Chuột rút là tình trạng co cơ bất thường gây đau và khó chịu ở chân. Hiện chưa có một loại thuốc đặc hiệu nào được chỉ định riêng cho việc điều trị chuột rút chân. Thế nhưng, thực tế vẫn có một số loại thuốc được sử dụng để cải thiện triệu chứng, trong trường hợp bị chuột rút thường xuyên và kéo dài gây đau buốt, yếu cơ, suy nhược cơ thể. Cùng tìm hiểu chi tiết về các loại thuốc này nhé!
Mục lục
1. Thuốc giảm đau Paracetamol
Paracetamol (hay acetaminophen) là thuốc giảm đau thông dụng có tác dụng giảm triệu chứng đau do mọi nguyên nhân ở mức độ nhẹ đến vừa. Trong điều trị chứng chuột rút, paracetamol giúp giảm cảm giác đau buốt mỗi lần co rút cơ đồng thời giảm triệu chứng nhức nhối ở bắp chân sau khi người bệnh bị chuột rút liên tục.
Thông thường, thuốc sẽ phát huy sau khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau khi uống và duy trì hiệu lực liên tục trong khoảng 4 – 6 tiếng. Liều dùng của paracetamol được khuyến cáo là từ 10 – 15mg/ kg/ lần.
Tác dụng phụ: Paracetamol được coi là loại thuốc giảm đau “lành tính”, ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, người sử dụng vẫn có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như: mẩn ngứa, phát ban trên da, giảm hoặc mất thính giác tạm thời, rối loạn tiêu hóa,…
Chống chỉ định: Các trường hợp chống chỉ định với hoạt chất paracetamol gồm:
- Bệnh nhân thiếu máu mạn tính hoặc mắc các bệnh lý tim, phổi, gan, thận nghiêm trọng.
- Người quá mẫn với hoạt chất paracetamol.
- Người thiếu hụt enzyme glucose-6-phosphat dehydrogenase.
- Người bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
- Người đang sử dụng một số thuốc tương tác xấu với paracetamol như: Tramadol, Amitriptyline, Amlodipine, Caffeine, Amoxicillin, Clopidogrel, Furosemide, Diazepam,…
2. Thuốc chống viêm NSAIDs
Thuốc chống viêm NSAIDs được sử dụng nhằm cải thiện triệu chứng đau do cơ bắp co rút liên tục trong thời gian dài. Hai loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm: ibuprofen và naproxen. NSAIDs được chỉ định cho các trường đau cơ hoặc viêm do chuột rút ở mức độ vừa đến nặng. Thuốc phát huy tác sau khoảng 30 phút kể từ khi uống và duy trì hiệu quả liên tục trong khoảng 1 – 4 tiếng.
NSAIDs có thể được sử dụng đơn độc trong điều trị triệu chứng chuột rút. Tuy nhiên, việc kết hợp nhóm thuốc này cùng thuốc giãn cơ được cho là có hiệu quả tốt hơn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kết hợp thuốc chống viêm NSAIDs (ibuprofen 400mg) và thuốc giãn cơ (chlorzoxazone 500mg) giúp điều trị hiệu quả cơn đau thắt lưng cấp tính do co thắt cơ. (Xem nghiên cứu tại: ncbi.nlm.nih.gov)
Tác dụng phụ: Thường gặp nhất là trên dạ dày, thuốc làm tăng nguy cơ: viêm, loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, đầy hơi. Ngoài ra, người sử dụng có thể bị dị ứng, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi,…
Chống chỉ định: Thuốc NSAIDs được chống chỉ định cho những bệnh nhân bị suy tim, đau tim, có tiền sử đột quỵ hoặc mắc các bệnh lý gan, thận nghiêm trọng.
3. Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ thường được chỉ định cho các trường hợp bị chuột rút do chấn thương cơ. Các hoạt chất được sử dụng phổ biến gồm: carisoprodol và cyclobenzaprine. Thông thường, thuốc phát huy tác dụng sau khoảng 30 phút kể từ khi uống thuốc và duy trì hiệu quả liên tục trong 4 – 6 tiếng.
Thuốc giãn cơ giúp cải thiện các triệu chứng chuột rút bằng cách:
- Làm giãn cơ, giảm co thắt cơ, tạo điều kiện cho máu lưu thông đến cơ bắp tốt hơn.
- Ngăn chặn dây thần kinh gửi tín hiệu đến não, từ đó giảm triệu chứng đau buốt, nhức nhối ở cơ.
- Ức chế hệ thống thần kinh trung ương, từ đó giảm triệu chứng và giúp người bệnh thoải mái hơn, có giấc ngủ tốt hơn.
Tác dụng phụ: Việc sử dụng thuốc giãn cơ liên tục trên 3 tuần làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ như: đau đầu, chóng mặt, huyết áp thấp, tâm lý căng thẳng,…
Chống chỉ định: Thuốc giãn cơ được chống chỉ định cho những bệnh nhân động kinh, người có tiền sử co giật, bệnh nhân suy gan – thận, phụ nữ có thai – đang cho con bú và trẻ nhỏ dưới 12 tuổi.
4. Thuốc chẹn kênh canxi
Thuốc chẹn kênh canxi có thể được sử dụng cho các trường hợp bị chuột rút do bệnh đái tháo đường hay các bệnh lý về tim mạch. Các hoạt chất thường được sử dụng như: verapamil và diltiazem. Nhóm thuốc này có tác dụng chẹn kênh ion canxi làm giảm lượng canxi đi vào tế bào cơ, từ đó ngăn chặn phản xạ co cơ, giảm tình trạng chuột rút.
Tác dụng phụ: Thuốc chẹn kênh canxi có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho cơ thể, thường gặp như: mệt mỏi, ợ nóng, bốc hỏa, phù bụng và chân. Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây: rối loạn tiêu hóa, rối loạn nhịp tim, thở khò khè, khó nuốt,…
Chống chỉ định: Nhóm thuốc này chống chỉ định cho những trường hợp bị hẹp động mạch chủ, phì đại cơ tim hay suy tim nặng.
5. Thuốc chống co giật Gabapentine
Thuốc Gabapentine được sử dụng chính trong điều trị co giật của bệnh động kinh. Tuy nhiên, những trường hợp chuột rút mãn tính cũng có thể được bác sĩ chỉ định loại thuốc này. Gabapentine hoạt động bằng cách thay đổi tín hiệu điện trong não và ảnh hưởng đến hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh, qua đó cải thiện triệu chứng co giật cơ và đau dây thần kinh.
Tác dụng phụ: Gabapentine gây tác dụng phụ ở khoảng 10% người sử dụng, phổ biến nhất là triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, phù nề tay chân và đi lại khó khăn. Ngoài ra, thuốc có thể gây đau lưng, đau ngực, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, mờ mắt, mệt mỏi, lo âu, trầm cảm,…
Chống chỉ định: Các trường hợp chống chỉ định với gabapentine gồm: người mẫn cảm với thành phần của thuốc, người có tiền sử rối loạn tâm thần, suy giảm chức năng thận và thẩm phân máu, người làm công việc vận hành tàu xe hoặc các loại máy móc.
Lưu ý: Gabapentine có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng sai cách. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng gabapentine điều trị chuột rút khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
6. Chất khoáng
Những người bị thiếu hụt chất khoáng như: magie, kali, canxi có thể gặp phải các rối loạn trong hoạt động dẫn truyền tín hiệu thần kinh dẫn đến rối loạn chức năng co – duỗi cơ bắp và làm tăng nguy cơ chuột rút. Trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung các chất khoáng với hàm lượng phù hợp để điều trị tình trạng chuột rút.
Nhiều người mặc định chuột rút do thiếu chất khoáng và tự ý bổ sung ở nhà. Điều này có thể sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn bởi loại chất khoáng và hàm lượng bổ sung không phù hợp. Người bệnh cần đến cơ sở y tế làm xét nghiệm máu để đo nồng độ chất khoáng, qua đó tính toán lượng thiếu hụt và cần bổ sung bù đắp cho cơ thể.
Sau khi điều trị, người bệnh cần tái khám đúng hẹn để được điều chỉnh liều phù hợp. Tránh rơi vào tình huống bổ sung dư thừa dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng cho cơ thể.
Hi vọng, bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích, giúp bạn đọc nhận diện và hiểu rõ hơn về tác dụng cũng như nguy cơ khi dùng thuốc để cải thiện tình trạng chuột rút. Đôi khi, chuột rút phát sinh có thể là do cơ thể thiếu dinh dưỡng, vì vậy cần được bổ sung bằng những thực phẩm phù hợp. Bạn có thể đọc tiếp bài viết: Bị chuột rút nên ăn gì để phòng ngừa hiệu quả.?