Suy giãn tĩnh mạch chân không chỉ cản trở công việc, chất lượng sống mà còn khiến người bệnh đối diện với hàng loạt biến chứng nghiêm trọng. May mắn là căn bệnh này hoàn toàn có thể được phòng ngừa được nếu bạn tuân thủ những hướng dẫn dưới đây.
Mục lục
1. Vì sao phải phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch chân?
Suy giãn tĩnh mạch chân xảy ra khi hệ thống van và tĩnh mạch chân bị suy yếu và giãn rộng ra. Tình trạng này tạo điều kiện cho máu ứ đọng và tăng áp lực lên lòng mạch. Theo thời gian, các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch ngày càng rõ rệt, kéo theo đó là những ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh cũng ngày càng nghiêm trọng.
Những người có nguy cơ cao được khuyến cáo cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch chân. Việc phòng ngừa bệnh ngay từ giai đoạn sớm giúp người bệnh tránh được hàng loạt những ảnh hưởng nghiêm trọng như:
Máu ứ đọng trong lòng mạch khiến tĩnh mạch bị giãn căng, dẫn đến hiện tượng thoát dịch ngoài lòng mạch. Tình trạng này gây đau nhức, phù nề và sưng tấy ở chân, khiến người bệnh đau đớn và gặp khó khăn trong khi làm việc, sinh hoạt hàng ngày.
Mất thẩm mỹ do tĩnh mạch ứ đọng máu bị căng phồng, lồi lên bề mặt da thành những đường ngoằn ngoèo hay đám rối tĩnh mạch xanh tím. Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn sắc tố khiến da bị sậm màu, bầm tím khiến người bệnh có tâm lý tự ti, luôn phải tìm cách che giấu.
Lở loét, hoại tử dưới da do lượng máu ứ đọng lâu trong tĩnh mạch gây cản trở dòng máu nuôi từ động mạch đến chân. Tình trạng này khiến người bệnh đối diện với vấn đề loạn dưỡng, phần mô dưới da bị thiếu dưỡng chất và oxy xuất hiện hiện tượng lở loét, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến hoại tử nghiêm trọng.
Giãn vỡ tĩnh mạch xảy ra khi lượng máu ứ đọng quá lớn khiến áp lực trong lòng mạch tăng vọt. Trong khi đó thành tĩnh mạch tương đối mỏng nên dễ bị vỡ, gây chảy máu ổ khớp. Quá trình này làm thay đổi độ pH của môi trường dịch khớp, khiến các khớp mất độ trơn trượt tự nhiên, gây viêm và tăng tốc độ thoái hóa khớp.
Huyết khối tĩnh mạch sâu xuất hiện khi máu ứ đọng trong tĩnh mạch bị vón cục, tạo thành cục máu đông. Cục máu đông này có thể bị vỡ ra, sau đó theo tuần hoàn di chuyển đến tim, động mạch phổi gây ra các tai biến nguy hiểm đến tính mạng.
Suy giãn tĩnh mạch chân một khi đã khởi phát thì không thể điều trị dứt điểm. Người bệnh chỉ có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng hoặc kéo dài thời gian tái phát. Nguy cơ tái phát sau điều trị suy giãn tĩnh mạch chân là trên 30%. Vì lý này, áp dụng các biện pháp phòng ngừa từ sớm là vô cùng cần thiết, mang đến cơ hội tốt nhất để bạn thoát khỏi sự đeo đẳng của bệnh lý suy giãn tĩnh mạch.
2. Những ai cần phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân từ sớm?
Suy giãn tĩnh mạch chân có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng phổ biến hơn ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Đây cũng là đối tượng cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chân từ sớm.
Thống kê trên thế giới cho thấy, tỷ lệ nữ giới nữ giới bị suy giãn tĩnh mạch chân cao hơn 2 – 4 lần so với nam giới do ảnh hưởng từ yếu tố nội tiết. Vì vậy, phụ nữ nên chủ động phòng suy giãn tĩnh mạch chân khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh hay khi phải điều trị bằng các biện pháp nội tiết kéo dài.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Thị Hải Yến và Phạm Nguyên Sơn (2015), tỷ lệ bị suy giãn tĩnh mạch nông ở người trên 50 tuổi lên đến 44.1%. Tình trạng này có thể xảy ra do quá trình lão hóa khiến chức năng tĩnh mạch bị suy giảm và tăng kích thước. Vì vậy, những người trên 50 tuổi cũng thuộc đối tượng cần phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chân.
Ngoài ra, suy giãn tĩnh chân còn có nguy cơ cao xảy ra ở một số đối tượng dưới dưới đây:
- Người thường xuyên phải làm việc nặng, đứng hoặc ngồi trong một tư thế quá lâu.
- Người có người thân trong gia đình bị suy giãn tĩnh mạch chân.
- Người thừa cân, béo phì.
- Phụ nữ mang thai.
Có thể bạn quan tâm: Các dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở giáo viên
3. 9 cách phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân hiệu quả
Việc phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch hoàn toàn không khó, kể cả ở những đối tượng được xếp vào nhóm nguy cơ. Tuy nhiên, bạn cần có kỷ luật cá nhân cao, nghiêm túc và kiên trì xây dựng thói quen tốt qua từng ngày. Dưới đây là một số biện pháp cụ thể giúp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chân.
1.1 Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể chất đúng cách và thường xuyên là biện pháp hiệu quả để nâng cao sức khỏe tổng thể. Cụ thể, quá trình vận động giúp tăng cường sức mạnh của hệ cơ – xương – khớp trên chân, giúp tăng khả năng chịu đựng của chân khi có áp lực.
Bên cạnh đó, hoạt động thể lực thúc đẩy hô hấp, tăng cường tuần hoàn máu, nhờ đó tăng cường nuôi dưỡng các cơ quan, bộ phận trong cơ thể và giảm ứ đọng máu trong tĩnh mạch. Không dừng ở đó, các bài tập thể dục đúng sức còn là biện pháp hiệu quả để cơ thể loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể, giúp thành mạch được bảo vệ tốt hơn.
Dựa trên hàng loạt những lợi ích cho sức khỏe, tập thể dục thường xuyên được cho là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa chứng suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, bạn cần chú ý:
- Nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như: chạy bộ, đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga, thể dục nhịp điệu,…
- Tránh chơi những môn thể thao mạnh, gây áp lực mạnh lên chân như: cử tạ, nhảy xa, chạy đua, bóng đá, tennis, nhảy cao,…
Đọc thêm: Bị suy giãn tĩnh mạch tập gym ảnh hưởng gì không?
3.2 Duy trì cân nặng hợp lý
Mặc dù không nhiều người để tâm nhưng trọng lượng cơ thể có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển của bệnh lý suy giãn tĩnh mạch. Theo đó, ở người thừa cân béo phì, đôi chân phải chịu một áp lực lớn do trọng lượng gây ra. Điều này gây cản trở dòng chảy của máu từ chân trở lại tim và tạo điều kiện thuận lợi cho chứng suy giãn tĩnh mạch tiến triển.
Không dừng ở đó, phần cân nặng dư thừa cũng trực tiếp tạo lực chèn ép lên thành tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch bị tổn thương và dễ suy giãn hơn. Để tránh gặp phải những ảnh hưởng này, bạn cần kiểm soát cân nặng của mình ở mức hợp lý. Bạn có thể dựa vào chỉ số BMI để tính ra cân nặng phù hợp với chiều cao của mình.
Bảng đánh giá mức độ thừa cân theo tiêu chuẩn của WHO – Tổ chức y tế thế giới và IDI & WPRO dành riêng cho người châu Á.
Công thức tính chỉ số BMI:
BMI = cân nặng (kg) / chiều cao² (m)
Ví dụ, một người nặng 60 kg và cao 1,59 m sẽ có chỉ số BMI là:
BMI = 60 ÷ (1,59 x 1,59) = 23,73
Kết luận: Căn cứ theo thang phân loại IDI & WPRO dành riêng cho người châu Á thì chỉ số BMI = 23,73 được đánh giá là tiền béo phì. BMI lý tưởng nhất cho người Việt Nam chính là từ 18.5 – 22.9
3.3 Điều chỉnh tư thế ngủ
Tư thế ngủ cao đầu – thấp chân khiến máu di chuyển từ tĩnh mạch về hệ tuần hoàn khó khăn hơn bình thường, từ đó làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chân.Vì vậy, bạn hãy dùng một chiếc gối kê cao phần chân từ đầu gối đến bàn chân để khắc phục tình trạng này.
Đối với phụ nữ mang thai, bạn nên nằm nghiêng trái để tránh khiến tử cung chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch qua vùng chậu. Tư thế này cũng rất có lợi cho tuần hoàn máu từ mẹ đến thai nhi.
Xem chi tiết hơn: Các lưu ý về tư thế ngủ cho người bị suy giãn tĩnh mạch
3.4 Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu
Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài là một tư thế bất lợi cho người có nguy cơ suy giãn tĩnh mạch. Ở trạng thái này, cơ bắp chân không hoạt động và tuần hoàn máu trong lòng mạch dần trở nên “chậm chạp”. Điều này làm tăng áp lực lên hệ thống van và tĩnh mạch chân, khiến chúng suy yếu và dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.
Vì vậy, nếu đặc thù công việc của bạn cần đứng hoặc ngồi liên tục trong thời gian dài, hãy chủ động co duỗi chân hoặc đứng lên di chuyển khoảng 5 – 10 phút sau mỗi 1 tiếng giữ nguyên tư thế. Điều này giúp cải thiện tuần hoàn máu trong hệ thống tĩnh mạch chi dưới, giảm nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
3.5 Chọn quần áo và giày dép vừa vặn
Nhiều người bệnh nhận thấy rằng, các triệu chứng đau nhức, sưng tấy ở chân trở nên nghiêm trọng hơn khi họ mặc đồ bó chặt eo và chân. Nguyên do là những bộ đồ này gây chèn ép vào tĩnh mạch ở vùng chậu và chân, cản trở qua quá trình lưu thông máu từ chân về tim. Những đôi giày cao gót hoặc quá chật cũng gây ra tác dụng tương tự.
Vì vậy, lựa chọn giày đế thấp và những bộ quần áo mềm mại, vừa vặn với cơ thể cũng là cách giúp bạn tránh khỏi bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chân. Điều này đặc biệt quan trọng với những người có tính chất công việc phải đứng lâu hoặc di chuyển liên tục.
3.6 Hạn chế mang vác vật nặng
Liên tục mang vác các vật nặng trên cơ thể cũng tạo ra tác động với hệ tĩnh mạch tương tự như khi bạn thừa cân quá mức. Trọng lượng cơ thể tăng vọt làm cản trở dòng chảy của máu về tim đồng thời tăng áp lực lên hệ tĩnh mạch chi dưới, dẫn đến tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
Không dừng ở đó, mang vác vật nặng liên tục trong thời gian dài còn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ cơ – xương – khớp, khiến người bệnh dễ bị đau nhức, chấn thương và tăng tốc độ thoái hóa khớp. Tình trạng này rất phổ biến ở những người lao động phổ thông.
3.7 Hạn chế ăn các món mặn, nhiều dầu mỡ
Chế độ ăn quá nhiều muối là nguyên nhân phổ biến gây tăng huyết áp, đặc biệt ở người cao tuổi. Huyết áp tăng cao tạo áp lực lên thành mạch, gây suy giảm chức năng và khiến tĩnh mạch dễ bị giãn rộng. Trong khi đó, những món ăn quá nhiều mỡ là nguyên nhân gây ra bệnh máu nhiễm mỡ, dẫn đến xơ vữa động mạch, làm cản trở máu lưu thông và giảm tính bền thành mạch
Những yếu tố này góp phần thúc đẩy suy giãn tĩnh mạch tiến triển nhanh ở nhóm người có nguy cơ cao. Vì vậy, bạn hãy lựa chọn những món ăn nhạt, ưu tiên đồ ăn hấp, luộc để tĩnh mạch được bảo vệ tốt hơn
3.8 Tránh xa thuốc lá, đồ uống có cồn
Sử dụng nhiều đồ uống có cồn làm tăng nhịp tim, tăng tuần hoàn nhưng lại làm mạch máu giãn ra. Bên cạnh đó, đồ uống cũng khiến cơ thể bị mất nước, làm máu “đặc hơn” bình thường dẫn đến khó di chuyển trong lòng mạch. Đây là những yếu tố bất lợi cho người có nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
Khói thuốc lá có nhiều chất độc hại với cơ thể, điển hình nhất là nicotin. Những hóa chất độc hại này không chỉ gây tăng huyết áp mà còn làm tổn thương thành mạch máu, bao gồm cả tĩnh mạch. Những ảnh hưởng này xảy ra ở cả người hút thuốc là chủ động và thụ động, vì vậy bạn cần tránh xa môi trường có nhiều khói thuốc ngay cả khi không hút trực tiếp.
3.9 Thường xuyên massage chân
Massage chân là phương pháp giúp giảm nhẹ triệu chứng và phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch hiệu quả. Theo đó, quá trình massage chân giúp thúc đẩy máu lưu thông, giải tỏa căng thẳng và chèn ép ở các tĩnh mạch, qua đó giảm áp lực và ngăn máu ứ đọng trong tĩnh mạch.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả này thì bạn cần massage chân đủ thời gian và đúng phương pháp. Bạn có thể tự massage tại nhà hoặc đến các cơ sở trị liệu để có được hiệu quả tốt nhất.
Trên đây là những chia sẻ xoay quanh vấn đề phòng ngừa chứng suy giãn tĩnh mạch. Hi vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những kiến thức bổ ích và góc nhìn toàn diện hơn về vấn đề này. Nếu cần chia sẻ thêm về bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp với chuyên gia qua hotline: 1900 545 518 để được giải đáp trực tiếp.