Nhiều người nhận thấy rằng chân của họ có vẻ to hơn sau một ngày ngồi yên làm việc. Tình trạng này lặp đi lặp lại khiến không ít người cảm thấy hoang lo lắng rằng liệu đây có phải là dấu hiệu của bệnh lý nào đó. Nếu bạn cũng đang gặp phải vấn đề tương tự, vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết hôm nay.
Mục lục
1. Tại sao ngồi lâu bị phù chân?
Phù chân khi ngồi lâu là hiện tượng thường gặp ở nhiều người, chủ yếu là do nguyên nhân sinh lý. Đặc điểm của tình trạng thường gồm:
- Phù xuất hiện vào cuối ngày, sau khi ngồi liên tục ở một tư thế trong thời gian dài.
- Phù chân tự biến mất sau khi cơ thể di chuyển hoặc hoạt động bình thường.
- Hầu hết trường hợp đều không xuất hiện triệu chứng bất thường hoặc khó chịu nghiêm trọng khác.
Hiện tượng phù chân khi ngồi lâu được lý giải là do sự gia tăng áp lực gây chèn ép lên hệ thống mạch máu ở chân. Theo đó, tuần hoàn máu trong cơ thể được duy trì bởi hệ thống động mạch và tĩnh mạch. Trong đó, động mạch chịu trách nhiệm đưa máu giàu oxy và dinh dưỡng từ tim đến các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả chân. Sau đó, máu thông qua các van tĩnh mạch được đẩy trở về động mạch để khép lại hệ tuần hoàn.
Tuy nhiên, tại hệ thống tĩnh mạch chân, dòng chảy của máu về tim khó khăn hơn do vị trí xa tim kèm theo sự cản trở của trọng lực và áp lực từ toàn bộ phần trên của cơ thể. Trong khi đó, nếu một người ngồi im tại một vị trí quá lâu, hai chân không có sự chuyển động thì áp suất thủy tĩnh trong tĩnh mạch chân gần như không thay đổi.
Tất cả những yếu tố trên làm giảm tuần hoàn máu tại hệ thống tĩnh mạch chân. Điều này đồng nghĩa với việc lưu lượng máu ứ đọng trong tĩnh mạch tăng lên làm tăng áp lực trong lòng mạch, khiến mạch máu giãn rộng và tăng thoát dịch lòng mạch. Kết quả là bạn có thể nhận thấy đôi chân của mình to và sẫm màu hơn sau khi ngồi quá lâu ở một tư thế.
May mắn là, phù chân do ngồi quá lâu thường không tạo thành nguy hiểm cho sức khỏe. Khi bạn đứng dậy di chuyển, áp lực thủy tĩnh trong lòng mạch biến đổi, tốc độ tuần hoàn máu được khôi phục dần và hiện tượng chân phù nề cũng dần biến mất.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng bạn có thể mặc kệ tình trạng này tiếp diễn nhiều lần. Bởi lẽ, khi hệ thống van một chiều và tĩnh mạch chân chịu áp lực liên tục trong thời gian dài có thể bị giãn rộng, suy yếu và phát triển thành những bệnh lý mạch máu nghiêm trọng.
Xem thêm: Phương pháp chẩn đoán phù chân
2. Nhận biết phù chân khi ngồi lâu do bệnh lý
Phù chân do bệnh lý thường xuất hiện từ từ, khi người bệnh phát hiện ra thì bệnh đã tiến triển đến mức độ nặng. Phù trong các trường hợp này thường không biến mất hoàn toàn mà vẫn tồn tại ngay cả khi người bệnh đã khôi phục hoạt động bình thường. Bên cạnh cạnh đó, người bệnh có thể mắc kèm một số triệu chứng bất thường khác tùy theo từng nguyên nhân cụ thể.
Dưới đây là một số bệnh lý thường gặp có thể gây ra chứng phù chân:
2.1 Giãn tĩnh mạch chân
Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng suy giảm cấu trúc và chức năng tĩnh mạch làm giảm khả năng lưu thông máu từ chân về tim. Tình trạng này làm tăng máu ứ đọng ở chân, tăng thoát dịch lòng mạch vào khoảng kẽ dẫn đến tình trạng phù nề ở chân. Phù chân do giãn tĩnh mạch thường tập trung nhiều ở vùng mắt cá chân và tăng hơn khi người bệnh làm việc nặng, đứng hoặc ngồi quá lâu trong một tư thế.
Một số dấu hiệu giúp nhận biết tình trạng giãn tĩnh mạch chân gồm:
- Căng tức, ngứa ngáy trên da
- Chân đau nhức, nặng mỏi.
- Xuất hiện dị cảm như: tê bì, râm ran, châm chích, bồn chồn, đau nhói ở chân.
- Dễ bị chuột rút vào ban đêm.
- Xuất hiện các mạch máu li ti xanh đỏ hoặc nổi ngoằn ngoèo trên da.
- Xuất hiện rối loạn sắc tố da với những mảng sẫm màu ở mắt cá chân.
Suy giãn tĩnh mạch chân tiến triển nghiêm trọng có thể gây loạn dưỡng dẫn đến biến chứng lở loét ở chân. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu dẫn đến thuyên tắc phổi, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý mãn tính và hiện chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Hầu hết người bệnh sẽ được chỉ định dùng vớ y khoa kết hợp với các thuốc chống đông máu, thuốc tăng cường sức khỏe tĩnh mạch. Những trường hợp giãn tĩnh mạch nghiêm trọng có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa để loại bỏ tĩnh mạch suy giãn.
Bên cạnh đó, người bệnh được hướng dẫn thay đổi chế độ ăn uống, điều chỉnh lối sống kết hợp với sử dụng một số sản phẩm có nguồn gốc thảo dược như viên uống Dulcit để kiểm soát ngăn bệnh tái phát và tiến triển thành biến chứng.
2.2 Bệnh lý về thận
Phù là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh lý về thận. Khi chức năng thận suy giảm, quá trình quá trình lọc máu gây thất thoát albumin qua nước tiểu. Điều này làm giảm áp lực keo huyết tương khiến dịch tăng di chuyển từ lòng mạch ra khoảng kẽ, gây phù.
Đặc điểm của phù trong bệnh lý về thận là người bệnh có thể bị phù toàn thân chứ không riêng ở chân. Ở chân, tình trạng phù tập trung ở vị trí mắt cá chân và bàn chân. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
Nước tiểu bất thường: giảm lượng nước tiểu, nước tiểu có bọt, đục màu hoặc có màu đỏ,…
- Đau thắt lưng, nhức mỏi đầu gối, đau tức hoặc nặng nề ở ngực.
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải, thường xuyên bị mệt mỏi quá mức.
- Chán ăn, ăn không ngon miệng, thường buồn nôn hoặc nôn.
- Khó thở, sụt cân, hay ngứa ngáy khắp người.
Có rất nhiều bệnh thận có thể dẫn đến triệu chứng phù chân như: hội chứng thận hư, suy thận, viêm cầu thận cấp,… Những bệnh lý này đều có thể tiến triển nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.
Việc điều trị bệnh cần dựa trên nguyên nhân cụ thể, người bệnh có thể cần dùng thuốc, vật lý trị liệu, tiến hành phẫu thuật theo phác đồ được bác sĩ xây dựng. Quan trọng nhất vẫn là người bệnh cần thăm khám sớm, xác định rõ nguyên nhân và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.
2.3 Xơ gan
Xơ gan là hệ quả của quá trình gan bị tổn thương và hồi phục lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến hình thành các mô sẹo ở gan. Khi các mô sẹo quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng gan bị xơ hóa. Tình trạng này khiến chức năng gan bị suy giảm, dẫn đến hạn chế tuần hoàn máu vào gan dẫn đến tăng áp suất tĩnh mạch cửa.
Mặt khác, chức năng gan suy giảm cũng làm giảm tổng hợp albumin, giảm áp suất keo trong lòng mạch. Quá trình này khiến người bệnh bị cổ chướng và phù chân. Một số dấu hiệu cho thấy bạn bị xơ gan:
- Vàng và ngứa ngáy da.
- Dễ bị chảy máu, bầm tím ở bụng và chân.
- Xuất hiện dấu hiệu lòng bàn tay son hoặc móng tay trắng.
- Cơ thể mệt mỏi, choáng váng, ăn không ngon miệng và dễ sụt cân.
- Xuất hiện hiện tượng sao mạch (mạch máu nổi như mạng nhện trên da).
Xơ gan có thể dẫn đến tổn thương gan không hồi phục, làm tăng nguy cơ ung thư gan, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.
Để điều trị xơ gan, người bệnh có thể cần sử dụng các thuốc lợi tiểu để giảm phù kết hợp với thuốc tăng cường và phục hồi chức năng gan. Những trường hợp cổ trướng nghiêm trọng, người bệnh có thể cần thực hiện chọc hút dịch ổ bụng để loại bỏ tình trạng này. Sau điều trị, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt để duy trì sức khỏe ổn định.
2.4 Suy tim phải
Suy tim phải làm giảm khả năng tuần hoàn máu ở hệ thống tĩnh mạch trước tim, khiến máu bị ứ trệ lại. Quá trình này làm tăng áp lực thủy tĩnh trong hệ thống tĩnh mạch, mao mạch làm dẫn đến tăng thoát dịch từ lòng mạch vào mô kẽ. Mặt khác, cá tổn thương tại thành mạch cũng làm tăng tính thấm thành mạch khiến dịch ở lòng mạch thoát ra ngoài nhiều hơn, gây nên triệu chứng phù.
Khi máu bị ứ đọng ở hệ thống mạch máu ngoại vi, người bệnh có thể gặp phải triệu chứng phù chân. Phù chân trong suy tim phải thường là biểu hiện đầu tiên, sau đó, phù lan từ từ đến các vị trí khác trên cơ thể, có xu hướng tăng nhiều hơn khi về chiều và giảm khi người bệnh nằm nghỉ.
Một số dấu hiệu gợi ý tình trạng suy tim phải gồm:
- Đau tức hạ sườn phải do tăng ứ đọng máu tại gan.
- Chán ăn, buồn nôn, chướng bụng do tăng máu ứ đọng ở dạ dày và ruột.
- Tiểu nhiều vào ban đêm.
- Da lạnh, đổ nhiều mồ hôi, tăng cảm giác chán ăn.
- Mạch tăng nhanh, xuất hiện đau thắt ngực.
- Tinh thần uể oải, mệt mỏi và hay quên.
Suy tim phải nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể tiến triển thành suy tim, suy thận, tổn thương gan đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Để điều trị suy tim phải, người bệnh cần sử dụng các loại thuốc như: thuốc giãn mạch, thuốc tăng cường chức năng tim, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta kết hợp với các thiết bị máy móc hỗ trợ chức năng tim. Trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần thực hiện phẫu thuật cấy ghép thiết bị hỗ trợ tâm thất hoặc thay tim để khôi phục chức năng sống.
2.5 Tắc nghẽn hệ bạch huyết
Tình trạng thoát dịch ngoài lòng mạch xảy ra do thẩm thấu qua thành mao mạch là một hiện tượng sinh lý xảy ra trong cơ thể. Phần lớn lượng dịch này được đưa trở lại mao mạch thông qua sự chênh lệch áp suất. Phần còn lại được dẫn lưu vào hệ thống mạch bạch huyết và trở lại hệ thống tuần hoàn.
Như vậy, khi hệ bạch huyết bị tắc nghẽn, dịch ngoại bào có thể bị tích tụ lại trong các mô kẽ dẫn đến triệu chứng phù nề, sưng tấy ở chân. Phù chân do tắc mạch bạch huyết thường có các đặc điểm như sau:
- Ban đầu người bệnh bị phù mềm, ấn lõm, sau đó là phù cứng không lõm và cuối cùng là phù cứng xù xì không hồi phục do mô bị xơ hóa.
- Phù thường xuất hiện một bên chân, có xu hướng tăng lên khi thời tiết ấm, trước chu kỳ kinh và khi người bệnh ở lâu trong một tư thế.
- Xuất hiện kèm theo cảm giác đau nhức, nặng nề gây hạn chế vận động.
- Tâm lý căng thẳng, dễ bị stress.
- Người bệnh có thể bị đầy chướng bụng.
Tắc nghẽn mạch bạch huyết có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: khối u, nhiễm ký sinh trùng,… Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể mà người bệnh cần áp dụng các biện pháp điều trị như: dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Để biết chính xác nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp, bệnh nhân cần thăm khám sớm tại các cơ sở y tế và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Đọc thêm: Bị phù mắt cá chân là bị gì?
3. Kết luận
Phù chân khi ngồi lâu có thể đáng ngại hoặc không, phụ thuộc vào nguyên nhân khởi phát. Mặc dù các triệu chứng lâm sàng có thể giúp bạn phần nào phán đoán mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Tuy nhiên, để biết chính xác nguyên nhân và cách xử trí phù hợp, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, để phòng ngừa hoặc cải thiện triệu chứng thì bạn cũng nên chú ý chế độ ăn uống giảm muối, tránh vận động quá sức hay thực hiện các tư thế chèn ép ở chân (ngồi lâu, khoanh chân, quỳ, mặc quần áo bó sát, đi giày cao gót…). Nếu bị phù chân nên massage nhẹ nhàng, ngâm chân nước mát.
Tham khảo thêm: 12 mẹo chữa phù chân tại nhà