Có bao giờ bạn thấy chân bước nặng nề, mệt mỏi như đeo đá? Tình trạng này có thể xảy ra khi tập luyện quá sức hoặc thừa cân, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Việc tìm hiểu nguyên nhân sẽ giúp chẩn đoán và điều trị đạt hiệu quả, tránh biến chứng có thể xảy ra. Dưới đây là thông tin giúp bạn xác định nguyên nhân và cách cải thiện triệu chứng chân có cảm giác nặng nề.
Mục lục
1. Thế nào là chân nặng nề?
Chân nặng nề là cảm giác nặng nề, mệt mỏi vùng chân, nặng chân gây khó khăn khi nhấc lên và đi về phía trước.
Chân nặng nề xảy ra thường xuyên kèm theo các triệu chứng dưới đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý:
- Sưng phù chân (liên quan đến tuần hoàn)
- Chân nổi gân xanh (do liên quan đến tĩnh mạch)
- Xuất hiện dấu hiệu viêm loét.
- Da xanh lợt.
- Tê bì chân.
- Chân lạnh hoặc ngứa râm ran.
- Giảm chức năng vận động.
2. Chân có cảm giác nặng nề là bị làm sao?
2.1. Tập luyện quá sức
Tập luyện quá sức là một trong những nguyên nhân đầu tiên chúng ta nghĩ đến khi thấy có cảm giác chân nặng nề, mệt mỏi. Việc di chuyển quá nhiều, leo cầu thang, tập thể thao quá sức có thể khiến đôi chân cảm thấy kiệt sức, không muốn nhấc lên.
2.2. Tăng cân quá mức
Thừa cân béo phì là một trong những nguy cơ gây ra cảm giác chân nặng nề. Việc thừa cân, béo phì có khả năng làm tăng áp lực lên vùng tĩnh mạch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tĩnh mạch như: suy tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, những đối tượng thừa cân béo phì cũng dễ bị phù bạch huyết hơn. Bệnh lý này có thể khiến đôi chân khó cử động, cảm giác chân nặng nề khó nhấc lên và di chuyển.
2.3. Suy giãn tĩnh mạch chân
Triệu chứng chân nặng nề có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh suy giãn tĩnh mạch chân. Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng các tĩnh mạch chi dưới giãn rộng, mở rộng khi chúng mất độ đàn hồi và van trở nên yếu đi, làm máu bị ứ lại ở chân gây ra cảm giác chân nặng nề, căng giãn, tăng áp lực ở chân. Ngoài triệu chứng chân có cảm giác nặng nề, bệnh còn có một số dấu hiệu đặc trưng:
- Nổi gân xanh ngoằn nghoèo quanh bắp chân, cẳng chân.
- Đau nhức chân khi đứng, ngồi lâu ở một tư thế.
- Sưng, phù tại bàn chân, mắt cá chân.
- Có cảm giác kiến bò, tê bì ở bàn chân, bắp chân.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch nếu không được phát hiện và điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch ngoài, huyết khối tĩnh mạch sâu. Chính vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ, bạn hãy đi thăm khám để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
2.4. Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) xảy ra khi các mảng bám tích tụ trong thành động mạch dẫn máu từ tim đến chân bị thu hẹp lại. Tình trạng không đủ lượng máu lưu thông khiến chân bị mệt mỏi, nặng nề, đau nhức. Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra một số triệu chứng sau:
- Đau rút ở đùi, hông hoặc cơ bắp chân sau khi hoạt động như: đi bộ hoặc leo cầu thang.
- Chân bị tê bì, yếu, chuột rút.
- Lạnh ở vùng thấp của chân hoặc bàn chân, đặc biệt là khi so sánh với chân khác.
- Nếu có vết thương thì lâu lành và dễ dẫn đến hoại tử.
Bệnh động mạch ngoại biên thường có nguy cơ xảy ra ở những đối tượng huyết áp cao, hút thuốc lá, tiểu đường, lượng cholesterol cao. Cho đến nay, vẫn chưa có cách điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, một số thuốc như aspirin hoặc thuốc giảm cholesterol và ăn uống lành mạnh (giảm chất béo) có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng bệnh.
2.5. Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên hay còn gọi là hội chứng chân bồn chồn (Willis-Ekbom (RLS/ WED). Đây là một chứng bệnh thần kinh khiến cho đôi chân của người bệnh luôn trong trạng thái muốn vận động, khó kiểm soát. Hội chứng này thường xảy ra vào buổi tối khi người bệnh đang ngồi hoặc nằm ngủ.
Chân có cảm giác nặng nề là một trong những triệu chứng dễ nhận biết của hội chứng chân bồn chồn. Ngoài ra, triệu chứng này có thể kèm theo cảm giác ngứa, bỏng rát, kiến bò râm ran chân làm chân khó chịu. Người bệnh phải cử động duỗi chân, hoạt động chân, đi bộ để có thể giảm những cảm giác khó chịu này.
Hội chứng chân không yên có thể kéo dài suốt đời và tăng dần theo tuổi tác. Mục tiêu của việc điều trị là giảm triệu chứng khó chịu và giúp người bệnh có giấc ngủ ngon. Bác sĩ có thể sử dụng thuốc kết hợp với biện pháp trị liệu cùng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để gia tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2.6. Hẹp ống sống thắt lưng
Hẹp ống sống thắt lưng là tình trạng ống sống thắt lưng bị hẹp lại gây chèn ép các rễ thần kinh và rễ thần kinh ở chùm đuôi ngựa trước khi thoát ra khỏi lỗ. Hẹp ống sống là triệu chứng của việc thoái hóa, bệnh thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi.
Đau cột sống thắt lưng kết hợp với cảm giác chân nặng nề, tê yếu chân có thể là triệu chứng của bệnh hẹp ống sống. Ngoài ra, bệnh còn gây ra một số triệu chứng như: đứng, đi bộ, leo cầu thang, chạy bộ có cảm giác đau mông, đùi. Cơn đau giảm khi nghiêng người, hơi cúi về phía trước hoặc ngồi nghỉ.
Hẹp ống sống thắt lưng là một bệnh lý rất thường gặp và không thể được ngăn ngừa hoàn toàn. Người bệnh có thể quản lý triệu chứng bệnh bằng cách xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, hẹn chế bia, rượu và khói thuốc… Bên cạnh đó, khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
2.7. Phù mạch bạch huyết
Phù mạch bạch huyết hay còn gọi là phù bạch mạch. Nguyên nhân của bệnh là bạch huyết bị tắc nghẽn, kém lưu thông, bị tổn thương hoặc do các mạch bạch huyết phát triển không bình thường. Khi đó, dịch bạch huyết sẽ bị ứ đọng, tích tụ trong các mô xung quanh, gây sưng, phù nề. Phù mạch bạch huyết là nguyên nhân phổ biến gây cảm giác chân nặng nề, bên cạnh đó, bệnh còn gây ra một số triệu chứng sau:
- Sưng ở tay hoặc chân.
- Chân tay yếu, giảm linh hoạt.
- Có cảm giác đau đớn, khó chịu, bí chật ở những vùng bị phù.
- Da căng, bóng, ấm nóng, đỏ tấy.
- Da dày hơn, không bị lõm khi ấn hoặc đè.
- Da sần sùi như vỏ cam.
Hiện nay vẫn không có phương pháp đặc hiệu điều trị bệnh phù bạch huyết. Các phương pháp can thiệp chủ yếu giúp làm giảm triệu chứng sưng, đau, nặng nề cho bệnh nhân như: dùng băng quấn, ép nén, mặc đồ bó nén, massage… Với trường hợp phù mạch bạch huyết trầm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật để loại bỏ các mô thừa ở tay và chân. Tuy nhiên, các phương pháp này cũng không để điều trị dứt điểm bệnh này. Vì vậy, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để kích thích lưu thông dòng bạch huyết, giảm thiểu tình trạng sưng, phù chân, nặng chân có thể xảy ra.
3. Khi nào chân nặng nề cần đi khám bác sĩ?
Một số trường hợp chân có cảm giác nặng nề, mệt mỏi sau một đêm nghỉ ngơi là được cải thiện thì người bệnh không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, trong các trường hợp dưới đây thì bạn nên đi khám ngay lập tức:
- Chân nặng nề, sưng phù, khó nhấc hoặc đi lại thấy đau và khó khăn.
- Dùng ngón tay ấn vào mà để lại vết lõm
- Chân nặng nề kéo dài vài ngày kèm theo đau đớn, da đổi màu, chảy máu.
4. Biện pháp cải thiện chân nặng nề
Như chia sẻ ở trên, chân có cảm giác nặng nề do rất nhiều nguyên nhân. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, để cải thiện tình trạng chân nặng nề, người bệnh có thể tham khảo một số cách dưới đây:
4.1. Duy trì cân nặng vừa phải
Thừa cân béo phì là một trong những nguyên nhân gây tình trạng chân có cảm giác nặng nề, khó chịu. Vì vậy, bạn hãy duy trì cân nặng vừa phải, tránh tăng cân quá nhanh, thừa cân béo phì để giảm thiểu khả năng mắc triệu chứng khó chịu này nhé.
4.2. Chế độ ăn uống lành mạnh
Để đôi chân được nhẹ nhàng, đi lại thoải mái, đầu tiên bạn cần cải thiện tuần hoàn các mạch máu bằng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh như:
- Bổ sung đầy đủ vitamin C (cam quýt, cà chua, kiwi…), vitamin E (ngũ cốc, men, cá béo…), sêlênium và kẽm ( cá, tôm, cua, gan…), pôlyphênol (rau quả có màu đỏ, chè xanh, sôcôla, cà phê…) giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật.
- Bổ sung chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa dễ dàng (rau xanh, hoa quả, ngũ cốc thô…)
- Bổ sung đầy đủ nước, uống đủ 2 lít nước/ ngày để cơ thể bài tiết các chất độc hại.
- Tránh bia, rượu, thuốc lá.
- Hạn chế muối ăn vì muối khiến cơ thể tích nước nhiều hơn, khiến chân sưng và có cảm giác nặng nề hơn.
4.3. Lựa chọn trang phục
Mặc quần áo bó sát vào cơ thể và đi những đôi giày dép quá chật làm cho các mạch máu lưu thông khó khăn hơn. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn những trang phục nhẹ nhàng, chất liệu thoáng mát, đi những đôi giày dép đế bệt vừa giúp massage chân và cũng kích thích lưu thông máu tốt hơn.
4.4. Thói quen vận động
Thói quen vận động giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng sức bền, sức dẻo dai của cơ thể, tăng cường sức đề kháng phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, với đôi chân có cảm giác nặng nề thì không phải bất cứ môn thể thao nào cũng có thể tập luyện được.
Bạn nên tránh những môn thể thao dễ gây tổn thương bắp chân và tĩnh mạch như: chạy bộ, tennis, cầu lông, bóng chuyền… Tốt nhất, bạn nên lựa chọn đạp xe, bơi lội, đi bộ nhẹ nhàng giúp lưu thông máu, đôi chân được nhẹ nhàng hơn.
4.5. Di chuyển chân thường xuyên
Không nên đứng hay ngồi một tư thế quá lâu, khi ngồi nên co duỗi chân thường xuyên, thỉnh thoảng đứng lên đi lại, xoa chân từ dưới lên, nâng cao đùi, di chuyển ngón chân để kích thích lưu máu. Trong lúc ngủ, bạn cũng nên đặt gối dưới chân, kê chân cao lên một chút để tránh tình trạng máu dồn xuống chân.
4.6. Mang vớ nén
Mang vớ nén y khoa giúp tạo áp lực lên chân để các tĩnh mạch ở chân đỡ giãn nở, máu di chuyển qua tĩnh mạch hiệu quả hơn. Biện pháp này cũng làm giảm hoặc ngăn ngừa tình trạng sưng chân, chân nặng nề, nhất là các nguyên nhân liên quan đến tĩnh mạch.
4.7. Tránh nóng
Nhiệt độ cơ thể tăng cao là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự lưu thông máu và khiến máu dồn xuống chân nhiều hơn gây tình trạng nặng chân. Vì vậy, nếu muốn có một đôi chân nhẹ nhõm, bạn nên tránh tắm bằng nước quá nóng, hoặc tắm bằng nước nóng xong hãy tráng lại đôi chân bằng nước lạnh. Ngoài ra, không nên đi bốt thường xuyên, hạn chế xông hơi hoặc ngâm mình trong nước nóng nhé.