Suy giãn tĩnh mạch sâu tiến triển âm thầm và dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu, loét da, hình thành huyết khối,… Để hiểu thêm về bệnh suy giãn tĩnh mạch sâu, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu!
Mục lục
- 1. Tĩnh mạch sâu là gì?
- 2. Suy giãn tĩnh mạch sâu là gì?
- 2. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch sâu
- 3. Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch sâu
- 4. Suy giãn tĩnh mạch nông có thể tiến triển thành suy giãn tĩnh mạch sâu không?
- 4. Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch bằng cách nào?
- 5. Điều trị suy giãn tĩnh mạch sâu như thế nào?
- 6. Biện pháp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch sâu
1. Tĩnh mạch sâu là gì?
Hệ thống tĩnh mạch được chia thành 3 loại đó là tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên.
Tĩnh mạch sâu là những tĩnh mạch nằm sâu trong cơ thể, chủ yếu nằm dưới lớp cơ và mô mềm. Chúng có nhiệm vụ vận chuyển máu từ các chi (chân, tay) trở lại tim, đồng thời giúp duy trì sự tuần hoàn máu trong cơ thể. Các tĩnh mạch sâu trong cơ thể có đường kính lớn hơn so với tĩnh mạch nông hay tĩnh mạch xuyên, và hoạt động chủ yếu thông qua sự co bóp của các cơ xung quanh để đẩy máu lên trên, ngược chiều trọng lực.
Tĩnh mạch sâu có ở tay và chân, đối với chân nó nằm chủ yếu ở các bộ phận như đùi, cẳng chân và mắt cá. Những tĩnh mạch này rất quan trọng trong việc vận chuyển máu từ các chi dưới trở lại tim. Một số tĩnh mạch sâu lớn ở chân bao gồm:
- Tĩnh mạch đùi (Femoral vein): Tĩnh mạch sâu lớn nhất ở chân, nằm trong đùi, có vai trò chính trong việc mang máu từ chân trở lại tim.
- Tĩnh mạch chày (Popliteal vein): Nằm ở phía sau của đầu gối, tiếp nối với tĩnh mạch đùi.
- Tĩnh mạch mác (Peroneal vein): Nằm dọc theo bắp chân, có chức năng vận chuyển máu từ các bộ phận dưới chân.
Các tĩnh mạch sâu thường phân chia thành các nhánh nhỏ và liên kết với nhau, tạo thành một mạng lưới phức tạp để vận chuyển máu về tim.
2. Suy giãn tĩnh mạch sâu là gì?
Suy giãn tĩnh mạch sâu là tình trạng suy yếu các van tĩnh mạch sâu, khiến máu khó trở lại tim. Bình thường, những van này hoạt động như cửa một chiều, ngăn máu chảy ngược lại. Tuy nhiên, khi các van này bị tổn thương hoặc yếu đi, máu có thể chảy ngược, tích tụ ở các tĩnh mạch và gây ra tình trạng giãn và sưng. Điều này dẫn đến cảm giác đau nhức, nặng nề ở chân, đặc biệt sau khi đứng lâu hoặc vận động mạnh.
Suy giãn tĩnh mạch sâu khó nhận biết bằng mắt thường, nên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như sưng phù, viêm, loét da hoặc thậm chí là hình thành cục máu đông nguy hiểm.
2. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch sâu
Các yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh suy giãn tĩnh mạch sâu hay suy giãn tĩnh mạch nông khá tương đồng, bao gồm:
Di truyền:
Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển các vấn đề về tĩnh mạch, đặc biệt là suy giãn tĩnh mạch sâu. Nếu trong gia đình có người bị suy giãn tĩnh mạch, khả năng cao các thành viên khác trong gia đình cũng có thể mắc phải tình trạng này. Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc suy giãn tĩnh mạch sâu ở những người có cha mẹ hoặc ông bà bị bệnh này cao gấp đôi so với người không có tiền sử gia đình.
Người lớn tuổi:
Tuổi tác tăng cao làm tăng tốc quá trình lão hóa của cơ thể và hệ thống tĩnh mạch cũng không phải là ngoại lệ. Hệ thống tĩnh mạch bị lão hóa cùng với sự xơ cứng của van tĩnh mạch là nguyên nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch sâu.
Đặc thù nghề nghiệp phải đứng hoặc ngồi nhiều
Những người làm công việc đòi hỏi phải đứng nhiều, ngồi nhiều, ít vận động như bán hàng, công việc văn phòng,… khiến máu bị dồn xuống chân, làm tăng áp lực tĩnh mạch và gây tổn thương van tĩnh mạch. Khi van tĩnh mạch bị suy yếu sẽ làm giảm khả năng ngăn chặn dòng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, từ đó gây suy giãn tĩnh mạch sâu, ứ đọng máu và hình thành huyết khối.
Đọc thêm: 4 dấu hiệu bị suy giãn tĩnh mạch chân hay gặp ở giáo viên
Béo phì
Thừa cân, béo phì làm gia tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch và van tĩnh mạch. Theo thời gian, van tĩnh mạch bị rò rỉ, quá trình lưu thông máu bị cản trở và gây suy giãn tĩnh mạch sâu.
Mang thai
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Hệ thống dữ liệu thư viện Cochrane, Hoa Kỳ năm 2015, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ cao bị suy giãn tĩnh mạch. Người ta cho rằng sự gia tăng lượng máu và thay đổi nồng độ hormon trong thai kỳ là hai nguyên nhân chính làm suy giãn tĩnh mạch và gây ra các biểu hiện như phù chân, đau nhức, chuột rút về đêm,…
Giới tính
Trong 4 người bị suy giãn tĩnh mạch sâu thì có tới 3 người là nữ giới. Có thể thấy, suy giãn tĩnh mạch sâu có mối liên hệ mật thiết với giới tính. Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai hoặc thời kỳ mãn kinh là yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch.
Người trải qua phẫu thuật
Phẫu thuật lớn, đặc biệt là những phẫu thuật có liên quan đến chân, vùng chậu, hay vùng bụng dưới, có thể làm tăng nguy cơ phát triển suy giãn tĩnh mạch sâu. Trong khi phẫu thuật, các bác sĩ thường phải cắt qua các mô và cơ quan gần tĩnh mạch, điều này có thể vô tình gây tổn thương cho các tĩnh mạch sâu hoặc làm ảnh hưởng đến chức năng của các van trong tĩnh mạch.
Người có tiền sử bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch, bao gồm các bệnh như bệnh động mạch vành, suy tim, và cao huyết áp, có thể làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch sâu thông qua các cơ chế sau:
- Giảm khả năng lưu thông máu: Khi tim không thể bơm máu đủ mạnh, máu không được đẩy về tim hiệu quả, dẫn đến ứ đọng máu ở các tĩnh mạch sâu, đặc biệt là ở chân.
- Huyết áp cao: Tăng huyết áp gây áp lực lên các tĩnh mạch, làm yếu các van tĩnh mạch, dẫn đến giãn nở và suy giảm chức năng của chúng, tạo điều kiện cho suy giãn tĩnh mạch sâu phát triển.
- Tổn thương mạch máu: Các bệnh tim mạch có thể làm tổn thương mạch máu, giảm khả năng vận chuyển máu qua tĩnh mạch, gây dồn máu và suy giãn tĩnh mạch sâu.
- Suy tim: Khi tim không bơm máu hiệu quả, máu dồn lại ở các chi dưới, làm tăng áp lực lên tĩnh mạch chân và dẫn đến suy giãn tĩnh mạch sâu.
3. Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch sâu
Các triệu chứng điển hình của suy giãn tĩnh mạch sâu bao gồm:
- Đau và cảm giác nặng nề ở chân: Đặc biệt sau khi đứng lâu hoặc vận động, cảm giác nặng chân và đau nhức sẽ tăng lên.
- Sưng phù: Chân, đặc biệt là ở mắt cá và bắp chân, có thể bị sưng do máu ứ đọng.
- Thay đổi màu da: Vùng da quanh tĩnh mạch bị ảnh hưởng có thể thâm sạm hoặc trở nên tím tái.
- Cảm giác nóng rát hoặc ngứa: Vùng tĩnh mạch bị giãn có thể gây ra cảm giác nóng, ngứa khó chịu.
- Chuột rút vào ban đêm: Người bị suy giãn tĩnh mạch sâu thường hay bị chuột rút, đặc biệt vào ban đêm.
- Loét da: Trong trường hợp nặng, các vết loét lâu lành có thể xuất hiện ở khu vực gần mắt cá chân.
Lưu ý:
Suy giãn tĩnh mạch sâu thường không gây ra hiện tượng nổi tĩnh mạch trên bề mặt da. Vì các tĩnh mạch bị ảnh hưởng nằm sâu bên trong cơ bắp, nên chúng không hiện rõ lên bề mặt da như suy giãn tĩnh mạch nông. Thay vào đó, các triệu chứng phổ biến hơn của suy giãn tĩnh mạch sâu bao gồm đau, nặng chân, sưng phù và thay đổi màu sắc da ở chân, mà không thấy nổi tĩnh mạch rõ rệt.
Các triệu chứng kể trên rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý viêm khớp, loãng xương, bệnh liên quan đến thần kinh ngoại biên, thiếu hụt vitamin và khoáng chất,… nên việc phát hiện sớm bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi có các biểu hiện kể trên người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.
4. Suy giãn tĩnh mạch nông có thể tiến triển thành suy giãn tĩnh mạch sâu không?
Suy giãn tĩnh mạch nông có thể tiến triển thành suy giãn tĩnh mạch sâu. Tăng huyết áp tĩnh mạch lâu dài là yếu tố chính góp phần vào sự phát triển và tiến triển của suy giãn tĩnh mạch. Tình trạng này có thể làm tăng đường kính của tĩnh mạch nông, dẫn đến suy yếu thêm ở các van tĩnh mạch.
Bên cạnh đó, khi các van tĩnh mạch không hoạt động đúng cách, áp lực có thể truyền ngược từ hệ thống tĩnh mạch nông hoặc tĩnh mạch xuyên sang tĩnh mạch sâu hoặc ngược lại. Áp lực cao trong hệ thống này có thể ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hệ tĩnh mạch, bao gồm cả hệ tĩnh mạch sâu, từ đó gây ra nguy cơ suy giãn tĩnh mạch sâu.
4. Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch bằng cách nào?
Bên cạnh theo dõi biểu hiện lâm sàng, người bệnh cần thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm chẩn đoán xác định suy giãn tĩnh mạch sâu bao gồm siêu âm, X-quang, chụp CT, MRI. Trong đó, siêu âm được đánh giá là xét nghiệm cần thiết và quan trọng nhất giúp phát hiện và đánh giá tình trạng suy giãn tĩnh mạch sâu.
Siêu âm là chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể. Siêu âm Doppler là kỹ thuật siêu âm sử dụng hiệu ứng Doppler, đo sóng âm được phản xạ lại từ vật thể chuyển động, từ đó ước tính được lưu lượng máu, tốc độ dòng chảy của máu về tim và hoạt động của van tĩnh mạch.
Đối với những người có nguy cơ cao hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch nên thường xuyên thực hiện siêu âm nhằm phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
5. Điều trị suy giãn tĩnh mạch sâu như thế nào?
Trong giai đoạn đầu của bệnh suy giãn tĩnh mạch sâu, điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống, chế độ ăn uống đã cải thiện đáng kể tình trạng bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh đã tiến triển nặng hơn thì cần có sự can thiệp của các biện pháp điều trị ngoại khoa như phẫu thuật, điều trị bằng tia laser..
5.1. Nội khoa
Các thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch sâu hiện nay còn hạn chế. Thuốc dùng trong điều trị chủ yếu là thuốc tăng trương lực tĩnh mạch, giảm áp lực tĩnh mạch, làm bền thành mạch và tránh hình thành huyết khối, từ đó cải thiện các triệu chứng phù, chuột rút ban đêm, tê mỏi, đau rát,…
Một số thuốc được sử dụng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch sâu, bao gồm:
- Diosmin: Là một flavonoid có tác dụng làm chậm quá trình giãn tĩnh mạch, tăng sức bền tĩnh mạch và phòng ngừa sự ứ trệ tuần hoàn, từ đó giảm cảm giác nặng chân, đau chân vào buổi sáng. Diosmin là thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay trong điều trị suy giãn tĩnh mạch nông và sâu, trĩ cấp,…
- Hesperidin: Có tác dụng tăng sức bền thành mạch, tăng trương lực tĩnh mạch, tăng khả năng kết dính tiểu cầu, từ đó giảm nguy cơ hình thành huyết khối.
- Rutosides: Chống oxy hóa, tăng trương lực tĩnh mạch và giảm tình trạng phù do suy giãn tĩnh mạch sâu.
- Troxerutin: Có tác dụng cải thiện sự tưới máu vi mạch hệ vi tuần hoàn, giảm kết tập hồng cầu, giảm tính thấm quá mức của mao mạch, từ đó giảm tình trạng tích nước gây phù.
- Heptaminol: Cải thiện quá trình lưu thông máu, ngăn ngừa tình trạng máu bị ứ đọng, hình thành huyết khối.
Trong trường hợp người bệnh có vết loét, chảy máu hay có cục máu đông, bác sĩ sẽ chỉ định thêm thuốc kháng sinh, chống viêm, chống đông máu, cầm máu,…
Điều trị nội khoa bằng thuốc đòi hỏi phải sử dụng đều đặn hàng ngày trong khoảng thời gian dài, ít nhất là 6 tháng nhằm duy trì hiệu quả điều trị bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
5.2. Ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa bao gồm các phương pháp như phẫu thuật, can thiệp tĩnh mạch bằng laser nội mạch, laser trên da,…
Phẫu thuật
Trong trường hợp tĩnh mạch bị giãn đường kính lớn và không đáp ứng với điều trị nội khoa, người bệnh sẽ được tiến hành phẫu thuật lột toàn bộ tĩnh mạch và các nhánh bên. Đây được đánh giá là biện pháp điều trị cho hiệu quả cao và tỷ lệ tái phát thấp. Tuy nhiên, phương pháp này ngày càng ít được sử dụng do phải gây mê, gây tê, nằm viện trong thời gian dài và gặp nhiều biến chứng sau mổ hơn so với các biện pháp khác.
Điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần (RFA) là phương pháp can thiệp nhiệt nội tĩnh mạch, sử dụng sóng cao tần phát nhiệt để phá hủy collagen thành tĩnh mạch, dẫn đến viêm thành tĩnh mạch, xơ hóa và tắc nghẽn hoàn toàn tĩnh mạch bị ảnh hưởng.
Kỹ thuật này sử dụng một sợi cáp có khả năng phát nhiệt từ sóng cao tần đưa vào trong lòng tĩnh mạch, sau đó dựa vào năng lượng nhiệt để gây xơ hóa thành mạch của người bệnh. Khi tĩnh mạch bị xơ hóa, lưu lượng máu sẽ được chuyển đến các tĩnh mạch khỏe mạnh hơn và cơ thể sẽ tái hấp thu tĩnh mạch đã xơ hóa này theo thời gian.
Điều trị laser trên da
Laser điều trị giãn tĩnh mạch chân là phương pháp mới được áp dụng trong thời gian gần đây. Phương pháp này sử dụng nhiệt để làm mờ tĩnh mạch dạng lưới, dạng mạng nhện, ngoằn ngoèo trên bề mặt da. Laser trên da ngày càng được ưa chuộng do ít biến chứng, có tính thẩm mỹ cao, ít để lại sẹo.
Đọc thêm: Sai lầm khi điều trị suy giãn tĩnh mạch sâu bạn cần biết
6. Biện pháp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch sâu
Trước đây, suy giãn tĩnh mạch sâu gặp chủ yếu ở độ tuổi trung niên nhưng thời gian gần đây bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa và gặp nhiều ở độ tuổi từ 30 – 40 tuổi. Để hạn chế nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch, bạn cần thực hiện lối sống sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao và kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý.
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể tham khảo và áp dụng:
- Tập thể dục đều đặn: Các bài tập như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe giúp tăng cường lưu thông máu và giảm áp lực lên tĩnh mạch, đặc biệt là ở chân.
- Tránh đứng hoặc ngồi lâu: Nếu công việc yêu cầu đứng hoặc ngồi lâu, hãy thường xuyên thay đổi tư thế, đi lại hoặc vận động nhẹ để giúp máu lưu thông.
- Mang vớ y khoa: Vớ y khoa hỗ trợ tăng cường áp lực lên tĩnh mạch, giúp giảm sưng, đau và ngăn ngừa giãn tĩnh mạch.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân tạo thêm áp lực lên các tĩnh mạch, vì vậy duy trì cân nặng lý tưởng giúp giảm nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
- Nâng cao chân khi nghỉ ngơi: Khi ngồi hoặc nằm, nâng cao chân để giúp máu dễ dàng lưu thông về tim, giảm áp lực lên tĩnh mạch ở chân.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu chất xơ giúp duy trì sức khỏe của hệ mạch máu và giảm táo bón, điều này cũng làm giảm áp lực lên tĩnh mạch.
- Tránh mặc quần áo quá chật: Quần áo quá chật, đặc biệt là ở vùng đùi hoặc bụng, có thể cản trở lưu thông máu và làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Nếu có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, tuổi tác, hoặc huyết khối tĩnh mạch, cần theo dõi và điều trị kịp thời để ngăn ngừa tình trạng xấu đi.