Chăm sóc sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch chân đúng cách giúp vết thương mau lành và hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Mời bạn cùng DULCIT tìm hiểu thêm về vấn đề này trong bài viết dưới đây!
Mục lục
1. Các phương pháp phẫu thuật tĩnh mạch chân
Nền y học hiện đại phát triển đưa ra nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chân an toàn, hiệu quả cao. Bạn nên gặp trực tiếp bác sĩ để thăm khám và biết được đâu là lựa chọn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Ngoài các phương pháp xâm lấn tối thiểu như laser, chích xơ tĩnh mạch. Trong phần này, chúng tôi tập trung giới thiệu về các phương pháp phẫu thuật xâm lấn điều trị cho các trường hợp bị giãn tĩnh mạch chân nghiêm trọng.
1.1. Phẫu thuật thắt (Ligation) và bóp (Stripping) tĩnh mạch
Phẫu thuật thắt (ligation) và bóp (stripping) được áp dụng nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn những tĩnh mạch bị suy giãn. Đầu tiên, bác sĩ gây tê tủy sống, rạch hai vết ở mắt cá chân và bẹn rồi luồn dây rút tĩnh mạch (stripper) vào lòng tĩnh mạch để kéo toàn bộ tĩnh mạch bị tổn thương ra ngoài thông qua vết rạch.
Sau khi thực hiện các thao tác loại bỏ tĩnh mạch suy giãn, bác sĩ sẽ khâu hai vết rạch. Thời gian phục hồi hậu phẫu tùy thuộc vào thể trạng của từng người, thường kéo dài khoảng 3 tuần.
Đâu là phương pháp điều trị khá triệt để với tỷ lệ tái phát thấp. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể gây đau, bầm tím hoặc chảy máu. Một số ít trường hợp bệnh nhân bị tổn thương thần kinh hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu.
1.2. Phẫu thuật CHIVA
CHIVA là phương pháp điều trị bảo tồn tĩnh mạch, được thực hiện bằng cách xử lý chọn lọc các điểm rò rỉ của mạng lưới tĩnh mạch, biến dòng trào ngược thành dòng chảy sinh lý.
Khi thực hiện phẫu thuật CHIVA, bác sĩ sử dụng siêu âm Doppler để vẽ bản đồ tĩnh mạch chi dưới và đánh dấu tỉ mỉ những vị trí tĩnh mạch có dòng chảy ngược. Bước tiếp theo, bác sĩ tiến hành gây mê tại chỗ và rạch những đường nhỏ trên da, rồi thực hiện các thao tác thắt và cắt bỏ tĩnh mạch đã xác định trước đó. Sau phẫu thuật 6 – 8 tháng, người bệnh thường phải siêu âm Doppler để đánh giá lại hiệu quả và khả năng phục hồi.
Phương pháp này can thiệp vào những điểm mấu chốt gây nên bệnh, bảo tồn tĩnh mạch hiển nguyên vẹn giúp máu ở chân lưu thông tốt hơn. Nghiên cứu năm 2013 cho thấy kỹ thuật CHIVA còn giúp thu nhỏ đường kính tĩnh mạch. Ngoài ra, CHIVA còn giảm nguy cơ tái phát bệnh, ít biến chứng sau phẫu thuật như: viêm tắc tĩnh mạch, bầm máu và xuất hiện triệu chứng tê nhức.
2. Trường hợp nên phẫu thuật giãn tĩnh mạch chân
Trong giai đoạn đầy, người bị suy giãn tĩnh mạch thường được yêu cầu dùng vớ y khoa và dùng thuốc chống viêm, làm bền thành mạch, giảm triệu chứng bệnh bằng liệu pháp xơ hóa hoặc can thiệp nội mạch bằng nhiệt với sóng cao tần hoặc laser. Khi bệnh diễn biến trầm trọng hơn kèm theo các triệu chứng dưới đây, bác sĩ sẽ đề xuất phương án phẫu thuật:
Lở loét và nhiễm trùng:
Máu ứ đọng trong thời gian dài khiến các mô xung quanh bị thiếu hụt oxy và dinh dưỡng gây chết tế bào. Đây cũng là lúc các vết lở loét hình thành từ những tổn thương nhỏ trên da và dễ dàng lan rộng hơn nếu không điều trị kịp thời, làm biến dạng chi, ảnh hưởng đến khớp xương và giảm khả năng vận động của người bệnh.
Chảy máu nặng:
Các tĩnh mạch sâu hoặc có kích thước lớn bị suy giãn và tổn thương nghiêm trọng, dễ vỡ ra khi bị va đập gây chảy máu khó phát hiện và khó cầm máu.
Máu thoát ra với số lượng lớn có thể chèn ép các khoang xung quanh và làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng mô cũng như những cơ quan khác. Trường hợp này cực kỳ nguy hiểm và có nguy cơ dẫn đến hoại tử, thậm chí là tử vong.
Huyết khối tĩnh mạch sâu:
Máu ứ đọng lâu ngày có thể kết vón và hình thành cục máu đông làm cản trở quá trình lưu thông máu. Chân của người bị huyết khối tĩnh mạch sâu thường sưng to và đau nhức nghiêm trọng. Nếu không can thiệp sớm, chân có thể bị hoại tử hoặc các cục máu đông di chuyển về tim làm tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong.
3. Biến chứng sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch chân
Các phương pháp phẫu thuật giãn tĩnh mạch chân hiện nay tương đối an toàn và không gây ra biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến khả năng đi lại cũng như tính mạng của người bệnh. Triệu chứng hậu phẫu thường gặp nhất là sưng phù, đau nhức, xuất hiện những vết bầm tím, viêm đỏ. Chúng sẽ thuyên giảm dần theo thời gian nếu bạn chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, sau 48 giờ mà tình trạng trên vẫn không ngừng, thậm chí là trở nên tồi tệ hơn, bạn nên thông báo với bác sĩ để kiểm tra và có phương án khắc phục kịp thời.
Một số biến chứng khác như: cục máu đông, nhiễm trùng, sẹo… thường rất hiếm gặp và chỉ xảy ra trong trường hợp bạn phẫu thuật ở địa chỉ không uy tín hoặc không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc chăm sóc hậu phẫu thuật.
Ngoài ra, suy giãn tĩnh mạch có thể tái phát trở lại nếu bạn không chăm sóc hai chân, thiết lập chế độ sinh hoạt và bổ sung dinh dưỡng đúng cách.
4. Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?
Nếu xuất hiện những dấu hiệu dưới đây sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch chân, bạn liên hệ với bác sĩ trong thời gian sớm nhất để có phương án điều trị phù hợp:
- Vết thương bị đau nhức, sưng phù, viêm đỏ và ấm nóng trầm trọng liên tục trong 48 giờ không thuyên giảm.
- Chảy nhiều máu ở vết thương và không thể cầm máu.
- Sốt cao trên 38 độ C.
- Vết thương bị rách, bục chỉ.
5. Thời gian phục hồi sau mổ giãn tĩnh mạch chân
Trước khi phẫu thuật, bệnh viện sẽ tiến hành khám và đánh giá tình trạng thể chất của bệnh nhân, sau đó thực hiện phẫu thuật theo thời gian đã định.
Bệnh giãn tĩnh mạch cần có số ngày nằm viện khác nhau tùy theo phương pháp điều trị. Ví dụ các phương pháp xâm lấn tối thiểu như chích xơ, laser thời gian theo dõi là 1 – 2h sau thực hiện. Bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày hoặc ngày hôm sau.
Tất nhiên, nếu áp dụng phương pháp mổ thông thường để điều trị triệt để thì thời gian nằm viện khoảng 5 đến 7 ngày. Những ca phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch, có biến chứng loét da, cần phải ghép da thì cần nằm viện lâu hơn nữa.
Sau khi nghỉ ngơi tại nhà 2 – 3 ngày, bệnh nhân có thể trở lại làm việc bình thường. Khả năng hồi phục hoàn toàn khoảng 3 – 4 tuần sau phẫu thuật.
6. Cách chăm sóc sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch chân
6.1. Chăm sóc vết thương
Băng vết thương:
Ngay sau khi phẫu thuật, vết thương ở chân được băng lại bằng gạc vô khuẩn để tránh bụi bẩn, vi khuẩn tiếp xúc gây nhiễm trùng. Sau khi tháo băng, bạn rửa vết thương với nước muối sinh lý mỗi ngày. Trong trường hợp bị chảy máu, bạn đặt miếng gạc lên và đè ép với lực vừa phải, đồng thời nâng chân cao hơn tim trong khoảng 15 – 30 phút. Nếu máu vẫn không ngừng chảy, bạn nên liên hệ với bác sĩ để có phương án khắc phục phù hợp.
Đi vớ y khoa:
Người bệnh phải dùng vớ y khoa liên tục trong suốt 72 giờ đầu tiên để tạo áp lực vừa đủ lên các tĩnh mạch còn lại, ngăn ngừa chảy máu cũng như giảm tình trạng sưng phù, thâm tím.
Giữ vết thương luôn khô ráo:
Trong 24 giờ đầu tiên sau khi phẫu thuật, bạn không được tắm vì nước tiếp xúc với vết thương có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.Vì vậy, bạn chỉ nên thay quay áo và lau người.
Tháo chỉ:
Bệnh nhân có thể tiến hành tháo chỉ sau 3 – 7 ngày tùy vào khả năng phục hồi của mỗi người. Bạn không tự ý tháo chỉ tại nhà mà cần sự trợ giúp của bác sĩ để tránh nguy cơ làm tổn thương da, gây trầy xước, nhiễm khuẩn.
Không chạm tay vào vết thương:
Thường xuyên chạm tay vào vết thương khiến vùng da này phục hồi chậm hơn. Ngoài ra, tay là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn, bụi bẩn có thể khiến vết thương chuyển biến tồi tệ hơn. Vì vậy, bạn đừng quên rửa sạch tay bằng dung dịch sát khuẩn trong trường hợp phải lau rửa vết thương, thay băng, đi vớ y khoa.
6.2. Hoạt động đúng cách
Người bệnh có thể đi lại sau khi phẫu thuật khoảng 6 giờ hoặc muộn hơn tùy vào thể trạng của mỗi người. Tuy nhiên, bạn phải chuyển động thật nhẹ nhàng và hạn chế tối đa việc va đập, té ngã để tránh vết thương bị rách.Trong 24 giờ đầu tiên, bạn không được trở lại làm việc ngay, không lái xe vận hành máy móc cho đến khi thực sự hồi phục.
Bạn không tập thể dục hoặc hoạt động gắng sức như: đứng, ngồi quá lâu, mang vác nặng, leo cầu thang, làm việc nặng nhọc… để tránh gây áp lực quá mức lên tĩnh mạch chi dưới. Ngoài ra, bạn không nên ngâm chân với nước nóng, tắm nước nóng hoặc xông hơi vì nhiệt độ cao là nguyên nhân làm giãn mạch máu khiến tĩnh mạch hậu phẫu có thể bị tổn thương và mất nhiều thời gian phục hồi hơn.
6.3. Bổ sung dinh dưỡng
Chế độ ăn uống khoa học, kiểm soát tốt cân nặng là chìa khóa giúp vết thương mau lành và ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch chân tái phát.
Cắt giảm lượng Natri: Tiêu thụ quá nhiều Natri là nguyên nhân khiến cơ thể giữ nước gây tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ phù chân. Vì vậy, bạn hạn chế các thực phẩm chứa hàm lượng Natri cao như: đồ ăn nhiều muối, đồ ăn đóng hộp, giảm nước tương, nước mắm khi nấu nướng…
Bổ sung nhiều chất xơ: Chế độ ăn giàu chất xơ giúp bạn kiểm soát cân nặng, góp phần giảm áp lực lên tĩnh mạch chân. Chất xơ còn cải thiện nhu động ruột và ngăn ngừa cholesterol trong máu tăng cao. Bạn nên ăn nhiều loại rau củ, hoa quả khác nhau, tốt nhất là còn tươi và theo mùa.
Hạn chế chất béo: Các chất béo bão hòa (có trong thịt mỡ, bơ, dầu cọ, dầu dừa, kem, pho mát, mỡ lợn…) và chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp (có trong thực phẩm chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn như bánh pizza, hamburger, bánh nướng, bánh quy, bánh xốp…) làm tăng nguy cơ béo phì. Vì vậy, bạn giảm tiêu thụ các chất này bằng cách:
- Ăn đồ hấp hoặc luộc thay vì chiên rán.
- Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn chế biến sẵn.
- Tiêu thụ các sản phẩm từ sữa ít chất béo, thịt nạc.
- Ưu tiên tiêu thụ chất béo không bão hòa có trong cá, bơ, các loại hạt, trong dầu hướng dương, đậu nành, cải dầu, dầu ô liu…
Không ăn quá nhiều đường: Đồ ăn chứa nhiều đường như: bánh kẹo, nước ngọt, nước trái cây rau củ đóng hộp, nước tăng lực… khiến bạn mất kiểm soát cân nặng, gây áp lực lên chi dưới, làm tăng nguy cơ tái phát suy giãn tĩnh mạch.
Uống đủ nước: Uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động khỏe mạnh hơn và thúc đẩy quá trình phục hồi vết thương. Bạn có thể uống nước ép từ hoa quả, rau củ tươi, sạch để bổ sung thêm vitamin, khoáng chất cần thiết.
Không hút thuốc, uống rượu bia: Thuốc lá, rượu bia là những nguyên nhân khiến tĩnh mạch suy yếu và làm hỏng các van một chiều. Vì vậy, bạn nên bỏ hoàn toàn thuốc lá và hạn chế dùng bia rượu.
Đọc thêm: Tại sao uống rượu bia bị phù chân? Hướng xử lý
6.4. Uống thuốc
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch chân. Thuốc được dùng phổ biến nhất trong giai đoạn này là các loại thuốc giảm đau. Người bệnh phải tuân thủ đúng hướng dẫn về liều dùng và cách dùng để đạt hiệu quả cao và tránh tối đa tác dụng phụ có thể xảy ra.