Da chân mỏng lộ mạch máu không chỉ khiến bạn trông yếu ớt mà còn là dấu hiệu cảnh báo một vài vấn đề về sức khỏe. Vậy, nguyên nhân gây nổi mạch máu ở chân do đâu và có đáng ngại không? Mời bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Da chân mỏng nổi mạch máu là gì?
Da chân mỏng nổi mạch máu là hiện tượng các mạch máu li ti có màu xanh, tím hoặc đỏ hồng xuất hiện trên bề mặt da. Một số trường hợp, mạch máu có thể lồi hẳn lên bề mặt da. Tuỳ vào nguyên nhân cụ thể mà người bệnh có thể mắc kèm các triệu chứng khó chịu khác hoặc không. Đây cũng là căn cứ để phán đoán nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng da chân nổi mạch máu.
Da chân mỏng nổi mạch máu có thể được khắc phục bằng nhiều biện pháp khác nhau. Điều quan trọng là người bệnh cần hiểu rõ vấn đề của mình, thăm khám sớm và tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra. Điều này cũng làm giảm tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
2. Nguyên nhân gây lộ mạch máu dưới da
Lộ mạch máu dưới da chân xuất phát từ tình trạng mạch máu bị giãn rộng bất thường hoặc da bị mài mòn dẫn đến mỏng quá mức. Những nguyên nhân của tình trạng này được xếp vào hai nhóm chính gồm: Giãn mao mạch và giãn tĩnh mạch chân.
2.1 Giãn mao mạch
Mao mạch là những mạch máu nhỏ liên kết giữa tiểu tĩnh mạch và tiểu động mạch, cho phép oxy và dưỡng chất đi vào tế bào đồng thời vận chuyển chất thải và CO2 từ tế bào trở lại máu. Khi giãn mao mạch xảy ra, các mạch máu phình rộng, nổi li ti trên bề mặt da. Những mao mạch này xuất hiện dưới dạng đường mảnh nhỏ, chằng chịt tương tự như hình mạng nhện. Vị trí chân nổi mạch máu thường gặp là ở: má đùi trong, bắp chân hoặc vùng mắt cá.
Giãn mao mạch có thể xảy ra ở cả nam và nữ trong độ tuổi bất kỳ. Một số yếu tố thúc đẩy khởi phát tình trạng này gồm:
Di truyền: Những người có bố mẹ, ông bà bị giãn mao mạch thì có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn người bình thường.
Môi trường: Tia UV có thể phá huỷ cấu trúc sợi collagen và elastin, làm tổn thương, phình giãn mạch máu. Do đó, những người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có nguy cơ bị giãn mao mạch cao hơn.
Thời tiết: Thời tiết thay đổi đột ngột cũng có thể thể khiến mạch máu giãn rộng, tăng tốc độ tuần hoàn và làm mạch máu nổi lên rõ hơn trên da.
Nội tiết tố: Ở phụ nữ mang thai, tiền mãn kinh và mãn kinh, hoạt động nội tiết bị rối loạn làm ảnh hưởng đến tuần hoàn và độ co giãn của mạch máu. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng giãn mao mạch xảy ra.
Rượu: Nghiện rượu có thể khiến các mao mạch bị giãn, thậm chí là bị vỡ. Đây là nguyên nhân khiến vùng chân bị giãn mao mạch.
Lạm dụng corticoid: Lạm dụng những loại kem dưỡng da hoặc thuốc điều trị tại chỗ chứa corticoid có thể gây teo da, mỏng da dẫn đến làm lộ các mạch máu trên da.
Ngoài làm lộ các mạch máu dưới da, giãn mao mạch có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu như: căng tức, phù nề và đau nhức chân. Các biện pháp điều trị giãn mao mạch phổ biến hiện nay gồm:
- Dùng thuốc: Phổ biến là các loại kem bôi chứa retinoids kích thích quá trình tổng hợp collagen và thúc đẩy tái tạo tế bào, qua đó cải thiện tình trạng giãn mao mạch.
- Chích xơ tĩnh mạch (sclerotherapy): Là phương pháp tiêm chất gây xơ vào mao mạch, khiến thành mạch bị xơ hoá và phá huỷ, từ đó loại bỏ những mao mạch bị giãn.
- Laser nội mạch: Sử dụng tia laser có bước sóng phù hợp để phá huỷ thành mạch. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả, ít gây đau đớn và tác dụng phụ.
Đọc thêm: Vỡ mao mạch chân xử lý thế nào?
2.2 Giãn tĩnh mạch
Tĩnh mạch là hệ thống mạch máu chịu trách nhiệm vận chuyển máu từ các cơ quan trở về tim để hoàn thiện vòng tuần hoàn của cơ thể. Quá trình này được hỗ trợ bởi các bơm cơ và hệ thống van một chiều trong lòng tĩnh mạch. Khi hệ thống van một chiều bị suy giảm chức năng, trong lòng mạch xuất hiện những dòng trào ngược khiến máu ứ đọng trong lòng mạch, gây ra hiện tượng giãn tĩnh mạch.
Người bị giãn tĩnh mạch chân thường bị lộ mạch máu ở các vị trí như: đùi, mắt cá chân, đầu gối hay mắt cá chân. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện một số số dấu hiệu như:
- Đau nhức, nặng mỏi, khó chịu ở chân.
- Dị cảm ở chân như: châm chích, tê bì, kim châm, bồn chồn hay chuột rút ban đêm.
- Chân phù nề, sưng tấy.
- Da chân đổi màu, xuất hiện các đốm hay mảng da có màu nâu, tím hay đỏ.
- Loạn dưỡng khiến chân xuất hiện các ổ lở loét.
Những yếu tố khởi phát và thúc đẩy suy giãn tĩnh mạch chân phát triển như: công việc phải đứng hoặc ngồi yên một chỗ trong thời gian dài, mang vác vật nặng, thường xuyên mặc trang phục bó sát, đeo giày cao gót, mang thai, người lớn tuổi, sử dụng các thuốc nội tiết hay tiền sử gia đình có người bị suy giãn tĩnh mạch.
Ở giai đoạn sớm, giãn tĩnh mạch có thể cải thiện hiệu quả bằng cách sử dụng thuốc, đeo vớ y khoa kết hợp với điều chỉnh thói quen làm việc, sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng. Trường hợp tĩnh mạch đã giãn nặng không thể phục hồi, người bệnh cần điều trị can thiệp bởi các biện pháp ngoại khoa như: chích xơ tĩnh mạch, laser nội mạch hoặc phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch.
Suy giãn tĩnh mạch chân có thể điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Do đó, người bệnh nên thăm khám ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường và tuân thủ theo phác đồ được bác sĩ chỉ định. Điều này giúp tăng cường hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm: Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch với 7 cấp độ từ nhẹ tới nặng
3. Da chân mỏng nổi mạch máu có nguy hiểm không?
Lộ mạch máu có nguy hiểm không phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Hầu hết các trường hợp nổi mạch máu do giãn mao mạch sẽ không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, triệu chứng bệnh có thể khiến người bệnh khó chịu, gây phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp giãn mao mạch nghiêm trọng có thể dẫn đến biến chứng viêm mao mạch chân, vỡ mao mạch dẫn đến tắc nghẽn lưu thông máu.
Trường hợp nổi mạch máu chân do giãn tĩnh mạch, người bệnh có nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm như:
Giãn vỡ tĩnh mạch: Lượng máu thoát khỏi mạch gây hội chứng chèn ép khoang, chèn ép mạch máu nuôi dẫn đến hoại tử chi. Ngoài ra, máu chảy vào các ổ khớp dẫn đến thoái hoá và mất chức năng khớp.
Nhịp nhanh trên thất: Xảy ra khi tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng máu thiếu hụt đã ứ đọng tại tĩnh mạch. Tình trạng này gây rối loạn nhịp tim, khiến người bệnh đau tức ngực, khó thở và choáng váng.
Lở loét chân: Ứ đọng máu tĩnh mạch làm giảm tuần hoàn máu nuôi đến chân. Điều này khiến các mô trên chân bị thiếu dinh dưỡng và oxy và khiến các vết thương hở khó lành, dễ hình thành ổ loét, hoại tử.
Huyết khối tĩnh mạch sâu: Xảy ra khi cục máu đông hình thành ở lòng tĩnh mạch sâu gây tắc mạch và hoại tử chi. Nghiêm trọng hơn, cục máu đông có thể gây thuyên tắc phổi, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Để giảm nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm, người bệnh nên chủ động thăm khám sớm và điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ. Những trường hợp triệu chứng trở nặng hoặc có dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị cần nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ sớm nhất.
4. Lưu ý cho người có da chân mỏng nổi mạch máu
Khi da chân mỏng nổi mạch máu, bạn cần chú ý một số điều sau để hạn chế triệu chứng khó chịu và giảm nguy cơ biến chứng:
Chống nắng đầy đủ: Bằng cách kem chống nắng cho cơ thể kết hợp với các biện pháp che chắn cho da kỹ càng mỗi khi phải di chuyển hoặc hoạt động trong thời tiết nắng nóng.
Hạn chế dùng nước nóng: Người bị lộ mạch máu trên da không nên ngâm chân nước ấm hay dùng nước quá nóng để tắm. Nhiệt độ nóng khiến mạch máu giãn rộng và khiến triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Tránh lạm dụng corticoid: Gồm các loại kem trộn hay các thuốc điều trị tại chỗ. Để đảm bảo an toàn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay sản phẩm kem bôi nào trên vùng da này.
Dinh dưỡng khoa học: Tăng cường thực phẩm giàu vitamin và chất chống oxy hóa giúp bảo vệ thành mạch, hỗ trợ tuần hoàn. Ngoài ra, bạn cần hạn chế thực phẩm không tốt như: đồ uống có cồn, cafein, thuốc lá,…
Làm việc phù hợp: Hạn chế mang vác nặng. Với những người phải đứng hoặc ngồi làm việc một chỗ trong thời gian dài, bạn cần chủ động thay đổi tư thế, co duỗi chân để thúc đẩy tuần hoàn máu.
Tập luyện hợp lý: Tập thể dục giúp hỗ trợ tuần hoàn và tăng sức bền thành mạch. Bạn nên lựa chọn những bài tập phối hợp toàn thân, nâng cao chân và hạn chế động tác quá mạnh, gây sức ép lên vùng chân.
Da mỏng lộ mạch máu trên chân không phải là vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý. Để kiểm soát bệnh tốt và tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm, bạn nên chủ động thăm khám sớm và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.