng cho những bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nhưng không phải là biện pháp duy nhất.
Cùng với sự phát triển của Y học, người bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể lựa chọn nhiều biện pháp điều trị khác nhau, điển hình như: uống thuốc điều trị, đeo vớ y khoa, diện chẩn, chích xơ tĩnh mạch, sử dụng laser cao tần hoặc phẫu thuật. Tuỳ vào mức độ bệnh và thể trạng sức khỏe, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện điều trị đơn độc hoặc phối hợp đồng thời nhiều biện pháp cùng lúc.
7. Không cần điều trị vì suy giãn tĩnh mạch sẽ tái phát
Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý mãn tĩnh, khó có thể chữa khỏi hoàn toàn mà lại dễ tái phát sau điều trị. Ngay cả khi người bệnh áp dụng các phương pháp hiện đại nhất như: phẫu thuật, chích xơ tĩnh mạch, đốt laser,… các tĩnh mạch khác ở chân vẫn có thể tiếp tục bị suy giãn và tiến triển thành bệnh lý.
Tuy nhiên, đây không phải lý do để bạn từ chối các phương pháp điều trị. Việc điều trị bệnh không chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng mà còn là biện pháp hiệu quả ngăn bệnh tiến triển thành biến chứng nguy hiểm. Mặt khác, suy giãn tĩnh mạch có thể tái phát nhưng tỷ lệ không cao. Sau điều trị, người bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh tái phát nếu biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.
8. Giãn tĩnh mạch chân chỉ cần điều trị khi có biến chứng
Điều trị giãn tĩnh mạch chân khi có biến chứng là một quan niệm sai lầm. Biến chứng thường xuất hiện khi tĩnh mạch chân bị giãn quá mức, mất chức năng. Việc điều trị lúc này có thể khiến người bệnh bị đau đớn nhiều hơn, giảm hiệu quả và tăng nguy cơ biến chứng trong khi trị liệu. Mặt khác, việc điều trị quá muộn khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng khó chịu trong thời gian dài, làm suy giảm chất lượng sống.
Vì lý do này, người bệnh suy giãn tĩnh mạch được khuyên nên điều trị bệnh càng sớm càng tốt. Thời điểm tốt nhất nên can thiệp điều trị là khi các triệu chứng bệnh rõ rệt (cấp độ 2). Việc điều trị bệnh lúc này không chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng mà còn tăng hiệu quả điều trị, giảm tối đa nguy cơ bệnh tái phát.
Có thể bạn muốn biết: Bị suy giãn tĩnh mạch khám khoa nào?
Suy giãn tĩnh mạch không chỉ gây khó chịu mà có thể tiến triển thành biến chứng nếu không được điều trị đúng cách. Mong rằng những chia sẻ trong bài viết hôm nay có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này, tránh gặp phải những sai lầm trong quá trình chăm sóc và kiểm soát bệnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về bệnh lý này, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp đến hotline: 1900 545 518 để được chuyên gia giải đáp sớm nhất.