Mang thai là khoảng thời gian kỳ diệu nhưng cũng đầy biến động với mỗi mẹ bầu. Những thay đổi trong cơ thể điển hình tình trạng phù chân có thể khiến mẹ cảm thấy khó chịu và bất tiện hơn rất nhiều. Nhiều mẹ bầu được “mách nước” rằng đi bộ sẽ giúp giảm triệu chứng phù chân. Vậy, thông tin này có thật sự chính xác? Bài viết hôm nay sẽ giúp mẹ hiểu kỹ hơn về vấn đề này.
Mục lục
1. Bà bầu thường bị phù chân ở tháng thứ mấy?
Phù chân có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ nhưng phổ biến nhất là 3 tháng cuối. Tình trạng này xảy ra khi có hiện tượng thoát dịch vào khoảng kẽ, gây ứ đọng dịch ở các tổ chức dưới da. Phần dịch ứ đọng này chủ yếu là nước, đôi khi có thể kèm theo sự tích tụ protein hoặc chất lỏng giàu protein nếu mẹ bầu bị nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn bạch huyết.
Mẹ bầu có thể phát hiện triệu chứng phù chân thông qua một vài dấu hiệu gồm:
- Phù rõ ràng nhất từ phần cổ chân xuống bàn chân với biểu hiện chân bị sưng, phù nề, mắt cá chân phẳng lỳ.
- Ấn vào nơi phù thấy da lõm xuống.
- Vùng da chân bị phù nhạt màu hơn các vị trí khác trên cơ thể.
- Giảm lượng nước tiểu.
- Cân nặng có thể tăng đều mỗi ngày.
Phù chân khi mang thai có thể xảy ra ở 8/10 mẹ bầu. Ngoài vị trí chân, phù nề có thể xuất hiện ở các vị trí khác trên cơ thể như: bàn tay, cánh tay và trên mặt. Khi bị phù, mẹ bầu cần chủ động thăm khám để làm rõ nguyên nhân và kịp thời kiểm soát những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hỏi đáp:Bà bầu phù chân mấy lần thì sinh?
2. Nguyên nhân gây phù chân ở bà bầu
Phù chân ở mẹ bầu có thể là hiện tượng sinh lý nhưng cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý. Dưới đây là phân tích về từng nhóm nguyên nhân cụ thể:
2.1 Nguyên nhân sinh lý
Phù chân sinh lý khi mang thai xảy ra do những biến đổi sinh lý trong cơ thể của mẹ bầu, bao gồm:
Thay đổi nội tiết tố: Nồng độ hormone progesterone tăng nhanh trong 3 tháng đầu thai kỳ làm chậm tốc độ tiêu hóa, gây giãn tĩnh mạch, khiến thành mạch mềm hơn, cản trở máu di chuyển từ chân về tim, khiến chân bị phù nề nhẹ.
Tăng thể tích máu: Ở 3 tháng giữa thai kỳ, cơ thể mẹ bầu có thể sản xuất thể tích máu nhiều hơn 50% so với bình thường để nuôi dưỡng thai nhi. Điều này kết hợp với cơ thể mẹ bầu tăng giữ nước do yếu tố nội tiết làm tăng thoát dịch ra khoảng kẽ, giảm tuần hoàn ở hệ tĩnh mạch xa tim, gây nên hiện tượng phù chân.
Sự phát triển của thai nhi và tử cung: Tử cung và em bé phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch ở vùng chậu, cản trở tuần hoàn máu từ tĩnh mạch chi dưới về tim. Điều này làm tăng lượng máu ứ đọng trong lòng mạch khiến chân bị sưng phù.
Bên cạnh những những biến đổi sinh lý của cơ thể, tình trạng phù chân khi mang thai còn có thể xảy ra do một số tác động từ bên ngoài như: mẹ bầu phải đứng nhiều, cơ thể mất nước, thời tiết nóng bức, chế độ ăn nhiều natri, thiếu kali,….
2.2 Nguyên nhân bệnh lý
Phù chân khi mang thai cũng có thể xuất hiện trong trường hợp mẹ bầu có tiền sử hoặc mới mắc một số bệnh lý khi mang thai như:
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng hệ thống van một chiều và tĩnh mạch chân bị suy giảm chức năng và phình giãn. Điều này làm tăng lượng máu ứ đọng trong lòng mạch, tăng áp lực lên thành mạch dẫn đến tăng thoát dịch lòng mạch gây phù chân.
Tình trạng này kết hợp với các biến đổi sinh lý trong thai kỳ khiến mẹ bầu có thể bị phù chân sớm và nặng nề hơn so với bình thường. Mẹ có thể nhận biết bệnh lý suy giãn tĩnh mạch thông qua các dấu hiệu như:
- Tê ngứa, căng tức da chân.
- Đau nhức chân, đặc biệt là vùng bắp chân.
- Nổi tĩnh mạch xanh tím li ti hoặc ngoằn ngoèo trên bề mặt da.
- Chân nặng mỏi, tê bì, chuột rút ban đêm.
- Rối loạn sắc tố da gây các mảng bầm tím, thường gặp ở vị trí mắt cá.
- Trường hợp nặng có thể xuất hiện tình trạng loạn dưỡng, lở loét chân.
Suy giãn tĩnh mạch ở mẹ bầu có thể tiến triển thành biến chứng huyết khối tĩnh mạch chân tiến triển thành thuyên tắc phổi đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của mẹ.
Xem thêm: Suy giãn tĩnh mạch chân ở bà bầu điều trị thế nào?
Tiền sản giật
Tiền sản giật là tình trạng huyết áp tăng cao bất thường trong thai kỳ với triệu chứng điển hình là phù chân nặng nề. Tình trạng này làm giảm lưu lượng máu thai nhi có thể gây khiến thai chậm phát triển, tăng nguy cơ sinh non và gây nguy hiểm cho mẹ.
Một số dấu hiệu của tình trạng tiền sản giật gồm:
- Chân tay, mặt sưng, phù nề nghiêm trọng.
- Thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, mờ mắt.
- Xuất hiện các cơn đau đầu dữ dội.
- Thường bị đau bụng, đặc biệt là vị trí bụng trên bên phải.
- Khó thở, mệt mỏi, hay quên.
Xơ gan
Xơ gan xảy ra khi có các tổn thương sẹo trong gan gây cản trở chức năng gan. Tình trạng này có thể khiến hoạt động nội tiết bị biến đổi, tăng áp suất trong mạch máu lớn (cổng tĩnh mạch). Hệ quả là tăng ứ đọng chất lỏng ở chân và ổ bụng, gây trướng bụng và phù chân.
Một số dấu hiệu của bệnh xơ gan như:
- Đau hạ sườn phải.
- Người mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
- Vàng da, thường xuyên mẩn ngứa.
- Mắt đỏ, lòng bàn tay son.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Suy tim xung huyết
Suy tim xung huyết xảy ra khi một hoặc hai buồng tâm thất giảm khả năng bơm máu dẫn đến giảm tuần hoàn ở hệ thống tĩnh mạch xa chân. Hệ quả là máu ứ đọng ở chân nhiều hơn gây ra triệu chứng phù nề ở chân, rõ ràng nhất là ở vị trí mắt cá và bàn chân.
Một số dấu hiệu của suy tim sung huyết gồm:
- Rối loạn nhịp tim.
- Khó thở, hay thở khò khè.
- Người mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn.
- Xây xẩm mặt mày, thường xuyên hoa mắt, chóng mặt.
- Tăng cân khó giải thích.
Bệnh lý về thận
Các tổn thương tại thận có thể làm giảm chức năng lọc cầu thận, khiến cơ thể tăng giữ nước, protein và natri trong máu dẫn đến phù nề. Phù do thận thường tập trung ở vị trí chân và xung quanh mắt.
Một số dấu hiệu thường gặp trong bệnh thận gồm:
- Giảm lượng nước tiểu.
- Người mệt mỏi, ăn uống không ngon, hay buồn nôn.
- Hay bị khó thở.
- Đau hoặc thấy nặng nề ở ngực.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Thường xuyên bị ngứa ngáy.
Phù chân khi mang thai có thể nguy hiểm hoặc không. Để đảm bảo an toàn cho mình và em bé, mẹ bầu cần thăm khám định kỳ để làm rõ nguyên nhân, phát hiện và kiểm soát kịp thời khi có bất thường.
3. Lợi ích của đi bộ với mẹ bầu
Trong thai kỳ bình thường, mẹ bầu được khuyến khích thực tập luyện các bài tập nhẹ nhàng mỗi ngày, điển hình như đi bộ. Những lợi ích mà mẹ bầu có thể nhận được khi đi bộ gồm:
- Giảm nguy cơ tiền sản giật: Đi bộ giúp điều hòa nhịp tim và tuần hoàn, qua đó hạn chế nguy cơ tăng huyết áp cao và đột ngột trong thời gian mang thai.
- Giảm táo bón: Đi bộ mỗi ngày giúp điều hòa nhu động ruột, giảm áp lực cho ổ bụng, kích thích quá trình tiêu hóa từ đó ngăn chặn tình trạng táo bón kéo dài khi mang thai.
- Kiểm soát cân nặng: Đi bộ là cách giúp mẹ bầu tiêu thụ năng lượng hiệu quả trong thời gian mang thai. Điều này hạn chế nguy cơ tăng cân quá mức, góp phần giữ gìn vóc dáng cho mẹ trong suốt thai kỳ.
- Tăng tuần hoàn máu: Bất cứ hoạt động thể chất nào cũng giúp tăng tuần hoàn máu, bao gồm cả đi bộ. Điều này giúp tăng dinh dưỡng và oxy đến nuôi dưỡng thai nhi, tạo điều kiện thuận lợi cho em bé trong bụng mẹ.
Những mẹ bầu hoàn toàn khỏe mạnh được khuyến khích đi bộ khoảng 150 phút/ tuần. Trong thời gian đi bộ, nếu mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó thở, đau nhức chân tay hoặc khó chịu ở bụng thì cần ngưng tập và tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn điều chỉnh.
4. Bà bầu bị phù chân có nên đi bộ không?
Bầu bị phù chân có nên đi bộ không phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân khởi phát triệu chứng này. Cụ thể, những mẹ bầu phù chân do biến đổi sinh lý cơ thể được khuyến khích đi bộ mỗi ngày nhằm kích thích tăng tuần hoàn máu, cải thiện triệu chứng phù nề, căng thẳng ở chân. Trường hợp này, mẹ có thể duy trì thói quen đi bộ từ 10 – 15 phút/ ngày hoặc tùy theo tình trạng sức khỏe.
Ngược lại, những mẹ bầu bị phù chân do bệnh lý cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện. Tùy vào tình trạng sức khỏe hiện tại của mẹ mà bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi đưa ra hướng dẫn cụ thể.
Ví dụ, đối với mẹ bầu phù chân do suy giãn tĩnh mạch. Nếu bệnh đang trong giai đoạn tiến triển, mẹ không nên đi bộ nhiều vì có thể làm tăng triệu chứng nhức mỏi. Mặt khác, nếu bệnh đã ổn định, mẹ hoàn toàn có thể đi lại nhẹ nhàng 5 – 10 phút/ ngày kết hợp với các biện pháp hỗ trợ.
Khi mẹ bầu bị phù chân đi bộ, cần lưu ý những điều sau để giảm nguy cơ và đạt được lợi ích tối đa từ bài tập này:
- Lựa chọn những loại giày có chất lượng tốt, kích thước vừa vặn, độ bám tốt, không gây chèn ép lên chân trong thời gian tập luyện.
- Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể trước, trong và sau khi đi bộ.
- Không nên đi bộ khi bụng đói hoặc no, thay vào đó, mẹ bầu nên ăn nhẹ khoảng 30 phút trước khi đi bộ.
- Nên đi bộ ở những nơi có không khí trong lành, địa hình bằng phẳng.
- Điều chỉnh cường độ đi bộ phù hợp với sức khỏe của mình, không nên đi bộ quá nhanh hoặc quá lâu.
Hỏi đáp: Đi bộ bị nóng ran, ngứa rát chân là do đâu?
5. Bị phù chân nên làm gì, tránh làm gì?
Thói quen sinh hoạt hàng ngày không chỉ ảnh hưởng đến tình trạng phù chân mà còn tác động đến sức khỏe chung của cả cơ thể. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể cho mẹ bầu bị phù chân trong suốt thai kỳ.
Những việc cần tránh thực hiện
Phù chân xảy ra do giảm tuần hoàn máu từ chân về tim. Vì vậy, tất cả những hoạt động làm tăng tình trạng này cần được mẹ bầu kiểm soát hoặc loại bỏ, điển hình như:
- Tránh ngồi hoặc đứng ở một tư thế trong thời gian quá lâu vì làm tăng áp lực và tăng máu ứ đọng trong lòng tĩnh mạch.
- Tránh tư thế ngồi vắt chéo vì có thể gây chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch, cản trở máu từ tĩnh mạch về tim.
- Tránh mặc các loại quần áo, đeo giày dép quá bó, quá chặt vì tăng chèn ép lên tĩnh mạch, tăng hiện tượng thoát dịch ngoài lòng mạch.
- Tránh hoạt động trong môi trường nắng nóng trong thời gian dài vì có thể khiến cơ thể bị mất nước, rối loạn điện giải và tăng triệu chứng phù.
- Tránh để cân nặng tăng nhanh và nhiều quá mức vì làm lượng chất lỏng trong cơ thể tăng lên đột ngột đồng thời tăng áp lực lên tĩnh mạch, cản trở máu lưu thông.
- Tránh ăn quá mặn vì làm tăng giữ nước trong cơ thể, từ đó tăng nặng triệu chứng phù.
- Không sử dụng các sản phẩm chứa chất kích thích trong thời gian mang thai gồm: rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…
- Tránh nóng hoặc ngâm chân nước ấm vì có thể gây giãn mạch, khiến máu tích tụ ở chân nhiều hơn.
Những việc nên thực hiện
Những hoạt động thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện tình trạng ứ máu trong lòng mạch và kiểm soát các nguy cơ về sức khỏe được khuyến khích thực hiện khi mẹ bầu bị phù chân, cụ thể như:
- Thăm khám sức khỏe định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ hoặc ngay khi thấy cơ thể có bất thường.
- Nghiêm túc tuân thủ các chỉ định điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Duy trì thói quen tập luyện những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe mỗi ngày.
- Điều chỉnh cân đối các nhóm thực phẩm với hàm lượng dinh dưỡng phù hợp
- Tăng cường bổ sung các nhóm chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi như: sắt, acid folic, canxi, dha,… Tham khảo thêm: Cách uống sắt canxi và vitamin tổng hợp cho bà bầu
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, khoảng 35g/kg/ ngày.
- Nên nằm nghiêng trái, gác chân lên cao, dùng gối mỏng kê giữa hai chân, bụng và đỡ ở lưng.
Tham khảo: Các loại gối kê chân cho người bị giãn tĩnh mạch
Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc: Bà bầu bị phù chân có nên đi bộ không? Hi vọng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích, giúp bạn đọc lựa chọn được hướng xử trí phù hợp khi gặp phải tình trạng này. Nếu có thắc mắc, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để được tư vấn, giải đáp chi tiết. Chúc mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh.