Suy giãn tĩnh mạch mạn tính là một bệnh lý về tĩnh mạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Bệnh không chỉ gây ra các triệu chứng như nhức mỏi chân, bồn chồn, chuột rút ban đêm hay sưng phù chân mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Cơ chế gây bệnh, biến chứng trong suy giãn tĩnh mạch mạn tính
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trí- Chủ nhiệm môn Lão khoa, đại học y dược TP Hồ Chí Minh cho biết suy giãn tĩnh mạch mạn tính trải qua các quá trình sau:
- Tăng áp lực tĩnh mạch quá mức, ảnh hưởng tới các mao mạch, cản trở dòng chảy.
- Dòng chảy chậm trong mao mạch gây hiện tượng bạch cầu thực bào
- Bạch cầu phóng thích các chất ly giải protein và các gốc oxy hóa tự do làm tổn thương màng tế bào mao mạch.
- Protein huyết tương di chuyển vào các mô xung quanh tạo thành các dải fibrin
- Fibrin ở mô kẽ và tình trạng phù nề làm giảm cung cấp oxy, gây thiếu oxy cục bộ.
- Viêm và mất mô.
Hầu hết các trường hợp suy van tĩnh mạch nông xảy ra do sự truyền áp lực cao giữa hệ thống tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu. Áp lực cao dẫn đến suy van thứ phát do tĩnh mạch nông bị giãn lớn làm cho các van không đóng kín nữa. Dần dần, những tĩnh mạch nông bị giảm chức năng sẽ giãn ngoằn ngoèo rõ rệt.
Ảnh hưởng của suy giãn tĩnh mạch mạn tính
Đầu tiên là làn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do các triệu chứng đau, bứt rứt, khó chịu, phù chân…
Ảnh hưởng đến thẩm mỹ: suy giãn tĩnh mạch gây biến đổi sắc tố da ở chân, có thể gây loét, nhất là phụ nữ, làm kém tự tin.
Bên cạnh đó, loét chân làm cho chi phí điều trị của nền y tế tăng lên rất nhiều, bởi loét do suy giãn tĩnh mạch sẽ tái diễn đi tái diễn lại, từng đợt một, điều trị với chi phí tốn kém.
Đôi khi loét có thể gây nhiễm trùng, nhiều người nặng có thể bị cắt cụt chi, do xuất phát từ nhiễm trùng nông, điều trị không tốt gây nhiễm trùng sâu, viêm xương và phải cắt cụt chi, đây là biến chứng rất nặng.
Biến chứng tắc tĩnh mạch sau suy tĩnh mạch: xảy ra ở cả tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu do tình trạng ứ trệ máu lâu ngày, sinh ra huyết khối tĩnh mạch, ban đầu gây tắc tĩnh mạch, sau đó có thể huyết khối trở về tĩnh mạch phối, gây tắc tĩnh mạch phối và gây nguy cơ tử vong.
Còn một biến chứng khác có thể làm người bệnh trở thành người tàn phế đó là viêm mô tế bào. Bệnh lý suy tĩnh mạch rất hay kèm theo viêm mô tế bào. Biểu hiện là cả chân mọng đỏ như quả hồng chín, nhanh choét da chân, lan dần lên, điều trị rất khó khăn, nguy hiểm, có thể gây nhiễm trùng huyết cực kì nặng. Nếu phát hiện sớm thì mới ngăn chặn được các biến chứng trên.
Lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa
Tiến sĩ, bác sĩ Trung Anh, Phó Giám Đốc bệnh viện lão khoa trung ương có lời khuyên để phát hiện và khám giãn tĩnh mạch như sau:
Khi bệnh nhân có các dấu hiệu sau: bệnh nhân có cảm giác căng tức chân, nặng ở chân, và các triệu chứng này gặp ở mùa hè nhiều hơn mùa đông, buổi sáng ngủ dậy chân nhẹ nhõm, càng đứng càng đi lại càng về chiều thì các triệu chứng nặng lên do thời gian máu dồn về chi dưới nhiều.
Hai là cảm giác ngứa ở chân, kèm triệu chứng bị chàm da chân, hoặc gặp phải triệu chứng lúc nào cũng bồn chồn ở chân, tê chân, chân phải rung rung cho dễ chịu là dấu hiệu của ứ trệ máu tĩnh mạch.
Bệnh nhân có thể bị chuột rút (vọp bẻ), triệu chứng hay xảy ra về ban đêm (phân biệt với một số bệnh lý khác có triệu chứng chuột rút nhưng xảy ra vào ban ngày), đôi khi xảy ra ở một chân bị giãn (cứ chân nào bị giãn tĩnh mạch thì có chuột rút).
Hoặc triệu chứng mà bệnh nhân có thể nhìn thấy được trên da, ví dụ như giãn ở mức độ nhẹ thấy các tĩnh mạch mạng nhện, có thể có màu xanh tím hoặc màu đỏ, hoặc có các nhánh lớn của tĩnh mạch, các tĩnh mạch to giãn nổi ngoằn ngoèo, chân có thể biến đổi màu sắc da hoặc sạm đi, chàm hóa hoặc ngứa. Thậm chí có triệu chứng loét chân bất thường cũng nên nghĩ đến do suy giãn tĩnh mạch để đến các cơ sở khám và điều trị kịp thời.