Khi mang thai, mẹ bầu phải đối diện với hàng loạt triệu chứng khó chịu ở chân, như tình trạng sưng phù chân, chuột rút ban đêm hay những cơn đau mỏi chân.
Cơ thể nặng nề kèm theo đôi chân thường xuyên đau mỏi có thể khiến việc di chuyển của mẹ bầu trở nên vất vả hơn gấp nhiều lần. Không chỉ vậy, tình trạng này còn tạo ra tâm lý lo lắng cho các bà mẹ trong suốt thai kỳ bởi những nhiều nguy cơ na ná nhau. Vậy, đau mỏi chân khi mang thai là do đâu, có nguy hiểm không? Bài viết hôm nay sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục
1. Mẹ bầu thường bị đau mỏi chân vào thời điểm nào?
Đau mỏi chân khi mang thai được mô tả bằng cảm giác đau, nhức nhối, mỏi rã rời xuất hiện ở các vị trí khác nhau như: bắp đùi, bắp chân, bàn chân hoặc toàn bộ chân trong suốt thai kỳ. Những triệu chứng này có thể xuất hiện thoáng qua, kéo dài âm ỉ hoặc xảy ra ngắt quãng tùy từng trường hợp cụ thể.
Thực tế, đau mỏi chân có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào nhưng thường phổ biến hơn ở tam cá nguyệt thứ hai và nặng nề hơn ở tam cá nguyệt thứ 3. Tùy vào từng trường hợp mà mức độ đau mỏi nặng nhẹ khác nhau.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể gặp các vấn đề khác ở chân như tình trạng chuột rút ban đêm, sưng phù chân. Điều mẹ bầu cần làm lúc này là giữ tâm lý bình tĩnh, thăm khám sớm để tìm rõ nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Hỏi đáp: Mẹ bầu bị phù chân mấy lần thì đẻ?
2. Nguyên nhân gây đau mỏi chân khi mang thai
Đau mỏi chân khi mang thai có thể xuất phát từ những thay đổi sinh lý trong thai kỳ hoặc yếu tố bệnh lý từ trước đó. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây ra triệu chứng đau nhức chân ở mẹ bầu:
2.1 Do thay đổi nội tiết
Trong suốt thai kỳ, nội tiết của mẹ bầu liên tục biến đổi. Nồng độ progesteron và estrogen liên tục tăng trong khi mang thai gây giãn mạch và kích thích cơ thể tăng sản xuất chất lỏng. Ước tính, lượng chất lỏng trong cơ thể mẹ bầu có thể tăng thêm 50% so với bình thường.
Những yếu tố này khiến tuần hoàn máu trong cơ thể bị chậm lại, đặc biệt là tại hệ thống tĩnh mạch xa tim như ở chân. Hệ quả là máu ứ đọng ở tĩnh mạch chân nhiều hơn, làm tăng áp lực lên thành tĩnh mạch khiến chân bị phù nề, đau nhức.
Mặt khác, cơ thể mẹ bầu tăng tiết hormone relaxin trong 3 tháng cuối thai kỳ nhằm làm mềm dây chằng, nới lỏng các khớp xương để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Hormone này cũng làm giãn cơ và dây chằng vùng chân, gây ra cảm giác nhức mỏi.
2.2 Do sự phát triển của thai nhi
Từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi, cơ thể thai nhi bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng kéo theo sự gia tăng nước ối và tăng kích thước của tử cung. Quá trình này làm tăng áp lực lên cột sống của mẹ, đôi khi có thể dẫn đến chèn ép vào hệ thống thần kinh tọa khiến mẹ bầu bị đau thắt lưng lan tỏa xuống toàn bộ chân.
Mặt khác, kích thước tử cung tăng nhanh cũng chèn ép vào hệ thống động mạch và tĩnh mạch ở vùng chậu, làm cản trở tuần hoàn máu từ chân về tim gây nên hiện tượng “xuống máu” ở chân. Đây là lý do vì sao mẹ bầu thường bị phù và nhức mỏi chân vào 3 tháng cuối của thai kỳ.
2.3 Do tăng cân nhanh
Tăng cân không kiểm soát không phải là tình trạng hiếm gặp ở những mẹ bầu. Trong khi mức cân nặng khuyến cáo nên tăng trong thai kỳ ở mức từ 7 – 12kg thì không ít mẹ bầu tăng 20 – 30kg. Trọng lượng cơ thể tăng nhanh khiến hệ cơ – xương – khớp và các dây chằng bị chèn ép, kéo giãn quá mức, đặc biệt là ở chân – bộ phận nâng đỡ toàn bộ cơ thể.
Vậy nên, không khó hiểu khi một mẹ bầu thừa cân thường xuyên bị nhức mỏi chân. Không chỉ vậy, việc tăng cân quá nhanh cũng kéo theo các nguy cơ về mỡ máu, tiểu đường thai kỳ, huyết áp,… Vì vậy, mẹ bầu nên chủ động kiểm soát tốt cân nặng ngay từ khi bắt đầu thai kỳ.
2.4 Do thiếu dưỡng chất
Khi mang thai, nhu cầu về dinh dưỡng của mẹ bầu tăng cao, đặc biệt là nhu cầu về vitamin và chất khoáng như: canxi, sắt, acid folic, magie,… Đây là những nhóm chất tham gia trực tiếp vào quá trình tạo máu, hình thành và duy trì hoạt động hệ thần kinh, cấu tạo hệ cơ – xương – khớp của cả bà mẹ và em bé.
Chế độ ăn hàng ngày thường không đáp ứng đủ nhu cầu của mẹ trong thời gian này. Vậy nên, nếu không được bổ sung đầy đủ mẹ bầu có thể dễ gặp phải các vấn đề như: thiếu máu, rối loạn chức năng thần kinh, đau nhức xương khớp.
Đau mỏi chân có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ đang bị thiếu hụt dưỡng chất trong thai kỳ. Ngoài ra, mẹ bầu có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: chuột rút, đau lưng, hoa mắt chóng mặt, tê bì chân tay, rối loạn giấc ngủ, da dẻ xanh xao, chán ăn,….
2.5 Do sai tư thế
Càng về cuối thai kỳ, cơ thể mẹ bầu càng trở nên “cồng kềnh” và nặng nề hơn. Vì vậy, các bà mẹ thường dễ bị sai tư thế khi ngồi, nằm hay thực hiện các hoạt động vận động hàng ngày. Điều đáng nói là khi thực hiện tư thế sai, mẹ bầu có thể vô tình gây chèn ép lên hệ thống thần kinh, mạch máu hay làm căng cơ, giãn dây chằng.
Khi những tác động này xảy ra ở vùng chân, mẹ bầu có thể gặp phải các triệu chứng như: nhức mỏi mỏi, đau cứng cơ, chuột rút, tê bì chân. Tùy vào mức độ chấn thương mà triệu chứng có thể biến mất ngay khi mẹ khôi phục tư thế bình thường hoặc kéo dài âm ỉ một vài ngày sau đó.
2.6 Do bệnh lý
Bên cạnh những yếu tố cơ năng phía trên, đau mỏi chân khi mang thai cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh như suy giãn tĩnh mạch, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa hay viêm xương khớp.
Đọc thêm: Tìm hiểu bệnh suy giãn tĩnh mạch chân ở phụ nữ mang thai
3. Đau mỏi chân khi mang thai có nguy hiểm không?
Đau mỏi chân do các yếu tố sinh lý có thể gây ra một số vấn đề cản trở vận động, ảnh hưởng tới chất lượng và giấc ngủ của mẹ bầu. Tuy nhiên, tình trạng này thường không ảnh hưởng tới thai nhi và sẽ tự hết sau khi sinh
Ngược lại, nếu đau mỏi chân xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, triệu chứng này có thể tiếp diễn, thậm chí trở nặng hơn sau sinh. Nghiêm trọng hơn, một số bệnh lý có thể tiến triển thành biến chứng gây nguy hiểm cho mẹ bầu.
– Suy giãn tĩnh mạch có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu dẫn đến biến chứng thuyên tắc phổi, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, mẹ bầu cần đặc biệt thận trọng nếu từng được chẩn đoán bệnh lý này trước khi mang thai.
Đọc thêm: Suy giãn tĩnh mạch có chữa khỏi được không?
– Thoát vị đĩa đệm có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm như: teo cơ chi, rối loạn bài tiết, bại liệt, hội chứng khập khễnh cách hồi.
– Đau dây thần kinh tọa có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm như: teo cơ vận động, cứng cột sống, rối loạn chức năng đại – tiểu tiện,…
Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng không đáng có, mẹ bầu cần chủ động thông báo triệu chứng và những khó khăn mình đang gặp phải cho bác sĩ để nhận được giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Đọc thêm: Bà bầu tiếp tục bị tê chân sau sinh phải làm sao?
4. Mẹ bầu nên làm gì khi bị đau mỏi chân?
Để kiểm soát và giảm ảnh hưởng của triệu chứng đau mỏi chân khi mang thai, dưới đây là một số lời khuyên dành cho mẹ bầu:
4.1 Thăm khám sớm
Mang thai là thời kỳ cơ thể rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Vì vậy, ngoài lịch khám thai định kỳ, mẹ bầu cần chủ động thăm khám sớm khi gặp phải triệu chứng nhức mỏi chân. Điều này giúp phát hiện sớm nguyên nhân, từ đó kiểm soát triệu chứng hiệu quả hơn.
Ngoài ra, mẹ bầu cần đi khám ngay nếu xuất hiện những dấu hiệu dưới đây:
- Cơn đau dữ dội kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm kể cả khi đã áp dụng các biện pháp cải thiện.
- Tần suất cơn đau xuất hiện dày đặc.
- Xuất hiện các vết bầm, tụ máu ở chân.
- Đau chân kèm theo cảm giác khó chịu ở bụng hay ra máu âm đạo.
- Đau mỏi chân kèm phù chân nặng, hoa mắt, chóng mặt, mờ mắt.
Xem chi tiết: Hay bị đau mỏi chân là dấu hiệu bệnh gì?
4.2 Kiểm soát tốt cân nặng
Việc tăng cân cần được kiểm soát theo thể trạng (chỉ số BMI) của mẹ bầu trước thời kỳ mang thai. Cụ thể:
- Nếu chỉ số BMI bình thường (18.5 – 24.9): Mẹ bầu nên tăng khoảng 10 – 12kg, trong đó tăng 1 – 2 kg trong 3 tháng đầu, tăng 4 – 5 kg trong 3 tháng giữa và tăng 5 – 6kg trong 3 tháng cuối:
- Nếu chỉ số BMI thấp ( dưới 18.5): Mẹ bầu nên tăng khoảng 25% cân nặng trước khi mang thai, thông thường là khoảng 12.7 – 18.3kg.
- Nếu chỉ số BMI cao ( trên 25): Mẹ nên tăng khoảng 15% cân nặng trước khi mang thai, thường là khoảng 7 – 11.3kg.
- Nếu bầu đôi: Mẹ nên tăng khoảng 16 – 20kg trong suốt thai kỳ.
Việc kiểm soát tốt cân nặng không chỉ giúp mẹ hạn chế nguy cơ bị đau mỏi chân mà còn giảm các nguy cơ về sức khỏe như: huyết áp, tiểu đường thai kỳ,… và góp phần lấy lại vóc dáng sau khi sinh nhanh hơn.
4.3 Xây dựng lối sống khoa học
Lối sống khoa học giúp cải thiện sức khỏe của mẹ bầu và giảm nhẹ ảnh hưởng của triệu chứng đau mỏi chân khi mang thai. Một số lưu ý cho mẹ gồm:
- Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh để cơ thể bị lao lực hay căng thẳng quá mức.
- Tránh bê vác hay làm các việc nặng vì có thể làm tăng áp lực lên hệ xương khớp, khiến triệu chứng đau nặng hơn.
- Điều chỉnh tư thế sinh hoạt, tránh giữ nguyên một tư thế khi đứng, ngồi hoặc nằm quá lâu.
- Nên kê cao chân, chèn gối giữa hai gối, trước bụng và sau lưng khi ngủ để có cảm giác thoải mái.
- Ngủ đủ và đúng giờ để giúp cơ thể tạo năng lượng và hồi phục nhanh sau các tổn thương.
- Lựa chọn trang phục phù hợp, thoải mái nhẹ nhàng, tránh mặc đồ bó chặt hay đi giày cao gót, sử dụng giày dép quá chật.
- Duy trì thói quen vận động mỗi ngày, ưu tiên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe như: đi bộ, yoa thai kỳ, kéo giãn cơ nhẹ nhàng,…
Có thể bạn muốn biết: Mẹ bầu bị phù chân có nên đi bộ không?
4.4 Dinh dưỡng hợp lý
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và hợp lý không chỉ giảm nhẹ triệu chứng đau mỏi chân khi mang thai mà còn đảm bảo sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Bên cạnh những nhóm chất dinh dưỡng hàng ngày, mẹ cần chú ý tăng cường những chất sau trong thai kỳ:
- Canxi: Nhu cầu khi mang thai là khoảng 1.000 – 1.500mg/ ngày tùy giai đoạn. Mẹ có thể tăng cường qua sữa và chế phẩm từ sữa, rau dền, vừng, đậu phụ, tôm đồng,…
- Magie: Nhu cầu của cơ thể là từ 350 – 400mg/ ngày. Mẹ có thể bổ sung tăng cường qua thực phẩm như: sô cô la đen, các loại đậu, chuối, ngũ cốc nguyên hạt, cá béo,…
- Sắt: Như cầu khi mang thai khoảng 30mg/ ngày. Mẹ có thể tăng bổ sung qua các thực phẩm như: thịt bò, thịt gà, thịt cừu, hàu, nghêu, sò,….
- Acid folic: Nhu cầu khi mang thai là khoảng 400mcg/ ngày. Thực phẩm giàu acid folic như: măng tây, súp lơ xanh, trái cây có múi, rau diếp cá, quả bơ, các loại hạt,…
Mẹ cần thực hiện xét nghiệm định kỳ để biết cơ thể có đang bị thiếu chất hay không. Với những trường hợp chế độ ăn không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, mẹ cần bổ sung thêm các sản phẩm chuyên biệt theo chỉ định của bác sĩ.
4.5 Massage chân
Hoạt động massage chân giúp làm giãn cơ bắp, tăng cường tuần hoàn máu giúp cung cấp đầy đủ oxy và dinh dưỡng đến tế bào. Nhờ đó, mẹ bầu thường có cảm giác thoải mái, thư giãn và giảm đau nhức bắp chân sau khi thực hiện.
Mẹ bầu có thể đến các cơ sở trị liệu để có hiệu quả tốt nhất. Hoặc, việc massage tại nhà với sự hỗ trợ của người thân khoảng 15 – 30 phút/ ngày cũng cho hiệu quả tương tự. Mẹ có thể sử dụng thêm dầu massage để thao tác dễ dàng và thuận lợi hơn.
Trên đây là bài viết về chứng đau mỏi chân khi mang thai. Hi vọng những chia sẻ này có thể giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về vấn đề của mình, giảm bớt cảm giác lo lắng và trải qua một thai kỳ trọn vẹn, bình an!
Nguyễn Kiều Trang đã bình luận
Bầu bị bệnh này nhiều, em với chị gái bầu đều bị. Có cách nào phòng ngừa k
Chuyên gia suy giãn tĩnh mạch đã bình luận
Chào bạn
“Biện pháp phòng ngừa giãn tĩnh mạch khi mang thai:
Thứ nhất nên điều chỉnh cân nặng trước khi mang thai về mức hợp lý, tránh thừa cân, thứ 2 duy trì chế độ tập luyện thể dục đều đặn trước khi mang bầu và khi mang bầu không nên ngồi 1 chỗ, nên tham gia các hoạt động thể dục, yoga cho bầu, lớp bơi cho bầu…
Nếu bạn đã bị giãn tĩnh mạch trước khi bầu thì nên điều trị 1 đợt cho tĩnh mạch khỏe mạnh để tránh việc phải uống thuốc khi mang thai. Nếu chưa bị giãn tĩnh mạch, bạn không cần uống thuốc phòng ngừa, chỉ tập trung vào việc điều chỉnh cân nặng, thể thao hợp lý và 1 chế độ dinh dưỡng lành mạnh la đủ.
Trên đây là các cách phòng ngừa giãn tĩnh mạch cho mẹ bầu cơ bản, hi vọng sẽ có ích cho bạn.