Ngứa da là một trong những triệu chứng của suy tĩnh mạch chân, có thể dẫn đến chàm ứ đọng. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Vậy tại sao giãn tĩnh mạch lại gây ngứa và làm thế nào để giảm thiểu triệu chứng này?
Mục lục
Tại sao giãn tĩnh mạch gây ngứa chân?
Suy giãn tĩnh mạch xảy ra khi các tĩnh mạch không thể đưa máu trở lại tim một cách hiệu quả. Bình thường, máu di chuyển một chiều về tim nhờ các van một chiều trong thành tĩnh mạch. Khi các tĩnh mạch không hoạt động tốt, máu có thể chảy ngược lại, làm tăng áp lực trong mạch máu và khiến cho tĩnh mạch phình ra, hiện rõ trên da dưới dạng các tĩnh mạch màu xanh hoặc tím.
Áp lực tĩnh mạch tăng làm cho các tế bào hồng cầu rò rỉ vào các mô xung quanh. Khi các tế bào hồng cầu bị vỡ ra, các sản phẩm phân hủy của hồng cầu thu hút các tế bào viêm (hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể) đến khu vực này để xử lý. Các tế bào bạch cầu, cùng với các cytokine, yếu tố tăng trưởng và các chất hóa học khác, gây ra phản ứng viêm trong da.
Do quá trình rò rỉ và phân hủy tế bào hồng cầu diễn ra liên tục, viêm trở thành mãn tính. Người bệnh sẽ thấy ngứa da chân, thậm chí bị tăng sắc tố da (da sạm đi, có màu đỏ nâu, khô thành vảy), làm cho da càng ngứa nhiều hơn. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh đang xấu đi và cần được điều trị sớm, nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.
Các biện pháp cải thiện triệu chứng ngứa tạm thời
Dưới đây là một số biện pháp tại nhà có thể giúp người bệnh giảm cảm giác ngứa liên quan đến suy giãn tĩnh mạch chân.
Dùng thuốc kháng histamine
Thuốc kháng histamine là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi để điều trị các triệu chứng dị ứng. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn tác dụng của histamine – một chất hóa học trong cơ thể gây ra các triệu chứng dị ứng như ngứa, hắt hơi, sổ mũi, mắt đỏ, và nổi mề đay.
Người bị suy giãn tĩnh mạch chân bị ngứa da cũng được khuyên dùng thuốc kháng histamin để giảm bớt cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
Hiện nay, có hai loại thuốc kháng histamine chính đó là:
- Thuốc kháng histamine thế hệ 1: Thuốc có thể gây buồn ngủ và thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng dị ứng ban đêm hoặc để giúp bạn ngủ ngon hơn.
- Thuốc kháng histamine thế hệ 2: Thuốc thế hệ mới ít gây buồn ngủ hơn và thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng dị ứng ban ngày.
Thuốc giảm ngứa kháng histamine có cả dạng bôi và dạng uống, nhưng đa phần người bị giãn tĩnh mạch sẽ sử dụng thuốc dạng bôi.
Thuốc dạng bôi tác dụng trực tiếp lên vùng da bị ngứa, giảm kích ứng nhanh chóng, ít gây tác dụng phụ toàn thân. Thường chứa các hoạt chất kháng histamine như diphenhydramine, calamine… kết hợp với các chất làm dịu da như aloe vera, vitamin E.
Thuốc giảm ngứa dạng uống hiệu quả cho các trường hợp ngứa lan rộng.
Bạn có thể mua thuốc kháng histamine không kê đơn tại nhà thuốc. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Dùng kem bôi corticosteroid hoặc calcineurin
Kem bôi chứa corticosteroid hoặc chất ức chế calcineurin có thể giảm viêm và giảm ngứa.
- Corticosteroid: Đây là một loại hormone có tác dụng chống viêm mạnh mẽ. Khi bôi lên da, corticosteroid sẽ làm giảm sưng, đỏ và ngứa.
- Chất ức chế calcineurin: Đây là một loại thuốc có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, giúp giảm viêm và giảm ngứa.
Các loại kem bôi này thường được kê đơn cho các bệnh da liễu như viêm da cơ địa, vẩy nến và viêm da tiếp xúc. Khi được sử dụng để điều trị ngứa do giãn tĩnh mạch chân, kem bôi giúp làm dịu da, giảm viêm và giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, một số người có thể gặp phải các tác dụng phụ khi sử dụng kem bôi như: mỏng da, rạn da, nếu dùng trong thời gian dài. Do đó, để sử dụng đúng và hiệu quả, cần tham khảo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bôi kem dưỡng ẩm
Việc bôi kem dưỡng ẩm sau khi tắm sẽ giúp da chân mềm mại, mịn màng và giảm tình trạng khô ráp. Kem dưỡng ẩm tạo một lớp màng bảo vệ trên bề mặt da, từ đó ngăn ngừa sự mất nước, bảo vệ da khỏi tác động của môi trường và các tác nhân gây kích ứng.
Những ai bị suy giãn tĩnh mạch nên chọn loại kem dưỡng ẩm có thành phần tự nhiên, không chứa hương liệu, chất tạo màu và các chất kích ứng. Các thành phần như shea butter, lô hội, vitamin E rất tốt cho da khô và nhạy cảm.
Sau khi tắm và lau khô người, người bệnh thoa một lớp kem dưỡng ẩm mỏng lên vùng da bị giãn tĩnh mạch. Nên thoa kem dưỡng ẩm 2 lần/ngày, vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.
Lưu ý chung khi trị ngứa tại nhà do giãn tĩnh mạch
Tránh gãi: Gãi sẽ làm tổn thương da, gây viêm nhiễm và khiến tình trạng ngứa càng trở nên trầm trọng hơn.
Nâng cao chân khi ngủ: Khi nâng cao chân, máu sẽ dễ dàng lưu thông trở lại tim, giảm tình trạng ứ trệ máu ở chân. Điều này giúp giảm áp lực lên các tĩnh mạch bị giãn, từ đó làm giảm tình trạng viêm xung quanh các tĩnh mạch bị giãn, từ đó làm giảm cảm giác ngứa và khó chịu.
Bạn có thể tham khảo thêm một số loại gối nâng cao chân khi ngủ dành riêng cho người bị suy giãn tĩnh mạch trong bài viết: Top 7 loại gối giãn tĩnh mạch tốt nhất hiện nay
Sử dụng sữa tắm dịu nhẹ: Da bị giãn tĩnh mạch thường có xu hướng khô, bong tróc. Sữa tắm dịu nhẹ giúp giữ ẩm cho da, ngăn ngừa tình trạng khô da và giảm ngứa. Sữa tắm dịu nhẹ được bào chế với thành phần tự nhiên, không chứa các chất tạo màu, hương liệu, chất bảo quản, giúp làm dịu da, ngăn ngừa kích ứng.
Không tùy tiện bôi các loại tinh dầu lên da: Nhiều loại tinh dầu có tính chất kích ứng da, đặc biệt là đối với làn da nhạy cảm hoặc đã bị tổn thương do giãn tĩnh mạch. Việc bôi tinh dầu lên da có thể gây ra tình trạng ngứa rát, nổi mẩn đỏ, thậm chí là viêm da tiếp xúc. Có một số loại tinh dầu có tác dụng làm giãn mạch máu, đặc biệt là các loại dầu massage ấm, khi bôi lên vùng da bị giãn tĩnh mạch, có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Các tĩnh mạch giãn nở thêm và gia tăng các triệu chứng khó chịu.
Mặc quần áo thoáng mát: Chọn quần áo bằng chất liệu cotton, thấm hút mồ hôi tốt để giảm ma sát và kích ứng da.
Chế độ ăn uống: Hạn chế các loại thực phẩm cay nóng, đồ uống có ga, rượu bia, cà phê… vì chúng có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và gây ngứa.
Điều trị chuyên khoa là giải pháp triệt để loại bỏ triệu chứng bệnh
Các biện pháp trên chỉ mang lại hiệu quả tạm thời. Giãn tĩnh mạch không tự khỏi mà cần điều trị chuyên khoa để loại bỏ nguyên nhân gốc rễ.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch chân phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, vị trí các tĩnh mạch bị giãn, tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân và mong muốn riêng của từng bệnh nhân. Dưới đây là một số phương pháp điều trị thường được áp dụng cho từng cấp độ:
Cấp độ nhẹ
Điều trị bảo tồn là phương pháp ưu tiên cho giãn tĩnh mạch nhẹ (C0- C1), thống phân loại CEAP, triệu chứng có thể là tĩnh mạch mạng nhện, tĩnh mạch giãn nhẹ và phù nhẹ.
Các biện pháp bao gồm thay đổi lối sống như tăng cường vận động, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, và nâng cao chân khi nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vớ nén y khoa cũng giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm triệu chứng. Chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ, hạn chế muối, chất béo và uống đủ nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh
Cấp độ trung bình
Tiêm xơ (Sclerotherapy)
Phương pháp này thực hiện bằng cách tiêm chất gây xơ vào tĩnh mạch bị giãn, gây tổn thương nội mạc và tạo huyết khối làm tắc lòng tĩnh mạch. Chất gây xơ có thể ở dạng dịch hoặc dạng bọt, với dạng bọt hiệu quả hơn và ít biến chứng hơn.
Tiêm xơ tĩnh mạch có ưu điểm là quy trình thực hiện đơn giản, ít xâm lấn, không cần phẫu thuật, và bệnh nhân có thể về nhà ngay sau điều trị.
Chỉ định: Thường áp dụng cho các tĩnh mạch nhỏ và vừa, giãn mao tĩnh mạch mạng nhện, giãn tĩnh mạch nông dạng lưới, và các nhánh tĩnh mạch nông tồn tại sau phẫu thuật. Hiệu quả kém hơn với các tĩnh mạch lớn và sâu.
Tham khảo: Chi phí tiêm xơ tĩnh mạch
Laser nội mạch (Endovenous Laser Ablation – EVLA)
Nguyên lý của phương pháp này là sử dụng năng lượng laser để làm nóng và phá hủy tĩnh mạch bị giãn từ bên trong. Ánh sáng laser làm teo vùng tĩnh mạch bị giãn, ngăn máu chảy qua.
Tương tự như phương pháp trên, laser nội mạch cũng có ưu điểm ít xâm lấn, hiệu quả cao, thời gian phục hồi nhanh, và bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau điều trị. Tuy nhiên, chi phí có thể cao hơn so với tiêm xơ một chút.
Phương pháp này thường áp dụng cho các tĩnh mạch lớn hơn, giãn tĩnh mạch nông dưới da, và suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính.
Tham khảo: Chi phí thực hiện laser nội mạch
Sóng cao tần (Radiofrequency Ablation – RFA)
Ở phương pháp này, các bác sĩ sử dụng sóng radio để tạo nhiệt, phá hủy collagen thành tĩnh mạch, dẫn đến viêm và xơ hóa tĩnh mạch. Sóng cao tần phát nhiệt từ một sợi cáp đưa vào lòng tĩnh mạch, gây xơ hóa thành mạch.
Ưu điểm của phương pháp là ít xâm lấn, hiệu quả cao, tỷ lệ tái phát thấp, và thời gian phục hồi nhanh.
Phương pháp này thường áp dụng cho các tĩnh mạch lớn và vừa, giãn tĩnh mạch nông, và suy tĩnh mạch chi dưới.
Đọc đầy đủ: A-Z về phương pháp trị giãn tĩnh mạch bằng sóng cao cần
Cấp độ nặng
Ở những bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch chân nặng, bác sĩ có thể đề xuất phác đồ điều trị bằng phẫu thuật đơn lẻ hoặc phẫu thuật kết hợp với các phương pháp khác như tiêm xơ, laze để đạt hiệu quả tốt nhất.
Nói chung, bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch càng nặng thì các phương pháp xâm lấn càng được ưu tiên, đặc biệt là giãn tĩnh mạch sâu.
Người có bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch cần được đánh giá kỹ trước khi điều trị.
Tìm hiểu thêm: Những vấn đề cần quan tâm sau mổ giãn tĩnh mạch chân