Phù chân ấn lõm là một triệu chứng rất nhiều người mắc phải. Tình trạng này là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc phải bệnh gì? Hãy cùng Dulcit tìm hiểu qua bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về bệnh và bạn cần phải làm gì nhé!
Mục lục
Triệu chứng phù chân ấn lõm
Tình trạng phù chân ấn lõm là hiện tượng tích tụ chất lỏng trong các mô dưới chân, làm chân bị sưng to. Tình trạng này có thể gây khó khăn trong việc di chuyển và hoạt động hàng ngày của người bệnh.
Phù chân ấn lõm thường xuất hiện ở vùng mắt cá chân, mu bàn chân hoặc cẳng chân. Đây có thể là tình trạng sinh lý bình thường, tuy nhiên đó cũng là dấu hiệu tiềm ẩn của căn bệnh nguy hiểm.
Một số triệu chứng phù chân ấn lõm phổ biến như:
- Chân sưng to vượt qua mức bình thường.
- Có thể kèm theo những cơn đau ở chân dù không có bất kỳ chấn thương hay va đập nào trước đó.
- Bị phù chân kéo dài trong một thời gian dài mà không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Khi ấn vào chỗ phù thấy bị lõm xuống và không đàn hồi lại (trừ trường hợp bị phù cứng).
- Bị phù chân ấn lõm đi kèm với những triệu chứng như mệt mỏi, tê bì và mất cảm giác ở chân.
Bị phù chân ấn lõm là cảnh báo bệnh gì?
Bị phù chân ấn lõm có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc phải một số bệnh lý như:
Bệnh tim
Phù chân ấn lõm do bệnh tim thường là dấu hiệu của bệnh suy tim. Tình trạng này thường thấy rõ nhất vào cuối ngày, sau khi người bệnh ngồi hoặc đứng liên tục.
Tim phải có nhiệm vụ nhận máu từ tĩnh mạch và đẩy máu lên phổi để trao đổi oxy. Khi tim phải hoạt động co bóp yếu đi, máu có thể bị ứ lại trong hệ tĩnh mạch, bao gồm cả các tĩnh mạch ở chân. Điều này làm tăng áp lực trong hệ thống mạch máu, dẫn đến sự thoát nước gây tình trạng phù chân ấn lõm.
Người bị phù chân do bệnh tim thường đi kèm với các biểu hiện khác như mệt mỏi, khó thở, tăng kích thước gan, thậm chí tràn dịch màng phổi,…
Bệnh gan
Phù chân ấn lõm có thể là dấu hiệu cảnh bảo bạn đang mắc phải bệnh xơ gan. Bệnh này do tăng lực tĩnh mạch cửa, làm giảm lưu thông máu từ tĩnh mạch chân về tim và gây phù theo cơ chế tương tự như bệnh suy tim. Ngoài ra, tình trạng xơ gan cũng ảnh hưởng đến thành phần hormone và protein trong cơ thể, đây cũng là một cơ chế khác gây phù chân.
Người mắc bệnh sẽ có những triệu chứng đi kèm với cổ trướng, phù toàn thân. Bệnh ở giai đoạn cuối có các biểu hiện khác như: vàng da, xuất huyết tiêu hóa, vàng mắt hoặc tuần hoàn bàng hệ.
Bệnh thận
Bị phù chân ấn lõm do bệnh thận là một trong những nguyên nhân phổ biến thường gặp nhất. Triệu chứng này thường gặp trong hội chứng suy thận hoặc thận mạn. Khi bệnh ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ xuất hiện các tình trạng như phù mặt, nặng mí mắt, sau đó phù chân hoặc trên toàn bộ cơ thể, phù mềm và phát triển nhanh chóng. Nguyên nhân gây ra triệu chứng này chính là khả năng bài tiết nước của thận bị suy giảm.
Khi chức năng thận bị suy yếu, hoạt động bất thường, không có khả năng lọc chất thải từ máu sẽ dẫn đến tích nước, gây ra sưng phù chân hay mắt cá chân.
Suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch chân là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay với tình trạng chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới bị suy giảm. Bệnh xảy ra do suy yếu các van tĩnh mạch trong hệ thống tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu. Hậu quả của tình trạng này làm trở ngại đến dòng chảy máu từ chân về tim, dẫn đến sự tích tụ máu ở chi dưới. Điều này gây áp lực lên thành tĩnh mạch và các triệu chứng khó chịu như đau nhức, sưng tấy, nổi mạch máu ở chân,…
Khi bệnh tiến triển, các van tĩnh mạch suy yếu, đường kính tĩnh mạch giãn rộng (>3mm), dẫn đến tình trạng tích tụ máu trong tĩnh mạch lớn hơn. Do đó, các triệu chứng bị phù chân ấn lõm do suy giãn tĩnh mạch cũng trở nên rõ rệt, nặng hơn ở vùng mắt cá và bàn chân; máu tích tụ gây loạn lưỡng khiến vùng da cẳng chân đậm màu, thậm chí có thể tím hoặc đen; hệ thống tĩnh mạch lồi lên bề mặt da gây đau nhức, nặng nề,…
Tìm hiểu thêm: Bị giãn tĩnh mạch nhẹ nên điều trị thế nào?
Bệnh lý về hệ bạch huyết
Trong cơ thể người, hệ thống bạch huyết đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ dịch dư thừa có trong các mô. Do đó, tình trạng tích tụ dịch quá mức trong bệnh phù chân ấn lõm thường có thể xuất phát từ sự tổn thương của hệ thống này.
Chấn thương, bệnh lý hoặc do can thiệp phẫu thuật có thể gây tổn thương hệ bạch huyết và mạch bạch huyết. Nếu khả năng lưu dẫn dịch của hệ bạch huyết không tốt, có thể dẫn đến tình trạng phù thũng kéo dài và tái phát nhiều lần.
Một số nguyên nhân khác
- Ngồi hoặc đứng quá lâu trong thời gian dài: Ngồi hoặc đứng trong thời gian dài cũng có thể gây phù chân ấn lõm vì những hoạt động này có thể tạo ra áp lực và gây cản trở cho quá trình lưu thông máu ở chân.
- Thiếu dinh dưỡng: Phù toàn thân hoặc hai chi dưới, phù trắng, mềm, ấn lõm và mức độ phù không thuyên giảm từ sáng hay chiều. Đồng thời, không có protein trong nước tiểu. Bị phù thường do thiếu ăn hoặc do mắc các bệnh mạn tính như rối loạn tiêu hoá kéo dài, ung thư, lao, tê liệu hoặc nằm lâu do bệnh mạn tính.
- Thời kỳ thai nghén: Bị phù chân ấn lõm có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự phát triển của thai nhi trong lòng tử cung, gây chèn ép vào hệ tĩnh mạch, làm giảm sự lưu thông máu từ chân về tim, dẫn đến phù chân do ứ trệ máu. Tình trạng này sẽ mất đi sau khi sinh con.
- Tác dụng phụ của thuốc: Khi người bệnh sử dụng một số loại thuốc như thuốc giãn mạch, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc chẹn kênh canxi (đối kháng calcium), estrogen hay thuốc tiểu đường thiazolidinediones đều có thể làm tăng nguy cơ phù nề.
☛ Tìm hiểu thêm: Phù chân có nguy hiểm không?
Bị phù chân ấn lõm nên làm gì?
Có rất nhiều phương pháp để giúp người bệnh cải thiện được tình trạng phù chân ấn lõm. Tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp và triệu chứng bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.
Khám và điều trị theo hướng dẫn bác sĩ
Người bệnh khi thấy bản thân có những triệu chứng nêu trên thì cần đến bệnh viện sớm. Bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh.
Chẳng hạn, với những người bị suy tim có thể điều trị bằng thuốc, thiết bị y tế hỗ trợ tim hoặc phẫu thuật. Đối với những người bị suy giãn tĩnh mạch khó để điều trị tận gốc, nên tuỳ vào triệu chứng và tình trạng bệnh để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp như uống thuốc, điều trị nội khoa hay phẫu thuật,…
☛ Tham khảo tại: Bị phù chân uống thuốc gì hiệu quả?
Áp dụng biện pháp giảm phù chân tại nhà
Nếu người bệnh bị phù chân ấn lõm do thói quen, lối sống hay do một số chấn thương nhỏ thì hoàn toàn có thể điều trị tại nhà với những liệu pháp sau:
Tập các bài tập giảm sưng phù
Người bệnh có thể tập luyện các bài tập giảm sưng phù, vận động vừa sức sẽ giúp loại bỏ lượng dịch dư thừa gây phù chân. Điều này giúp lượng máu ứ đọng chảy ngược về tim và lưu thông tuần hoàn máu.
Một số bài tập giảm sưng phù mà người bệnh có thể thực hiện như đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga, các bài tập nâng chân, xoay chân, tập mắt cá chân,…
Chườm lạnh
Người bệnh có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh để giúp thu nhỏ mạch máu và làm giảm lượng dịch lỏng rò rỉ ra ngoài. Điều này giúp lưu thông máu trở lại tim. Tuy nhiên, chườm lạnh chỉ nên thực hiện không quá 10 phút/lần. Đồng thời đây là chỉ phương pháp điều trị tạm thời, để điều trị dứt điểm, người bệnh cần kết hợp với nhiều biện pháp khác.
Massage chân
Bị phù chân ấn lõm sử dụng phương pháp massage chân thực sự có hiệu quả, đặc biệt là người già. Bởi đây là một trong những đối tượng thường xuyên gặp phải tình trạng như thành mạch máu dễ vỡ, kém lưu thông,…
Xem thêm: 7 loại máy massage dành cho người bị giãn tĩnh mạch chân
Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt
Việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng đóng góp không ít trong việc cải thiện phù chân ấn lõm.
- Người bệnh cần uống đủ nước.
- Cắt giảm lượng muối ăn trong chế độ ăn uống hàng ngày.
- Bổ sung những thực phẩm giàu magie như ngũ cốc nguyên hạt, cải bó xôi, đậu,…
- Trong quá trình điều trị bệnh phải luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
- Duy trì lối sống tích cực, tránh căng thẳng, lo âu.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể phòng ngừa phù chân ấn lõm bằng những biện pháp sau:
- Khi nằm, bệnh nhân có thể đặt một cái gối dưới chân để nâng chân lên cao hơn khoảng 45 độ, nhằm giảm áp lực dưới chân, giúp lưu thông máu tốt hơn.
- Duy trì cân nặng phù hợp.
- Hạn chế đứng hoặc ngồi lâu trong thời gian dài.
- Khi chân bị phù chân ấn lõm, người bệnh có thể vuốt nhẹ từ dưới lên để giúp máu và lượng chất lỏng dư thừa được lưu thông, giảm tắc nghẽn.
- Đồng thời cần thăm khám định kỳ để theo dõi diễn biến của bệnh và tìm ra hướng điều trị thích hợp trong thời gian tiếp theo.