Phù chân trong ung thư giai đoạn cuối là hiện tượng thường gặp ở nhiều người bệnh. Tình trạng này kết hợp với những cơn đau đớn dữ dội và cơ thể suy nhược nghiêm trọng khiến sức khỏe và tinh thần của người bệnh giảm sút nhanh chóng. Vậy, làm thế nào để chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị phù chân? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay.
1. Vì sao ung thư giai đoạn cuối hay gây phù?
Phù là hiện tượng các mô trong cơ thể sưng nề do sự tích tụ bất thường của dịch trong cơ thể. Tùy vào từng nguyên nhân và dịch phù có thể là nước hoặc có thêm sự xuất hiện của protein. Phù là triệu chứng thường gặp trong ung thư giai đoạn cuối, đặc biệt là ung thư thận, gan và ung thư buồng trứng. Vị trí phù xảy ra phổ biến nhất là ở cẳng chân và bàn chân, đôi khi cũng xuất hiện ở tay, mặt, ngực và bụng.
Sở dĩ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường hay bị phù bởi sự tác động của các yếu tố sau đây:
Các biện pháp điều trị: Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường trải qua thời gian dài thực hiện các biện pháp điều trị như: xạ trị, hóa trị, phẫu thuật. Quá trình này có thể gây tổn thương hoặc tắc nghẽn dòng lưu thông của mạch bạch huyết, khiến dịch ngoại bào không được dẫn lưu trở về hệ tuần hoàn dẫn đến triệu chứng phù.
Tác dụng phụ của thuốc: Việc sử dụng các loại thuốc như: corticosteroids, hormone thay thế, Nsaids, thuốc hạ huyết áp có thể khiến người bệnh gặp phải các tác dụng phụ như: cơ thể tăng giữ nước, suy giảm chức năng bài tiết của thận, rối loạn tuần hoàn,… Những tác động này gây rối loạn hoạt động điều tiết dịch trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng phù chân và bộ phận khác.
Hạ protein máu: Tình trạng này xảy ra do chức năng gan suy giảm, giảm khả năng sản xuất albumin. Bên cạnh đó, các tổn thương ở thận khiến protein bị thất thoát qua đường nước tiểu. Hệ tiêu hóa suy yếu làm giảm khả năng chuyển hóa và hấp thu protein trong khẩu phần ăn. Tất cả những tác động này làm hạ áp suất keo huyết tương, thúc đẩy dịch di chuyển từ lòng mạch ra mô kẽ gây nên triệu chứng phù.
Dị ứng: Chức năng hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị rối loạn nghiêm trọng khiến người bệnh dễ bị dị ứng. Bản chất của dị ứng là phản ứng viêm. Vì vậy, hiện tượng kích thích các chất trung gian dị ứng hoạt động mạnh mẽ làm tăng thẩm thấu mao mạch dẫn đến tình trạng phù khu trú.
Yếu tố khác: Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối dễ bị phù còn do ít vận động làm tăng tụ dịch ở bàn chân và cổ chân. Hoạt động nội tiết thất thường làm nồng độ hormone trong cơ thể bị rối loạn ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn. Ngoài ra, người bệnh dễ gặp phải bất thường đông máu, tăng nguy cơ hình thành huyết khối lòng mạch, gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến phù nề.
Phù xuất hiện cho thấy chức năng của cơ quan nào đó trong cơ thể người bệnh đang bị ảnh hưởng. Vì vậy, người chăm sóc cần thông báo đến bác sĩ tình trạng này sớm nhất để có phương án phù hợp giúp duy trì và ổn định sức khỏe cũng như tâm lý cho bệnh nhân.
Đọc thêm: Người cao tuổi hay bị phù chân có thể do các bệnh này
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh nhân ung thư đang bị phù nề
Triệu chứng phù trong ung thư giai đoạn cuối thường xuất hiện và diễn tiến từ từ. Vì vậy, nếu không để ý kỹ, người chăm sóc rất khó phát hiện ra bệnh nhân đang bị phù. Một số dấu hiệu giúp nhận biết triệu chứng phù trong quá trình điều trị ung thư giai đoạn cuối gồm:
- Bàn chân và mắt cá chân có cảm giác nặng nề, hoạt động kém linh hoạt.
- Vùng da bị phù có màu sáng hơn, tạo cảm giác dày, cứng hoặc căng bóng, mất đi các nếp nhăn li ti tự nhiên.
- Ấn vào vị trí phù thấy da bị lõm xuống trong vài giây.
- Người bệnh có thể bị tăng cân đột ngột hoặc tăng cân nhanh theo ngày.
- Lượng nước tiểu giảm đột ngột.
- Xuất hiện triệu chứng ho, khó thở, nhịp tim không đều.
Những bệnh nhân điều trị nội trú, triệu chứng phù có thể được phát hiện nhanh chóng khi nhân viên y tế thăm khám hàng ngày. Ngược lại, nếu người bệnh đang điều trị ngoại trú và phát hiện những dấu hiệu này thì cần báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn phương pháp xử trí kịp thời.
3. Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư bị phù chân
Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt cả về sức khỏe và tâm lý. Vì vậy, người bệnh cần được xây dựng và duy trì chế độ chăm sóc khoa học và phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý chi tiết khi chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị phù chân.
Chế độ ăn uống:
Chú ý chế độ ăn, giảm muối, duy trì cân bằng nước-điện giải, tăng đạm trong khẩu phần ăn.
Hạn chế ăn mặn và thực phẩm nhiều dầu mỡ.
Ngoài ra cần tìm cách cải thiện để người bệnh ăn ngon miệng hơn.
Sử dụng vớ y khoa:
Vớ y khoa có thể làm giảm suy tĩnh mạch do tắc tĩnh mạch gây ra, chẳng hạn như mẩn đỏ, sưng, đau, giãn tĩnh mạch, sắc tố da và loét da, chỉ một số rất ít bệnh nhân được đề nghị dùng thuốc tiêu huyết khối;
Xoa bóp:
Sau khi ngâm chân, thoa kem dưỡng hoặc tinh dầu lên chân, vòng hai tay quanh chân, vuốt nhẹ từ mắt cá chân lên đến đùi.
- Chú ý thực hiện xóa bóp ít nhất 1 – 2 lần ngày (mỗi lần 20 – 30 phút)
- Vuốt nhẹ từ mắt cá chân lên đến đùi để , không day bấm mạnh.
- Sau khi xoa bóp, có thể dùng gối nâng cao chân hơn tim khoảng 30~45° để thúc đẩy tuần hoàn máu và tăng tái hấp thu nước.
Tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài:
Tránh tắm nước nóng, xông hơi khô hoặc phơi nắng trong thời gian dài vì những điều này có thể làm sưng chân nặng hơn.
Nếu ngâm chân, nên dùng nước mát.
Thay đổi thuốc
Nếu hai chân bị sưng phù do tác dụng của thuốc điều trị ung thư thì có thể trao đổi với bác sĩ cân nhắc thay đổi liều lượng hoặc loại thuốc khác phù hợp hơn.
Phù chân cũng có thể điều trị bằng thuốc lợi tiểu.
Nếu phù chân đi kèm loạn dưỡng da (thay đổi sắc tố da) thì cần chỉ định thuốc kháng viêm, kháng sinh phù hợp để ngăn chặn tình trạng loét chân.
Đọc thêm: Phù chân điều trị bằng thuốc gì?
Trên đây là bài viết giải thích về triệu chứng phù chân trong ung thư giai đoạn cuối và cách chăm sóc cho người bệnh trong sinh hoạt cơ bản hàng ngày. Hi vọng bài viết có thể mang lại thông tin hữu ích cho bạn đọc, góp phần cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân. Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn nên tham khảo y kiến bác sĩ chuyên khoa hoặc có thể để lại lời nhắn đề được giải đáp sớm nhất.