Magie là một khoáng chất quan trọng trong cơ thể, hỗ trợ nhiều chức năng khác nhau như: chức năng cơ và thần kinh, kiểm soát lượng đường trong máu, duy trì mức huyết áp và nhịp tim ổn định… Ngoài ra, hoạt chất này còn giúp xương chắc khỏe, tạo điều kiện để quá trình trao đổi canxi và kali giữa các tế bào diễn ra thuận lợi hơn.
1. Magie có giúp điều giảm triệu chứng của chứng chân không yên?
Các nhà nghiên cứu cho rằng một số trường hợp mắc hội chứng chân không yên (RLS) có thể do thiếu magie. Khi nồng độ magie trong máu thấp, vitamin D không thể biến đổi thành dạng hoạt động để cơ thể hấp thụ được canxi.
Lúc này, canxi sẽ kích thích các dây thần kinh và cơ bắp gây ra triệu chứng co cơ, chuột rút và đau nhức – những dấu hiệu phổ biến của hội chứng chân không yên. Trong trường hợp bổ sung đủ magie, các mô cơ được thư giãn, đồng nghĩa với việc những triệu chứng trên xuất hiện với tần suất thấp hơn.
Magie là thành phần cơ bản trong quá trình chuyển hóa carbohydrate và insulin, giúp cơ thể sản sinh và sử dụng insulin hiệu quả. Hay nói cách khác magie góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát đường huyết. Vì vậy, nồng độ magie trong máu thấp là yếu tố nguy cơ hình thành nên bệnh đái tháo đường – một trong những bệnh lý thường gặp có liên quan đến hội chứng chân không yên.
Ngoài ra, magie còn giúp người mắc hội chứng chân không yên ngủ ngon hơn bằng cách:
- Điều chỉnh GABA: Magie điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh trong não gamma – aminobutyric acid (GABA), ngăn chặn các tín hiệu truyền đi và làm dịu thần kinh. Từ đó, bạn cảm thấy bình tĩnh và ngủ ngon hơn.
- Thúc đẩy sản sinh melatonin: Magie kích thích sản sinh melatonin – một loại hormon duy trì nhịp sinh học, giúp bạn dễ ngủ hơn vào ban đêm.
- Giảm cortisol: Magie hoạt động như một loại thuốc an thần, góp phần quản lý nồng độ cortisol – một loại hormon gây căng thẳng, giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Như vậy, magie được coi là một trong những yếu tố tiềm năng giúp trị hội chứng chân không yên, làm giảm các triệu chứng thường gặp như căng cơ, chuột rút, khó chịu ở chân, ngủ không ngon giấc. Bổ sung đủ magie cũng là cách ngăn ngừa tình trạng trên.
2. Nên bổ sung magie như thế nào để cải thiện triệu chứng RLS?
Magie được khuyến khích bổ sung thông qua chế độ ăn uống hằng ngày. Mời bạn tham khảo những thực phẩm chứa hàm lượng lớn magie được liệt kê dưới đây:
- Sô cô la đen: 100 g sô cô la đen chứa khoảng 164 mg magie.
- Bơ: Mỗi quả bơ chứa khoảng 54 mg magie.
- Chuối: 100 mg chuối chứa khoảng 27 mg magie.
- Đậu phụ: 100 mg đậu phụ chứa khoảng 53 mg magie.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Lúa mì, lúa mạch, yến mạch…
- Các loại hạt: Hạnh nhân, hạt điều, hạt hướng dương, đậu phồng, hạt lanh…
- Cây họ đậu: Đậu nành, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu lăng…
- Một số loại cá béo: Cá hồi, cá thu, cá bơn…
- Rau có màu xanh đậm: Rau bina, bông cải xanh, cải xoăn, cải xoong, xà lách…
Tùy vào mức độ và tần suất xuất hiện các triệu chứng của hội chứng chân không yên, bác sĩ có thể đề xuất bổ sung thuốc hoặc thực phẩm chức năng chứa magie, phổ biến nhất là magie oxit bằng đường uống. Liều thường dùng cho người trưởng thành là 270 – 350 mg. Trong một số trường hợp cấp bách, bạn có thể dùng magie sulfat qua đường tĩnh mạch.
Tác dụng phụ thường gặp khi dùng magie là: khó chịu ở dạ dày, nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy… Những tác dụng phụ này có thể giảm dần và biến mất bằng cách giảm liều. Nếu uống magie liều cao sẽ dẫn đến những thay đổi nguy hiểm trong cơ thể cần hết sức lưu ý như: huyết áp thấp, nhịp tim không đều, nhịp thở giảm…
Magie có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm: kháng sinh aminoglycosid, quinolon, tetracyclin, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc giãn cơ, thuốc bisphosphonates…
Ngoài magie còn có nhiều nhóm thực phẩm khác cũng có khả năng cải thiện các triệu chứng của hội chứng chân không yên, bạn có thể theo dõi tiếp nội dung này tại bài viết: Những loại thực phẩm nào tốt cho người bị RLS. Bên cạnh đó, việc tập trung vào giảm stress, thực hiện các bài tập phù hợp, và duy trì giấc ngủ đủ giấc cũng có thể giúp kiểm soát triệu chứng RLS.