Phù chân là triệu chứng dễ gặp, đôi khi có thể là biểu hiện của bệnh lý và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, việc lựa chọn phương pháp cải thiện như thế nào chắc hẳn được rất nhiều người quan tâm. Ngoài việc, điều trị phù chân bằng thuốc cũng có một số cách chữa phù chân đơn giản, mang lại hiệu quả mà bạn có thể tham khảo áp dụng tại nhà.
Mục lục
Có nhiều phương pháp giúp cải thiện tình trạng phù chân. Tuy nhiên, tùy theo nguyên nhân, triệu chứng nặng hay nhẹ mà bạn có thể chọn lựa những cách điều trị khác nhau.
1. Uống trà gừng
Theo nghiên cứu, trong củ gừng chứa nhiều vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, hoạt chất gingerol tự nhiên trong củ gừng có khả năng chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa, giảm đau và giảm sưng phù nề chân một cách hiệu quả từ bên trong.
Để sử dụng gừng cải thiện tình trạng phù chân, bạn có thể tham khảo cách dùng gừng như sau:
- Chuẩn bị 1 củ gừng, 300ml nước, mật ong nguyên chất.
- Đem gừng đi rửa sạch, cạo vỏ và thái thành những lát mỏng, đập dập.
- Cho gừng vào ấm đun cùng 300ml nước. Khi đun sủi thì vặn lửa nhỏ liu riu khoảng 15 phút.
- Chắt lấy nước và thêm 1 thìa cà phê mật ong, khuấy đều cho tan.
- Uống ngay khi còn ấm nóng.
- Nên thường xuyên uống, mỗi ngày 1 cốc vào buổi sáng để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Đọc thêm: Gừng chữa suy giãn tĩnh mạch có thực sự hiệu quả?
2. Uống nước râu ngô
Theo y học cổ truyền, râu ngô có vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh thận và bàng quang trị tiểu rắt, viêm tiết niệu, hạ huyết áp, phù thủng… Vì râu ngô có tính lợi tiểu nên nó có khả năng giảm giữ nước và sưng phù chân hiệu quả.
Cách sử dụng râu ngô trị phù chân như sau:
- Chuẩn bị 100g râu ngô tươi đem rửa sạch
- Cho râu ngô vào nồi đun cùng 500ml nước.
- Đun đến khi sủi thì vặn lửa nhỏ liu riu đến khi còn 100ml nước thì tắt bếp.
- Cho vào 50g đường trộn đều rồi để nguội và cho vào lọ dùng dần.
- Lấy thìa xúc 10g, pha cùng nước sôi và uống trực tiếp, ngày uống 3 lần.
3. Uống nước hạt ngò rí
Hạt ngò rí hay còn được gọi là hạt rau mùi. Nghiên cứu đã chỉ ra, các hoạt chất: alcaloid, tannin, sterol, flavones,.. trong hạt ngò rí có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm tự nhiên, giúp hỗ trợ điều trị các triệu chứng sưng tấy, phù nề hiệu quả.
Để sử dụng hạt ngò rí, bạn có thể làm theo hướng dẫn cụ thể sau đây:
- Chuẩn bị 3 cốc hạt ngò rí, cho vào nồi đun cùng 1 cốc nước.
- Đun với lửa nhỏ liu riu đến khi nước cạn còn 1 nửa.
- Tắt bếp, chắt lọc lấy phần nước.
- Uống 1 – 2 lần/ ngày sẽ thấy triệu chứng được cải thiện.
4. Uống nước ép cà rốt
Cà rốt giàu chất chống oxy hóa và các vitamin có khả năng thải độc. Nguyên nhân bởi trong cà rốt chứa hàm lượng kali cao, cà rốt cũng giúp duy trì lượng cholesterol và lượng đường trong máu, giúp loại bỏ hiện tượng phù nề một cách hiệu quả.
Bạn có thể chế biến 1 cốc nước ép cà rốt theo cách sau:
- Chuẩn bị 3 củ cà rốt, đem cạo vỏ bên ngoài, rửa sạch và cắt thành những khoanh nhỏ.
- Cho cà rốt đã sơ chế vào máy ép lấy nước.
- Khi uống không nên thêm đường, mật ong hay bất cứ gia vị gì.
- Mỗi tuần nên uống 2 – 3 cốc nước ép cà rốt như vậy sẽ hỗ trợ giảm phù nề ở chân hiệu quả.
5. Uống nước rễ cỏ tranh
Theo Đông y, rễ cỏ tranh có tính hàn, vị hơi ngọt, lợi niệu nên có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, tiêu thũng và hạ huyết áp rất tốt.
Để sử dụng rễ có tranh trong việc giảm phù chân, bạn có thể thực hiện theo cách sau:
- Chuẩn bị 1 nắm rễ cỏ tranh tươi khoảng 250g, đem rửa sạch và cắt ngắn
- Cho rễ cỏ tranh vào nồi đun cùng 500ml nước.
- Đun đến khi sôi thì vặn lửa nhỏ liu riu khoảng 30 phút thì lọc bỏ bã.
- Tiếp tục đun nhỏ lửa đến khi cạn đặc thì cho thêm 500ml nước dừa tươi.
- Đun tiếp hỗn hợp cho đến khi đặc quánh lại
- Cho thêm 50g đường trắng, vừa đun vừa quấy đều tay cho đường tan ra.
- Tắt bếp, hong khô rồi cho vào lọ đầy kín.
- Mỗi lần dùng xúc 10g, pha cùng 200 ml nước sôi
- Ngày uống 3 lần vào 3 buổi.
6. Uống trà chanh táo
Theo y học hiện đại, chanh và táo đỏ có chứa nhiều protein, sắt, canxi, phốt pho và nhiều loại vitamin A, C, B1, B2,… rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, nó còn giúp trao đổi chất, giảm cân và tiêu phù hiệu quả.
Cách thực hiện trà chanh táo thơm ngon, giảm phù chân như sau:
- Chuẩn bị 1 quả chanh, 1 quả táo đem rửa sạch và ngâm cùng vài hạt muối.
- Thái chanh thành các miếng mỏng, cắt táo thành miếng nhỏ cho vào nồi, thêm quế, đinh hương và 1 thìa tiêu đen đun cùng 1 – 3 lít nước.
- Đun đến khi sôi thì vặn nhỏ lửa, đun âm ỉ thêm 5 phút.
- Tắt bếp, lọc lấy nước.
- Uống nước như uống trà hằng ngày sẽ giúp giảm phù chân hiệu quả.
7. Uống trà đinh hương
Một số nhận định cho rằng đinh hương có nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể như: vitamin B, C, D, E, K, canxi, kali, protein, kẽm, folate, eugenol, chất chống oxy hóa,… có tác dụng giảm đau, giảm viêm, giảm phù nề và loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể.
Để chế biến một ly trà thơm ngon, hỗ trợ giảm phù nề chân, bạn có thể kết hợp đinh hương cùng một số nguyên liệu, cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị 1 nhúm râu ngô, 6 cọng mùi tây, vài lá trà xanh, 1 nắm đinh hương đem rửa sạch.
- Cho tất cả nguyên liệu trên vào nồi đun cùng 500ml nước.
- Đun đến khi sủi thì vặn lửa nhỏ liu riu thêm khoảng 5 phút.
- Tắt bếp, chắt lấy nước cho vào ấm giữ nhiệt để uống dần trong ngày.
8. Massage chân bằng dầu mù tạc
Trong dầu mù tạc có chứa các thành phần chống viêm, kháng khuẩn nên trị sưng phù chân rất hiệu quả. Bạn có thể massage chân bằng dầu mù tạc theo hướng dẫn sau đây:
- Chắt 1/2 ly dầu mù tạc, ngâm vào cốc nước nóng khoảng 3 – 5 phút cho dầu nóng lên.
- Dùng dầu thoa vào vùng chân bị sưng phù,
- Nhẹ nhàng massage chân cùng dầu theo vòng tròn cho nóng lên.
- Mỗi ngày massage như trên khoảng 2 – 3 lần.
Xem thêm: Hướng dẫn cách massage giúp giảm đau mỏi chân hiệu quả
9. Thoa tinh dầu tràm
Trong tinh dầu tràm có chứa nhiều hợp chất kháng khuẩn, chống viêm giúp giảm đau nhanh, làm dịu cơ và giảm sưng phù nề hiệu quả.
Cách dùng tinh dầu tràm như sau:
- Dùng một miếng bông y tế hoặc bông tẩy trang hay có thể dùng tay chấm vài giọt dầu tràm trà nhẹ nhàng thoa lên vùng chân bị sưng phù.
- Bạn có thể massage nhẹ nhàng vùng chân cũng giúp giảm sưng, phù nhanh chóng.
- Mỗi ngày nên thực hiện 2 lần triệu chứng sưng phù chân sẽ giảm đi đáng kể.
10. Chườm nóng hoặc lạnh
Thông thường, phương pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh đều giúp giảm sưng, phù hiệu quả. Khi chườm nóng, nhiệt độ nóng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình lưu thông giữa các mạch máu, từ đó giảm sưng, đau mang lại cảm giác dễ chịu. Khi chườm lạnh sẽ làm các mạch máu co lại, vùng da bị sưng, phù nề sẽ giảm ứ dịch, giảm sưng nhanh chóng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ điều trị triệu chứng lúc đó, không điều trị được nguyên nhân gây bệnh.
Cách thực hiện chườm nóng hoặc lạnh như sau:
- Dùng túi chườm cho đá hoặc nước ấm vào, đậy kín nắp, đặt lên vùng chân bị phù vài phút.
- Nếu dùng khăn thì nhúng khăn trong thau nước ấm hoặc nước đá lạnh rồi vắt ráo nước. Đặt khăn lên vị trí chân phù sưng khoảng 2 – 3 phút, đến khi khăn hết nóng hoặc hết lạnh thì lại nhưng khăn vào nước tiếp.
- Nên chườm khoảng 2 – 3 lần/ ngày như vậy sẽ giảm tình trạng chân phù nề hiệu quả.
11. Ngâm chân bằng nước muối Epsom
Muối Epsom là loại muối có chứa magie sulfate rất dễ thấm qua da có tác dụng giảm tình trạng chân phù nề. Ngoài ra, loại muối này cải thiện tuần hoàn giảm sưng, đau và căng thẳng mệt mỏi nhanh chóng.
Để ngâm chân bằng nước muối Epsom, bạn làm theo cách dưới đây:
- Lấy nửa cốc muối pha với 1 chậu nước ngâm chân (có thể dùng nước ấm và nước lạnh),
- Ngâm chân trong chậu khoảng 10 – 20 phút.
- Thực hiện cách này khoảng 3 lần/ tuần.
12. Đeo vớ y khoa
Vớ y khoa (medical compression stocking) là loại vớ y tế thường dùng trong điều trị suy tĩnh mạch. Cơ chế hoạt động của vớ y khoa là tạo áp lực lên chân, giúp ép lại các các van tĩnh mạch bị hở được khép kín, không cho máu trào ngược nữa, giảm tình trạng sưng phù chân, nổi gân xanh ở chân…
Vớ y khoa có nhiều loại, từ áp lực thấp đến áp lực cao. Tùy theo triệu chứng mà người bệnh có thể được tư vấn dùng theo cấp độ vớ từ 1 – 3. Ngay cả khi bạn chưa có vấn đề gì về tĩnh mạch, nhưng có các triệu chứng chân mỏi, nặng chân, chân phù nề… hoặc thậm chí nếu bạn không có bất kỳ biểu hiện gì, bạn cũng có thể đeo vớ y khoa loại phù hợp để phòng ngừa.
Điều quan trọng, bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để có thể chọn lựa được loại vớ phù hợp sẽ giúp phòng ngừa và cải thiện bệnh.