Theo thống kê, có khoảng 90% bệnh nhân sau tai biến đối diện với tình trạng viêm tắc tĩnh mạch dẫn đến phù chân. Vậy, người bệnh tai biến bị phù chân có nguy hiểm không và nên làm thế nào khi tình huống này xảy ra? Mời bạn đọc cùng theo dõi chi tiết trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Cách nhận biết phù chân sau tai biến
Ở những bệnh nhân bị tai biến, phù chân thường tập trung ở vị trí mu bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân.
Dấu hiệu nhận biết phù chân ở người bị tai biến:
- Kích thước chân to lên bất thường.
- Da chân căng mọng, tạo cảm giác như có bọng nước dưới da.
- Các đầu xương tại vị trí phù gần như biến mất.
- Người bệnh tăng cân bất thường, có cảm giác nặng nề, giảm cử động linh hoạt ở chân.
- Ấn vào vị trí sưng thấy da bị lõm xuống trong vài giây sau khi thả.
2. Tại sao bệnh nhân tai biến hay bị phù chân?
Ở bệnh nhân tai biến, các tổn thương não bộ và mạch máu thường dẫn đến di chứng như yếu cơ, liệt nửa người, hoặc nằm liệt lâu ngày, gây cản trở vận động. Điều này làm tuần hoàn máu từ tĩnh mạch chân về tim trở nên khó khăn, dẫn đến ứ đọng máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.
Viêm tắc tĩnh mạch gây phù chân thông qua hai cơ chế chính:
- Tăng thoát dịch từ lòng mạch: Cục máu đông cản trở dòng chảy, làm máu ứ đọng khiến tĩnh mạch giãn rộng. Áp lực này đẩy dịch từ mạch máu ra mô kẽ, gây sưng nề.
- Tăng tính thấm thành mạch: Viêm làm tăng hoạt động của các chất trung gian gây viêm, tiểu cầu và bạch cầu, dẫn đến thoát dịch viêm từ mạch máu ra mô xung quanh, làm chân phù to hơn.
2. Phù chân sau tai biến có nguy hiểm không?
Phù chân là dấu hiệu cảnh báo rối loạn tuần hoàn ở bệnh nhân tai biến. Tình trạng này không chỉ khiến việc đi lại thêm khó khăn mà còn gây tâm lý tự ti do mất thẩm mỹ. Đáng lo ngại hơn, nếu không được xử lý kịp thời, phù chân có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm:
- Suy giãn tĩnh mạch: Áp lực máu kéo dài làm tổn thương tĩnh mạch chân, gây đau nhức, phù nề, tê bì và chuột rút.
- Loạn dưỡng mô: Máu lưu thông kém khiến các mô không nhận đủ oxy và dinh dưỡng, dẫn đến teo da, rối loạn sắc tố, lở loét, nhiễm trùng, hoặc hoại tử.
- Thuyên tắc phổi: Huyết khối từ tĩnh mạch có thể di chuyển đến phổi, gây tắc nghẽn động mạch phổi và đe dọa tính mạng.
- Đột quỵ: Cục máu đông có thể gây tắc động mạch ở tim, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Phù chân ở bệnh nhân tai biến là vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị sớm. Việc chủ quan hay trì hoãn không chỉ khiến bệnh tiến triển nặng hơn mà còn tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Đọc thêm: Hay bị phù chân là dấu hiệu của bệnh gì?
3. Người tai biến bị phù chân nên làm gì?
Người tai biến bị phù chân cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với việc điều chỉnh lối sống khoa học để giảm thiểu ảnh hưởng của di chứng, ngăn phù tái phát. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể cho người bệnh.
3.1 Dùng thuốc theo chỉ định
Ngay khi bị phù, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và làm rõ nguyên nhân bị phù. Sau thăm khám, tùy vào thể trạng của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị phù hợp. Một số loại thuốc thường được sử dụng như:
Thuốc chống đông máu: Nhằm loại bỏ huyết khối tĩnh mạch, từ đó giảm phù và ngăn biến chứng nguy hiểm. Các thuốc được sử dụng thường gồm: Heparin, thuốc chống tập kết tiểu cầu hay thuốc kháng vitamin K.
Thuốc lợi tiểu: Ức chế quá trình tái hấp thu nước, giảm lượng nước trong tuần hoàn từ đó giảm áp lực lên tĩnh mạch và giảm phù chân. Các thuốc được dùng là: thuốc lợi tiểu thiazid, lợi tiểu quai hay lợi tiểu giữ kali.
Thuốc giãn mạch: Được sử dụng trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu suy tim. Một vài thuốc hay được sử dụng như: nhóm thuốc nitrat, thuốc chẹn kênh canxi hay thuốc ức chế men chuyển.
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc điều trị phù chân có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự mua thuốc sử dụng tại nhà khi chưa thăm khám và có chỉ định của bác sĩ.
3.2 Xây dựng lối sống khoa học
Một lối sống khoa học không có tác dụng điều trị nhưng có thể làm giảm ảnh hưởng của triệu chứng phù và giảm nguy cơ tái phát. Một số lưu ý về lối sống cho bệnh nhân tai biến bị phù gồm:
Ăn nhạt: Đảm bảo lượng muối nạp vào cơ thể không vượt quá 5g/ ngày. Chế độ ăn nhạt giúp hạn chế nguy cơ tăng huyết áp, phù tĩnh mạch.
Đeo vớ y khoa: Thiết bị này giúp giảm áp lực lên thành mạch, đẩy dịch từ mô kẽ trở lại tuần hoàn từ đó hạn chế triệu chứng phù chân.
Di chuyển nhẹ nhàng: Giúp rèn luyện cơ bắp, giảm co cứng cơ và hỗ trợ tuần hoàn trong tĩnh mạch chân, giảm áp lực lên thành tĩnh mạch.
Chọn trang phục phù hợp: Nên mặc quần áo thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt và dùng giày dép vừa vặn để tránh tạo áp lực lên mạch máu ở chân.
Thường xuyên massage chân: Giúp thúc đẩy tuần hoàn máu tĩnh mạch và dẫn lưu dịch qua mạch bạch huyết, từ đó cải thiện triệu chứng phù.
Nằm kê cao chân: Tạo điều kiện thuận lợi cho máu chảy từ chân về tim, nhờ đó cải thiện triệu chứng phù nề.
3.3 Thực hiện các bài tập cải thiện
Tập luyện các bài tập phục hồi chức năng chân cho người bệnh tai biến giúp cải thiện độ linh hoạt của khớp, tăng cường sức mạnh cơ bắp và thúc đẩy tuần hoàn trong cơ thể. Điều này không chỉ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn mà còn hạn chế nguy cơ hình thành biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là một số bài tập đơn giản mà người bệnh có thể tự tập luyện tại nhà:
Bài tập ở tư thế đứng
Phù hợp cho những bệnh nhân tai biến không có quá nhiều di chứng, chức năng vận động vẫn được duy trì tốt. Các bài tập gồm:
Gấp và duỗi khớp: Bệnh nhân đứng nhấc một chân khỏi sàn rồi thực hiện gấp – duỗi các khớp gối, cổ chân, ngón chân từ 10 – 15 lần/ khớp. Làm tương tự với bên chân còn lại.
Bước tại chỗ: Người bệnh đứng và thực hiện bước chân tại chỗ 10 – 15 bước/ lần tập. Chú ý khi bước cần nâng cao chân hơn so với khi đi lại bình thường.
Nhón gót chân: Người bệnh vịn vào thành ghế hoặc tường, sau đó chùng gối vuông góc thì lại đứng thẳng lên kèm theo nhón cao gót. Lặp lại động tác 10 – 15 lần.
Bài tập ở tư thế ngồi
Phù hợp cho những người bệnh gặp tình trạng cứng khớp, yếu cơ, gặp khó khăn trong việc đi lại. Các bài tập bao gồm:
Nhón gót chân: Người bệnh ngồi trên ghế sao cho hai bàn chân vẫn chạm đất. Từ từ nhón luân phiên hai gót chân và cả hai gót cùng lúc. Thực hiện liên tục 10 – 15 lần.
Nâng cẳng chân: Người bệnh ngồi trên ghế, giữ người ở tư thế thẳng. Từ từ nâng bàn chân lên khỏi sàn nhà và duỗi thẳng chân rồi hạ xuống. Thực hiện tương tự với chân còn lại. Mỗi chân tập nâng khoảng 10 – 15 lần.
Gấp – duỗi khớp: Người bệnh ngồi trên ghế, nâng chân khỏi sàn sau đó duỗi chân rồi gấp – duỗi – xoay khớp cổ chân ở mức tối đa. Thực hiện 10 – 15 lần.
Tư thế nằm
Phù hợp với những bệnh nhân có nhiều di chứng, gặp nhiều khó khăn trong việc ngồi hay đứng di chuyển. Trường hợp này, người bệnh có thể cần sự hỗ trợ của người chăm sóc để có thể thực hiện được. Các bài tập gồm:
Gấp – duỗi khớp: Người bệnh nằm trên giường, hai chân duỗi thẳng. Từ từ nâng chân trái lên góc khoảng 30 – 50 độ, sau đó gấp – duỗi – xoay khớp cổ chân từ 10 – 15 lần. Thực hiện tương tự với chân còn lại.
Bắt chéo chân: Người bệnh nằm ngửa trên giường, duỗi thẳng chân. Từ từ nâng hai chân lên cao rồi bắt chéo chân nọ qua chân kia 10 – 15 lần.
Đạp xe: Người bệnh nằm ngửa trên giường, từ từ nâng hai chân lên cao, gập khớp háng và khớp gối sau đó đẩy chân tương tự như động tác đạp xe đạp. Thực hiện liên tục 10 – 15 lần.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến của các chuyên viên hồi phục chức năng trước khi thực hiện. Ngoài ra, những người bệnh còn yếu chỉ nên tập luyện khi có sự hỗ trợ hoặc giám sát của người thân.
1/ Phù nề ấn lõm chi dưới sau phẫu thuật
https://www.hilarispublisher.com/open-access/characteristic-lower-limb-pitting-edema-poststroke--identification-of-risk-factors-a-comparison-between-the-normal-and-h.pdf
2/ Giảm phù nề ở chi dưới của bệnh nhân đột quỵ liệt nửa người: So sánh các phương pháp tiếp cận không dùng thuốc
https://www.researchgate.net/publication/286806416_Reducing_edema_in_the_lower_extremity_of_hemiplegic_stroke_patients_A_comparison_of_non-pharmacological_approaches