Bà bầu phù chân mấy lần thì sinh là câu hỏi phổ biến kèm theo những lo lắng của người phụ nữ đang chuẩn bị chào đón những thiên thần bé nhỏ. Để giải đáp thắc mắc này, mời bạn cùng Dulcit tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Nguyên nhân phù chân ở bà bầu
Phụ nữ mang thai thường bị phù chân do những nguyên nhân phổ biến như sau:
Tăng lượng chất lỏng trong cơ thể: Lượng máu và các chất lỏng khác trong thai kỳ tăng hơn 50% so với mức bình thường để đáp ứng nhu cầu phát triển của em bé. Các chất lỏng dư thừa thường dồn xuống dưới chân và bàn chân gây phù kèm theo cảm giác nặng nề, nhức mỏi, khó chịu.
Thai nhi phát triển: Tử cung ngày càng lớn để đủ không gian cho thai nhi phát triển làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch vùng xương chậu và chi dưới. Điều này cản trở quá trình hồi lưu máu từ chân trở về tim, khiến máu dồn lại, đẩy chất lỏng từ tĩnh mạch vào các mô xung quanh gây phù chân và mắt cá chân.
Thay đổi nội tiết tố: Sự gia tăng hormone progesterone trong thai kỳ có khả năng làm mềm các thành tĩnh mạch, khiến chúng giãn ra và gặp khó khăn khi vận chuyển máu. Từ đó, máu có thể bị ứ đọng và tăng nguy cơ phù nề kèm chứng suy giãn tĩnh mạch.
Chế độ ăn uống: Một số người cho rằng phụ nữ mang thai cần bổ sung khẩu phần ăn gấp 2 lần để mẹ và bé đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ lượng lớn thức ăn mỗi ngày, bà bầu có thể bị tăng cân ngoài mức kiểm soát khiến các dây thần kinh chi dưới bị chèn ép và sưng phù. Ngoài ra, ăn quá mặn cũng là nguyên nhân dẫn đến tích nước và phù ở chân.
Lười vận động: Mang thai khiến phụ nữ luôn cảm thấy mệt mỏi và gặp khó khăn khi di chuyển. Nếu đứng hoặc ngồi liên tục trong thời gian quá dài, máu khó lưu thông ở chi dưới, dễ bị trì trệ gây tắc nghẽn dẫn đến suy giãn tĩnh mạch với triệu chứng phổ biến là đau nhức, sưng phù chân, chuột rút về đêm.
Sau khi sinh em bé, chân của bạn có thể bị sưng phù nhiều hơn. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ tự suy giảm và biến mất hoàn toàn trong khoảng 1 tuần sau đó do cơ thể tự loại bỏ các chất lỏng dư thừa bằng nhiều cách như: đi tiểu thường xuyên, đổ nhiều mồ hôi…
Bà bầu phù chân mấy lần thì sinh?
Theo quan niệm dân gian. phụ nữ mang thai thường bị phù chân 3 lần từ tuần thứ 36 – 40 thì sẽ sinh em bé trong khoảng 1 – 2 tuần sau đó. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được tính đúng đắn của giả thuyết này và có nhiều trường hợp mẹ bầu không trải qua tình trạng nêu trên.
Vì vậy, bạn không nên dựa vào số lần phù chân để xác định thời gian sinh em bé. Thay vào đó, thời điểm sinh nở có thể được nhận thấy bằng nhiều yếu tố khác như:
Vỡ ối: Đây là hiện tượng dịch lỏng chảy từ từ hoặc ồ ạt từ âm đạo của mẹ giúp đánh dấu tín hiệu chuyển dạ. Sau khi vỡ ối, việc sinh nở có thể xảy ra trong 24 giờ sắp tới. Trong trường hợp vỡ ối quá lâu mà chưa sinh thì em bé có nguy cơ bị nhiễm trùng cao, bác sĩ sẽ phải can thiệp bằng cách sinh mổ.
Cơn gò chuyển dạ: Cơn gò chuyển dạ là những cơn đau dữ dội bắt đầu từ vùng lưng và lan dần xuống khắp vùng bụng, có thể xuống tận đùi. Mẹ bầu cảm thấy co thắt liên tục, dồn dập với cường độ tăng dần và không có dấu hiệu thuyên giảm dù thay đổi tư thế. Tình trạng này thường xảy ra kèm vỡ ối.
Mở cổ tử cung: Trong những ngày cuối thai kỳ, đoạn dưới tử cung bắt đầu giãn ra và mỏng dần để chuẩn bị cho em bé ra đời. Độ xóa mờ của tử cung có thể theo dõi thông qua việc thăm khám âm đạo. Khi cổ tử cung mở khoảng 10 cm thì đây là lúc em bé sẵn sàng ra đời.
Phù chân ở bà bầu khi nào đáng lo?
Phù chân là hiện tượng thay đổi sinh lý bình thường ở mẹ bầu và sẽ tự biến mất hoàn toàn sau khi sinh em bé. Tuy nhiên, nếu phù chân kèm theo một số dấu hiệu dưới đây, mẹ bầu nên đi khám bác sĩ, kiểm tra cẩn thận để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra:
- Tiền sản giật: Sưng phù chân kèm theo đau đầu dai dẳng, thay đổi thị lực, buồn nôn, đau dạ dày, vai hoặc lưng dưới, tăng cân đột ngột hoặc khó thở là những dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật.
- Xuất hiện cục máu đông: Sưng phù ở một chân nhiều hơn chân còn lại, kèm theo triệu chứng đau nhức, vùng da mềm, ấn lõm có thể là báo hiệu suy giãn tĩnh mạch nghiêm trọng và xuất hiện cục máu đông.
- Bệnh tim mạch: Phù chân kèm theo đau ngực hoặc khó thở là dấu hiệu nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.
Có thể bạn quan tâm: Phù chân có thể là dấu hiệu của bệnh gì?
Làm sao để phù chân không gây nguy hiểm cho bà bầu?
Phù chân là hiện tượng phổ biến ở phụ nữ mang thai, thường mang lại cảm giác khó chịu và cản trở cuộc sống hàng ngày. Để kiểm soát và ngăn chặn triệu chứng này phát triển trầm trọng hơn dẫn đến nhiều bệnh lý, phổ biến nhất là suy giãn tĩnh mạch, mẹ bầu lưu ý những vấn đề sau:
Chế độ ăn uống khoa học
Theo khuyến cáo của WHO, mẹ bầu nên bổ sung đủ chất từ nhiều nhóm thức ăn khác nhau để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi. Cụ thể:
- Tinh bột trong cơm, bánh mì, khoai tây, ngũ cốc… để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động.
- Protein từ trứng, thịt, cá, đậu… được nấu chín kỹ, không ăn sống vì có nguy cơ nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến thai nhi.
- Canxi từ sữa, sữa chua, pho mát… để xương của thai nhi phát triển hoàn thiện và tránh loãng xương ở mẹ sau sinh.
- Ăn nhiều rau củ, hoa quả mỗi ngày là vô cùng cần thiết để cung cấp vitamin, chất khoáng, đặc biệt là chất xơ giúp tiêu hóa tốt hơn và ngăn ngừa táo bón.
- Chế độ ăn ít muối cũng là cách hạn chế tích nước trong cơ thể – một trong những nguyên nhân dẫn đến phù chân.
- Hạn chế tiêu thụ quá nhiều đường từ bánh kẹo, nước ngọt và chất béo không lành mạnh có trong đồ ăn chế biến sẵn. Đây đều là nguyên nhân làm mất kiểm soát cân nặng gây áp lực cho chi dưới, dẫn đến suy giảm tĩnh mạch và phù chân.
Massage chân
Massage có khả năng thúc đẩy tuần hoàn máu, hạn chế máu và chất lỏng dư thừa ứ đọng trong tĩnh mạch cũng như các mô của cơ thể. Từ đó, tình trạng phù chân giảm đáng kể.
Ngâm chân
Ngâm chân mỗi tối trước khi đi ngủ cũng là cách cải thiện quá trình lưu thông máu, mang lại cảm giác thoải mái và giúp bạn ngủ sâu hơn.
Tuy nhiên, bạn không nên thực hiện phương pháp này khi chân có vết thương hở để tránh bị nhiễm trùng. Ngoài ra, mẹ bầu ngâm chân bằng nước mát khoảng 10 – 15 độ C, tuyệt đối không dùng nước nóng trên 40 độ C vì nước nóng làm mạch máu giãn nhanh hơn khiến tĩnh mạch tổn thương, làm tăng nguy cơ bị suy giãn.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Hiện nay, có nhiều bài tập dành riêng cho phụ nữ mang thai giúp thư giãn cũng như tăng sức bền cho cơ xương khớp, kích thích lưu thông máu, kiểm soát cân nặng, giảm đau nhức và tình trạng sưng phù chân.
Vì vậy, mẹ bầu đừng quên luyện tập nhẹ nhàng mỗi ngày để cải thiện sức khỏe của bản thân và hỗ trợ cho việc sinh nở diễn ra tốt hơn. Bạn đi bộ, bơi lội hoặc tham khảo các lớp yoga chuyên nghiệp dành riêng cho phụ nữ mang thai.
Đọc thêm: Bà bầu bị phù chân nên đi bộ như thế nào?
Lựa chọn quần áo phù hợp
Quần áo rộng rãi, thoải mái, quần lót có độ co giãn tốt, giày dép đúng kích thước giúp quá trình lưu thông máu ở chân diễn ra thuận lợi hơn và tránh tình trạng tích nước chi dưới. Ngoài ra, lựa chọn chất vải thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt cũng là vấn đề quan trọng giúp da bạn không bị bí tắc, kích ứng gây viêm lỗ chân lông, viêm da dị ứng cấp tính, mãn tính… kèm theo tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.
Tư thế khi nằm ngủ
Khi đi ngủ, phụ nữ mang thai lưu ý những vấn đề sau:
- Nằm ngủ nghiêng về bên trái để máu và oxy lưu thông tối ưu.
- Chỉ nằm ngửa trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ. Khi bước sang tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu tránh nằm ngửa vì tư thế này có thể dẫn đến buồn nôn và chóng mặt, đồng thời làm giảm quá trình truyền oxy đến em bé.
- Không nằm sấp, đặc biệt là giai đoạn đầu thai kỳ vì tư thế này có thể kìm hãm sự phát triển tự nhiên của em bé, khiến cả mẹ và thai nhi khó chịu.
- Sử dụng gối mềm để kê chân tạo điều kiện cho máu lưu thông, giảm và ngăn ngừa phù chân cũng như suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
- Thường xuyên thay chăn gối, lau dọn phòng ngủ tạo không gian thoải mái để bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
- Bạn không uống nước trong 1 giờ trước khi đi ngủ vì điều này có thể khiến bạn thức dậy nhiều lần trong đêm để đi vệ sinh.
KẾT LUẬN
Mẹ bầu không nên căn cứ vào số lần phù chân để xác định thời điểm sinh. Thay vào đó, mẹ tập trung vào những dấu hiệu khác có độ chính xác cao hơn như: vỡ ối, cơn gò tử cung, độ mở rộng của cổ tử cung… Ngoài ra, phụ nữ mang thai đừng quên thăm khám bác sĩ định kỳ để phát hiện sớm tình trạng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.